Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1910 tại Thái Hà ấp, Hà Nội. Quê nội ở làng Cẩm Phô, xã Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại ở làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Thạch Lam là con thứ sáu trong một gia đình bảy anh chị em : Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam ( Nhất Linh ), Nguyễn Tường Long ( Hoàng Đạo ), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân và Nguyễn Tường Bách. Cha là Nguyễn Tường Nhu ( 1881-1918), một nhà nho không thành đạt, mất ngày 23 tháng 10 năm Mậu Ngọ. Mẹ là Lê Thị Sâm, một phụ nữ tháo vát, tần tảo buôn bán nuôi bảy người con. Khi các con trưởng thành, bà đi tu và mất năm 1963 tại Sài Gòn.

Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau theo cha chuyển sang Thái Bình tiếp tục bậc tiểu học. Lớn lên, cùng gia đình chuyển về Hà Nội học trung học ở trường Albert Sarraut.
Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ 1931, và là một trong những cây bút chính của nhóm Tự lực Văn đoàn. Ông vừa tham gia biên tập các tuần báo Phong hoá, Ngày nay vừa tích cực viết truyện ngắn, tuỳ bút, tiểu luận. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội.

Tham gia tích cực trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng sáng tác của Thạch Lam chảy riêng một dòng. Ông thường hướng ngòi bút về phía những người lao động bần cùng sống trong những làng quê bùn lầy nước đọng, những người dân nghèo thành thị lay lắt chốn phồn hoa, những kiếp người kiếm sống bằng những nghề vất vả, tủi cực trong những khu hành lạc lắm bùn nhơ hay khu ngoại ô nghèo khổ, buồn và vắng.

Thạch Lam sở trường về truyện ngắn – trữ tình. Sự đan xen hài hoà gia hai yếu tố hiện thực và lãng mạn là nét đặc sắc trong phong cách Thạch Lam.

Sáng tác của Thạch Lam không tập trung vào việc tạo dựng cốt truyện do đó thường ít sự kiện, biến cố và hành động nhưng vẫn đầy hấp dẫn bởi thiên hướng đi vào thế giới nội tâm nhân vật qua việc ghi lại những cảm giác mơ hồ, mong manh và thể hiện bằng một lối viết nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị.

Thạch Lam để lại sáu cuốn sách nhỏ : Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Ngày mới, tiểu thuyết (1939), Theo giòng, tiểu luận (1941), Sợi tóc (1942), Hà Nội băm sáu phố phường (1943). Những truyện ngắn của Thạch Lam trong ba tập Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc và tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường là một chuỗi tác phẩm viết khá đều tay, mỗi quyển đều có một số truyện thật hay, xứng đáng xếp vào loại những truyện ngắn giá trị của Việt nam trong thế kỷ hai mươi.

Thạch Lam khác với nhiều người cầm bút cùng thời và cả với hai người anh nổi tiếng của mình ở quan niệm sáng tạo. ý thức về sứ mệnh của người nghệ sĩ, khiến Thạch Lam từng khao khát dùng văn chương như một vũ khí thanh cao và đắc lực nhằm làm thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác nhưng ông không chủ trương viết các tiểu thuyết luận đề hay hiện thực phê phán để lên án hoặc kêu gọi công chúng bằng những mục đích cụ thể và trực tiếp. Thạch Lam không kêu gọi cải cách cũng không chủ trương giáo huấn, đối với ông, cõi đời dẫu phong phú và phức tạp, thiện ác chen nhau, nhưng con người sinh ra không ai vốn thiện sẵn hay vốn ác sẵn, con người rất có thể sa ngã, sai lầm, thậm chí gây nên tội ác vì ranh giới giữa cái thiện và cái ác thực chất chỉ cách nhau bằng một sợi tóc. Tuy nhiên, nhiều khi người ta có thể vì một nguyên cớ rất tình cờ mà bỗng thay đổi cá tính, nhân cách hay vận mệnh. Những nguyên cớ bé nhỏ, đôi khi có vẻ vụn vặt ấy thường ngẫu nhiên đến với mỗi người vào một thời điểm bất ngờ nào đó, cũng không gây sóng gió hay bão táp gì trong lòng người nhưng lại mang sức mạnh đánh thức bao giá trị vô danh trong tâm hồn khiến họ bỗng nảy sinh cái nhu cầu được sống sâu sắc và nhân ái hơn. Thạch Lam tin và coi ngẫu nhiên như một tất yếu của cuộc sống nên ông chỉ muốn làm một người cầm bút đóng cái vai trò khiêm nhường là gợi ý và gợi mở một cách tế nhị cái thế giới bao la và sâu thẳm ở xung quanh ta và ngay chính trong tâm hồn mỗi con người chúng ta. Cái thế giới ấy, thực ra, vẫn đang vận động một cách bí mật và lặng lẽ và có thể một ngày nào đó bỗng rực sáng khi ta chợt nhận ra nó cùng lúc ta chợt nhận ra ý nghĩa làm người. Cái tư cách khiêm nhường, chỉ muốn làm một người gợi ý tế nhị và nhẹ nhàng ấy ở Thạch Lam khiến nhiều thế hệ độc giả mặc nhiên coi ông như một nhà thơ trong văn xuôi.

Sáng tác của Thạch Lam không thu hút người đọc bằng sự vận động đầy căng thẳng và bất ngờ của cốt truyện mà bằng những chi tiết giàu chất tạo hình và giàu sức gợi do nhà văn có một sở trường đặc biệt trong quan sát và lắng nghe những vận động âm thầm của tạo vật trong không gian và thời gian.

Truyện khởi đầu bằng câu văn miêu tả tiếng trống thu không trên chòi canh của huyện nhỏ với những âm rền thong thả, chậm rãi từng tiếng một vang ra như để gọi buổi chiều. Dù là phố huyện nhưng cách đo thời gian nơi đây có vẻ vẫn theo theo lối cổ xưa, điểm bước đi của thời gian và sinh hoạt của một vùng bằng tiếng trống. Nét đặc biệt ấy gợi ý thức về thời gian giúp tác giả dẫn người đọc theo dõi cảnh quay chi tiết hình ảnh một buổi chiều tàn với những nét rực rỡ: “ Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Cả mặt trời lúc sắp xuống núi lẫn những đám mây từ phía chân trời đều như đang bốc cháy lần cuối trước khi từ giã ban ngày, nhường chỗ cho cảnh tượng dãy tre làng ( như thể đã bị đốt cháy ) đen lại, cắt hình rõ rệt trên nền trời. Ngòi bút của tác giả thực sự trở nên linh hoạt và sống động khi miêu tả sự vận động của thời gian qua những diễn biến của cảnh vật. Lúc đầu là cảnh “nhá nhem tối” khi ánh sáng và bóng tối đan xen qua hình ảnh “những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối”. Sau đó là hoàng hôn bao phủ: “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại xẫm đen hơn nữa”. Cuối cùng là cảnh đêm về thực sự : “đêm ở trong phố tịch mịch và đầy bóng tối”.

Nếu để ý, ta sẽ thấy ngòi bút miêu tả của nhà văn đi từ đại cảnh đến tiểu cảnh. Thoạt đầu là cảnh bầu trời, những đám mây sau đó là luỹ tre làng rồi ghé xuống quán nhỏ của chỉ em Liên, cuối cùng đậu trên chiếc đèn con leo lét của chị Tí.

Nhưng đấy chỉ là cảnh nền, cảnh thực của phố huyện được nhà văn đặc tả tỉ mỉ. Đây là hình ảnh phiên chợ đã tàn : “ Chợ họp trong phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”.

Cách miêu tả tỉ mỉ với lối quay cận cảnh nên từ hạt cát, hòn đá, đến vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, bã mía...đều đi vào tầm quan sát, đánh thức những xúc động âm thầm, rồi chuyển cảm giác sang các mùi vị gợi nhớ, gợi liên tưởng : mùi cát bụi, mùi đất, mùi của quê hương…Phố huyện về đêm từ từ mở ra với những điểm sáng lác đác ở nhà bác phở Mỹ, nhà ông Cửu, ở hiệu khách…như thể tác giả có nhã ý dùng thứ ánh sáng đó để vén bức màn làm hiện ra một thứ sân khấu đặc biệt cho ta dừng lại với những mẩu đời gợi nhiều xót thương. Đó là hình ảnh chị Tí tối nào cũng dọn hàng nhưng tối nào cũng vang lên lời than vì ế ẩm: “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ”, là quán phở gánh của bác Siêu, tuy vốn liếng có khá hơn nhưng cũng bởi thế mà mưu sinh bấp bênh hơn, vì ở nơi khổ nghèo này phở bị coi là “thứ quà xa xỉ”, là cảnh lê la xó chợ đầu đường của gia đình bác Xẩm bao lần dạo đàn mời khách đến mức “run bần bật” mà kết cục là không khách, không hát và không tiền. Đó là hình ảnh bà cụ Thi hơi điên với tiếng cười khanh khách, vang trong đêm tối gợi cái kết cục đáng buồn cho những kiếp người phố huyện: người nguyên vẹn nhưng đời đã tàn lụi. Tất cả những phận người đó đại diện cho lớp cư dân khốn khổ, đáng thương nhất ở phố huyện, họ hiện ra trong chốc lát rồi khi đêm dần đi vào chiều sâu thì thứ ánh sáng nói trên cũng dần khép lại, thu nhỏ đi, tàn lụi dần, leo lét bên những thân phận nhỏ nhoi, xoay quanh ngọn đèn của chị Tý, bếp lửa bác Siêu, manh chiếu rách của cả gia đình bác Xẩm và ngọn đèn con của chị em Liên…như để nhường chỗ cho những xót xa, ngậm ngùi mỗi lúc một dâng lên trong lòng người đọc.
Tuy nhiên, tác giả không dừng lại ở đó. Bao trùm lên những đốm sáng nhỏ nhoi ở cái phố huyện nghèo vào đêm ấy là cả một “ vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào các cành cây (…) qua kẽ lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng, từng loạt một…”

Nếu so sánh với đoạn văn mở đầu truyện ngắn, ta lại thấy ống kính miêu tả của nhà văn lia theo hướng ngược lại, từ tiểu cảnh mở ra đại cảnh, từ vi mô mở ra vĩ mô. Nhưng ấn tượng ám ảnh tâm trí lại là sự tương phản giữa cái vũ trụ bao la đầy những ánh sáng huyền ảo của thiên nhiên và vạn vật với những kiếp người khổ nghèo, sống trong mòn mỏi của sự quanh quẩn, vô nghĩa. Họ ngồi trong bóng tối, thầm đợi chờ một điều gì tươi sáng đến cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ mà không thực sự biết đó là điều gì.

Niềm khao khát một thế giới tươi sáng và hạnh phúc:
Trong sáng tác của Thạch Lam không chỉ nhà văn mới bộc lộ cái sở trường lắng nghe và cảm nhận được bao chuyển động và biến đổi của âm thanh, màu sắc và hương thơm. Nhân vật của ông, nhiều người cũng mang phẩm chất đó. Điều đáng chú ý là ở chỗ bởi họ biết lắng nghe và cảm nhận nên cuộc sống bên ngoài thường dội vào tâm hồn họ gây nên bao biến động bất ngờ . Nhân vật Liên trong tác phẩm cũng vậy.

Tâm trạng bao trùm trong tâm hồn của cô bé Liên là nỗi buồn man mác, thấm thía chuyển hoá thành khát vọng đổi đời mơ hồ được diễn tả qua ba chặng thời gian : khi hoàng hôn xuống, khi đêm về và lúc con tàu qua.

Đây là tâm trạng Liên trước cảnh chiều tàn nơi huyện lị buồn tẻ khi nghe tiếng trống thu không rời rạc “từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều” cùng tiếng ếch nhái “kêu ran ngoài đồng ruộng” như một bản hoà âm thôn dã gợi bao bâng khuâng trong lòng cô bé ngụ cư. Cảnh chiều tàn gieo vào lòng cô gái mới lớn, không quen cuộc sống tù túng nỗi buồn man mác, gửi vào tiếng thở dài kín đáo: “Chiều, chiều rồi…”. Nỗi buồn phản quang qua đôi mắt trong trẻo, hồn nhiên giờ đây bị bóng tối ngập đầy trở nên già nua, suy tư và thấm vào nội tâm : “cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn vô tư của chị”.

Liên ngắm cảnh phố huyện vào đêm như thể trong vô thức cô muốn xoá đi cái tâm trạng buồn xâm chiếm tâm hồn mình lúc hoàng hôn về. Nhưng cảnh những đứa trẻ lúi húi nhặt nhạnh, bòn mót những gì còn sót lại, vương vãi trên đất lại làm buồn hơn và “ thấy động lòng thương” nhưng “ chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng”.

Cảnh cư dân kiếm sống ban đêm với những vụn đời lam lũ, tủi cực mới thực sự tác động mạnh vào tâm hồn đa cảm của cô bé. Trong lặng lẽ, Liên cảm thông với cảnh ế ẩm của chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm và ái ngại cho mẩu đời tàn trong cô độc của bà cụ Thi…
Bị giam cầm vào bóng tối và bị ám ảnh bởi cảnh sống buồn tẻ, lầm lũi, vô vọng của những người dân nơi phố huyện, Liên nhớ về cuộc sống tươi đẹp trong quá khứ ở Hà Nội, như thể một phản kháng hồn nhiên của tuổi thơ.

Nhìn phở bác Siêu “thứ quà xa xỉ nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được” Liên nhớ thời “mẹ Liên nhiều tiền, được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Hoài niệm đánh thức trong Liên những ngậm ngùi tiếc nuối: Khi Hà Nội thì “nhiều đèn quá” còn hiện tại hai chị em phải chung sống với “bóng tối”. Hoài niệm không chỉ kích thích quá khứ sống dậy mà còn nhen nhóm bao khát vọng âm thầm về ngày mai, dẫu chỉ là một ngày mai mơ hồ. Đó là lý do vì sao, dù buồn ngủ đến díp cả mắt nhưng hai đứa trẻ vẫn cố thức để đợi ngắm con tầu qua.

Chị em Liên cố thức để đợi chuyến tầu không phải để bán hàng theo lời mẹ dặn mà để kiếm một khoảnh khắc vui dù là vui ghé, vui lây trong hiện tại mòn mỏi, vô nghĩa.

Khi con tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua. Dù chỉ trong chốc lát nhưng hình ảnh “ các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng” thì đọng lại mãi.

Đứng lặng ngắm con tàu qua, Liên không trả lời câu hỏi của em, trong tâm hồn cô, cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống “ Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”…Có thể trong phút ấy, khát vọng đổi đời đã được đánh thức : “tầu đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn với vầng sáng ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Chữ “khác” điệp ba lần để diễn tả niềm khao khát âm thầm mà mãnh liệt.

Có người nhận xét : Thạch Lam là một nghệ sĩ tài hoa, trong ông có một hoạ sĩ, một nhạc sĩ và một nhà thơ. Ông đã ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc và chuyển đoạn bằng hình ảnh. Đó là một nhận xét tinh tế. Truyện ngắn Hai đứa trẻ hội tụ những phẩm chất đặc biệt của tâm hồn tài hoa đó.

Nghệ thuật đối lập:
Câu chuyện về hai đứa trẻ nghèo đêm đêm ngủ lại quán nhỏ trông hàng cho mẹ ngồi trên chõng ngắm phố vào đêm, qua ánh sáng những đốm lửa chúng quan sát những đứa trẻ nghèo khác đi nhặt nhạnh vật thừa thãi sau phiên chợ tàn, những kiếp người kiếm ăn lam lũ và đặc biệt, khi con tàu từ Hà Nội về chạy qua hắt ánh sáng rực rỡ xuống phố huyện nghèo thì tâm hồn hai đứa trẻ xao động thực sự, chúng bồi hồi nhớ tiếc những kỉ niệm ngọt ngào của một thời ấu thơ.

Nếu chỉ thế thôi, truyện ngắn Hai đứa trẻ sẽ khó để lại ấn tượng sâu bền trong lòng bao thế hệ người đọc. Cũng như trong một truyện ngắn của Andersen, Thạch Lam khá dụng công trong việc tạo dựng hai mảng màu sáng – tối (cũng có thể nói : diễn biến của truyện chủ yếu dựa trên nền của sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối) để mỗi lúc một đốm lửa bùng lên, bóng tối dạt đi, người đọc lại có cơ hội quan sát một cảnh tượng trong bức tranh đời sống nơi phố huyện hay một góc tâm tư của hai đứa trẻ. Bút pháp tinh tế đó khiến cho ánh sáng của những ngọn đèn trên phố, của bầu trời hư ảo trên cao, của con tàu từ Hà Nội mang một chức năng kép : vừa soi rạng cho ta tận mắt chứng kiến bao kiếp người nghèo khổ, lầm lũi kiếm ăn trong mòn mỏi, vô vọng vừa soi rạng tâm hồn hai đứa trẻ cho ta thấy bao khát vọng mơ hồ trong những tâm hồn trẻ thơ.

Kết cấu vòng tròn như cấu tứ một bài thơ:
Nhìn từ phương diện kết cấu, truyện ngắn Hai đứa trẻ được tổ chức tựa như một bài thơ. Bóng tối có mặt ở đầu truyện, thân truyện và cuối truyện. Bóng tối đeo bám dai dẳng gợi liên tưởng và suy ngẫm đến từng số phận: Chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm và cả bé Liên.

Câu văn mềm mại, trong sáng, thi vị:
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thế, chị gái của nhà văn, truyện ngắn Hai đứa trẻ là câu chuyện thật về hai chị em quãng thời gian sống với mẹ ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Tác phẩm, vì thế, còn phảng phất một tự truyện. Đây cũng có thể là lý do khiến câu văn của thiên truyện trở nên mềm mại, trong sáng, bình dị, mang âm điệu du dương phù hợp với tâm hồn êm dịu, sâu lắng và tế nhị chứa nỗi buồn man mác của nhân vật chính trong truyện và cũng là của tác giả khi hồi cố tuổi thơ của chính mình.

Bài viết gợi ý: