VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 6: VĂN THUYẾT MINH VĂN HỌC

(Bài làm ở nhà)

A- GỢI Ý GIẢI QUYẾT CÁC ĐỀ THAM KHẢO

I- Đề thuyết minh về một tác phẩm văn học:

Đề 1- Giới thiệu "Bài phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.

Gợi ý:(Xem bài Bài phú sông Bạch Đằng)

- Bài viết cần đảm bảo nội dung kiến thức và hình thức kết cấu của một văn bản giới thiệu tác phẩm văn học.

- Đối với Bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, phải giới thiệu được hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật đặc biệt là lối cấu tứ, bố cục, việc lựa chọn chi tiết, nhân vật, lối kết hợp tự sự - trữ tình... tạo nên một bản tráng ca bất hủ ca ngợi lịch sử với lòng tự hào sâu lắng.

- Lời văn giới thiệu cần đĩnh đạc, lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt phù hợp đối tượng giới thiệu là một tác phẩm văn học cổ điển.

Đề 2. Giới thiệu "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ.

Gợi ý:

Đây là bài giới thiệu về một tác phẩm văn xuôi viết theo thể truyền kì. Bài viết cần nêu rõ xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, tóm tắt cốt truyện, giới thiệu nhân vật, nội dung ý nghĩa và những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Thuyết minh rõ giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và nghệ thuật truyền kì đặc sắc mà Nguyễn Dữ đã sáng tạo trong "thiên cổ kì bút" của mình.

Đề 3. Giới thiệu Bài tựa sách "Trích diễm thi tập" của Hoàng Đức Lương.

Gợi ý:

- Dựa vào bài học (SGK tập 2) và cách viết bài thuyết minh đã học, tham khảo bố cục các bài viết vừa nêu trên, xây dựng dàn ý trước khi viết.

- Qua lời giới thiệu, cần làm nổi bật lòng yêu nước, ý thức trân trọng di sản văn hoá của cha ông.

II- Đề thuyết minh về một tác giả văn học:

Đề 1: Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi.

Gợi ý:

Bài giới thiệu có thể theo các ý chính sau đây:

- Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài, hiếm có trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời phong kiến. Ông là một nhà quân sự đại tài, nhà văn hoá xuất sắc và nhà văn lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

- Ông sinh và mất năm nào? là con của ai? cháu ngoại của ai?

- Lúc nhỏ ông được học hành thế nào? Đỗ đạt gì?

- Khi giặc Minh sang xâm lược, đất nước, gia đình, và bản thân ông đã gặp hoạ gì?

- Ông theo Lê Lợi và được Lê Lợi tin dùng như thế nào? Vai trò của ông trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống giặc Minh?

- Tác phẩm chính của ông trên các phương diện quân sự - chính trị (Bình Ngô sách, Binh thư yếu lược, Quân trung từ mệnh tập), văn hoá - khoa học (Dư địa chí) v.v...

Đặc biệt ông có nhiêu đóng góp trên lĩnh vực văn học. Các tác phẩm chính: Phú núi Chí Linh, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Bình Ngô đại cáo...

- Các tác phẩm của ông toát lên tư tưởng yêu nước, thương dân, đồng thời cũng thể hiện một tâm hồn phóng túng, lãng mạn, tài hoa, nhưng rất cương trực, có bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn sáng suốt...

- Nguyễn Trãi có vị trí rất quan trọng trong lịch sử văn hoá, văn học dân tộc.

Đề 2. Giới thiệu với bạn đọc Việt Nam về tác giả của những bài thơ hai-cư nổi tiếng của Ma-su-ô Ba-sô (Nhật Bản).

Gợi ý:

Dựa vào phần Tiểu dẫn bài Thơ hai-cư của Ma-su-ô Ba-sô, bài thuyết minh gồm các ý sau:

- Ma-su-ô Ba-sô là nhà thơ hàng đầu Nhật Bản, tác giả của những bài thơ hai-cư nổi tiếng thế giới.

- Tóm tắt tiểu sử của Ma-su-ô Ba-sô: năm sinh, năm mất; quê quán, gia đình; các mốc lớn trong cuộc đời; những phẩm chất, tính cách con người Ba-sô.

- Sự nghiệp văn học của Ba-sô: những tác phẩm tiêu biểu; đặc điểm tư tưởng và nghệ thuật của các sáng tác.

- Công lao của Ma-su-ô Ba-sô đối với thể thơ hai-cư.

- Đánh giá chung: Ma-su-ô Ba-sô với thể thơ hai-cư của ông không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca nhân loại, đi biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Đề 3. Giới thiệu về La Quán Trung, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa.

Gợi ý:

Nội dung kiến thức chủ yếu dựa vào phần Tiểu dẫn bài Hồi trống Cổ Thành. Tuy nhiên người viết cần đọc thêm các sách tham khảo để bài viết thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn. Bố cục của bài viết chia làm hai phần chính:

Phần thứ nhất: Tiểu sử La Quán Trung.

Phần thứ hai: Sự nghiệp văn học của La Quán Trung.

III- Đề kết hợp thuyết minh về tác giả - tác phẩm văn học:

Đề 1: Giới thiệu về Trương Hán Siêu và " Bài phú sông Bạch Đằng" nổi tiếng của ông.

Gợi ý.

(Xem phần Tiểu dẫn bài Bài phú sông Bạch Đằng).

Có thể thuyết minh theo dàn ý sau:

+ Mở bài: Giới thiệu khái quát chung về Trương Hán Siêu và Bài phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu là một vị tướng, là người giỏi văn chương, Bài phú sông Bạch Đằng là khúc tráng ca trong dòng thơ văn Bạch Đằng).

+ Thân bài: Giới thiệu chi tiết theo hai phần chính.

Phần thứ nhất:giới thiệu về Trương Hán Siêu:

- Tiểu sử, cuộc đời và con người.

- Sự nghiệp thơ văn.

Phần thứ hai:Giới thiệu về Bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu:

- Thể phú.

- Hoàn cảnh ra đời của Bài phú sông Bạch Đằng.

- Nội dung tư tưởng và giá trị nhiều mặt của Bài Phú sông Bạch Đằng.

+ Kết bài: Nhận xét, đánh giá về vị trí, giá trị, ảnh hưởng của tác giả Trương Hán Siêu và tác phẩm Bài phú sông Bạch Đằng (tác giả được lưu danh sử sách, tác phẩm sống mãi cùng non sông tổ quốc)

Đề 2. Giới thiệu Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô - một áng “thiên cổ hùng văn”

Gợi ý:

Nội dung kiến thức chỉ cần dựa vào hai bài là đủ: bài Nguyễn Trãi và bài Đại cáo bình Ngô (SGK Ngữ văn 10, tập 2). Nội dung bài viết có thể triển khai như sau:

a- Mở bài: Giới thiệu khái quát chung về Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài số một trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; Đại cáo bình Ngô là một áng văn bất hủ có giá trị nhiều mặt).

b- Thân bài: Giới thiệu chi tiết về Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô.

- Nguyễn Trãi (xem phần hướng dẫn đề 1, phần đề tham khảo thuyết minh về tác gia văn học).

- Đại cáo bình Ngô:

+ Hoàn cảnh ra đời: sau chiến thắng quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn (1428).

+ Thể Cáo và đặc điểm của bài Đại cáo bình Ngô (Cáo là thể văn cổ dùng để công bố sự kiện quan trọng; Đại cáo bình Ngô viết theo lối văn biền ngẫu, thể chính luận, chữ Hán, bố cục bốn phần,...).

+ Giá trị nội dung tư tưởng (tư tưởng bao trùm, xuyên suốt là tư tưởng nhân nghĩa,...)

+ Giá trị nghệ thuật (Các yếu tố làm nên một thiên anh hùng ca, một áng văn chính luận mẫu mực).

c- Kết bài: Đánh giá chung (Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá. Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập làm rạng rỡ non sông, nêu cao niềm tự hào dân tộc của người Việt).

Đề 3. Giới thiệu về Nguyễn Dữ, thể loại Truyền kì, "Truyền kì mạn lục”, và "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên'' (Trích" Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ).

Gợi ý:

Đề bài có tới bốn yêu cầu cần thuyết minh. Bài viết sẽ lần lượt thuyết minh từng đối tượng:

- Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ.

- Thuyết minh về thể truyền kì.

- Thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

- Thuyết minh về Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (Trích Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ).

Nội dung kiến thức chủ yếu ở bài Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (SGK Ngữ văn 10, tập 2). Điều quan trọng là thể hiện trình tự kết cấu bài viết, khả năng vận dụng phối hợp các phương pháp thuyết minh, khả năng diễn đạt,... sao cho bài viết không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn, thu hút người đọc, người nghe.

Bài viết gợi ý: