I- CHUYỂN ĐỘNG THẲNG ĐỀU

1. Định nghĩa

Chuyển động thẳng đều là chuyển động thẳng, trong đó chất điểm có vận tốc tức thời không đổi.

Định nghĩa khác: Chuyển động thẳng đều là chuyển động có quỹ  đạo là đường thẳng và có tốc độ trung bình như nhau trên mọi quãng đường.

-  Đặc điểm của chuyển động thẳng đều

       + Quỹ đạo chuyển động: là một đường thẳng

       + Vận tốc chuyển động: không đổi

       + Gia tốc chuyển động: bằng không

- Công thức liên hệ giữa v - s - t của chuyển động thẳng đều

\(v = \frac{s}{t}\)

Trong đó:

       + v: vận tốc của chuyển động thẳng đều

       + s: quãng đường đi được

       + t: thời gian đi hết quãng đường s

2. Phương trình chuyển động thẳng đều

\(x = {x_0} + v(t - {t_0})\)

Trong đó:

       + x: tọa độ của vật tại thời điểm t

       + x0: tọa độ của vật tại thời điểm ban đầu t0

       + v: vận tốc tức thời (gọi tắt là vận tốc) của vật

       + t0: gốc thời gian

 

+ Để đơn giản: ta chọn gốc thời gian t0 = 0

+ Quãng đường vật đi được sau khoảng thời gian \(\Delta t\) : \(s = \left| v \right|\Delta t\)

+ Nếu vật chuyển động thẳng và không đổi chiều ta có: \(\Delta x = x - {x_0} = s\)(độ dời bằng quãng đường)

+ Dấu của vận tốc phụ thuộc vào chiều dương mà ta chọn, nếu vật chuyển động cùng chiều dương \(v > 0\) , vật chuyển động ngược chiều dương \(v < 0\).

II- ĐỒ THỊ CỦA CHUYỂN ĐỘNG THẲNG ĐỀU

1. Đồ thị tọa độ theo thời gian (x - t)

\(x = {x_0} + vt\) dạng đồ thị giống đồ thị của hàm số \(y = ax + b\)

Độ dốc của đường thẳng:

$tan \alpha = \frac{{x - {x_0}}}{t} = v$

2. Đồ thị vận tốc theo thời gian (v - t)

Trong chuyển động thẳng đều, vận tốc không thay đổi \(v = {v_0}\)

Đồ thị biểu diễn vận tốc theo thời gian là một đường thẳng song song với trục thời gian.

III-  CÁC DẠNG BÀI TẬP

1. Tính vận tốc, tốc độ trung bình

Vận dụng công thức: \(v = \frac{s}{t}\)

\(v = \frac{{{x_2} - {x_1}}}{{{t_2} - {t_1}}}\)

2. Lập phương trình chuyển động - Xác định vị trí và thời điểm hai vật gặp nhau

- Lập phương trình chuyển động

Bước 1: Chọn hệ quy chiếu (HQC)

  • Trục tọa độ: Ox trùng với quỹ đạo chuyển động
  • Gốc tọa độ (thường gắn với vị trí ban đầu của vật)
  • Gốc thời gian: (lúc vật bắt đầu chuyển động
  • Chiều dương: thường chọn chiều chuyển động của vật làm gốc

Bước 2: Xác định gốc tọa độ và gốc thời gian

Bước 3: Xác định vận tốc

Bước 4: Viết phương trình chuyển động

 

Xác định vị trí và thời điểm hai vật gặp nhau

+ Khi hai vật gặp nhau thì \({x_1} = {x_2}\)

+ Khi hai vật cách nhau một khoảng \(\Delta s\) thì \(\left| {{x_1} - {x_2}} \right| = \Delta s\)

Bài viết gợi ý: