Dàn ý phân tích bài thơ, bộ đề ôn thi , những bài văn mẫu về bài thơ Tự tình- Ngữ văn 11. Ôn tập Bài tự tình 2
Hướng dẫn soạn bài Tự tình Ngữ văn lớp 11

TỰ TÌNH

Hồ Xuân Hương –

Mục Lục

  • 1 Ôn tập kiến thức cơ bản về bài thơ tự tình 2
  • 2 Bộ đề luyện tập và hướng dẫn làm bài
  • 3 Bài văn mẫu phân tích bài thơ tự tình 2- Hồ Xuân Hương
  • Ôn tập kiến thức cơ bản về bài thơ tự tình 2

    Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
    Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là “bà chúa thơ nôm”. Bà là một “thiên tài kì nữ” nhưng cuộc đời đầy éo le, bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ trước duyên phận, cuộc đời mình là “Tự tình” (II).
    Khái quát về bài thơ
    “Tự tình” (II) là bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài của bà. Đây là chùm thơ nữ sĩ viết để tự kể nỗi lòng, tâm tình của mình. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục bốn phần: đề, thực, luận, kết. Bài thơ thể hiện thái độ, tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước thực tại đau buồn, tuy vậy, bà vẫn gắng gượng vươn lên, nhưng rồi vẫn rơi vào bi kịch. Dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể đoán bài thơ được sáng tác khi bà đã gặp phải những éo le, bất hạnh trong tình duyên.
    Dàn ý phân tích Nội dung, nghệ thuật bài thơ tự tình 2:
    Hai câu đề:

    1. Nghệ thuật:
  • Câu 1: Khắc họa thời gian nghệ thuật : “đêm khuya”; từ láy “văng vẳng”; nghệ thuật lấy động tả tĩnh.
  • Câu 2: Đảo ngữ nhấn mạnh từ “trơ”; kết hợp từ độc đáo “cái hồng nhan”; đối lập cái cá nhân nhỏ bé với cái rộng lớn (“cái hồng nhan” đối với “nước non”).
    1. Nội dung: Bối cảnh không gian, thời gian và tâm trạng cô đơn, buồn tủi, bẽ bàng về duyên phận của nhân vật trữ tình.
  • Hai câu thực:

    1. Nghệ thuật: Phép đối (câu 3 với câu 4); cụm từ “say lại tỉnh”; nghệ thuật tả cảnh ngụ tình (sự tương quan giữa hình ảnh vầng trăng và thân phận nữ sĩ).
    2. Nội dung: Gợi lên hình ảnh người phụ nữ trong đêm khuya vắng lặng với bao xót xa, cay đắng, với nỗi chán chường, đau đớn, ê chề.

    Hai câu luận:

    1. Nghệ thuật: Phép đối (câu 5 với câu 6); phép đảo; động từ mạnh (“xiên ngang”, “đâm toạc”); nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
    2. Nội dung: cảnh thiên nhiên trong cảm nhận của người mang sẵn nỗi niềm phẫn uất và sự bộc lộ cá tính, bản lĩnh không cam chịu, như muốn thách thức số phận của Hồ Xuân Hương.

    Hai câu kết:

    1. Nghệ thuật: Ngôn ngữ đời thường giản dị, tự nhiên; lặp từ; nghệ thuật tăng tiến.
    2. Nội dung: Tâm trạng chán chường, buồn tủi mà cháy bỏng khát vọng hạnh phúc – cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

    Nghệ thuật cả bài thơ : Sử dụng từ ngữ độc đáo, sắc nhọn; tả cảnh ngụ tình; phép đối, đảo; đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.
    Ý nghĩa văn bản:
    Bản lĩnh Hồ Xuân Hương được thể hiện qua tâm trạng đầy bi kịch : vừa buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khao khát được sống hạnh phúc.

    Bộ đề luyện tập và hướng dẫn làm bài

    Dựa vào kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài nghị luận văn học về bài thơ, đoạn thơ, học sinh luyện tập với đề sau:
    Đề 1. Phân tích bài thơ “Tự tình” (II) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
    Đề 2. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tự tình” (II) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
    Hướng dẫn luyện tập đề 1 :
    Tìm hiểu đề
    Dạng đề : Phân tích một bài thơ.
    Yêu cầu của đề:

  • Yêu cầu về nội dung : Làm rõ nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
  • Yêu cầu về thao tác : Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như:
  • chứng minh, bình luận, so sánh…

  • Yêu cầu về tư liệu : Tư liệu chính là những câu thơ trong bài thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý phân tích.
  • Lập dàn ý
    Mở bài : Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương, dẫn vào bài thơ “Tự tình” (II). Nêu vấn đề: Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật, trích bài thơ.
    Thân bài :
    Khái quát : Nêu xuất xứ, thể loại, hoàn cảnh sáng tác, bố cục bài thơ, nội dung chính của bài thơ.
    Phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ : Các ý chính cần phân tích
    Hai câu đề :
    * Phân tích:

  • Câu 1: Khắc họa thời gian nghệ thuật : “đêm khuya”; từ láy “văng vẳng”; nghệ thuật lấy động tả tĩnh.
  • Câu 2 : Đảo ngữ nhấn mạnh từ “trơ”; kết hợp từ độc đáo “cái hồng nhan”; đối lập cái cá nhân nhỏ bé với cái rộng lớn (“cái hồng nhan” đối với “nước non”).
  • * Làm rõ : Bối cảnh không gian, thời gian và tâm trạng cô đơn, buồn tủi, bẽ bàng về duyên phận của nhân vật trữ tình.
    Hai câu thực :
    * Phân tích : Phép đối (câu 3 với câu 4); cụm từ “say lại tỉnh”; nghệ thuật tả cảnh ngụ tình (sự tương quan giữa hình ảnh vầng trăng và thân phận nữ sĩ).
    * Làm rõ : Gợi lên hình ảnh người phụ nữ trong đêm khuya vắng lặng với bao xót xa, cay đắng, với nỗi chán chường, đau đớn, ê chề.
    Hai câu luận:
    * Phân tích : Phép đối (câu 5 với câu 6); phép đảo; động từ mạnh (“xiên ngang”, “đâm toạc”); nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
    * Làm rõ : cảnh thiên nhiên trong cảm nhận của người mang sẵn nỗi niềm phẫn uất và sự bộc lộ cá tính, bản lĩnh không cam chịu, như muốn thách thức số phận của Hồ Xuân Hương.
    Hai câu kết:
    * Phân tích : Ngôn ngữ đời thường giản dị, tự nhiên; lặp từ; nghệ thuật tăng tiến.
    * Làm rõ : Tâm trạng chán chường, buồn tủi mà cháy bỏng khát vọng hạnh phúc – cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
    Nghệ thuật cả bài thơ : Sử dụng từ ngữ độc đáo, sắc nhọn; tả cảnh ngụ tình; phép đối, đảo; đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.
    III. Kết bài:
    Kết luận về nội dung, nghệ thuật và nêu ý nghĩa bài thơ.

    Bài văn mẫu phân tích bài thơ tự tình 2- Hồ Xuân Hương

    Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là “bà chúa thơ nôm”. Bà là một “thiên tài kì nữ” nhưng cuộc đời đầy éo le, bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ trước duyên phận, cuộc đời mình là “Tự tình” (II). Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật :
    (Ghi nguyên văn bài thơ)
    “Tự tình” (II) là bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài của bà. Đây là chùm thơ nữ sĩ viết để tự kể nỗi lòng, tâm tình của mình. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục bốn phần: đề, thực, luận, kết. Bài thơ thể hiện thái độ, tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước thực tại đau buồn, tuy vậy, bà vẫn gắng gượng vươn lên, nhưng rồi vẫn rơi vào bi kịch. Dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể đoán bài thơ được sáng tác khi bà đã gặp phải những éo le, bất hạnh trong tình duyên.
    Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ không ngủ, một mình ngồi giữa đêm khuya:
    “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
    Trơ cái hồng nhan với nước non.”
    Giữa đêm khuya, người phụ nữ thao thức không ngủ được và nàng nghe âm thanh tiếng trống canh dồn dập. “Đêm khuya” là thời gian của hạnh phúc lứa đôi, của sum họp gia đình, vậy mà ở đây, trớ trêu thay, người phụ nữ lại đơn độc một mình. Nàng cô đơn quá nên thao thức không ngủ, nàng nghe âm thanh tiếng trống canh “văng vẳng”. Từ láy này miêu tả âm thanh từ xa vọng lại. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, người đọc cảm nhận được không gian đêm khuya tĩnh lặng, im lìm và người phụ nữ thật cô đơn, tội nghiệp. Trong xã hội xưa, tiếng trống canh là âm thanh dùng báo hiệu thời gian một canh giờ trôi qua. Nữ sĩ nghe âm thnah tiếng trống canh “dồn” – tiếng trống dồn dập, khẩn trương – có lẽ là vì nàng đang ngồi đếm thời gian và lo lắng thấy nó trôi qua một cách dồn dập, tàn nhẫn. Nó chẳng cần biết tuổi xuân của nàng sắp vuột mất mà nàng thì vẫn đang phải “trơ cái hồng nhan” ra giữa “nước non”. Dường như, nỗi cô đơn, xót xa ấy luôn dày vò nữ sĩ nên thời gian trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong tâm hồn bà. Trong chùm “Tự tình”, nỗi ám ảnh về thời gian còn hiện hữu trong âm thanh “tiếng gà”. Người phụ nữ ấy cũng trằn trọc cho đến sáng để rồi nghe âm thanh “tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” mà đau đớn, mà oán hận. Ở đây, “hồng nhan” là nhan sắc của người phụ nữ vẫn còn ở độ mặn mà, cái mà bất cứ ai cũng trân trọng. Thế mà, nó lại kết hợp với từ “cái”- một danh từ chỉ loại thường gắn với những thứ vật chất nhỏ bé, tầm thường. Nàng tự thấy nhan sắc của mình quá nhỏ bé, rẻ rúng bởi nó chẳng khác gì một thứ đồ ít giá trị, lại chẳng được ai đoái hoài đến. Nó phải “trơ” ra, phô ra, bày ra một cách vô duyên, vô nghĩa lí giữa đất trời. Từ “trơ” đứng đầu câu cho ta cảm nhận được nỗi xót xa, đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng của người phụ nữ một mình giữa đêm khuya, không ai quan tâm, đoái hoài. Tuy có bẽ bàng, tủi hổ nhưng ta vẫn thấy ẩn khuất trong câu thơ một nữ sĩ mạnh mẽ, cá tính dám đem cái tôi cá nhân để đối lập với cả “nước non” rộng lớn. Hồ Xuân Hương là thế, không bao giờ chịu bé nhỏ, yếu mềm. Hai câu đầu bằng cách khắc họa thời gian, không gian nghệ thuật và cách kết hợp từ độc đáo đã thể hiện rõ nỗi cô đơn, đau đớn, tủi hổ bẽ bàng trước tình duyên hẩm hiu của chính mình.
    Hai câu thực khắc họa sâu sắc sự phẫn uất trước tình cảnh éo le:
    “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
    Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn”.
    Giữa đêm khuya, cô đơn và buồn tủi, nàng tìm đến rượu để quên đi tất cả nhưng nào quên được “say lại tỉnh”. Say, có thể quên đi được một chốc, nhưng đâu có thể say mãi, rồi sẽ lại “tỉnh” ra. Tỉnh ra lại càng ý thức sâu sắc hơn nỗi cô đơn, xót xa, lại càng buồn hơn. Ẩn sau cái hành động tìm đến rượu để giải tỏa nỗi sầu là cả niềm phẫn uất sâu sắc trước số phận bất hạnh. Cụm từ “say lại tỉnh” cho thấy cái bế tắc, quẩn quanh trong nỗi buồn, cô đơn của người phụ nữ. nàng cô đơn nên tìm đến vầng trăng bên ngoài kia mong sự đồng cảm. nàng thấy vầng trăng đã “xế” bóng “khuyết chưa tròn”. Nàng nhìn thấy số phận bất hạnh của mình trong hình ảnh vầng trăng : nàng cũng đã ở tuổi “xế” chiều mà tình duyên vẫn hẩm hiu, lận đận, “chưa tròn”. Ở hai câu này, bằng phép đối, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nữ sĩ đã khắc họa nên tâm trạng bế tắc và nỗi phẫn uất sâu sắc trước duyên phận hẩm hiu, lỡ làng.
    Sang hai câu luận, dường như sự phẫn uất ấy biến thành sự chống trả kịch liệt:
    “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.”
    Hai câu thơ được cấu tạo đặc biệt: đảo vị ngữ là những động từ mạnh lên đầu câu. “Xiên ngang” và “đâm toạc” là hành động của những vật vô tri vô giác. Trong tự nhiên, rêu là sự vật bé nhỏ, yếu mềm, thế mà ở đây dường như nó mạnh mẽ hơn, cứng cỏi thêm để “xiên ngang mặt đất”. “Đá” là vật bất động, thế mà ở đây cũng đang to hơn, nhọn hơn, đang cựa quậy, “nổi loạn” phá tan không gian tù túng bị giới hạn bởi “chân mây”. Hình ảnh thiên nhiên động, thiên nhiên “nổi loạn” này không chỉ xuất hiện một lần mà còn có trong nhiều những tác phẩm khác của bà. Lí giải cho sự xuất hiện những hình ảnh thiên nhiên như thế là ở cá tính mạnh mẽ của nữ sĩ. Thiên nhiên được miêu tả thể hiện rõ tâm trạng con người, như đại thi hào Nguyễn Du từng đúc kết về mối quan hệ giữa cảnh và tình : “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Cảnh được miêu tả là “nổi loạn”, là “phá bĩnh” thể hiện tâm trạng người phụ nữ lúc này cũng muốn “nổi loạn”, quẫy đạp để phá tan số phận bất hạnh, tình duyên hẩm hiu của mình. Dường như, người phụ nữ đang gồng mình lên để chống trả kịch liệt số phận. Đó chính là thái độ phản kháng mạnh mẽ của nữ sĩ trước thực tại đau buồn. Đằng sau sự phản kháng mạnh mẽ ấy là khao khát sống, khao khát hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của nữ sĩ. Hai câu thơ, với phép đối, phép đảo nhấn mạnh hai động từ mạnh đầu câu và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã cho thấy sự cố gắng vươn lên đấu tranh với số phận, đồng thời cho thấy khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt ở nữ sĩ xinh đẹp, tài năng mà cuộc đời không ưu ái. Người đọc thật sự khâm phục trước bản lĩnh cứng cỏi, không chịu đầu hàng số phận của người phụ nữ cá tính ấy.
    Đến hai câu cuối bài thơ, tuy nàng đã cố gắng vươn lên nhưng không thoát khỏi cái thở dài ngán ngẩm trước bi kịch :
    “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
    Mảnh tình san sẻ tí con con”.
    Nàng thở dài “ngán nỗi”. Nàng chán ngán bởi “xuân đi xuân lại lại”. Mùa xuân và vẻ đẹp của nó phai đi nhưng rồi sẽ quay trở lại theo quy luật của tạo hóa. Nhưng “xuân” của người phụ nữ, tuổi trẻ và sắc đẹp của nàng thì không thể nào trở lại được, mà cứ mỗi một mùa xuân trôi đi là lại thêm một lần nữa tuổi xuân của đời người ra đi, thế nên nàng “ngán”. Cụm từ “lại lại” như một sự thở dài ngao ngán trước sự trôi chảy tàn nhẫn của thời gian. Nó cứ trôi đi, không thèm để ý đến cái bi kịch đang cướp đi tuổi trẻ của nàng : “mảnh tình san sẻ”. Tình yêu của nàng vốn dĩ mỏng manh, bé nhỏ, chỉ là một “mảnh”, thế mà còn phải san sẻ”, chia năm sẻ bảy ra thật tội nghiệp. bởi vậy mà nó chỉ còn là một “tí” ‘con con”. Nghệ thuật tăng tiến theo chiều giảm dần khiến người đọc thấy rõ cái bi kịch xót xa của nữ sĩ và cảm thương cho con người tài hoa mà bạc mệnh. Bi kịch ấy đeo đẳng lấy người phụ nữ khiến nàng không chỉ thốt lên ngao ngán một lần. Trong “Tự tình” (III) nàng cũng từng thở dài :
    “Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh”.
    Đây cũng là một cách nói khác của bi kịch tình yêu bị chia năm sẻ bảy. Nàng có chồng – “ôm đàn” – nhưng lấy chồng mà vẫn “tấp tênh” như chẳng có, “một tháng đôi lần có cũng không”. Hai câu kết bài thơ với những từ ngữ giản dị, tự nhiên và nghệ thuật tăng tiến, người đọc cảm nhận được cái chán ngán khi rơi vào bi kịch của nữ sĩ. Tuy thế, dư âm của cái khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt ở hai câu trước vẫn khiến người đọc cảm phục bản lĩnh cứng cỏi của “bà chúa thơ Nôm”.
    Với ngôn ngữ thơ nôm giản dị, tự nhiên nhưng cũng sắc nhọn, với các biện pháp nghệ thuật đảo, đối, dùng động từ mạnh, tả cảnh ngụ tình…bài thơ thể hiện tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước duyên phận, nhưng vẫn cố gắng vươn lên với khát khao sống, khát khao hạnh phúc mãnh liệt, tuy vẫn rơi vào bi kịch.
    Tóm lại, “Tự tình” (II) thể hiện bản lĩnh Hồ Xuân Hương qua tâm trạng đầy bi kịch : vừa buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khao khát được sống hạnh phúc. Đọc bài thơ, ta vừa thương xót cho số phận bất hạnh, vừa khâm phục bản lĩnh cứng cỏi của nữ sĩ. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho tài năng ngôn ngữ của “bà chúa thơ Nôm”.
    (Tài liệu sưu tầm )
    Mời các bạn xem thêm: Bộ đề luyện thi và những bài văn hay về bài thơ Tự Tình 2 : Tự tình

    Bài viết gợi ý: