Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai…Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm…chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra…Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên…Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…
(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
- Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
- Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
- Nêu tác dụng của biện pháp so sánh trong đoạn văn ?
- Từ láy văng vẳng có ý nghĩa như thế nào trong việc miêu tả cảnh chiến trường?
- Tại sao Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt ?
- Hãy xác định những câu văn là lời của nhân vật Việt, tìm hiểu tâm trạng của việt bộc lộ trong những câu văn đó
- Qua đoạn văn, anh/ chị hiểu gì về nhân vật Việt?
Trả lời :
Câu 1 : Đoạn văn được viết theo phương thức tự sự .
Câu 2 : Đoạn văn kể chuyện nhân vật Việt bị thương nặng trên chiến trường. Một lần tỉnh lại, Việt nghe tiếng súng của ta, nhớ về đồng đội và quyết tâm tìm về đơn vị.
Câu 3 : Phép tu từ so sánh trong văn bản được thể hiện qua câu văn : Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Hiệu quả nghệ thuật: đem tiếng súng lớn, súng nhỏ của ta so sánh với tiếng mõ, tiếng trống, nhà văn gợi lại âm thanh quen thuộc đã từng gắn bó với nhân vật Việt khi anh đang cô độc và bị thương nặng giữa chiến trường, đồng thời là sống dây tinh thần quật khởi của đồng bào miền Nam trong những ngày đánh Mỹ. Qua đó, ta thấy được tình yêu quê hương, ý chí, nghị lực phi thường của nhân vật Việt.
Câu 4 : Từ láy văng vẳng miêu tả tiếng súng từ xa vọng lại, dồn dập , liên tiếp. Cảnh chiến trường khốc liệt, dữ dội…
Câu 5: Đối với nhân vật Việt, tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ . Bởi vì, đó là tiếng súng của đồng đội. Nó gọi Việt tới phía của sự sống. Tiếng súng đồng đội gọi chiến đấu đã tiếp thêm sức mạnh mới để gọi Việt đến.
Câu 6: Lời nhân vật:
-Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc.
– Đúng súng của ta rồi!
– Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó.
-Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi!
-Đó, lại tiếng hụp hùm…chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy.
-Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ.
-Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra…
-Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên… -Các anh chờ Việt một chút.
->>Tâm trạng phấp phỏng, hồi hộp mong chờ , niềm vui sướng hân hoan khi phát hiện ra tiếng súng quen thuộc của đồng đội.
Câu 7. Việt là một người chiến sĩ, người anh hùng hội tụ đủ các phẩm chất của một người lính với tính cách gan dạ, dũng cảm ,kiên cường, bản lĩnh không sợ hãi, khuất phục trước khó khăn: khi anh bị lạc đơn vị, bị thương nhưng anh vẫn bình tĩnh, lạc quan và luôn ở tư thế chiến đấu.Hình ảnh người lính bị thương vẫn giữ tư thế sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đã thể hiện được tính cách anh hùng của nhân vật.Việt chính là hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12