Bộ đề thi thử môn Văn chuẩn cấu trúc. Cảm nhận đoạn thơ trong bài Việt Bắc, Chứng minh ý kiến :Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA TRƯỜNG THPT THƯỜNG XUÂN 2 (Đề thi có 02 trang) | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2017 Môn thi : NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
MỤC TIÊU RA ĐỀ KIỂM TRA
– Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh sau khi học xong chương trình THPT.
– Đánh giá việc học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để viết một đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học.
Cụ thể nhằm đánh giá trình độ học sinh theo các chuẩn sau:
– Văn nghị luận xã hội: Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để viết một đoạn văn nghị luận về một ý kiến, nhận định.
– Văn nghị luận văn học: Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để viết một bài văn nghị luận về đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
– Đề kiểm tra nhằm đánh giá mức độ tư duy sau: Học sinh tái hiện được một số kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt, nhớ được kiến thức về tác giả Tố Hữu, hiểu được nội dung của đoạn trích thơ, tìm và phân tích được biện pháp tu từ trong một số trường hợp, vận dụng kiến thức, kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
HÌNH THỨC ĐỀ KIỂM TRA
– Hình thức kiểm tra: Tự luận
– Cách tổ chức kiểm tra: Cho học sinh làm bài trong thời gian 90 phút
III. KHUNG MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA
Cấp độ Chủ đề | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Cộng | |
Cấp độ thấp | Cấp độ cao | ||||
1. Đọc hiểu | Phương thức biểu đạt | Hiểu được nội dung đoạn văn | Lựa chọn được thông điệp có ý nghĩa | ||
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 1 0,5 5% | 2 1,5 15% | 1 1,0 10 % | 4 3 30% | |
Nghị luận xã hội | Giải thích được ý kiến nêu trong văn bản | Vận dụng các kĩ năng nghị luận: so sánh, phân tích, bình luận để viết đoạn văn | Vận dụng tổng hợp các thao tác lập luận để thể hiện ý kiến, quan điểm của cá nhân về một vấn đề xã hội | 1 2 20% | |
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 0,5 5% | 0,5 5% | 1,0 10% | 1 2 điểm 20% | |
– Nghị luận văn học | Tái hiện những kiến thức về tác giả Tố Hữu, hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc | Hiểu được giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn thơ và cả bài thơ Việt Bắc | Củng cố các kĩ năng làm văn nghị luận văn học: so sánh, phân tích | Vận dụng những kĩ năng thẩm bình, đánh giá, bày tỏ ý kiến, quan điểm để tạo lập một văn bản nghị luận hoàn chỉnh | |
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 0,5 5% | 1,0 10% | 1,5 15% | 2,0 20% | 1 5,0 50% |
BIÊN SOẠN ĐỀ KIỂM TRA
ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
“Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, có ma quỷ, Thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cho cháu hơn là cho linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Ðâu đâu cũng có đền thờ những người có công đức – chủ yếu là có công chống ngoại xâm – nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Ðối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên?
Câu 2. Nêu vắn tắt nội dung của đoạn trích?
Câu 3. Anh/chị thế nào về nhận định “Ðối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”
Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1 (2 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ thể hiện suy nghĩ của anh/chị về ý kiến “Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được.”
Câu 2 (5 điểm)
Xuân Diệu có nhận xét: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Anh/chị hãy làm rõ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khỏi cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
(Việt Bắc – Tố Hữu, Theo sách Ngữ văn 12, tập 1, tr 110- NXB Giáo dục, 2008)
Hết
Lời giải tóm tắt
Phần đọc – hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: phương thức nghị luận/nghị luận
Câu 2: Nội dung đoạn trích: đặc điểm văn hóa người Việt Nam ở các phương diện tôn giáo, ý thức sở hữu, mong muốn, niềm yêu chuộng, và xu thế hòa nhập.
Câu 3: Người Việt Nam luôn giữ mình, giữ sự chừng mực đối với việc tiếp nhận cái khác mình, cái mới; luôn chú ý đến sự vừa phải, phù hợp với bản thân.
Câu 4: Học sinh nêu được thông điệp có ý nghĩa với bản thân và lí giải phù hợp cho sự lựa chọn của mình.
Phần làm văn
Câu 1
Yêu cầu về hình thức:
Đoạn văn đảm bảo kết cấu của một đoạn văn thông thường. Có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
Yêu cầu về nội dung:
– Giải thích được ý kiến: chỉ ra quan niệm, ý thức về sở hữu vật chất của người Việt Nam là không tham lam, giành giật.
– Nêu quan niệm của người Việt về việc sở hữu của cải vật chất hiện nay.
+ Một bộ phận lớn thanh niên hiện nay vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp theo quan niệm này: không tham lam, giành giật của chung, của tập thể làm của riêng cho mình. Nhiều người còn mang của cải của mình đi làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
+ Tuy nhiên một bộ phận lại chỉ lo trục lợi, tham nhũng, vơ vét của công để làm giàu bất chính.
– Rút ra bài học hành động: thanh niên ngày nay phải biết cống hiến, biết sống vì người khác, không tham lam, giành giật, biết chăm lo đến những người thiệt thòi, thiếu may mắn.
Câu 2. (5,0 điểm)
Làm rõ ý kiến của Xuân Diệu: thơ Tố Hữu là thơ kết hợp hài hòa giữa tính chính trị và chất trữ tình. Phân tích đoạn thơ để làm rõ tính chất trữ tình chính trị.
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khỏi cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
(Việt Bắc – Tố Hữu, Theo sách Ngữ văn 12, tập 1, tr 110- NXB Giáo dục, 2008)
Mở bài:
– Giới thiệu Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc: Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, thơ ông mang chất trữ tình chính trị; bài thơ Việt Bắc tiêu biểu cho đặc điểm đó.
– Giới thiệu đoạn trích, vấn đề nghị luận
Thân bài
a. Làm rõ nội hàm thơ chính trị trong thơ Tố Hữu:
– Là thơ viết về vấn đề chính trị, dùng để phục vụ hoạt động chính trị.
– Tính chính trị trong bài Việt Bắc nói chung, đoạn thơ này nói riêng: mối quan hệ giữa nhân dân và cách mạng, lãnh tụ trong kháng chiến.
b. Chất trữ tình trong đoạn thơ
*Biểu hiện:
– Nội dung: diễn tả tình cảm thắm thiết giữa người đi, người ở, là tình cảm của những đôi lứa yêu nhau.
– Ngôn ngữ: giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu.
– Giọng điệu tâm tình ngọt ngào, tha thiết.
– Nhịp điệu thơ: nhẹ nhàng, uyển chuyển, là nhịp của những lời ca dân gian.
– Kết cấu đối đáp trong khung cảnh chia tay đầy lưu luyến – đây là một mô típ quen thuộc trong ca dao, dân ca.
– Bài “Việt Bắc” nói chung, đoạn trích nói riêng thể hiện sự trân trọng, thiết tha với mọi nghĩa tình, ân tình, đề cao đạo lí thủy chung, son sắt – là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.
* Chứng minh: học sinh phân tích các câu thơ, từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, cách ngắt nhịp, kết cấu trong đoạn thơ để làm rõ các luận điểm nêu ra trong bài làm
Kết luận
– Thơ Tố Hữu là thơ thấm đẫm chất trữ tình chính trị cả nội dung lẫn nghệ thuật. Bài thơ Việt Bắc nói chung, đoạn trích này nói riêng đã thể hiện rất rõ đặc điểm đó. Nhận định của Xuân Diệu có ý nghĩa khái quát lại một đặc điểm nổi bật, bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp thơ Tố Hữu, khẳng định vị trí của nhà thơ với thơ ca cách mạng của dân tộc.
Xem thêm :
- Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
- Tuyển tập đề thi về bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu : Việt Bắc
- Nghị luận ý kiến bàn về văn học