BÀI 31: TIẾN HOÁ LỚN
- Tiến hoá nhỏ: là quá trình biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể từ thế hệ này sang thế hệ khác dẫn đến hình thành loài mới
- Tiến hoá lớn: là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài (họ, bộ, lớp …) diễn ra trên qui mô lớn, trong thời gian lịch sử dài.
I. TIẾN HÓA LỚN VÀ VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI THẾ GIỚI SỐNG
- Tiến hóa lớn nghiên cứu về quá trình hình thành các đơn vị phân loại trên loài và mối quan hệ tiến hóa giữa các loài giúp làm sáng tỏ sự phát sinh và phát triển của toàn bộ sinh giới trên trái đất.
- Sự phân loại đó dựa trên sự giống nhau về các đặc điểm hình thái, hóa sinh và sinh học phân tử giúp chúng ta có thể phát họa nên cây phát sinh chủng loại.
- Dựa trên một số đặc điểm chung nhất định: nhiều loài --> chi ; nhiều chi --> họ ; nhiều họ--> bộ ; nhiều bộ --> lớp...
- Tốc độ tiến hóa hình thành loài ở các nhóm sinh vật khác nhau là khác nhau
- Nghiên cứu về tiến hóa lớn cho thấy một số chiều hướng tiến hóa khác nhau như:
+ Các loài sinh vật đều được tiến hóa từ tổ tiên chung theo kiểu tiến hóa phân nhánh tạo nên một thế giới sinh vật vô cùng đa dạng. Sự đa dạng về các loài có được là do tích lũy dần các đặc điểm thích nghi trong quá trình hình thành các loài
+ Một số nhóm sinh vật đã tiến hóa theo hướng tăng dần mức độ tổ chức của cơ thể từ đơn giản đến phức tạp. Một số khác lại tiến hóa theo hướng đơn giản hóa mức độ tổ chức của cơ thể thích nghi với môi trường. Một số nhóm sinh vật như các loài vi khuẩn,vẫn giữ nguyên cấu trúc đơn bào nhưng tiến hóa theo hướng đa dạng hóa các hình thức chuyển hóa vật chất thích nghi cao độ với các môi trường sống khác nhau.
\Ví dụ cách thức phân loại các cấp tổ chức trên loài
II. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM VỀ TIẾN HÓA
- Năm 1988, ông Borax và các cộng sự đã làm thí nghiệm với tảo lục đơn bào, Chlorella vulgaris. Họ đã nuôi tảo trong môi trường có loài thiên địch chuyên ăn tảo. Sau một vài thế hệ, trong môi trường đã xuất hiện các khối tế bào hình cầu và sau 20 thế hệ hầu hết các tập hợp hình cầu bao gồm 8 tế bào. Sau 100 thế hệ, các tập hợp 8 tế bào hình cầu chiếm tuyệt đại đa số. Như vậy dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên các tế bào đã có khả năng tập họp nhau lại để tránh sự tiêu diệt của kẻ thù. Đây được xem là bước đầu tiên tạo tiền đề cho sự hình thành các cơ thể đa bào.
- Những thành tựu về sinh học phân tử và sinh học phát triển cho chúng ta thấy chỉ cần đột biến ở một số gen điều hòa có thể dẫn đến sự xuất hiện các đặc điểm hình thái hoàn toàn mới
Ví dụ: đột biến làm đóng mở các gen nhầm thời điểm, nhầm vị trí cũng có thể tạo nên những đặc điểm hình thái bất thường (ruồi giấm 4 cánh, sự phát triển không giống nhau của các cơ quan giống nhau trên cơ thể tinh tinh và người)
Bài 1: Giải thích quá trình tiến hoá lớn hình thành nên các đơn vị phân loại trên loài bằng sơ đồ tiến hoá phân nhánh?
Có thể vẽ sơ đồ chung giống như một cái cây có nhiều cành, với nhiều tầng, nhiều lớp. Các nhóm loài trên cùng một cành gốc nhỏ có thể coi như thuộc cùng một chi, nhiều cành gốc lại gộp lại thành một đơn vị phân loại lớn hơn và cứ thế tiếp tục.
Bài 2: Tại sao bên cạnh những loài có tổ chức cơ thể rất phức tạp vẫn tồn tại những loài có cấu trúc khá đơn giản?
Bên cạnh những loài có cấu tạo cơ thể phức tạp vẫn có rất nhiều loài có cấu tạo đơn bào đơn giản như các loài vi khuẩn. Lí do đơn giản là quá trình tiến hoá luôn duy trì những quần thể sinh vật thích nghi nhất. Các loài vi khuẩn có kích thước nhỏ, cấu tạo đơn giản lại có lợi thế thích nghi nhanh chóng với môi trường. Trên cùng một đơn vị thời gian tiến hoá, do chúng sinh sản nhanh, đột biến phát sinh nhanh nên nhanh chóng tạo ra các quần thể thích nghi.
Bài 3: Một số loài trong quá trình tiến hoá lại tiêu giảm một số cơ quan thay vì tăng số lượng các cơ quan. Nguyên nhân nào sau đây giải thích đúng về hiện tượng này?
A. Do môi trường sống thay đổi đã tạo ra những đột biến mới.
B. Sự tiêu giảm cơ quan giúp sinh vật thích nghi tốt hơn.
C. Có xu hướng tiến hoá quay về dạng tổ tiên.
D. Tất cả các nguyên nhân nêu trên đều đúng.
Câu 1: Nội dung cơ bản của định luật Hacdi-Vanbec là:
A. Tỉ lệ các kiểu hình trong quần thể được duy trì ổn định.
B. Trong quần thể giao phối tự do, tần số tương đối của các alen thuộc mỗi gen được duy trì ổn định qua các thế hệ.
C. Tỉ lệ các kiểu gen trong quần thể được duy trì ổn định.
D. Tỉ lệ dị hợp tử giảm dần, tỉ lệ đồng hợp tử tăng dần.
Câu 2: Cây có hoa ngự trị ở kỉ
A. Đệ tam
B. Tam điệp
C. Phấn trắng
D. Đệ tứ
Câu 3: Sau khi tách ra từ tổ tiên chung, nhánh vượn người cổ đại đã phân hóa thành nhiều loài khác nhau, trong số đó có một nhánh tiến hóa hình thành chi Homo. Loài xuất hiện đầu tiên trong chi Homo là
A. Homo sapiens
B. Homo habilis
C. Homo neanderthalensis
D. Homo erecrus
Câu 4: Tiến hóa nhỏ là
A. quá trình làm biến đổi trên quy mô lớn, trải qua hàng triệu năm làm xuất hiện các đơn vị phân loại trên loài.
B. quá trình làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần xã.
C. quá trình làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể.
D. cả A và B
Câu 5: …là di tích của các sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ Trái Đất.
A. Cổ sinh vật học. B. Sinh vật nguyên thủy.
C. Hóa thạch. D. Sinh vật cổ.
Câu 6: Bò sát xuất hiện ở kỉ
A. Pecmi B. Đêvôn C. Than đá D. Tam điệp.
Câu 7: Đại địa chất nào đôi khi còn được gọi là kỉ nguyên của bò sát?
A. Đại Trung sinh. B. Đại Tân sinh. C. Đại Cổ sinh. D. Đại thái cổ.
Câu 8: Quá trình tiến hóa của sự sống trên Trái Đất có thể chia thành các giai đoạn
A. tiến hóa hóa học, tiến hóa tiền sinh học.
B. tiến hóa hóa học, tiến hóa sinh học.
C. tiến hóa tiền sinh học, tiến hóa sinh học.
D. tiến hóa hóa học, tiền hóa tiền sinh học, tiến hóa sinh học.
Câu 9: Động lực của CLTN là
A. các tác nhân của các điều kiện sống trong tự nhiên.
B. sự đào thải các biến dị không có lợi và tích lũy các biến dị có lợi.
C. sự đấu tranh sinh tồn của các cơ thể sống.
D. Nhu cầu, thị hiếu nhiều mặt của con người.
Câu 10: Từ quần thể 2n, người ta tạo ra được quần thể cây 4n. Quần thể cây 4n có thể xem là một quần thể mới vì
A. quần thể cây 4n có sự khác biệt với quần thể cây 2n về số lượng NST.
B. quần thể cây 4n không thể giao phấn được với các cây của quần thể 2n.
C. quần thể cây 4n giao phấn được với các cây của quần thể 2n cho ra cây lai 3n bị bất thụ.
D. quần thể cây 4n có các đặc điểm hình thái như kích thước các cơ quan sinh dưỡng lớn hơn hẳn cây của quần thể 2n.
Câu 11: Đại trung sinh gồm các kỉ:
A. Đêvôn, Jura, Cambri. B. Than đá, Tam điệp, Pecmi
C. Phấn trắng, Than đá, Tam điệp. D. Phấn trắng, Jura, Tam điệp.
Câu 12: Nhân tố quy định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các giống vật nuôi, cây trồng là
A. CLTN.
B. đấu tranh sinh tồn ở vật nuôi, cây trồng.
C. chọn lọc nhân tạo.
D. biến dị cá thể ở vật nuôi, cây trồng.
Câu 13: Trong một hồ ở châu Phi, người ta thấy có hai loài cá giống nhau về một số đặc điểm hình thái và chỉ khác nhau về màu sắc, một loài màu đỏ và một loài có màu xám. Mặc dù, cùng sống trong một hồ nhưng chúng không giao phối với nhau. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học nuôi các cá thể của hai loài này trong một bể cá có chiếu ánh sáng đơn sắc làm chúng cùng màu thì các cá thể của hai loài lại giao phối với nhau và sinh con. Ví dụ trên thể hiện con đường hình thành loài bằng
A. cách li sinh sản. B. cách li địa lí. C. cách li tập tính. D. cách li sinh thái.
Câu 14: Tiến hóa tiền sinh học là giai đoạn tiến hóa hình thành
A. các cơ thể đơn bào đơn giản, các loài sinh vật như ngày nay dưới tác động của các nhân tố tiến hóa.
B. các tế bào sơ khai và sau đó hình thành những tế bào sống đầu tiên.
C. các hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ.
D. cả A và C
Câu 15: Khi nào ta có thể kết luận chính xác hai quần thể sinh vật nào đó thuộc hai loài khác nhau?
A. Khi hai quần thể đó có đặc điểm sinh hóa giống nhau.
B. Khi hai quần thể đó sống trong hai sinh cảnh khác nhau.
C. Khi hai quần thể đó có đặc điểm hình thái giống nhau.
D. Khi hai quần thể đó cách li sinh sản với nhau.
Câu 16: Tiến hóa hóa học là giai đoạn tiến hóa hình thành
A. các hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ.
B. các hợp chất vô cơ phức tạp từ các hợp chât vô cơ đơn giản.
C. các tế bào sơ khai.
D. cả A và C.
Câu 17: Câu nào dưới đây nói về vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài là đúng nhất?
A. Môi trường địa lí khác nhau là nguyên nhân chính tạo nên cách li địa lí.
B. Cách li địa lí luôn dẫn đến cách li sinh sản.
C. Không có cách li địa lí thì không thể hình thành loài mới.
D. Cách li địa lí có thể dẫn đến hình thành loài mới qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp.
Câu 18: Động lực của chọn lọc nhân tạo là
A. sự đào thải các biến dị không có lợi.
B. nhu cầu, thị hiếu nhiều mặt của con người.
C. sự tích lũy các biến dị có lợi.
D. các tác động của các điều kiện sản xuất như: thức ăn, kĩ thuật chăm sóc,…
Câu 19: Đại Cổ sinh gồm các kỉ:
A. Pecmi, Than đá, Đêvôn, Silua, Jura, Cambri.
B. Pecmi, Than đá, Đêvôn, Silua, Ôcđôvi, Cambri.
C. Pecmi, Than đá, Đêvôn, Silua, Tam điệp, Cambri.
D. Pecmi, Than đá, Đêvôn, Silua, Phấn trắng, Cambri.
Câu 20: Theo thuyết tiến hóa hiện đại, đơn vị tiến hóa cơ sở ở các loài giao phối là
A. quần thể B. nòi C. cá thể D. loài
Câu 21: Vai trò chủ yếu của chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa nhỏ là
A. phân hóa khả năng sống sót của các cá thể có giá trị thích nghi khác nhau.
B. phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể.
C. quy định chiều hướng biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể.
D. quy định nhịp điệu biến đổi vốn gen của quần thể.
Câu 22: Đại Tân Sinh gồm các kỉ:
A. Phấn trắng, Đệ tam. B. Phấn trắng, Đệ Tứ.
C. Than Đá, Đệ tam. D. Đệ tam, Đệ tứ.
Câu 23: Tại sao đột biến gen thường có hại cho cơ thể sinh vật nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa?
I/ Tần số đột biến gen trong tự nhiên là không đáng kể nên tần số alen đột biến có hại là rất thấp.
II/ Gen đột biến có thể có hại trong tổ hợp gen này nhưng lại có thể trở nên vô hại hoặc có lợi trong tổ hợp gen khác.
III/ Đột biến gen có thể có hại trong môi trường này nhưng lại có thể vô hại hoặc có lợi trong môi trường khác.
IV/ Đột biến gen thường có hại nhưng nó thường tồn tại ở trạng thái dị hợp tử nên không gây hại.
Câu trả lời đúng nhất là:
A. II và III B. I và III C. I và II D. II và IV
Câu 24: Căn cứ vào những biến đổi lớn về địa chất, khí hậu và hóa thạch điển hình, người ta chia lịch sử sống thành 5 đại địa chất lần lượt là:
A. Thái cổ, Nguyên sinh, Cổ sinh, Trung sinh, Tân sinh
B. Thái cổ, Trung sinh, Cổ sinh, Tân sinh, Nguyên sinh.
C. Thái cổ, Cổ sinh, Trung sinh, Tân sinh, Nguyên sinh
D. Thái cổ, Nguyên sinh, Trung sinh, Tân sinh, Cổ sinh.
Câu 25: Loài bông trồng ở Mĩ có bộ NST 2n = 52, trong đó có 26 NST lớn và 26 NST nhỏ. Loài bông của châu Âu có bộ NST 2n = 26 gồm toàn NST lớn. Loài bông hoang dại ở Mĩ có bộ NST 2n = 26 NST nhỏ. Cách giải thích nào sau đây là đúng nhất về cơ chế hình thành loài bông mới có bộ NST 2n = 52 NST?
A. Loài bông này được hình thành bằng con đường lai xa kèm theo đa bội hóa.
B. Loài bông này được hình thành bằng cách lai xa giữa loài bông của châu Âu và loài bông hoang dại ở Mĩ.
C. Loài bông này được hình thành bằng con đường đa bội hóa.
D. Loài bông này có lẽ đã được hình thành bằng con đường cách li địa lí.
Câu 26: Ngày nay không còn khả năng sự sống tiếp tục hình thành từ các chất vô cơ theo phương thức hóa học vì
A. chất hữu cơ hiện nay trong thiên nhiên chỉ được tổng hợp theo phương thức sinh học trong các cơ thể sống.
B. nếu chất hữu cơ được tạo thành ngoài cơ thể sống sẽ bị vi khuẩn phân hủy.
C. thiếu những điều kiện lịch sử cần thiết.
D. cả A, B và C
Câu 27: Quần thể sinh vật chỉ tiến hóa khi
A. có cấu trúc đa hình.
B. tần số alen và tần số các kiểu gen của quần thể duy trì không đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
C. các các thể trong quần thể giao phối ngẫu nhiên với nhau.
D. thành phần kiểu gen hay cấu trúc di truyền của quần thể biến đổi qua các thế hệ.
Câu 28: Dạng vượn người được xem là có họ hàng gần gũi nhất với loài người hiện đại là
A. vượn B. đười ươi C. tinh tinh D. gôrila
Câu 29: Câu nào trong số các câu dưới đây nói về CLTN đúng với quan niệm của Đacuyn?
A. CLTN thực chất là sự phân hóa về khả năng sinh sản của các kiểu gen.
B. CLTN thực chất là sự phân hóa về khả năng sinh sản của các cá thể có các kiểu gen khác nhau.
C. CLTN thực chất là sự phân hóa khả năng sống sót của các cá thể.
D. Cả A, B và C
Câu 30: Đặc điểm quan trọng trong sự phát triển của sinh vật trong đại Cổ sinh là
A. phát sinh thực vật và các ngành động vật.
B. sự phát triển cực thịnh của bò sát.
C. sự tích lũy ôxi trong khí quyển, sinh vật phát triển đa dạng và phong phú.
D. sự di cư của động vật và thực vật từ nước lên cạn.