ĐÔI ĐIỀU DẠY HỌC SINH GIỎI MÔN
( LÊ VĂN KHẢI )
Bài giảng tại Sầm Sơn năm 2015 cho lớp bồi dưỡng giáo viên dạy đội tuyển HSG lớp 12 THPT tỉnh Thanh Hóa do Sở giáo dục tổ chức tháng 12/2015
Các anh chị và bạn đồng nghiệp thân mến!
Tham gia chuyên đề bồi dưỡng giáo viên dạy học sinh giỏi môn văn cấp THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2015, tôi xin được báo cáo tóm tắt mấy vấn đề như sau:
– Thử thiết kế khung bài giảng và đặt đề mục đọc hiểu
– Những miền kiến thức đánh thức năng lực văn học
– Những câu hỏi quen thuộc mà thiết thực
– Những câu hỏi đề xuất mới và định hướng tham khảo.
– Những yêu cầu của một bài văn học sinh giỏi.
Hi vọng những ý tưởng có tính chất tản mạn này rút ra từ quá trình dạy học sẽ góp phần nhỏ trong công việc kiếm tìm và bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn môn Văn của chúng ta.
A/ THIẾT KẾ KHUNG BÀI GIẢNG VÀ ĐẶT ĐỀ MỤC ĐỌC HIỂU
Với những tác phẩm giàu giá trị văn chương có lẽ không nên giảng thông thường, cần lạ hóa, như một giáo án mở, không áp đặt để đánh thức hứng thú người học, để người dạy hài lòng với cách của mình hơn và biết đâu, có những khoảnh khắc thăng hoa. Sau đây là vài thiết kế bài học đi tìm cảm hứng trong giờ văn.
. Độc Tiểu Thanh kí
I/ Tìm hiểu chung
1/ Thiên tài Nguyễn Du và thơ chữ Hán
2/ Xung quanh những tranh luận về bài thơ
II/ Đọc hiểu
1/ Nỗi đồng cảm trước kiếp đời tài sắc (4 câu đầu)
a/ Bể dâu – khóc viếng (1,2)
b/ Sắc đẹp – văn chương(3,4)
2/ Niềm đau thương không tìm thấy tri âm.(4 câu sau)
a/ Hờn đau mang án(5,6)
b/ Cô độc Tố Như(7,8)
III/ Kết luận
1/ Tài thơ chữ Hán Nguyễn Du
2/ Tình đời văn chương muôn thưở
3/ Lời Tố Hữu tri âm cùng thiên tài.
Thiết kế này sẽ hướng học sinh vào sự đồng cảm giữa Nguyễn Du với Tiểu Thanh hiện thân kiếp tài sắc bất hạnh để từ đó thấu nỗi đau thương tận trời của thiên tài không một kẻ tri âm giữa cuộc đời phải đành nhắn vọng hâu thế tìm tri âm. Bi kịch cô đơn sừng sững chính là giá trị nhân văn của bài thơ.
Đây thôn Vĩ Dạ
I/Tìm hiểu chung
1/ Hàn Mặc Tử – làm thơ để kịp sống và kịp chết
– Cõi đời đau thương
– Trường thơ loạn
– Những bóng dáng khuynh thi
– Tư duy thơ Điên
2/ Hoàng Cúc, huyền thoại và sự thật
3/ Sóng gió tranh luận bài thơ
II/ Đọc hiểu
1/ Từ vườn thôn Vĩ – một sáng mai đời tinh khôi.
2/ Vụt đêm sông trăng – cái đẹp nơi thần kinh sương khói.
3/ Mờ cõi giai nhân – lời yêu đắm đuối ghê người.
III/ Kết luận
1/ Hàn Mặc Tử : người thơ phong vận như thơ ấy
2/ Một phong cách thơ mới sánh cùng trăng sao bất diệt
Định hướng này sẽ là cách tiếp cận thế giới thơ đau thương của Hàn thi sĩ.Một người có đôi mắt rất mộng rất mơ, nhìn sự thực thì hóa chiêm bao, nhìn chiêm bao thấy xô sang địa hạt huyền diệu .Một nỗi đau trần thế khủng khiếp ẩn náu trong lối thơ điên.
Chữ người tử tù
I/ Tìm hiểu chung
1/ Nguyễn Tuân- người sinh ra để thờ nghệ thuật.
– Cái nôi tài tử bác học
– Một định nghĩa về người nghệ sĩ
– Vang bóng một thời – tập sách toàn thiện toàn mĩ
2/ Chữ người tử tù, cái tôi tài tử Nguyễn Tuân, văn hóa thư pháp.
II/ Đọc hiểu
1/ Tình huống nghệ thuật không ai có thể bắt chước.
2/ Huấn Cao trong Quản ngục: tuy hai mà một
a/ Hiện thân cái đẹp Huấn Cao
b/ Người tôn thờ cái đẹp Quản ngục
c/ Phong thánh nghệ thuật – kết tinh cho chữ.
3/ Thần bút tương phản – sành điệu dựng cảnh và bùa phép ngôn từ.
III/ Kết luận
1/ Nguyễn Tuân – tài và tâm
2/ Một lần kiến tạo cái đẹp trong hoài niệm vang bóng
Thiết kế này sẽ gắn kết cái đẹp toàn bài, không chia cắt thành các mục rời rạc: Nhân vật Huấn Cao, Nhân vật Quản ngục, Cảnh cho chữ …như thường dạy lâu nay .Mục đích đáp ứng được hành trình đi tìm cái Đẹp trong hoài niệm vang bóng của Nguyễn Tuân.
Ai đã đặt tên cho dòng sông
A/ Tìm hiểu chung
I/ Hoàng Phủ Ngọc Tường – cái tôi tài hoa mê đắm
– Thi sĩ cõi âm: nhà tôi ở phố Đạm Tiên
– Thể tùy bút – văn phong hướng nội
II/ Đôi điều cần biết Ai đã đặt tên cho dòng sông
B/ Đọc hiểu
I/ Hình tượng sông Hương
1/ Hành trình từ miền hoang dại về với cố đô
a/ Vẻ đẹp từ cội nguồn hoang dại
– Kì bí Trường Sơn
– Di gan nóng bỏng
b/ Vẻ đẹp của thiên tính nữ tìm về miền tình cố đô
– Nàng tiên ngủ mơ màng cánh đồng Châu hóa
– Cô gái ý thức kiếm tìm tình nhân trong tận cùng cõi yêu.
2/ Hành trình của dòng chảy văn hóa
– Có một dòng ca Huế trên sông Hương
– Có một dòng thi ca về sông Hương
3/ Hành trình lịch sử
– Dòng biên thùy xa xưa
– Chảy qua triều đại cũ
– Phú Xuân soi bóng người anh hùng
– Miên man hào khí kháng Pháp và Mĩ
II/ Cái tôi tùy bút Hoàng Phủ Ngọc Tường
1/Giọng điệu ; 2/Trần thuật ; 3/Ngôn ngữ
C/Kết luận
1/ Hương vị ngọt ngào của chất thơ văn xuôi.
3/ Đến tận cùng bản sắc Huế, Hoàng Phủ gặp quê hương Việt Nam.
Kết cấu bài giảng này để cảm nhận tùy bút HPNT khiến cho sông Hương chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Ai chạm vào Sông Hương là người đó đã chạm vào hồn vía của Huế. Sông Hương còn thì Huế mãi còn.
Tây Tiến
I/Tìm hiểu chung
1/ Quang Dũng – nhà thơ của xứ Đoài mây trắng
– Kiếm khách thơ tình – mắt người Sơn Tây
– Hào hoa, lưu lạc buồn viễn xứ
2/ Tây Tiến – con người thời đại trong thơ
II/ Đọc hiểu
1/ Cuộc vạn lí trường chinh giữa hai miền cảm giác (đoạn 1)
– Nơi bắt đầu nỗi nhớ chơi vơi
– Hành quân: tột cùng say đắm và tột cùng gian nguy.
– Neo đậu tình em Mai Châu và tình quê cơm lên khói.
2/ Miền nhớ mĩ lệ và tươi mát( đoạn 2)
– Một đêm cộng cảm ùa về.
– Một hồn thơ phiêu du, đong đưa
3/ Những chiến binh hào hoa và hào hùng (đoạn còn lại)
– Chất mộng mơ Hà Nội
– Chất tráng sĩ thời đại
– Chất bi hùng một đi không trở lại
III/ Kết luận
1/ Những ấu trĩ của cái thời lãng mạn bàn về Tây Tiến
2/ Một định nghĩa về thơ hay cách mạng
3/ Thơ là lịch sử tâm hồn của một dân tộc
Khung thiết kế này làm rõ Tây Tiến là thơ về người lính đánh Pháp nhưng trước hết nó phải là thơ.Một định nghĩa về thơ hay.
Hai đứa trẻ
I/Tìm hiểu chung
1/ Thạch Lam – sợi tơ giăng giữa một trời bão táp
– Một lối sống rất thơ – nơi ở như hoa thôn trong cổ tích
– Một lối viết duy cảm (đánh thức cảm giác– lòng người sạch)
– Tự lực văn đoàn – Thạch Lam đứng riêng một cõi
2/ Hai đứa trẻ – viết truyện để sống lại tuổi thơ
II/ Đọc hiểu
1/ Chiều muộn và nỗi buồn không thành tên gọi (đoạn 1)
a/ Quê người tàn tạ xơ xác nhưng thơ mộng đắm say
b/ Phố huyện cảm giác qua miền sáng tối
2/ Đêm xuống và bóng tối ám ảnh nơi tâm hồn (đoạn 2)
a/ Vũ điệu mỏi mòn không có gì chờ đợi
b/ Tương phản sáng tối hội tụ nơi ngọn đèn
3/ Khát mơ đợi tàu (đoạn 3)
a/ Khát khao từ nỗi đời không có gì chờ đợi
b/ Mơ tưởng thế giới khác con tàu đi qua.
III/Kết luận
1/ Nhà văn lãng mạn của những cuộc đời hiện thực
2/ Văn chương cảm hóa và cho ta nhiều cảm giác
3/ Có một điệu hồn dân tộc trong văn Thạch Lam
Kết cấu này đã định hướng mở để cảm nhận truyện theo tâm trạng hết sức mong manh, mơ hồ của Liên, cõi tâm cảm không tên khiến cho Liên như sợi tơ giăng giữa một trời bóng đêm bão táp.
B/ NHỮNG MIỀN KIẾN THỨC ĐÁNH THỨC NĂNG LỰC VĂN HỌC.
I/ Các chuyên đề về giai đoạn, tác giả, tác phẩm văn học.
Đây là những mảng kiến thức tạm gọi là các chuyên đề, tùy vào năng lực học sinh và thế mạnh của giáo viên để có những hướng dạy cụ thể.
1/ Ca dao tình yêu và sức sống tâm hồn người Việt.(Tát nước đầu đình, Khăn thương nhớ ai, Đầu làng có con chim xanh, Lửng lơ bóng quế giãi thềm...)
2/Hai bài thơ hay viết về Mị Châu ( Mị Châu của Anh Ngọc và Trước đá Mị Châu của Trân Đăng Khoa)
3/ Hào khí Đông A qua thơ đời Trần (Thuật hoài, Tụng giá hoàn kinh sư, Cảm hoài)
4/ Cảm hứng nhân văn trong thơ thiền sư đời Lí ( Ngôn hoài, Cáo tật thị chúng, Hưu hướng Như Lai)
5/Tâm và Tài trong văn học Nguyên Du (Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Thơ chữ Hán)
6/ Giá trị nhân văn qua Chinh phụ ngâm, Truyện kiều, Cung oán ngâm.
7/Tiếng nói phản chiến trong thơ.( Chinh phụ ngâm, Màu tím hoa sim,Núi đôi, Quê hương.)
8/ Hồ Xuân Hương và niềm vui trần thế. Chùm thơ Tự tình
9/ Thi cảm mùa thu. Vẻ đẹp chùm thơ thu Nguyễn Khuyến.
10/ Cái tôi tài tử Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà.
11/Phong trào thơ mới (Bối cảnh – diện mạo – đặc trưng nỗi buồn – tinh thần dân tộc)
12/ Tự lực văn đoàn và nhà văn Thạch Lam
13 /Nam Cao và những trang văn trang đời : (bộ ba Trăng sáng – Đời thừa – Nước mắt)
14/ Vang bóng một thời và cái tôi tài tử Nguyễn Tuân
15/ Những minh triết từ thơ trào phúng Nguyễn Khuyến, Tú Xương
16/Văn thơ đạo đức – trữ tình của Đồ Chiểu
17/ Chân dung Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù.
18/Tố Hữu – Đảng và thơ.Phong cách trữ tình – chính trị ( Từ ấy, Việt Bắc, Bác ơi )
19/ Hiện thực và lãng mạn trong sáng tác Thạch Lam và Nam Cao.
20/ Gương mặt đất nước qua thơ🙁 Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Đất nước(Nguyễn Khoa Điềm), Việt Bắc(Tố Hữu), Chúng con chiến đấu(Nam Hà), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Làng tôi năm 2000(Nguyễn Tấn Việt), Bài hát về cố hương(Nguyễn Quang Thiều).
21/Sắc thái nhân đạo qua truyện ngắn (Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Chiếc thuyên ngoài xa.)
22/ Giới thiệu về thơ sau 1975: Di cảo thơ, Những người đi tới biển, Đường tới thành phố, Tự hát, Người đàn bà ngồi đan, Thư mùa đông, Xúc xắc mùa thu, Ánh trăng, Nhà thơ và hoa cỏ, Gọi nhau qua vách núi, Tiếng hát tháng giêng, Sự mất ngủ của lửa.
23/ Giới thiệu truyện sau 1975: Người đàn bà ngồi đan, Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Cát bụi chân ai, Tướng về hưu
24/ Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn(văn học 1945-1975)
25/ So sánh cái nhìn về con người qua văn học sử thi và phi sử thi.
26/ Tình yêu người phụ nữ trong thơ (qua Khăn thương nhớ ai, Tự tình 2, Sóng và Nhật thực(Vi Thùy Linh)
27/ Hiện thực và nhân đạo (qua sáng tác Kim Lân, Nam Cao và Tô Hoài)
28/ Hình tượng dòng sông trong văn chương
29/ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua truyện kí chiến tranh (Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình, Đất nước đứng lên, Rừng xà nu.)
30/ Chân dung Xuân Quỳnh qua thơ tình (Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Hoa cỏ may)
31/ Những áng thiên cổ hùng văn (Nam quốc sơn hà, Bình ngô đaị cáo, Tuyên ngôn độc lập)
32/ Văn học đổi mới và những người mở đường(Nguyễn Minh Châu, Thanh Thảo)
33/ Hình tượng tiếng đàn trong văn học ( Tì bà hành, Truyện Kiều, Đàn ghi ta của Lorca, Chùa đàn)
34/ Hình tượng Người anh hùng trong văn học (Kiều, Lục Vân Tiên, Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tây Tiến, Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh)
35/ Nỗi niềm và số kiếp văn chương (Độc Tiểu Thanh kí, Hầu trời, Đời thừa)
36/ Thân phận những người đàn bà không tên trong văn học( Vợ nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa )
37/ Cảm hứng thơ về mẹ( Mẹ và quả, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Trở về với mẹ ta thôi, Bờ sông vẫn gió)
38/ Điệu hồn dân tộc qua thơ ( Chân quê, Lời thề cỏ may, Làng tôi năm 2000).
39/ Nhóm thơ đồng quê trong thơ mới (Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ)
II/ Những vấn đề lí luận văn học bồi dưỡng học sinh giỏi
1/ Đặc trưng của thơ – Thơ hay
– Cần nắm được tình cảm là cốt lõi của thơ
– Vận dụng bài học để cảm nhận sâu sắc trạng thái rung động của nhà thơ
– Những quan điểm bàn về vai trò tình cảm trong thơ xưa nay
– Nhận thức về thơ hay, bàn về thơ hay, phát hiện để tập thẩm bình.
2/ Phong cách nghệ thuật
– Nắm được khái niệm phong cách nghệ thuật
– Phát hiện cá tính sáng tạo, dấu ấn riêng của từng tác giả học trong chương trình để có sự so sánh
– Những ý kiến bàn về sự độc đáo văn chương
3/ Tiếp nhận văn học
– Các góc độ cảm nhận, lĩnh hội
– Sự đồng cảm giữa nhà văn với bạn đọc
– Các ý kiến bàn về tiếng nói tri âm
– Những bài học dễ nhận biết của tiếng nói tri âm
4/ Mối quan hệ nội dung và hình thức văn học
– Sự hài hòa máu thịt giữa nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiên
– Những ý kiến bàn về nội dung và hình thức
– Biểu hiện cụ thể trong những tác phẩm lớn đã học
5/ Mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống và văn học
– Tính chân thực của văn học
– Vai trò của hiện thực cuộc sống
– Vai trò của người nghệ sĩ
– Biểu hiện trong các bài học
6/ Quan hệ Tâm và tài
– Quan điểm mang màu sắc thời đại Nguyễn Du: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
– Quan điểm tâm và tài trong sáng tác hôm nay và mọi thời đại
– Biểu hiện của tâm và tài trong các tác phẩm lớn đã học
– Các ý kiến bàn về điều này
7/ Các khuynh hướng sáng tác
– Khái niệm về khuynh hướng
– Khuynh hướng lãng mạn
– Khuynh hướng hiện thực
– Khuynh hướng hiện thực XHCN
– Biểu hiện trong tác phẩm lớn đã học
8/Vai trò của ngôn ngữ nghệ thuật
– Nắm đặc trưng hình tượng của ngôn ngữ văn học
– Sự khổ công, nhọc lòng của lựa chọn ngôn từ nghệ thuật
– Các ý kiến bàn về điều này
– Chỉ ra được nghệ thuật dùng từ của những tác phẩm hay
9/ Hình tượng và hình tượng điển hình
– Khái niệm hình tượng nghệ thuật
– Hinh tượng nhân vật và hình tượng nhân vật điển hình
– Chỉ ra được dấu hiệu của hình tượng điển hình trong những tác phẩm lớn
10/Quan điểm sáng tác nhà văn
– Cần hiểu thế nào là quan điểm sáng tác
– Sự nhất quán giữa quan điểm sáng tác và tác phẩm nhà văn
– Nắm được quan điểm sáng tác của những gương mặt tiêu biểu: Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nam Cao, Xuân Diệu Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Huy Cận , Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Thanh Thảo…
– Vận dụng vào bài viết những hiểu biết từ quan điểm sáng tác này.
C/ NHỮNG CÂU HỎI QUEN THUỘC, CẦN THIẾT
Ngoài một số câu hỏi chúng tôi đã ra để ôn luyện cho học sinh thì phần lớn đây là những câu trong đề thi ngữ văn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, dự tuyển quốc gia của Thanh Hóa và một vài tỉnh thành, olympic, cấp quốc gia trước đây và những năm gần đây.Xin phép không giữ nguyên đề mà chỉ giới thiệu phần cốt lõi, mạn phép chế biến lại để việc ôn luyện phù hợp.
Câu 1: “Nhà thơ không có tài thì không thể vận chuyển được tâm linh”;
” không có tình thì không phải là tài”(Viên Mai)
Câu 2: Đọc một câu thơ, nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn con người (France)
Hãy bình luận qua hai bài thơ Độc tiểu thanh kí và Đây thôn Vĩ Dạ
Câu 3: Cái kết tinh của một vần thơ và muối bể
Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu(Chế Lan Viên)
Tìm chất muối của thơ ca qua bài Tràng giang và Đàn ghi ta của Lorca
Câu 4: Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.
Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua bài thơ tâm đắc
Câu 5: Một nhà văn tài năng luôn để lại dấu ấn riêng trên từng trang viết.
Bình luận vấn để này qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ
Câu 6: Thơ cần có chân tâm, thực ý, nếu ta có chân tâm, thực ý thì người khác đọc thơ mình không ai không thấy bùi ngùi, cảm động, không như thế thì không ai đọc cả. Chỉ có một tâm tình cao quý, một phong cách thanh khiết từ trong lòng dưới ngòi bút chợt tự nhiên tuôn chảy chính là bài thơ chân thực có sẵn tròng rời đất vậy (Kim Thánh Thán)
Bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua tập Nhật kí trong tù
Câu 7: Điều còn lại ở mỗi nhà thơ là giọng nói riêng biệt của chính mình.
Hãy tìm giọng nói riêng qua Vội vàng và Tương tư
Câu 8: Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới(Hoài Thanh).Xuân Diệu đã bắt rễ rất sâu trong cội nguồn truyền thống(Chu Văn Sơn)
Lí giải và làm sáng tỏ vấn đề trên qua các bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu.
Câu 9: Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới này trong con mắt của nhà văn phải có một hình sắc riêng
( Hoài Thanh) Lí giải vấn đề và làm sáng tỏ qua Người lái đò sông Đà
Câu 10: Cái đẹp mà văn học mang lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật(Hà Minh Đức)
Lí giải vấn đề trên, làm sáng tỏ bằng việc phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao: Cái lò gạch bỏ không – nhà tù – Túp lều Chí Phèo – Cái lò gạch bỏ không.
Câu 11: Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật (Biêlinxki)
Hãy bình luận và làm sáng tỏ bằng một vài bài thơ yêu thích
Câu 12: Để hiểu bản thân mình, các dân tộc đã sản sinh ra các nhà thơ(Eptusenko) Hãy giải thích ý kiến trên và minh họa bằng trải nghiệm về Tố Hữu, Xuân Diệu, Thanh Thảo
Câu 13: Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời , thơ còn là thơ nữa (Xuân Diệu)
Câu 14: Đừng đuổi thơ thơ tôi vì một chiều tà nào ngả bóng
Hãy kiên lòng sẽ thấy nắng mai lên (Chế Lan Viên)
Từ ý thơ trên hãy bình luận về thế hệ thơ mới lãng mạn trở về cách mạng
Câu 15: Khoảng trống của văn học Việt Nam hiện đại nếu không có tác phẩm Chí Phèo
Câu 16: Thơ tự do không có nghĩa là tùy tiện.
Hãy chứng minh điều này qua một vài bài thơ tự do mà anh chị yêu thích
Câu 17: Thơ trào lộng, đằng sau tiếng cười là những minh triết thông sáng những tâm hồn tăm tối.Hãy bình luận qua một bài thơ tâm đắc
Câu 18: Hiện thực cách mạng và sáng tạo văn học. Hãy bình luận về mối quan hệ trên qua một số hình tượng văn học 1945-1975
Câu 19: Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó.Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy.Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật(Nguyễn Khải)
Giải thích ý kiến trên. Từ sáng tác Xuân Diệu hoặc Tố Hữu để chứng minh.
Câu 20: Tố Hữu, nhà thơ lớn nhất của chúng tôi, thơ Tố Hữu phản ánh những chặng đường cách mạng Việt Nam, đúng hơn, tâm hồn Việt nam trong những giai đoạn cách mạng ấy (Chế Lan Viên)
Hãy bình luận ý kiến trên
Câu 21: Thơ Đường là lối thơ bắt voi lớn bỏ vào chiếc rọ nhỏ.Bình luận qua một bài tứ tuyệt yêu thích.
Câu 22: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài(Nguyễn Du)
Hãy giải thích quan điểm trên và liên hệ đến đời sống văn học hiện đại
Câu 23: Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.
Bằng trí thức và trải nghiệm văn học, bạn hãy bình luận ý kiến trên.
Câu 24: Nội tâm nhân vật thường có nét riêng cho thấy những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật.Đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí của nhân vật qua các giai đoạn.
Từ một nhân vật truyện tâm đắc đã học hãy làm sáng tỏ vấn đề trên
Câu 25: Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ; và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ ấy phải in dấu vào đó càng sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay(Xuân Diệu)
Từ một số tác phẩm thơ đã học trong chương trình hãy làm sáng tỏ vấn đề
Câu 26: Sóng của Xuân Quỳnh không chỉ là hoa dọc chiến hào mà còn là bài thơ đi cùng năm tháng.
Câu 27: Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ.Hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Câu 28: Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy.Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy(Nguyễn Đình Thi). Qua Sóng và Đàn ghi ta của Lorca hãy làm sáng tỏ vấn đề trên.
Câu 29: Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới (Mac-xen Pruxt).Hãy bình luận vấn đề trên.
Câu 30: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống(Nguyễn Đình Thi).Hãy lí giải và minh họa ý kiến trên.
Câu 31: Mỗi hình tượng nhân vật phụ nữ thực sự thành công bao giờ cũng là kết quả của sự phát hiện sâu sắc về nữ tính.
Bằng việc phân tích một số nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong tác phẩm đã học từ văn học dân gian đến hiện đại hãy làm rõ ý kiến trên.
Câu 32: Dòng sông truyền thống trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.
Câu 33: Bài học từ những nghịch lí trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Câu 34: Chất Tây nguyên trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Câu 35: Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả.
Từ hình tượng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường hãy là sáng tỏ ý kiến trên.
Câu 36: Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc.Nó giúp con người sống ra người hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người
(Thanh Thảo) Từ một số truyện ngắn hiện đại, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Câu 37: Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm.(Hoàng Cầm)
Hãy lắng nghe âm điệu ấy trong một số bài thơ anh chị tâm đắc.
Câu 38: Chữ bầu lên nhà thơ (Lê Đạt)
Bằng cảm nhận Tự tình II và Tây Tiến hãy bình luận ý kiến trên.
Câu 39: Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.(Pau-tôp-xki) Từ cảm nhận một và tác phẩm văn xuôi yêu thích hãy bình luận ý kiến trên.
Câu 40: Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình.
Phân tích phong cách Nguyễn Bính trong Tương tư để làm rõ ý kiến trên.
Câu 41: Đọc Chí Phèo của Nam Cao có ý kiến cho rằng: Bi kịch của Chí phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, lại có ý kiến cho rằng: Bi kịch của Chí Phèo, hơn thế, còn là bi kịch con người tự từ chối quyền làm người. Ý kiến của anh chị.
Câu 42: Trong dời sống văn học, những nhà văn có tài năng, người thì đóng góp vào một cách viết, người thì đóng góp vào cách sử dụng ngôn ngữ, có người lại chỉ cho ta thấy những thứ rất nhỏ bé, đặc sắc mà giàu giá trị.Nhưng trên tất cả, anh ta phải cho người đọc thấy được tiếng nói riêng của anh ta trong một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm.(Nguyễn Minh Châu) Bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ qua các tác phẩm truyện kí đã học.
Câu 43: Các nhà văn học được văn trong truyện cổ tích và học được thơ trong ca dao.(Đỗ Bình Trị) . Suy nghĩ về ý kiến trên.
Câu 44: Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc về một vấn đề nhân sinh.
Từ Chí Phèo của Nam Cao hãy bình luận về vấn đề trên.
Câu 45: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.
Từ một tác phẩm đã học hãy bình luận vấn đề trên.
Câu 46: Nói về thơ, Nguyễn Công Trứ có câu: Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời, còn Tố Hữu lại cho rằng: Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người.Hãy bình luận và làm sáng tỏ các ý kiến trên.
Câu 47: Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung.(Lê ô nôp) Bình luận ý kiến trên.
Câu 48: Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết.(Bùi Hiển) Bình luận vấn đề trên qua một bài thơ tâm đắc.
Câu 49: Thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng(Sóng Hồng) Quan điểm của anh/chị về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ bằng việc phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Câu 50: Từ cảm nhận về hành động cho chữ của nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân) và thái độ của nhân vật Phùng trước số phận người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu), anh/chị hãy bàn về thiên chức của người nghệ sĩ đối với con người
D/ NHỮNG CÂU HỎI ĐỀ XUẤT MỚI VÀ ĐỊNH HƯỚNG MỞ
Sau đây là 25 câu hỏi văn học (câu trọng tâm trong đề Ngữ Văn HSG cấp THPT dùng để tham khảo) kèm theo định hướng mở mà chúng tôi vừa cố gắng hoàn thành trước ngày 5/12/2015, vì thời gian eo hẹp và nhất là sức vóc có hạn nên còn nhiều điều chưa ổn, rất mong các bạn thông cảm.
Câu 1: Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong(Viên Mai ) Từ một vài bài thơ tâm đắc hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Câu 2: Từ câu của Lorca: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn, có một nhà thơ nổi tiếng Việt nam đã đưa ra ý tưởng: hãy chôn thơ mới.Anh chị hãy bình luận về điều này.
Câu 3: Nhà thơ Tố Hữu trong những năm cuối đời, một lần trả lời phỏng vấn đã nói: Nếu cho tôi làm lại từ đầu, tôi vẫn bắt đầu từ từ ấy.
Bằng trải nghiệm về Đời và thơ Tố hữu của mình, anh chị hãy bình luận câu nói trên.
Câu 4: Tùy bút là những tác phẩm mà nổi lên bình diện thứ nhất:những phẩm chất riêng, cốt cách riêng của tác giả, giọng điệu độc đáo của riêng mình, những người thích tự biểu hiện (Từ điển bách khoa Liên Xô cũ).
Từ hai bài học Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường), anh / chị hãy bình luận vân đề trên.
Câu 5: Thơ tình là bài học lớn về lòng nhân đạo.Từ một số bài thơ đã học mà anh chị tâm đắc, hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về điều này.
Câu 6: Có một ý kiến rằng: Tôi biết thơ rất cần cho cuộc sống, nhưng cần như thế nào thì tôi không biết.
Anh chị hãy chọn một bài thơ tâm đắc để lí giải cái điều rất cần ấy của thơ.
Câu 7: Tại hội thảo thơ Văn Miếu, một nhà thơ trẻ đã nói: Mong quý vị đừng than phiền quê hương ta hôm nay thiếu kẻ sĩ , vắng nhân tài, để rồi tự an ủi bằng những vần thơ tiền chiến xa lơ xa lắc.Những con ngựa được lắp sẵn yên cương sẽ không bao giờ phi nổi trên đồng cỏ thơ gai góc.tương lai của thơ phụ thuộc vào những con ngựa có thi tài bẩm sinh và đầy cá tính.
Anh chị có đồng ý với quan điểm này không? bằng hiểu biết về thơ Việt Nam hiện đại từ 1930 đến nay hãy đưa ra ý kiến của mình.
Câu 8: Cả thế giới ngưng đọng trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Câu 9: Thạch Lam, viết truyện là một cách để sống lại tuổi thơ?
Câu 10: Chiếc thuyền ngoài xa: Hành trình đi tìm con người trong con người.
Câu 11: Cái đẹp cứu vớt thế giới (Đôxtôiepxki)
Từ Chữ người tử tù và Đàn ghi ta của Lorca, hãy bình luận vấn đề trên
Câu 12: Người xưa nói: thơ hay là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon.Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào?Hãy cảm nhận cái phần ngoài sắc, ngoài vị của những câu thơ đưới đây:
– Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
– Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)
– Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây Tiến, Quang Dũng)
– Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
(Đàn ghi ta của Lorca, Thanh Thảo)
– Mùi thuốc bắc tự tin bay ra từ bếp lửa
Sống lại người đàn bà chết yểu tự nghìn xưa
(Hồi tưởng tháng hai, Nguyễn Quang Thiều)
Câu 13: Nhịp Sóng của Xuân Quỳnh: đi từ trái tim để đến với trái tim
Câu 14: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: Thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn, có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.
a/ Hãy thể hiện sự đồng cảm của anh chị với ý kiến Nguyễn Quang Thiều qua bài thơ nổi tiếng sau đây của ông:
Bài hát về cố hương
Kính dâng làng Chùa của tôi
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt đẫm
Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về
Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức một mình
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy dòng dòng
Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi
1991
( Sự mất ngủ của lửa, tập thơ đoạt giải thưởng hội nhà văn Việt Nam 1992)
b/ Hãy thể hiện sự đồng cảm của anh chị với ý kiến Nguyễn Quang Thiều qua bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)
Câu 15: Nếu Tản Đà là một bài thơ tuyệt hảo thì Nguyễn Tuân là cái định nghĩa về người nghệ sĩ.
Từ trải nghiệm văn học về con người và văn chương Tản Đà và Nguyễn Tuân hãy bình luận các vấn đề trên.
Câu 16: Thơ phải nhắm đến cái mờ, cái trôi nổi, cái mơ hồ của con tim, cái nửa sáng nửa tối của cảm giác, cái bất định của trạng thái tâm hồn(Veclen).
Bình luận và làm sáng tỏ vấn đề trên.
Câu 17: Những năm đất nước có chung một gương mặt chung một tâm hồn.(Chế Lan Viên) Bằng trải nghiệm văn học 1945-1975 anh chị hãy bình luận vấn đề.
Câu 18: Bàn về văn học sau 1975, SGK Ngữ Văn 12 viết: Cái mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.
Bằng hiểu biết từ những tác phẩm đã học và đọc, hãy làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 19: Có những bài thơ ta cảm rồi mới hiểu, lại có những bài thơ ta phải hiểu rồi mới cảm.
Hãy lí giải điều này.Từ hai bài Việt Bắc và Đàn ghi ta của Lorca để bàn luận điều trên.
Câu 20: Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn (Lê Đạt)
Từ nhận thức vân chữ của Xuân Quỳnh qua bài Sóng, anh chị hãy đi tìm vân chữ của Phan Thị Thanh Nhàn qua bài thơ sau đây:
Hương thầm
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh cao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi
(1969)
Câu 21: Căn bệnh Đan Thiềm của người cầm bút Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân qua hai bài học Chữ người tử tù và trích kịch Vũ Như Tô: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
Câu 22: Đuy-be-lây nói: Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim
Còn Balzac thì nói: nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại
Bằng những tác phẩm đã học, hãy bình luận làm rõ những vấn đề nêu trên.
Câu 23: Biêlinski đã nói về nhân vật điển hình: với nhà văn, đó là tấm huy chương; với bạn đọc, đó là một người lạ quen biết.
Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua hai tác phẩm Chí Phèo và Vợ chồng A phủ.
Câu 24: Pôn Eluya đã nói: Có đủ loại thơ, nhưng chữ thơ bao giờ cũng đứng trước.
Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và Tây Tiến, hãy làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 25: Thơ phải chăng là điều ấy, mơ ở trong thực, cái vô hình trong cái hữu hình.Những màu trong thơ, không sáng cũng không tối, lờ mờ nhưng lại rõ, cái chính xác của sự mơ hồ, cái bảng lảng, có thể nói như vậy khi người ta là thi sĩ (Tố Hữu)
Hãy bàn luận ý kiến này qua bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
ĐỊNH HƯỚNG CÂU HỎI ĐỀ XUẤT PHẦN D
Câu 1: Phần giải thích: Cong là lối nói gián tiếp.Thơ chính là khơi gợi, hàm súc, hàm ý kín đáo .Nói gián tiếp là một cách hàm ý thường gặp ở thơ.
Phần bình luận và minh họa: Có thể chọn Độc Tiểu Thanh kí, Đây thôn Vĩ Dạ, Tràng giang, Đàn ghi ta của Lorca.. hoặc một bài thơ ngoài chương trình nhưng phải thật sự là thơ hay để làm rõ vẻ đẹp ẩn kín sau ngôn từ.
Câu 2: Dạng đề mở có nhiều cách làm, đây là một phương án :
– Đồng ý với ý tưởng cách tân của Lorca, ẩn mình đi để người khác vượt lên trong một quy luật vô cùng.Chưa ai chính thức phát ngôn hãy chôn thơ mới để thế hệ sau vượt lên .Tuy nhiên, thế hệ Xuân Diệu đã nỗ lực cách tân hết mình cho một thời đại huy hoàng đã nhắn gửi điều đó, và các thi sĩ cách tân hàng đầu hôm nay ý thức thơ tiền chiến không hề cản trở mình, hãy vượt lên.Có thể lấy thơ của Thanh Thảo, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh …để minh họa cho khát khao đổi mới.
Câu 3: – Hiểu biết sâu sắc về thơ và đời Tố Hữu để thấy được sự nhất quán thủy chung với con đường cách mạng dù đi qua những buồn vui, được mất, thành bại, riêng chung, thăng trầm…
– Dùng những mốc sáng tác lớn (qua các tập thơ bài thơ lớn )để minh họa cho sự kiên định trong tư tưởng nghệ thuật của cánh chim đầu đàn thơ cách mạng Việt Nam.
Câu 4: – Hiểu biết về thể loại tùy bút, lấy cái tôi trữ tình của người viết làm cốt lõi, cá tính độc đáo, cốt cách riêng biệt, tâm hồn phóng khoáng, ngòi bút bay lượn tự do…
– Tìm nét độc đáo của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ trong hai bài học: một bên tạng nóng, một bên tạng lạnh, một bên Đà giang độc Bắc lưu…một bên chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
Câu 5: – Hiểu được bản chất và giá trị nhân văn của thơ tình đó là yêu thương, say mê, hiến dâng, thủy chung, vị tha, buồn đau, đắng cay, hạnh phúc…tất cả hướng về đồng cảm khát khao vô tận của trái tim con người. Thơ tình có khả năng cảm hóa, giáo dục kì diệu để con người thực sự người hơn
– Chọn Tôi yêu em, Sóng, Đây Thôn Vĩ Dạ hoặc một bài thơ khác thật sự hấp dẫn như Biển của Xuân Diệu để bàn luận.
Câu 6: Cách nói nhạy cảm đúng với đặc trưng của thơ.Sự cần thiết của thơ với cuộc sống lại nói bằng cách không nói, tức đã nói rất nhiều, không biết nhưng đã biết rất nhiều, mở ra cho mỗi người tìm thấy vai trò của thơ với đời sống tinh thần ở từng bài cụ thể.
– Chọn các bài thơ Mẹ và quả, Thời gian, Đất nước, Sóng, Vội vàng… sẽ thấy giá trị cần thiết với tâm hồn của bạn trong từng khoảnh khắc thưởng thức món ngon tinh thần ấy.
Câu 7: Có nhiều cách làm, có thể trái chiều nhưng phải hợp lí, tích cực. chẳng hạn:
– Đồng tình với quan điểm : một cách nói để bày tỏ dám đương đầu với yêu cầu nghiệt ngã của thơ đương đại.Có thể lấy thơ Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Chí Vinh, Vi Thùy Linh, Hồng Thanh Quang…để minh họa cho nỗi khát khao vượt thoát của thơ trẻ.
– Không đồng tình: chỉ là ý kiến tự do ngôn luận thơ có phần quá tự tin sau những gì đã thể nghiệm chưa đến độ chín của người này và thơ trẻ. Lấy sáng tác của thơ đương đại hôm nay để thấy thơ tiền chiến vẫn còn đổ bóng che khuất thi tài …
Câu 8: Bản chất vấn đề là thế giới nghệ thuật Thạch Lam nhẹ nhàng, thầm lặng đã đánh thức sự sống tâm hồn người, kết đọng yêu thương vĩnh viễn .Thạch Lam là lối văn chương cứ như của ngày hôm nay, không quá lời khi nói ông là một đỉnh cao của truyện ngắn nội cảm. Sau một hành trình dài văn học ta gắng sức đi tìm cái thật sự là truyện, người ta lại ngỡ ngàng ngước lên nhìn thấy Thạch Lam đã đón đợi từ lâu.
Câu 9: Tuổi thơ Thạch Lam gắn với phố huyện có những người thân yêu và ga tàu hỏa Cẩm Giàng thương nhớ…khiến nhiều người nhầm tưởng lối tự truyện đồ lại quá khứ một cách thông tục, bình thường.Thực ra, quá khứ tuổi thơ là một tín hiệu thẫm mĩ để ông vươn lên khác thường, Nguyễn Tuân gọi là quá vãng, quá vãng cộng với những rung ngân tâm hồn chính là văn chương Thạch Lam.Quá khứ trở thành mộng tưởng đắm say cho Hai đứa trẻ.Có thể tìm sự đồng nhập này trong mơ tưởng của Liên.
Câu 10: Đây là ý tưởng của M.Ba-khtin về truyện.Cuộc tìm kiếm vẻ đẹp con người của nhà văn là hành trình không bao giờ chấm dứt.Mỗi nhân vật là cuộc tìm kiếm khám phá chiều sâu bí ẩn, cái chất người trong con người. Có thể tìm thấy hành trình ấy của Nguyễn Minh Châu qua nhân vật người đàn bà hàng chài với những góc khuất tăm tối mà đẹp thẳm sâu bỗng vỡ òa giác ngộ trong ta.
Câu 11: Bàn về vai trò, tác dụng của cái đẹp trong đời sống tinh thần.Thế giới sẽ bị hủy diệt nếu không có cái đẹp.Cái đẹp cảm hóa, tranh đấu, chinh phục, chiến thắng cái bạo tàn và lạc hậu.Hình tượng Quản Ngục phong thánh người tù, hình tượng Lorca bi hùng trong cái chết là thế giới này được cứu sống.
Câu 12: Ý kiến Hoàng Đức Lương nói về thơ hay.Chỉ thi nhân chứ người bình thường chúng ta không nhìn thấy được.Cố gắng lắm mới lơ mơ rằng:
– Câu thơ Nguyễn Du nổi gió hiu hiu, nói như một nhà thơ, đọc chữ này thấy thít lên như có cái gì bò bò ở sau gáy mà không hiểu được.Kiều trái tim rỉ máu, đang sống đây mà hồn mai sau run rẩy rung rinh nơi ngọn cỏ lá cây làm người đọc rùng mình ớn lạnh.Đúng là Thi trung hữu hồn.Một thi sĩ có trăm câu thơ tài hoa hôm nay tự thấy chưa nổi câu nào có được, dù là một chút cái hiu hiu gió như cụ Nguyễn.
– Câu thơ Hàn Mặc Tử: ảo hóa sông trăng, hư vô mở lối, cõi đau thương giam cầm tật bệnh bỗng sáng hóa thành câu thơ đắm đuối đến ghê người nhưng trang trọng huyền ảo bậc nhất của thơ mới.Lại như mơ màng bay lượn đi tìm vẻ đẹp ở mảnh đất thần kinh.Cầu mong đừng ai nhìn ngắm và thưởng thức thấu tận cùng sắc vị của nó, để Đây thôn Vĩ Dạ mãi là vầng sáng thơ ảo huyền sương khói, nguyện cầu và hát ca cho một kiếp đời.
– Quang Dũng viết câu thơ có phần mờ nhòe về nghĩa, những câu chữ chất chứa một khoảng trống ần ngôn đầy ma lực: dáng người độc mộc, dòng lũ , hoa đong đưa: tín hiệu tình tứ nườm nượp phía chân trời nhớ, không biết phải hiểu hoa đong đưa như thế nào, đúng là câu thơ tôi có cái nghĩa mà anh gán cho nó.
– Câu thơ của Thanh Thảo bí ẩn và thôi miên theo lối biểu tượng siêu thực.Cỏ mọc hoang là nghệ thuật mãnh liệt hay nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường?
– Câu thơ của Nguyễn Quang Thiều trong Hồi tưởng tháng hai là những liên tưởng miên man dẫn thi sĩ đến miền khai phá cảm xúc mới, đó là thế giới bất ngờ, bí ẩn, hấp dẫn được giải mã bằng trái tim nồng ấm và tâm hồn trong veo, Nguyễn Quang Thiều đã dường như tới đó và trở về kể cho ta nghe bằng những hồi tưởng.
Thích một câu thơ mà không hiểu được đó là một sở thích đau khổ, điều này làm nên thi ca.
Câu 13: Đây là ý kiến của Plê-kha-nôp về thơ.Bàn về sự đồng cảm tri âm giữa nhà thơ và bạn đọc.Con đường ngắn nhất để đến đích của người đọc thơ là nhịp cầu trái tim.
– Bài Sóng là trái tim yêu Xuân Quỳnh tự hát lên những trạng thái, cung bậc, những băn khoăn thức nhận, những thủy chung, khát vọng, những phấp phỏng, chi chút, giành giữ… một cách thành thật đã chạm đến trái tim mỗi người đọc, để ai cũng thấy Sóng là nhịp tim yêu chính mình.
Câu 14: a/ Nguyễn Quang Thiều(1957)- phó chủ tịch HNV Việt Nam, quê ở làng Chùa ( Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Tây). Là tên tuổi nổi bật của thơ đương đại với nỗ lực cách tân đã gây được tiếng vang. Ý kiến này bàn về thơ ca đương đại mà trong đó Nguyễn Quang Thiều là một khám phá táo bạo, ráo riết.Với ông, thơ là nơi tự do suy nghĩ nên tôi vừa giải phóng vừa trú ẩn.
– Bài thơ này trong tập thơ đạt giải hội nhà văn 1992, được xem là tuyên ngôn thơ của ông, được bình chọn bản dịch ra tiếng Nga hay nhất năm 2011.
Thơ không làm ta lạc vào bãi tha ma thần bí mà nồng ấm. Nội lực thi ảnh đi từ làng Chùa (nơi có người bà hay kể chuyện ma mà ấm áp) đến cõi lạ nỗi buồn báu vật cố hương, ước mơ lớn nhất làm con chó nhỏ canh giữ nỗi buồn là tinh thần vời vợi của thi ca. Nguyễn Quang Thiều đã cho ta thấy truyền thống văn học là truyền thống cách tân.
– Tư duy mở nên có thể chấp nhận nhiều cách làm táo bạo, miễn hay, có văn hóa và tình yêu Tổ quốc .
b/ Giải thích quan điểm này cần một tư duy mở cho các ý niệm: giải phóng tôi, tôi trú ẩn, tinh thần thi ca, cứu rỗi thế giới. Phần sử dụng thơ Thanh Thảo và hình tượng Lorca hoàn toàn hợp với quan niệm tự do, giải phóng sáng tạo và cách tân.Tư tưởng mang tinh thần thi ca vẫn luôn là sự cứu rỗi thế giới.
Câu 15: Cần có hiểu biết sâu sắc về hai tác giả này.Với Tản Đà, đây là một cách khẳng định vị trí số 1 của Tản Đà, con người hội tụ chất văn hóa tiền đạo, kết nối hai thời kì cổ kim. Với Nguyễn Tuân, đây là một cách khẳng định chất tài hoa tài tử bậc nhất. Họ là hiện thân cho phẩm chất và cốt cách của những người sáng tạo cái đẹp.
Câu 16: Ý kiến này bàn về đặc tính của thơ là sự bí ẩn của con tim, cảm giác, tâm hồn. Thơ hấp dẫn vì không dễ hiểu. Đó là thơ hay. Có thể chọn Đây thôn Vĩ Dạ, Đàn ghi ta của Lorca,Tây Tiến,Thời gian để minh họa.
Câu 17: Ý tưởng của Chế Lan Viên nói về tính chất sử thi trong văn học cách mạng từ sau năm 45 nhất là thời đánh Mĩ. Chủ yếu sử dụng hiểu biết về thơ ca thời chống Mĩ để bình luận cái Tôi chung toàn dân tộc với điểm mạnh và yếu của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Câu 18: Câu này bàn về đặc điểm nổi bật của văn học sau 1975 trong cách nhìn con người ở tính chất hướng nội, phức tạp, đời thường. Cần so sánh với cách nhìn con người sử thi ở giai đoạn trước đó. Bình luận qua các bài học: Chiếc thuyền ngoài xa, Đàn ghi ta của Lorca, Một người Hà Nội…
Câu 19: Đây bàn về đặc điểm tiếp nhận văn học.Tiếp nhận thơ có ít nhất hai hướng: một là cảm trước hiểu sau với những bài thiên về cảm xúc; hai là hiểu trước cảm sau với những bài thiên về trí tuệ, bí ẩn, siêu thực. Đọc cảm tính về Việt Bắc để sau đó suy nghĩ về thơ Tố Hữu. Đọc lí tính về Đàn ghi ta của Lorca để sau đó rung động, tri âm với Thanh Thảo.
Câu 20: Câu này bàn về phong cách nhà văn.Cá tính sáng tạo của nhà thơ lớn được diễn đạt bằng vân chữ. Đó là cách nhìn, cách cảm, giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu…có sự ổn định lặp lại để nhận ra tiếng nói riêng.
Hai bài thơ cùng thời, cùng đề tài tình yêu nhưng là hai thế giới nghệ thuật sáng tạo, một bên Sóng là cồn cào da diết, một bên Hương thầm là dịu dàng, nhẹ nhàng mà đằm sâu lan tỏa mênh mang…
Câu 21: Hiểu được câu của Nguyễn Huy Tưởng: người cầm bút chẳng qua cùng bệnh với Đan Thiềm, đó là sự đồng cảm trong những nghịch cảnh với tài năng sản sinh ra cái đẹp trước cái tàn độc, nhưng cách ứng xử lại có những lối riêng.Chữ người tử tù và Trích đoạn Vũ Như Tô tìm thấy ở Đan Thiềm và Quản Ngục sự tôn thờ Nghệ thuật chân chính và cái đẹp vĩnh viễn đó là đối thoại của hai người cầm bút.
Câu 22: Câu của Đuy-be-lây bàn về thơ với thế giới chủ quan (trái tim) trong sáng tác (chủ yếu là thơ lãng mạn). Còn Balzac bàn về văn học hiện thực với nguyên tắc phản ánh thế giới khách quan (thời đại) trong sáng tác.
Có thể chọn Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt… để làm rõ sự đặc trưng hiện thực. Có thể chọn Vội vàng, Sóng, Tây Tiến, Đây thôn Vĩ Dạ để làm rõ đặc trưng của lãng mạn.
Câu 23: Câu này bàn về nhân vật điển hình, chủ yếu là điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực. Nhân vật điển hình là sự tôn vinh, phần thưởng cho nhà văn.Còn với bạn đọc điển hình là sự thống nhất giữa cái chung, tính đại diện (quen) và cái riêng, tính độc đáo (lạ) của nhân vật. Có thể lấy Chí Phèo, Bá Kiến(Chí Phèo); Mị, Pá tra(Vợ chồng A Phủ) …để minh họa.
Câu 24: Ngoài cái lớn lao cuộc đời thực, thơ là thế giới của ước mơ và mộng tưởng.Thế giới mộng ảo của thơ có sức truyền cảm riêng để người đọc cảm nhận bao la về hôm qua, hôm nay, ngày mai, về cái có thể, cái đang sống và cái mong ước…Đây thôn Vĩ Dạ tìm thấy chữ thơ ở thế giới vườn tinh khôi, sông trăng hư vô mở lối, xiêm áo trắng như tinh của giai nhân cõi thực chính là khát khao tình người tình đời. Tây Tiến tìm thấy chất ảo mộng ở cảm giác đa tình, say đắm, một chết không về … trong tâm thơ bồng bềnh chơi vơi của người nơi trận mạc.
Câu 25: Câu này Tố Hữu không nói nhiều về sự bí hiểm của thơ. Chủ yếu bàn về đường biên vô hình tinh tế của thơ (mơ – thực, vô hình – hữu hình, sáng – tối, mờ – rõ, chính xác – mơ hồ khi người ta là thi sĩ). Không thể tìm thấy ở cả bài mà chỉ chớp được ở những khoảnh khắc giáp ranh trong Việt Bắc và Tây Tiến.
E/ NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA BÀI VĂN HỌC SINH GIỎI
(Tóm tắt)
– Bài làm phải có sức viết dài, động viên từ ba tờ giấy thi (12 trang) trở lên. Chữ đẹp hoặc dễ đọc, ưa nhìn, không cẩu thả, không được sai Tiếng Việt.
– Tỏ ra am hiểu lí luận, vận dụng mức độ vào tác phẩm văn học cần làm.
– Mở bài, kết bài phải tỏ ra đầu tư để viết hay, đó là dấu hiệu nhận biết học sinh giỏi. Thân bài phải có bố cục và hành văn sáng.
– Bài viết vừa sâu vừa rộng về kiến thức.
– Đánh giá cao các bài kết hợp giữa phần say đắm và phần tỉnh táo.
– Có bài ít chất trí tuệ mà thiên về lối văn vơ vẩn cùng mây thì vẫn phải trọng dụng để bổ sung kịp thời.
– Có bài lại chỉ thấy lí trí sắc sảo, riết róng, không nên ghét khô khan mà phải đề cao ngay để tìm cách dạy những mơ mộng.
– Cần tung ra nhiều hướng gợi mở đề cho học sinh sáng tạo nhưng phải chọn cách hợp lí nhất, xôm nhất để kết thúc. Đề thi mở phải có khuôn khổ mới hay được, không nên cho tùy tiện.
– Cần gợi nhiều ý tưởng mở bài mới, độc đáo để học sinh lựa chọn phù hợp, tập viết mở bài, nếu không có cái mình hay thì phải lấy cái hơi hay mình có.
– Không có một quy chuẩn nào cố định để đánh giá bài văn hay, mà phải linh hoạt.
– Không nên đầu tư nhiều những bài như con ong chăm chỉ để đi thi vì sẽ là không mật ngọt, không sắc, không hương.
– Không thể áp dụng phương pháp máy móc. Phải chăng, phương pháp tốt nhất là không cần phương pháp?
– Tham khảo những bài viết của các nhà phê bình, các bài văn đạt giải cao mấy năm lại đây, những bài viết hay của T.S Chu Văn Sơn, T.S Phan Huy Dũng…và nhiều người khác.
Trên đây là mấy công việc bếp núc của chúng tôi trong quá trình được may mắn, vinh dự bồi dưỡng những học sinh THPT giỏi Văn ở các cấp tỉnh, quốc gia. Xin mạnh dạn chia sẻ và rất mong quý bạn đồng cảm, đóng góp ý kiến chân thành để chúng tôi khắc phục và phát huy nếu có thể.
Trân trọng cảm ơn .
Đông Vệ, TP Thanh Hóa tháng 12 năm 2015
Th.s Lê Văn Khải