Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn chuẩn cấu trúc. Hình tuợng người lái đò sông Đà. Đọc hiểu+ Nghị luận xã hội : Bài thơ Tự sự.
SỞ GD ĐT THANH HÓA TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 3 | ĐỀ THI THEO CẤU TRÚC ĐỀ THI THPT QUỐC GIA. NĂM HỌC 2016-2017 |
MÔN: NGỮ VĂN. THỜI GIAN LÀM BÀI 120 PHÚT |
ĐỀ BÀI:
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau đây và thực hiện yêu cầu:
Dù đục dù trong con sông vẫn chảy,
Dù cao dù thấp cây lá vẫn xanh,
Dù là người phàm tục hay kẻ tu hành,
Cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó,
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm.
Đất ấp ôm cho những hạt nảy mầm,
Nhưng chồi tự vươn mình tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng,
Thì chắc gì ta nhận được ra ta.
Ai trong đời cũng có thể tiến xa,
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy,
Không chỉ dành cho một riêng ai?
(Tự sự –).
- Xác định thể thơ của bài thơ trên.
- Bài thơ sử dụng những biện pháp tu từ nào?
- Em hiểu gì về hai câu thơ:
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó,
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm.
- Trình bày suy nghĩ của em về khổ thơ cuối của bài thơ (trình bày trong khoảng 10-12 dòng)
PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Nhà văn Quách Mạt Nhược cho rằng: “Mặt trời mọc rồi lại lặn, mặt trăng tròn rồi lại khuyết, nhưng ánh sáng mà người thầy rọi vào chúng ta thì còn lại mãi mãi.”
Nhà bác học Đác – Uyn chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều thu nhận được bằng cách tự học.”
Còn bạn nghĩ sao? (trình bày trong một văn bản có độ dài khoảng 200 từ)
Câu 2b (5.0 điểm) – Dành cho học sinh khối 12
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng Sông Đà trong thiên tùy bút “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân). Từ đó nhận xét khái quát về quan niệm thẩm mĩ, phong cách nghệ thuật của nhà văn.
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ THANG ĐIỂM:
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Thể thơ tự do.
Câu 2. Các biện pháp tu từ : Đối lập tương phản ; nhân hóa ; ẩn dụ ; so sánh.
Câu 3. Ý nghĩa hai câu thơ:
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó,
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm.
Cuộc sống luôn chứa đừng những điều đối lập nhau : hạnh phúc xen lẫn khổ đau ; niềm vui, nụ cười xen lẫn giọt nước mắt ; thành công xen lẫn sự thất bại ; cơ hội xen lẫn thách thức, khó khăn…. Đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những nỗi buồn, sự thất bại, khó khăn, trở ngại và những điều ấy dễ làm ta có những ý nghĩ tiêu cực, ca thán cuộc đời không như mình mong muốn (Chê cuộc đời méo mó). Những lúc như vậy thay vì ca thán, trách cứ số phận ta hãy làm thay đổi hoàn cảnh bằng chính nghị lực, sự nỗ lực, quyết tâm của ta (Tròn ngay tự trong tâm).
Câu 4. Phần trình bày của thí sinh cần đảm bảo cấu trúc một đoạn văn, nêu được ý nghĩa của khổ thơ cuối: Cuộc đời luôn công bằng với sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi người. Những gì bạn gieo ngày hôm nay sẽ là thành quả bạn gặt hái được ngày mai. Đứng dậy sau những thất bại, vấp ngã là điều ta nên làm thay vì chán chường, thất vọng rồi gục ngã. Hạnh phúc như bầu trời vậy, không dành riêng cho ai. Ai cũng có cơ hội nắm bát hạnh phúc, cơ hội thành công nếu ta biết vươn lên, kiên cường trong giông tố, khó khăn, thử thách.
Biểu điểm:
– Đối với các câu 1, 2.
+ Mức đầy đủ: 0.5 điểm.
+Mức không đầy đủ: 0,25 điểm
+ Không trả lời (hoặc trả lời sai): 0.0 điểm.
– Đối với câu 3,4.
+Mức đầy đủ: 1.0 điểm.
+Mức không đầy đủ: 0.25 – 0,75 điểm.
+ Không trả lời (hoặc lạc đề): 0.0 điểm.
PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Thí sinh cần đạt được các yêu cầu sau:
Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội với kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn sinh động, giàu sức thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi hình thức trình bày.
Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo được các ý chính sau:
1. Giải thích hai ý kiến:
– Ý kiến của Quách Mạt Nhược: Đặt trong tương quan với ánh sáng mặt trăng, mặt trời, Quách Mạt Nhược đã khẳng định sức sống bền bỉ, sâu đậm của nguồn ánh sáng mà người thầy chiếu rọi trong ta. Qua đó, nhà văn Trung Quốc muốn đề cao vai trò, sự ảnh hưởng quan trọng của người thầy đối với mỗi người.
– Ý kiến của Đác – Uyn: Đề cập đến giá trị, hiệu quả của việc tự học, thực chất là đề cao thái độ chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện bản thân của mỗi người.
– Hai ý kiến trên đang cùng bàn về ý nghĩa, hiệu quả của việc học nhưng nếu Quách Mạt Nhược đề cao vai trò của người thầy thì Đác – Uyn lại khẳng định sự tích cực, chủ động của bản thân người học.
2. Trình bày suy nghĩ
Thí sinh có thể trình bày những suy nghĩ khác nhau về vấn đề nghị luận qua hai ý kiến. Tuy nhiên, bài viết cần hướng tới những ý cơ bản sau:
– Thấy được sự đúng đắn, tính hợp lí của hai ý kiến.
– Mở rộng, bổ sung những phương diện chưa đầy đủ trong mỗi ý kiến.
– Hiểu được mối quan hệ của hai ý kiến. Thực chất hai ý kiến không mâu thuẫn, không loại trừ nhau mà bổ sung, thống nhất với nhau.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức được sự cần thiết của việc học tập và coi đó là công việc suốt đời.
– Cần biết trân trọng và tri ân những người thầy, đồng thời rèn luyện thói quen tự học, tìm phương pháp tự học hiệu quả.
– Điểm 1.5 – 2.0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót về diễn đạt.Biểu điểm:
– Điểm 1.0 – 1.25: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu kể trên, có thể còn một số sai sót về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0.5 – 0,75: Đáp ứng được một phần các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0.25: Không đáp ứng được các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0: Không làm bài.
Câu 2 (5.0 điểm)
Thí sinh cần đạt được các yêu cầu sau:
Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài nghị luận văn học với hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh; biết kết hợp các thao tác lập luận, bố cục hợp lí; không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, lỗi hình thức trình bày.
Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo được các ý chính sau:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
- Hình tượng Sông Đà
2.1. Sông Đà hung bạo:
– Đá hai bên bờ sông “dựng vách thành”, có chỗ nó chẹt chặt lấy lòng sông hẹp. Cái hẹp của lòng sông được tác giả tả theo đủ cách… -> Nghệ thuật miêu tả, so sánh vừa chính xác, tinh tế, vừa bất ngờ và lạ lùng. Cảm giác như Nguyễn Tuân luôn lục lọi đến tận kiệt cùng cái kho ấn tượng đầy ăm ắp để tìm cho được một cách nói có thể làm kinh động hồn trí con người.
– Mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm …” -> Bằng lối viết tài hoa, diễn đạt theo kiểu móc xích, cấu trúc câu trùng điệp, gợi hình ảnh con Sông Đà cuồng nộ, dữ dằn như lúc nào cũng muốn tiêu diệt con người.
– Những hút nước ở quãng Tà Mường Vát: “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “chỗ giếng nước sâu ặc ặc lên …”, những cái hút nước lôi tuột bè gỗ xuống hoặc hút những chiếc thuyền xuống rồi đánh chúng tan xác -> Lối so sánh độc đáo khiến con Sông Đà không khác gì loài thủy quái với những tiếng kêu ghê rợn như muốn khủng bố tinh thần và uy hiếp con người.
– Âm thanh của thác nước Sông Đà -> Với sự liên tưởng vô cùng phong phú, âm thanh của thác nước Sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Lấy lửa để tả nước là một nét nghệ thuật tài hoa của riêng Nguyễn Tuân.
– Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá: “Cả một chân trời đá … mặt hòn nào trông cũng “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó” -> Những hòn đá vô tri vô giác nhưng qua cái nhìn của Nguyễn Tuân chúng mang vẻ du côn của thiên nhiên hoang dại và hung dữ.
– Thác nước và đá Sông Đà kết hợp với nhau bày ra ba trùng vi thạch trận
+ Trùng vi thứ I: Sông Đà bày ra 4 cửa tử và một cửa sinh, trong đó cửa sinh được bố trí lệch về phía tả ngạn. Bọn đá đứa thì “hất hàm” đứa thì “thách thức”, “mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo”, sóng nước “đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền”
+ Trùng vi thứ II: Sông Đà bày binh bố trận ở khắp nơi, tăng nhiều cửa tử, cửa sinh nằm ở phía hữu ngạn…
+ Trùng vi thứ III: Sông Đà sắp đặt bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu vệ…
-> Con Sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”. Nhưng cũng chính hình ảnh con sông ấy đã tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, tài tử và cực kì uyên bác của cây bút số một về thể loại tùy bút Việt Nam.
2.2. Sông Đà trữ tình:
– Sông Đà đẹp ở dáng vẻ nữ tính: “Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo…”
– Sắc nước thay đổi theo mùa: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích”; “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa …”
– Nguyễn Tuân nhìn Sông Đà như một cố nhân với những cảnh quan hai bên bờ cực kì gợi cảm, nên thơ, tràn trề sức sống: Cỏ giang đang ra những nõn búp, lá non nhú trên những nương ngô, những con hươu “ngẩng đầu nhung…”, …
– Sông Đà mang vẻ đẹp “lặng tờ”, như gợi những nỗi niềm sâu thẳm trong lịch sử đất Việt: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…”. Nghệ thuật so sánh ở hai câu văn hết sức độc đáo…
-> Nguyễn Tuân say mê miêu tả dòng sông với tất cả sự tinh tế của cảm xúc, và bằng một tình yêu thiên nhiên đất nước thiết tha.
2.3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng:
Hình tượng Sông Đà được xây dựng dựa trên các đặc sắc nghệ thuật sau:
– Các thủ pháp đối lập, nhân hoá, so sánh;
– Những liên tưởng, tưởng tượng táo bạo, bất ngờ;
– Hệ thống ngôn từ giàu có, phong phú, thể hiện vốn sống, vốn kiến thức uyên bác của tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như lịch sử, thơ ca, hội hoạ, quân sự, thể thao,…
- Khái quát về quan niệm thẩm mĩ, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua hình tượng Sông Đà:
– Hình tượng Sông Đà thể hiện sự độc đáo trong quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân sau Cách mạng:
+ Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn là người say mê khao khát cái Đẹp nhưng ông đã biết tìm kiếm và khai thác cái Đẹp trong lòng cuộc sống của cả dân tộc.
+ Nguyễn Tuân vẫn luôn đi tìm vẻ đẹp độc đáo của cuộc sống, vì vậy ông đã bị Sông Đà cuốn hút bởi sự khác thường: “Chúng thuỷ giai Đông tẩu / Đà giang độc Bắc lưu”
+ Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hoá, mĩ thuật. Với cách nhìn này, Sông Đà hiện lên như một kì quan của tạo hoá. Nguyễn Tuân còn quan niệm cái Đẹp phải gây ấn tượng mạnh. Vì vậy, ông thường miêu tả những cảnh đẹp tuyệt đích: hoặc phải thơ mộng, trữ tình đến mức tuyệt mĩ, hoặc hoành tráng đến dữ dội, dữ dằn. Sông Đà hội tụ được cả hai vẻ đẹp ấy.
+ Huy động vốn hiểu biết phong phú, uyên bác về nhiều lĩnh vực của đời sống và kho chữ nghĩa giàu có để khắc họa một cách ấn tượng về nhân vật.
- Đánh giá chung:
– Hình tượng Sông Đà biểu trưng cho chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc – 1 biểu hiện của cái Đẹp mà nhà văn khao khát kiếm tìm và thể hiện trong các sáng tác sau Cách mạng. Nó là phông nền để nhà văn khắc hoạ nổi bật vẻ đẹp trí dũng tuyệt vời, chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò – người lao động vô danh, đối tượng khám phá mới của ngòi bút Nguyễn Tuân sau Cách mạng.
– Sự nhọn sắc của giác quan nghệ sĩ đi đôi với một kho chữ nghĩa giàu có và đầy màu sắc, lối văn rất mực tài hoa, dòng Sông Đà “hung bạo và trữ tình” chảy mãi trong dòng văn học nước nhà như niềm yêu mến và tự hào về cỏ cây sông núi quê hương của nhà văn Nguyễn Tuân.
Biểu điểm:
– Điểm 4.0 – 5.0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót về diễn đạt.
– Điểm 3.0- 3,75: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu kể trên, có thể còn một số sai sót về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 1.5– 2.75: Đáp ứng được một phần các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0.5 – 1.25: Không đáp ứng được các yêu cầu trên, mắc nhiều lỗi về chính tả.
– Điểm 0: Không làm bài.
Lưu ý: Căn cứ vào thực tế bài làm của thí sinh, giáo viên cho điểm chính xác và linh hoạt, khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, phát hiện, diễn đạt giàu chất văn.
Xem thêm :
- Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
- Tuyển tập đề thi , những bài văn hay về bài Người lái đò sông Đà