Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn chuẩn cấu trúc.Đề đọc hiểu Một thời đại trong thi ca. So sánh Tây Tiến – Việt Bắc
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA | ĐỀ THI KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 Môn thi: Ngữ văn (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu:
Âu là ta phải nhận rằng trời đất không phải dựng lên cùng một lần với thế hệ chúng ta. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau và muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể.
Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thơ thời xưa – hay thơ cũ – và thơ thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời của chữ ta, bây giờ là thời của chữ tôi. Nó giống nhau thì vẫn có chỗ giống nhau như chữ tôi vẫn giống chữ ta. Nhưng chũng ta hãy đi tìm những chỗ khác nhau.
(Trích Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân)
Câu 1. Xác định thể loại văn bản của đoạn trích trên.
Câu 2. Trong đoạn văn bản trên, tác giả đã sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu?
Câu 3. Nội dung của đoạn văn bản trên là gì?
Câu 4. Dựa vào những hiểu biết văn học của bản thân và nội dung đoạn trích trên, anh/ chị hãy nói ngắn gọn sự khác nhau cơ bản giữa chữ “tôi” và chữ “ta” trong thơ ca.
Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
“Câu trả lời gọn nhất là hành động”. (J.W. Goethe)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
(Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
—– Hết —–
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA | ĐẤP ÁN KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 Môn thi: Ngữ văn (Thời gian làm bài: 120 phút) |
Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Thể loại văn bản là: thể loại nghị luận/ văn nghị luận/ nghị luận.
– Điểm 0.25: Tả lời đúng một trong các phương án trên.
– Điểm 0.0: Trả lờ sai hoặc không trả lời
Câu 2. Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh.
– Điểm 0.25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3. Nội dung của đoạn văn bản trên là cách để xác định tinh thần “Thơ mới” và chỉ rõ tinh thần “Thơ mới” là ở chữ “tôi”, phân biệt với “thơ cũ” là chữ “ta”.
– Điểm 0.5: Trả lời đúng và đầy đủ những nội dung trên.
– Điểm 0.25: Trả lời được 1/2 nội dung; hoạc câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4. Sự khác nhau cơ bản giữa chữ “tôi” và chữ “ta” trong thơ ca (thơ xưa và thơ nay): chữ “tôi” là tiếng nói nhân danh cộng đồng, thiên về cái phi ngã, đoàn thể; chữ “ta” là tiếng nói nhân danh con người cá nhân, thiên về cái bản ngã, cá thể.
– Điểm 0.5: Trả lời được đầy đủ những nội dung trên.
– Điểm 0.25: Trả lời được 1/2 nội dung trên; hoặc câu trả lời còn chung chung.
– Điểm 0.0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò/ giá trị/ tầm quan trọng của hành động thực tiễn trước những vấn đề của cuộc sống.
– Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích ý kiến để thấy được: trong cuộc sống, trước mỗi vấn đề, mỗi yêu cầu về công việc và cuộc sống đặt ra, con người ta có thể có nhiều câu trả lời, nhiều cách giải quyết khác nhau, nhưng cách giải quyết quan trọng, hiệu quả và đáng tin cậy nhất là bằng chính những hành động thiết thực chứ không phải bằng những lời nói suông. Câu nói của Goethe khẳng định giá trị của hành động thực tiễn, đồng thời ngầm phê phán thói lí thuyết suông trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
+ Phân tích để khẳng định giá trị của hành động trong cuộc sống, lao động và học tập; chứng minh tính đúng đắn của ý kiến và bày tỏ sự đồng tình đối với ý kiến; đề ra phương hướng hành động đúng đắn; phê phán thói quen nói mà không làm. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
+ Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về việc rèn luyện tác phong giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bằng hành động, tránh thói quen chỉ biết nói mà không biết làm…
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ trích từ bài “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu.
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
– Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
+ Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ:
++ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”:
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được khung cảnh về một đêm liên hoan lửa trại giữa những người lính Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc, trong đó nổi bật là vẻ đẹp của hình ảnh những cô gái Tây Bắc trong trang phục và vũ điệu hòa với tiếng nhạc (em xiêm áo tự bao giờ, khèn lên man điệu nàng e ấp); vẻ đẹp tâm hồn những người lính trẻ lãng mạn, đa tình và hóm hỉnh thể hiện trong sự cảm nhận ánh lửa trại (bừng lên hội đuốc hoa), cảm nhận vẻ đẹp của các cô gái (kìa em xiêm áo tự bao giờ, nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ); ngòi bút của Quang Dũng tài hoa và lãng mạn, hình ảnh và ngôn ngữ thơ giàu sức gợi, làm toát lên được vẻ đẹp riêng về con người và những nét sinh hoạt văn hóa của con người Tây Bắc.
++ Đoạn thơ trong bài “Việt Bắc”:
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được kỷ niệm về cuộc sống kháng chiến với những hình ảnh về đồng bào Việt Bắc cần cù, chịu khó trong lao động (người mẹ nắng cháy lưng/ địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô); những sinh hoạt tập thể, đời thường giữa cách mạng với đồng bào trong những năm tháng gian khổ mà vui tươi, đậm sâu tình nghĩa và tràn đầy niềm lạc quan cách mạng (lớp học i tờ, những giờ liên hoan, ngày tháng cơ quan, đồng đêm đuốc sáng, ca vang núi đèo). Đoạn thơ là nỗi nhớ của người về – người cách mạng – về những năm tháng gắn bó ân tình, những năm tháng không thể nào quên. Hình ảnh thơ cụ thể, rõ nét; ngôn ngữ thơ giản dị mà sâu lắng.
+ Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi đoạn: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
++ Sự tương đồng:
Hai đoạn thơ là những đoạn thơ tiêu biểu trong mỗi bài thơ, gợi lên những kỉ niệm về tình nghĩa quân dân, tình đồng bào đồng chí trong những năm kháng chiến chống Pháp. Điểm nổi bật của cả hai đoạn thơ chính là những hình ảnh về đồng bào Tây Bắc và Việt Bắc, những con người đã đùm bọc, sẻ chia với những người cách mạng trong những năm trường kì kháng chiến gian khổ mà hào hùng.
++ Sự khác biệt:
+++ Đoạn thơ trong “Tây Tiến” của Quang Dũng miêu tả những cô gái Tây Bắc với vẻ đẹp của sự trẻ trung, duyên dáng, tình tứ và tâm hồn những người lính trẻ lãng mạn, đa tình; ngôn ngữ và hình ảnh thơ bay bổng, lãng mạn; thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.
+++ Đoạn thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu miêu tả đồng bào Việt Bắc trong khung cảnh lao động và những sinh hoạt đời thường, con người Việt Bắc hiện lên trong tình nghĩa cách mạng thủy chung; ngôn ngữ và hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc; thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
– Điểm 1,5 – 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Xem thêm :
- Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
- Tuyển tập đề thi , những bài văn hay về bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu : Việt Bắc
- Tuyển tập đề thi , những bài văn hay về bài thơ Tây tiến- Quang Dũng : Tây Tiến