Bài viết số 1 lớp 11 đề 1: Đọc truyện "Tấm Cám", anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
Tấm Cám là một câu truyện cổ tích kinh điển của dân tộc Việt Nam . Nó mang đậm tính chất giáo dục con người. Thông wa câu chuyện cuộc đời cô Tấm, câu chuyện đã đánh bật lên mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Tôi đã nghe bà kể từ lâu nhưng giờ đây khi có cơ hội ngồi suy nghĩ và phân tích tôi mới có thể cảm nhận được bài học đạo lý mà câu chuyện này muốn truyền đạt. Sớm mồ côi cha mẹ,cô Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của gì ghẻ và Cám.Hằng ngày cô phải làm mọi công việc chỉ để đổi lấy đòn roi của gì và những câu mắng chửi của em.Cuộc sống cứ như thế trôi wa để lại cho cô gái hiền lành những vết thương khó có thể lành. Không ai biết về cô, không ai làm bạn cùng cô trong những đêm buồn tủi cô Tấm chỉ biết khóc. Dù nỗi đau nối tiếp nỗi đau, vết thương in thêm nhưng vết thuong nhưng cô vẫn giữ trọn chữ hiếu cùng gì và nghĩa với đứa em cay ác. Nếu tôi được nói một câu cùng cô, tôi sẽ nói rằng Cô yếu đuối wá cô Tấm àh! Hạnh phúc thật sự chỉ do bản thân mình tự mang lại mà thôi, vậy tại sao cô không thử đừng dậy đấu tranh cho bản thân mình? Từ xưa đến nay, hình ảnh cô Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Cô Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và cô rất hiếu thảo. Nhưng cô không được sống trong hạnh phúc thứ mà đáng lẽ cô phải được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình. Việc hằng ngày gì ghẻ và Cám luôn ngược đãi cô Tấm đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy được mâu thuẫn xã hội đã hình thành từ rất lâu. Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng thể có một xã hội với tất cả nhưng công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng. Trở lại cùng câu chuyện của cô Tấm, ở đoạn kết chúng ta thấy được một kết thúc đẹp cho nhân vật chính của chúng ta nhưng ít ai nhận ra rằng để đạt được hạnh phúc đó thì cô Tấm đã phải đứng đấu tranh vô cùng vất vả. Cô chết đi và sống lại bao nhiêu lần để có được cái hạnh phúc ấy? Giả sử câu chuyện ấy kết thúc tại thời điểm cô Tấm chết, Cám làm hoànng hậu và hạnh phúc sông cùng vua và người mẹ độc ác của mình đến cuối đời thì sao? Lúc đó bạn sẽ không thể 1 lần nhìn thấy 2 tiếng "hòa bình" trong xã hội này đâu. Khi ấy những gì mà trẻ con đến trường nhận được là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ. Hãy tưởng tượng mộ buổi sáng bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cụ vấp ngã và tất cả mọi người chung quang bạn vẫn dửng dưng bước đi? Tưởng tượng rằng bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xit ??? Và thử tưởng tượng rằng một ngày nọ... Đèn đỏ, xe cộ đậu chỉnh tề ngay sau vạch trắng. Một va chạm xảy ra và hai thanh niên rồi rít xin lỗi nhau. Anh cảnh sát giao thông nhìn cả hai trìu mến rồi tặng mỗi người một cai nón bảo hiểm. Sếp đứng ở cổng, dịu dàng bắt tay từng người và hỏi lương có đủ sống không làm chị lao công xúc động nấc lên từng chập. Bản tin trên đài truyền hình cho biết giá cả đang giảm trong khi mỗi người ai cũng được tăng hai bậc lương khiến mấy chị nhà bếp vỗ tay rần rần. Ở các khu phố, người ta gõ cửa từng nhà để tặng sách giáo khoa cho trẻ. Chỉ cần một tiếng ho là xe cấp cứu chạy đến tức thời. Mưa, người dân mở cửa cho khách bộ hành trú nhờ.Tụi nhỏ thích nghịch nước khóc rấm rứt vì không tìm đâu ra một đoạn đường ngập nước. Ông giám đốc công ty giải trí tức thời lên tivi hứa sẽ xây thật nhiều công viên nước miễn phí cho bọn trẻ... Cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiên thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.Tham khảo thêm: Đọc truyện "Tấm Cám", anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
Bài viết số 1 lớp 11 đề 2: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442":
Thân Nhân Trung (1418 – 1499) tên chữ là Hậu Phủ, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, ông đỗ tiến sĩ năm 1469, từng là thành viên trong Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Là người có tài văn chương nên năm 1484, ông đã được nhà vua tin cậy giao cho soạn thảo Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba. Văn bản này giữ vai trò quan trọng như lời Tựa chung cho cả 82 tấm bia tiến sĩ ở nhà bia Văn Miếu, Hà Nội. Bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trích từ bài kí này, trong đó có câu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.Vấn đề tác giả nêu ra trong đoạn trích là khẳng định vai trò, vị trí của các bậc hiền tài đối với đất nước. Đây là một nhận định sáng suốt và đúng đắn, được chiêm nghiệm và rút ra từ thực tế thăng trầm của lịch sử nước ta, chứng tỏ người viết có tầm nhìn xa trông rộng.
Vậy hiền tài là gì và tại sao hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia ? Thế nào là hiền tài? Hiểu theo nghĩa hiển ngôn của từng từ thì hiền là ăn ở tốt với mọi người (phải đạo), hết lòng làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; tài là khả năng đặc biệt làm một việc nào đó. Hiểu rộng ra theo nghĩa hàm ngôn thì hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. Thế nào là nguyên khí? Nguyên khí là khí ban đầu tạo ra sự sống của vạn vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của xã hội, đất nước. Vậy tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia ? Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nên hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Những người được coi là hiền tài có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một triều đại nói riêng và của quốc gia nói chung. Có thể lấy rất nhiều ví dụ trong lịch sử nước ta để chứng minh cho điều đó như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ… ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có một số nhân sĩ, trí thức được đào tạo ở nước ngoài vì cảm phục đức hi sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, trở về nước trực tiếp đóng góp tài trí của mình cho sự nghiệp kháng chiến. Kĩ sư Trần Đại Nghĩa, người chế tạo ra nhiều thứ vũ khí lợi hại cho kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… đã bỏ ra bao công sức nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo ra những thứ thuốc kháng sinh quý giá để cứu chữa cho thương binh, bộ đội trên chiến trường. Nhà nông học Lương Định Của suốt đời trăn trở, nghiên cứu cải tạo ra những giống lúa mới có khả năng chống sâu rầy và cho năng suất cao để cải thiện cuộc sống nông dân, tăng nguồn lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mĩ… Đó là gương sáng của những bậc hiền tài một lòng một dạ vì quyền lợi chung của nhân dân và Tổ quốc. Như đã nói ở trên, hiền tài có vai trò quan trọng đối với sự hưng vong của đất nước. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục theo một quy củ nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng lòng tương thân, tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Ngày xưa, theo quan niệm của Khổng giáo thì việc giáo dục con người phải lấy đức làm gốc (đức giả bản dã), còn tài là phần ngọn (tài giả mạt dã). Nguyễn Trãi cũng đặt đức lên trên tài: Tài thì kém đức một vài phân. Đại thi hào Nguyễn Du cũng khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Quan niệm đúng đắn ấy còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày nay. Bác Hồ trong một lần nói chuyện với học sinh đã nhấn mạnh: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Hiền tài trước hết phải là người có đức. Trong chế độ phong kiến trước đây thì đức chính là lòng trung quân, ái quốc. Mọi suy nghĩ và hành động của các bậc hiền tài đều không ngoài bốn chữ đó. Những mưu cầu, toan tính vun vén cho lợi ích cá nhân không thể tác động và làm ảnh hưởng đến lí tưởng cao quý giúp vua, giúp nước của họ. Xét theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì họ xứng đáng là những bậc chính nhân quân tử: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không làm thay đổi, nghèo khó không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục). Hiền tài là những tấm gương quả cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên đời Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc đã tỏ rõ cho vua quan nhà Minh biết chí khí hiên ngang của người quân tử bằng tài ứng đối hùng biện của mình. Giang Văn Minh sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ danh dự của vua Nam và quốc thể nước Nam, xứng đáng là sứ thần Đại Việt. Không thể kể hết tên tuổi các hiền tài của nước Nam, đúng như Nguyễn Trãi từng viết: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có (Bình Ngô đại cáo). Tuy nhiên, lịch sử mấy nghìn năm của đất nước ta có nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, về đại cục, lịch sử luôn phát triển theo hướng đi lên; nhưng có lúc lịch sử gặp giai đoạn suy thoái, bi thương. Vận mệnh dân tộc, số phận đất nước đặt lên vai hiền tài, nhưng vì nhiều lí do, họ đã không đảm đương được trọng trách mà quốc gia giao phó. An Dương Vương oai hùng với thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm, nhưng vì chủ quan khinh địch nên đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ vì ham muốn lợi danh mà hèn nhát cam tâm làm tay sai cho quân xâm lược phương Bắc. Đó là lúc nguyên khí suy, thế nước yếu rồi xuống thấp. Điều quan trọng nhất là hiền tài thì phải thực sự có tài. Có tài kinh bang tế thế thì mới nghĩ ra được những kế sách sáng suốt giúp vua và triều đình cai trị đất nước. Tài năng quân sự lỗi lạc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn vào chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân xậm lược Mông – Nguyên. Tài năng quân sự, ngoại giao xuất sắc của Nguyễn Trãi khiến ông trở thành vị quân sư số một của Lê Lợi, có vai trò quyết định chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quét sạch mười vạn giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta. Một gương sáng hiền tài đã trở thành thần tượng không chỉ trong phạm vi đất nước mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, ông đã làm vẻ vang cho lịch sử và truyền thống bất khuất, hào hùng của đất nước. Nhắc đến ông, nhân dân ta và bè bạn năm châu yêu mến, tự hào; còn kẻ bại trận cũng phải nghiêng mình kính phục. Xưa nay, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc mở trường học và tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Sau khi quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, mở ra nền thái bình muôn thuở, vua Lê Thái Tổ đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng và nâng cao nền giáo dục của nước nhà, trong đó có việc phát hiện và đào tạo nhân tài nhằm phục vụ cho mục đích chấn hưng đất nước. Các triều đại trước, việc tuyển chọn người ra làm quan chủ yếu thông qua con đường tiến cử, nhiệm cử…, nhưng đến thời Lê thì chủ yếu là thông qua khoa cử để chọn người tài giỏi giúp vua trị nước. Vua Lê Thánh Tông viết trong chiếu dụ như sau: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phải chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ khi trải qua binh lửa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sáng. Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chỉ tiên đế, muốn cầu được hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Trong sắc dụ của mình, vua Lê Hiển Tông cũng khẳng định: Các bậc thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên. Người có tài, có đức giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay như thế nào? Nếu hiểu theo nghĩa hiền tài là người tốt, có khả năng đặc biệt làm một việc nào đó thì hiền tài hiện nay trong lĩnh vực nào cũng có. Đó là những người vượt khó để thành đạt; là những doanh nhân có tâm, có tài, sản xuất ra những hàng hoá chất lượng cao đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân, đất nước; là những nhà khoa học có nhiều công trình hữu ích, thiết thực; là những vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, hoạch định các chính sách phù hợp, khả thi để thúc đẩy nền kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội ngày càng phát triển. Tất cả hợp lại tạo nên nguyên khí quốc gia. Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài năng khiếu bẩm sinh mang tính chất truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương… thì người tài phải được phát hiện, giáo dục, đào tạo một cách nghiêm túc và bài bản để thực sự trở thành hiền tài của đất nước. Nhân tài của một đất nước không nhiều nhưng cũng không quá hiếm hoi. Để có được hiền tài, Nhà nước phải có chính sách đảo tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lí. Tạo điều kiện thuận lợi để hiền tài phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh. Nhận định của Thân Nhân Trung đúng với mọi quốc gia và mọi thời đại. Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng để trở thành hiền tài, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hổ hằng mong ước.Tham khảo thêm: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442": "Hiền tài là nguyên khí wốc gia", khí thịnh thỳ thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thỳ thế nước yếu, rồi xuống thấp".
Bài viết số 1 lớp 11 đề 3: "Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng” ( Lỗ Tấn )Em có suy nghĩ như thế nào về câu nói trên ?
Trong cuộc sống của chúng ta, mấy ai đạt được thành công mà không trải qua khó khăn gian khổ, cũng chẳng ai đạt được thành công mà không phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Sự cần cù chịu khó luôn là yếu tố chính dẫn đến thành công. Nhà văn lớn người Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói: "Trên đường thành công không có dấu chân của những người lười biếng". Thành công là hành động đạt tới mục đích bản thân đặt ra và được cả xã hội công nhận. "Đường thành công" chỉ khoảng thời gian từ lúc bắt đầu thực hiện mục đích tới lúc đạt được mục đích. "Đường thành công" tuỳ ở mỗi thì có thể dài hay ngắn. Còn "bước chân của người lười biếng" chỉ sự có mặt của sự lười biếng trên "đường thành công" của mỗi người. Những con người lười biếng là những con người không chịu lao động cho bản thân, cho xã hội. Câu nói của Lỗ Tấn khẳng định rằng muốn có được thành công, mỗi người đều phải cần cù, chăm chỉ; những người lười biếng thì không bao giờ hái được thành công. Của cải vật chất trong xã hội đều do con người tạo ra. Để có được nó, con người phải lao động: người nông dân cuốc đất, trồng cây; người công nhân vận hành máy móc; nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm,... Mỗi người đều phải chăm chỉ làm việc để gặt hái được thành công, ngoài sự chăm chỉ, họ còn phải vượt qua gian khó, có khi là cả sự thất bại. Sự cần cù ấy không phải tính bằng ngày, bằng giờ mà bằng năm tháng, có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời mình. Nhưng họ đã đạt được những thành công trong cuộc sống của mình: người nông dân làm ra hạt gạo, cây rau để nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội; người công nhân làm ra máy móc phục vụ nhu cầu thị trường; nhà khoa học có những phát minh làm thay đổi đời sống,.:. Trong số họ, còn có những người lưu danh trong sử sách. Đó là Mạc Đĩnh Chi xấu người mà tài giỏi. Nhờ chăm chỉ học tập, ông đã đỗ Trạng nguyên và đặc biệt, ông còn được vua nhà Nguyên phong làm "Lưỡng quốc Trạng nguyên" nhờ tài ứng đối khi đi sứ. Nói đến nghề thuốc phải kể đến Tuệ Tĩnh. Với ước muốn "Nam dược trị nam nhân”, ông đã chăm chỉ học tập nghề thuốc và còn đi tìm hiểu nhiều sách thuốc. Cuối cùng, ông đã trở thành thầy thuốc nổi tiếng và thực hiện được ước muốn của mình. Với tài năng của mình, ông còn nổi tiếng ở Trung Quốc khi chữa khỏi bệnh cho Vương phi của vua nhà Minh. Còn những người lười biếng chỉ muốn hưởng mà không phải làm thì chẳng mấy chốc sẽ trở nên đói nghèo. Những người như vậy thì tự lo cuộc sống của bản thân mình còn khó thì nói gì tới việc đạt tới thành công trong sự nghiệp. Một xã hội mà có nhiều những con người như vậy là một xã hội lạc hậu, chậm phát triển. Nếu mỗi người không phải là con người lười biếng mà là những con người chăm chỉ, cần cù thì việc mỗi người đi tới thành công của mình sẽ không phải là điều khó khăn. Một đất nước có những con người như vậy đồng nghĩa đó là một đất nước phát triển, hiện đại. Để nêu lên một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc sống, ông cha ta thường hay mượn hình ảnh của sự vật với nghĩa bóng có liên quan tới con người để thể hiện ý của mình. Một trong những bài học ấy được đúc kết trong câu tục ngữ hàm súc như: "Có công mài sắt, có ngày nên kim" Câu tục ngữ trên nêu một công việc tưởng chừng như khó khăn không thể làm nổi. Thế mà vẫn có người không quản ngại gian lao, không sá công phu, vẫn gắng sức làm cho kỳ được. Nghĩa đen của câu tục ngữ chỉ việc mài sắt thành kim, nhưng nếu suy ra nghĩa bóng thì đó lại là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời truyền lại cho con cháu. Đó là lời răn dạy: Có sự cần cù nhẫn nại và quyết tâm lớn thì việc gì cũng có thể thành công cho dù việc đó rất khó khăn tưởng như không thể hoàn thành được. Ngoài lời dạy từ ca dao tục ngữ, trong cuộc sống của chúng ta có biết bao tấm gương tiêu biểu. Tấm gương ấy không đâu xa lạ đó chính là Bác Hồ - người cha của dân tộc. Đất nước ta được hoà bình tự do như ngày nay chính là một phần nhờ vào lòng kiên trì, cẩn cù và chịu khó của Bác. Khi còn là chàng thanh niên trẻ tuổi, Bác đã từ biệt mọi người ra đi tìm đường cứu nước, ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để kiếm sống; làm phụ bếp trên tàu, làm người cào tuyết giữa mùa đông gió lạnh ở châu Âu và phải đi ngủ với một viên gạch nung nóng... Bao nhiêu vất vả cực nhọc Bác chẳng sờn lòng, Bác kiên trì đi đến rất nhiều các nước, các dân tộc trên thế giới để tìm hiểu con đường giải phóng dân tộc của họ. Cuối cùng, sự kiên nhẫn, chịu khó của Bác đã được đền đáp xứng đáng. Người đã tìm thấy con đường đi cho dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than: con đường cách mạng vô sản. Một tấm gương nữa rất gần gũi với chúng ta đó là anh Nguyễn Ngọc Ký. Anh bị liệt cả hai tay nhưng mong ước đến trường luôn thôi thúc anh. Thế là anh bắt đầu tập viết bằng chân. Những nét chữ đầu tiên thật khó nhưng anh không nản lòng, vẫn cần cù chịu khó và anh đã thành công. Bây giờ anh trở thành một nhà giáo ưu tú, được các em học sinh yêu quý, kính trọng. Trong lao động, nhà bác học Lương Đình Của là một tấm gương hùng hồn để chứng minh "trên đường thành công không có bước chân của người lười biếng". Để lai tạo ra một giống lúa có năng suất cao, ông phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hàng ngày, từ tờ mờ đất, ông đã ra ruộng lội bì bõm, nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Qua vài vụ lúa, một giống lúa mới được tạo thành. Chính sự kiên nhẫn, bền bỉ của ông đã đem no ấm đến cho đời. Bản thân Lỗ Tấn, nhà văn lớn của Trung Quốc, cả cuộc đời mình, ông luôn say mê với lao động nghệ thuật. Bằng tài năng, trí tuệ và sự cần cù, chăm chỉ, Lỗ Tấn được mọi người biết đến như lá cờ đầu của văn học Cách mạng Trung Quốc. Thành công ấy không dựa trên sự lười biếng mà chỉ, cần cù là nền tảng của mọi thành đạt trong cuộc sống con người. Những tác phẩm văn học được ra đời là cả một quá trình lao động lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi của người nghệ sĩ, họ âm thầm sáng tác, để lại cho đời những dấu ấn riêng không thể xoá mờ. Tất cả chúng ta, những người bình thường không phải là một vĩ nhân đều có thể thành công trên con đường sự nghiệp nếu như biết cần cù, siêng năng. Hiểu được ý nghĩa sâu xa lời dạy, mỗi chúng ta cần có ý thức rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ ta phải tập tính kiên trì, nhẫn nại. Một bài toán khó, một bài văn quá nan giải, một bài tiếng Anh quá nhiều từ... ta cũng sẽ làm xong, làm đúng nếu ta không lười biếng mà chịu khó học tập. Đây là một đức tính cần cù của người học sinh. Những câu chuyện ngụ ngôn Há miệng chờ sung hay Ôm cây đợi thỏ chính là kết cục của những con người lười biếng, cuộc sống của họ chỉ như những mảnh đời vô nghĩa trôi qua trên dòng chảy cuộn xiết của cuộc đời, không để lại một dư âm hay một tiếng nói. Nghèo đói và trộm cắp hệ quả tất yếu của kẻ lười biếng, "sống nhàn rỗi quá còn mệt hơn là làm việc". Chính vì vậy ta hãy sống và làm việc hết mình để đạt được mục đích trong cuộc đời. Để đạt được những thành công đích thực, là học sinh, mỗi chúng ta luôn phải phấn đấu, không ngừng học hỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội, cho đất nước. Câu nói "Trên đường thành công không có bước chân của người lười biếng" của nhà văn Lỗ Tấn là một bài học, kinh nghiệm sống cho chúng ta: Cần cù, chăm chỉ, không lười biếng thì sẽ đạt tới thành công. Đây là một đức tính không thể thiếu được ở mỗi người chúng ta từ lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành để vào đời.Tham khảo thêm: Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng
Bài viết số 3 lớp 11: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm: học đi đôi với hành.
Bàn về phương pháp học tập, xưa nay có rất nhiều ý kiến. Mỗi ý kiến đúc kết một kinh nghiệm quý báu góp phần rút ngắn khoảng cách trong hành trình chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Học đi đôi với hành là một trong những phương châm đó. Từ xưa tới nay, mối tương quan giữa học và hành được nhiều người quan tâm, bàn luận. Học quan trọng hơn hành hay hành quan trọng hơn học? Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? Hành là gì ? Học là hoạt động tiếp thu những tri thức cơ bản của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô giáo; học ở bạn bè; tự học qua sách vở và thực tế đời sống. Mục đích của việc học là để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung. Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học vào thực tế công việc hằng ngày. Ví dụ như người thầy thuốc đem hiểu biết của mình học được ở trường Đại học Y Dược trong suốt sáu năm để vận dụng vào việc chữa bệnh cứu người. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, sân. bay, nhà ga, công viên, trường học… Những kĩ sư cơ khí chể tạo máy móc phục vụ sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… Nông dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để thu hoạch với năng suất cao… Đó là hành. Học để hành, có nghĩa là phải học để làm cho tốt. Thực tế cho thấy có học vẫn hơn. Ông cha chúng ta đã khẳng định: Bất học bất tri lí, có nghĩa là không học thì không biết đâu là phải, là đúng. Người có học khác hẳn người vô học không phải chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở nhiều thứ khác như trình độ nhận thức, khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… Mục đích của việc học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Nếu chúng ta học những lí thuyết dù cao siêu đến đâu mà không vận dụng được vào thực tế thì đó chỉ là lí thuyết suông, tốn thời gian, tiền bạc mà vô ích, giống như truyện ngụ ngôn ngày xưa kể về người đàn ông mất bao công phu tìm thầy học nghề giết rồng để rồi suốt đời chẳng tìm thấy một con rồng nào cả. Ngược lại, hành mà không học thì không thể trôi chảy. Không có lí thuyết soi sáng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong công việc. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì tiến trình làm việc sẽ chậm và hiệu quả không cao. Cách làm việc cũ kĩ, lạc hậu ấy chỉ thích hợp với những hình thức lao động giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Trong thời đại công nghệ khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như ngày nay thì cung cách làm việc ấy không còn phù hợp nữa. Muốn đạt được hiệu quả cao trong công việc, con người phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc, đến nơi đến chốn theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập, học tập không ngừng. Nắm vững lí thuyết, chúng ta mới có thể làm được những công việc phức tạp và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết dẫn đường cho thực hành; thực hành bổ sung, hoàn thiện cho lí thuyết… Vì thế chúng ta không thể coi nhẹ vai trò vô cùng quan trọng của việc học mà phải đánh giá đúng mức mối quan hệ hữu cơ khăng khít giữa học và hành. Ngày nay, phương châm học đi đôi với hành luôn được đề cao trong các cấp học nhưng việc thực hiện thì còn nhiều hạn chế. Khi nói học đi đôi với hành là chúng ta đề cập đến mối quan hệ giữa lí thuyết và thực tiễn, Học đi đôi với hành có ý nghĩa thực sự quan trọng. Để đạt được hiệu quả cao, người học nên biết cân bằng giữa lí thuyết và thực tiễn sao cho hài hòa, hợp lí. Giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ như hai chân của một con người, thiếu một chân thì con người chẳng thể đứng vững. Như vậy, học với hành giúp chúng ta vừa chuyên sâu kiến thức lại vừa thông thạo, hoàn thiện kĩ năng làm việc. Có thể nói Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu cho phương châm học đi đôi với hành. Bác đã từng khẳng định: lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác biết rất nhiều ngoại ngữ và sử dụng thành thạo không chỉ trong giao tiếp mà còn viết văn, viết báo bằng ngoại ngữ. Những tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Pháp như: Con rồng tre, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu… Tập thơ Nhật kí trong tù và những bài thơ chữ Hán mà Bác sáng tác là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện lâu dài. Học đi đôi với hành có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các ngành nghề, các môn kĩ thuật. Thật đáng tiếc cho những ai chỉ giỏi lí thuyết sách vở mà phải bó tay trước thực tiễn sinh động và phong phú hằng ngày của cuộc sống.Học đi đôi với hành không chỉ bó hẹp trong nhà trường, không chỉ là một cách học để nắm vững kiến thức mà còn là sự vận dụng có hiệu quả những kiến thức ấy khi ra ngoài xã hội. Những gì được học phải đem áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải học để biết rồi bỏ đó. Rất nhiều học sinh đã được học những lời hay ý đẹp trong trường nhưng khi bước ra đời thì lại có những ngôn từ hành động không đẹp, thậm chí đáng chê trách. Hãy biến những tri thức, những bài học cuộc đời đầy ý nghĩa mà ta thâu nhận được từ sách vở thành hiện thực. Như vậy thì những kiến thức đó mới trở nên thật sự có ý nghĩa.
Học đi đôi với hành là một phương châm giáo dục đúng đắn và khoa học, đề cập đến một phạm vi khá rộng với những biểu hiện phong phú, đa dạng. Việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những lĩnh vực khác nhau. Thông qua thực hành, người học nắm chắc lí thuyết hơn vì lí thuyết ấy được biến thành việc làm và được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Điều quan trọng nhất là làm sao đưa lí thuyết vào thực tiễn để được kiểm nghiệm, cụ thể hóa bằng những sản phẩm có thực. Chẳng hạn, khi học xong lí thuyết một kiểu bài tập làm văn, học sinh phải thực hành bằng một bài làm văn cụ thể. Đặc biệt đối với môn ngoại ngữ, học không thể tách rời với hành. Việc hiểu nghĩa từ sẽ có hiệu quả hơn nếu người học biết sử dụng từ thường xuyên trong bất cứ tình huống giao tiếp nào. Như vậy thì việc nhớ từ mới trở nên chính xác và bền lâu trong tâm trí người học. Nếu bạn chỉ chăm chú học thuộc các thì trong tiếng Anh, các cấu trúc ngữ pháp trong khung đóng sẵn, bạn sẽ khó nhớ và mau quên. Tuy nhiên, nếu đem lí thuyết ấy vận dụng vào thực tiễn nói hoặc viết, bạn sẽ nhớ lâu hơn rất nhiều. Một bài học của môn giáo dục công dân về tình bạn chúng ta chỉ nghe thoáng qua như một mớ lí thuyết giáo điều, thế nhưng nếu thầy, cô giáo cụ thể hóa những khái niệm gọi là chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, hi sinh… bằng thực tế cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ thấy bài học ấy cực kì sống động và giàu ý nghĩa. Có người đã từng nói: Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy có phần cực đoan nhưng câu nói đó đã khẳng định đúng về giá trị của thực tiễn trong đời sống con người. Quả thực, nếu học mà không có hành thì việc học chưa trọn vẹn. Lí thuyết mà không được đem ra thực hành thì đó chỉ là lí thuyết suông. Không có hành, người học dường như chỉ nắm lí thuyết một cách máy móc, nửa vời, dẫn đến kết quả là những kiến thức đó sẽ trở nên mơ hồ, không chắc chắn. Một thực tế đáng buồn là từ trước đến nay, nhiều học sinh đã sai lầm trong cách học, dẫn đến hiệu quả không cao vì chỉ khư khư ôm lấy lí thuyết mà không chịu thực hành. Một phần do các bạn ấy chưa nắm được tầm quan trọng của phương châm học đi đôi với hành, một phần xuất phát từ tâm lí e ngại, lười hoạt động. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa lí thuyết và thực tiễn. Việc tuyệt đối hóa bất cứ một phương diện nào cũng sẽ phản tác dụng. Nếu quá đề cao lí thuyết, bạn sẽ rơi vào cách học máy móc, nặng nề, sách vở. Nếu thiếu những nền tảng lí thuyết cơ bản, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc. Học đi đôi với hành là kim chỉ nam cho mọi người trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và tạo dựng sự nghiệp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Mình rất quan tâm đến học và hành. Bác khẳng định: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Quan niệm trên là phương châm đúng đắn cho ngành giáo dục nước nhà nói chung và cho mỗi con người nói riêng.Tham khảo thêm: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm học đi đôi với hành