Bộ đề thi thử THPT Quốc gia chuẩn cấu trúc. Phân tích đoạn 3 : Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc. Nghị lụân xã hội: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”

SỞ GD&ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT TRƯỜNG THI
ĐỀ THI THPT QUỐC GIA LỚP 12
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề này gồm 3 câu, 2 trang)


Câu 1 (3.0 điểm):
Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi :
“Lần đầu tiên những bản đồ cổ giúp chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa do Việt kiều Trần Thắng sưu tầm được trưng bày ở Mỹ.
20 bản đồ Hoàng Sa, 20 bản đồ cổ Trung Quốc và 2 sách atlas Trung Quốc được triển lãm tại Hội thảo quốc tế “Sự xung đột trong Biển Đông”, tổ chức tại ĐH Yale, Mỹ cuối tuần qua. Ðây là 40 bản đồ trong bộ sưu tập 150 bản đồ cổ Hoàng Sa và Trung Quốc, cùng 3 sách atlas Trung Quốc mà ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, sưu tập từ giữa năm 2012. Những bản đồ này đã được ông Thắng gửi tặng cho Việt Nam và UBND huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng.
20 bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ, từ năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, 20 bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ nước này dừng lại ở Hải Nam.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông, từng nhận xét bộ sưu tập của ông Trần Thắng cho thấy những mâu thuẫn trong tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa….”
(trích Người gốc Việt triển lãm bản đồ Hoàng Sa trên đất Mỹ – báo điện tử VNEXPRESS ngày 10/5/2016)
1/ Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đọan văn trên.
2/ Đọan văn trên đề cập đến vấn đề gì?
3/ Nêu tóm tắt nội dung chính của văn bản.
4/ Phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên là gì?
5/ Cách diễn đạt : tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thể hiện hàm ý gì của người viết ?
6/ Viết 1 đọan văn ( từ 5 đến 7 dòng) để trình bày cảm nghĩ của bản thân về vấn đề được đề cập trong văn bản.
Câu 2 (2.0 điểm) :
Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, đã đạt giải Nobel Hòa bình năm 1964 cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”
Anh (chị) hãy viết bài văn (khỏang 200 chữ) để trình bày cảm nghĩ về câu nói trên của ông.
Câu 3 (5.0 điểm) :
Anh (chị) hãy phân tích đọan thơ sau đây :

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích « Tây Tiến » – Quang Dũng)

SỞ GD&ĐT THANH HÓA TRƯỜNG THPT TRƯỜNG THI
HƯỚNG DẪN CHẤM , KIỂM TRA HỌC KỲ I LỚP 12, MÔN NGỮ VĂN
(Đề này gồm 3 câu, 3 trang)
1 (3,0 đ)
a. Phong cách ngôn ngữ báo chí. 0.5đ
b.Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hòang Sa. 0.5đ
c. Những bản đồ cổ và atlas do ông Trần Thắng sưu tầm và triễn lãm tại Mỹ cho thấy quần đảo Hòang Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam từ lâu. Trong khi, lãnh thổ của Trung Quốc thì dừng lại tại vị trí đảo Hải Nam. 0.5đ
d. Phương thức biểu đạt thuyết minh. 0.5đ
e. Hàm ý mỉa mai trước 1 luận điệu hoàn toàn sai trái. 0.5đ
f. Đọan văn thể hiện được nhận thức về chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hòang Sa. 0.5đ
Câu2 :
Mở bài : Đặt vấn đề về « bệnh vô cảm » trước cái xấu và đẫn câu nói trong đề 0.25đ
Thân bài : (2,0 đ)
Giải thích:
Nội dung câu nói: Bày tỏ sự phê phán không chỉ với kẻ xấu mà cả với những người có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những bất công, đau khổ của những người xung quanh. 0.25đ
Phân tích :
+ Thái độ thờ ơ trước những sự việc, những hành động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, trái pháp luật, sự vô cảm của con người khiến cái ác lộng hành thống trị xã hội, người tốt, người đáng thương không được bênh vực sẽ bi quan, chán nản, thiếu niềm tin, đạo đức con người bị băng hoại, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
+ Vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau người khác dần làm mất nhân cách của chính mình, nhân lên căn bệnh vô cảm ở mọi người trong xã hội.
+ Câu nói nhắc nhở mọi người hướng đến một lối sống tích cực: sống có trách nhiệm, biết quan tâm chia sẻ với những đau khổ, bất hạnh của người khác cũng như kiên quyết đấu tranh chống lại những hành động trái đạo đức, pháp luật của những kẻ xấu, chống lại bệnh thờ ơ, vô cảm. 1.0đ
Bài học nhận thức, hành động :
– Bản thân cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại sự thờ ơ, vô cảm.
– Rèn luyện cho mình lối sống tích cực, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ xấu và lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm. 0.5đ
Kết bài : Nhận xét và đánh giá câu nói của Martin Luther King. 0.25đ
Câu 3 (5,0 đ)
Mở bài:
– Giới thiệu Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến.
– Giới thiệu đoạn thơ : Bức chân dung về người lính Tây Tiến; dẫn thơ. 0.5
Thân bài :
a. Khái quát về đoạn thơ:
– Về đoàn quân Tây Tiến, hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng chung của bài thơ.
– Nội dung, chủ đề của đoạn thơ : vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn của người lính Tây Tiến. 0.5đ
b. Nội dung
(Yêu cầu phân tích nghệ thuật để làm rõ nội dung từ đó, cảm nhận và khẳng định luận điểm. Nếu chỉ nêu nội dung thì cho tối đa ½ số điểm ở mỗi ý.)
– Hình ảnh đòan quân Tây Tiến:
+ Dáng vẻ khác thường : “đoàn binh không mọc tóc” “quân xanh màu lá” : hình tượng đa chiều thể hiện hòan cảnh thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn dũng mãnh, kiêu hùng.
+ Khí phách kiêu hùng: “dữ oai hùm” : tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm khiến kẻ thù khiếp sợ.
– Tâm hồn lãng mạn đa cảm :
+ Thương nhớ quê hương tha thiết : “ mắt trừng gửi mộng qua biên giới” : nỗi nhớ và cách biểu hiện rất riêng của người lính Tây Tiến.
+ Những ước mơ hào hoa, lãng mạn :“đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” : hướng về phố phường Hà Nội với những thiếu nữ thướt tha xinh đẹp.
– Sự hy sinh cao cả :
+ Ngã xuống trên đường làm nhiệm vụ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” : họ nằm lại lẻ loi nơi biên cương xa xôi hoang vắng gánh chịu thiệt thòi, mất mát.
+ Vẫn sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời và tuổi xuân cho Tổ Quốc: “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”: cách nói nhẹ nhàng như một điều tự nhiên, giản dị , không hề đắn đo, suy tính.
– Nỗi niềm tiếc thương của đồng đội và quê hương, đất nước:
+ Hình ảnh từ ngữ trang trọng cổ kính: “Áo bào ” “anh về đất”: gợi liên tưởng đến những chiến binh nằm lại chốn sa trường dù hiện thực đơn sơ, thiếu thốn “áo bào thay chiếu”
+ “Sông Mã”: con sông gắn liền với đòan quân Tây Tiến, cũng là hình ảnh đại diện cho quê hương đất nước; “gầm lên khúc độc hành” : biểu hiện của nỗi niềm đau đớn, tiếc thương, trống vắng bởi sự ra đi của người đồng đội .
3.0đ
c. Nghệ thuật
– Cảm hứng bi tráng cùng với sự kết hợp hài hòa bút pháp hiện thực và lãng mạn tạo nên bức chân dung người lính Tây Tiến.
– Ngôn từ tinh tế , hình ảnh đặc sắc làm cho lời thơ độc đáo: trang trọng , hào hùng.
0.5đ
3. Kết bài:
– Khái quát về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
– Cảm nghĩ của bản thân 0.5đ
Xem thêm :

  1. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
  2. Tuyển tập đề thi , những bài văn hay về bài thơ Tây tiến- Quang Dũng : Tây Tiến

Bài viết gợi ý: