1. Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình
a) Nhân vật tữ tình trong bài thơ là loại nhân vật trữ tình trực tiếp (tác giả thể hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của mình). Cũng có khi là loại nhân vật trữ tình gián tiếp đằng sau nó còn một nhân vật nữa là tác giả (Mẹ Suốt, Người con gái Việt Nam…).
b) Sau khi đọc xong toàn bài, cần chỉ ra những nét nghĩa trong các câu thơ, phải nắm bắt ý tưởng chung toàn bài. Đây là bước đầu tiên, nhằm có được một ấn tượng chung. Ví dụ đọc Đây mùa thu tới, ấn tượng đầu tiên gợi cho ta đó là: Bài thơ viết về mùa thu, một mùa thu buồn mà đẹp. Sau đó có thể trên cái nền chung ấy mà khám phá tiếp.
c) Nắm bắt được sự vận động và phát triển của tâm trạng nhân vật trữ tình. Muốn nắm bắt được sự vận động và phát triển của tâm trạng nhân vật trữ tình, thường là theo cách phân chia bài thơ ra làm các phần, đoạn (nếu là thơ cách luật thì theo câu) tương ứng với tính chất và ý nghĩa của tâm trạng được thể hiện trong đó. Ví dụ ở bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, ta thấy sự vận động và phát triển tâm trạng cảm xúc như sau:
– Từ mùa thu nay nhớ về một mùa thu Hà Nội quá khứ, một mùa thu đẹp, mơ mộng, buồn, lặng lẽ và quyến luyến.
– Mùa thu Việt Bắc, cũng là mùa thu đất nước hôm nay hiện ra trong một cảm xúc hân hoan, phấn chấn, tự hào, sau đó là cảm xúc sâu lắng hướng về nguồn cội.
– Hình ảnh đất nước trong đau thương mà anh dũng hiện ra trong cảm xúc căm thù giặc, khí thế quật khởi, hào hùng, bi tráng, mang âm hưởng sử thi.
d) Chú trọng các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu và tâm trạng nhân vật trữ tình.
Các chi tiết này có khi là hình ảnh thơ, có khi là cách ngắt nhịp câu thơ, haylà sự điệp lại từ, hoặc có khi chỉ là một từ, v.v… Tâm trạng của nhân vật trữ tình có khi thuần nhất một loại tâm trạng, có khi rất phức tạp như một phức hợp tâm trạng. Tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài Đất nước kể trên cũng là một loại tâm trạng phức hợp. Ở những bài thơ dài, lớn về khuôn khổ và lý tưởng, nhân vật trữ tình thường mang tâm trạng phức hợp đó.
e) Cuối cùng là phải tổng hợp, khái quát và nâng cao, thường là kèm theo đánh giá. Cũng có khi liên hệ, so sánh giữa các bài, chủ để, tâm trạng…
2. Phân tích toàn bộ bài thơhoặc đoạn thơ
Cách phân tích cả bài thơ, hoặc đoạn, khổ, câu thơ thường khai thác trên hai phương diện là nội dung và nghệ thuật. Có thể lần lượt phân tích ý nghĩa tư tưởng trước, rồi mới phân tích các giá trị nghệ thuật đặc sắc. Song, cũng có thể tiến hành song song cùng lúc.
a) Bám sát vào văn bản thơ, tiến hành chia đoạn và tìm những ý chính của mỗi đoạn. Đối với từng khổ, đoạn, câu thơ vẫn có thể chia tách ra thành các ý nhỏ được. Riêng đối với thơ tứ tuyệt (ví dụ một số bài thơ của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù), cách thức thông thường là chia theo cấu trúc: khai, thừa, chuyển, hợp; hoặc chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ từng bài cụ thể).
b) Sau khi tìm được ý chính của mỗi đoạn, biến những ý chính đó thành các luận điểm. Ví dụ với bài Tràng giang, có thểchia ra làm ba luận điểm tương ứng ba phần như sau:
– Hình ảnh dòng sông mênh mang vô tận.
– Hình ảnh dòng sông hoang vắng.
– Tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả.
c) Khi phân tích thì thao tác giảng giải, cắt nghĩa là quan trọng nhất, nhằm giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của tác phẩm trên tất cả các cấp độ, làm cho người đọc tin và đồng cảm với những ý kiến của mình. Cho nên thành phần lí lẽ phải chiếm vịtrí cơ bản, sau đó mới kết hợp với những dẫn chứng nhằm minh hoạ cho lí lẽ. Việc phân tích các dẫn chứng lấy ra từ tác phẩm (hình ảnh, câu, từ, nhạc điệu, các thủ pháp chuyển nghĩa…) phải lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu, thích hợp. Ví dụ trong khổ thơ đầu của Đây mùa thu tới có hai hình ảnh chính: rặng liễu và chiếc áo…
d) Trong quá trình phân tích, luôn luôn hướng đến sự tổng hợp, khái quát ở từng cấp độ sao cho thích hợp để rồi tiến tới những khái quát lớn của toàn bài. Luận điểm là một khái quát. Toàn bài có khái quát của toàn bài. Đây chính là quá trình quy nạp. Tuy nhiên trong bài làm, các thao tác có khi biến hoá rất linh hoạt, có thể đi theo con đường diễn dịch vẫn chấp nhận được.
e) Tránh diễn nôm các câu thơ thành văn xuôi. Nếu diễn nôm thì bài viết thiếu cảm xúc, rời rạc, không hấp dẫn người đọc.
3. Bình giảng thơ trữ tình
a) Phải nhận ra được những tín hiệu nghệ thuật độc đáo, khác lạ, đặc sắc mà ta chưa từng gặp trong thơ ca. Trong một câu thơ, chỉ có một tín hiệu, có khi lại có vài ba tín hiệu cùng lúc. Thường là ởnhững câu thơ hay, xuất hiện nhiều tín hiệu nghệ thuật.
Ví dụ hai câu thơ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
Ít nhất phải để ý những tín hiệu nghệ thuật sau: cảm thán từ “ôi”, “cánh đồng quê chảy máu” là hình ảnh nhân hoá, “Dây thép gai đâm nát trời chiều" vừa bao gồm thủ pháp nhân hoá, vừa mang tính tạo hình; sự phối hợp hai câu thơ: mặt đất thì máu đỏ, trời chiều thì bị cào xé rách nát… tạo nên một cảnh tượng bi tráng.
b) Sau khi nhận ra những tín hiệu nghệ thuật quan trọng như vậy, phải tiến hành giảng giải (cắt nghĩa, giải thích) cho mạch lạc ý tứ mà câu thơ biểu hiện. Khi giảng giải cần thuyết phục người đọc ở cái nghĩa lí của sự phân tích, làm cho người đọc tin cậy. Cần tránh diễn nôm đơn giản hoặc thô thiển ý của câu thơ, hình ảnh thơ. Tránh liệt kê các cách hiểu khác nhau về cùng một chi tiết nghệ thuật nào đó, mà không bày tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình với một cách hiểu nào.
Phải đặt các đoạn, khổ, câu thơ vào trong toàn bài; và đến lượt nó, lại phải đặt vào trong toàn bộ sáng tạo của tác giả, có khi đặt vào bối cảnh lịch sử – văn hoá mà bài thơ ra đời để hiểu đúng ý nghĩa của thơ.
c) Cùng với thao tác giảng là bình. Ởđây có rất nhiều cách: bộc lộ cách đánh giá trực tiếp của người viết, mượn lời người khác để đánh giá, nhập vào tác giả mà suy luận, nhập vào nhân vật trữ tình mà tưởng tượng; liên hệ với các câu thơ, bài thơ khác để thấy những nét độc đáo riêng, v.v…
Giảng có sâu sắc thì bình mới tâm đắc. Nếu giáng hời hợt, chưa tới thì dù có bình tâm huyết đến mấy cũng sẽ thiếu sức thuyết phục, người đọc sẽ không tinvào những lời bình “rỗng” như thế. Lời bình thể hiện rõ nhất giọng điệu, thái độ, cảm xúc, độ tinh nhạy của mỹ cảm. Cho nên nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người viết rất đậm. Dưới đây là lời bình thật tài hoa và tinh tế của Hoài Thanh về bài thơ Duyên:
“Xuân Diệu có hai câu thơ thiệt hay:
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều
Chính là hai câu tả cảnh. Nhưng cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra.Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”.