Bộ đề đọc hiểu có đáp án.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Bốn mùa trong năm thì mùa thu êm ái, nhẹ nhàng nhất. Thời tiết thật khoan khoái dễ chịu. Nắng, gió, mưa, sương đều khác ba mùa kia. Bắt đầu là nắng. Không chói chang gay gắt như mùa hè, không yếu ớt le lói như mùa đông, không ẩm ướt run rẩy như mùa xuân, nắng thu vàng rực rỡ. Nắng nhuộm vàng cả cây cối để lá vàng xao xác gió bay bay. Đi trong rừng thu, đi dưới tán cây mùa thu mà ngắm những sợi nắng vàng tơ xuyên qua kẽ lá, nghe từng tiếng lá vàng rơi, thoang thoảng tiếng chim gù xen nữa thì dẫu có sôi nổi yêu đời đến mấy cũng sẽ thấy lòng mình tự nhiên chùng xuống mà ngẫm nghĩ, mà chiêm nghiệm về cõi nhân sinh hữu hạn đời người. Đã qua rồi cái thời nông nổi vô tư. Đã để lại đằng sau những mùa hè sôi động của thời trai trẻ. Dịu dàng thế nắng thu. Và cũng mơ màng thế nắng thu. Từ lúc bình minh cho tới khi hoàng hôn buông xuống, cả ngày chỉ có nắng vàng. Bầu trời thu xanh thắm. Mây trắng nhởn nhơ bay. Tôi rất thích câu thơ “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chiếc khăn trời này có nắng vàng nhuộm óng mà soi bóng xuống dòng sông xanh đang “dềnh dàng chở nước về xuôi” thì thật là tuyệt.
Gió mùa thu cũng khác. Se se lạnh. Man mác buồn. Không vồ vập hồ hởi như gió hạ; không tái tê, buốt giá như gió đông; cũng không nồng nàn phồn thực như gió xuân. Gió thu nhè nhẹ, thoang thoảng, như có, như không. “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”. Câu hát ấy, lời ru ấy thật hợp cảnh hợp tình. Còn gì đẹp hơn, thanh bình và đáng yêu hơn khi bé nằm đu đưa trong nôi, có làn gió thu mơn man bé hé môi cười, có lời ru à ơi của bà của mẹ. Chỉ nhìn cảnh đó thôi thì bao nhiêu toan tính, bon chen thường nhật, bao nhiêu tất bật cho cuộc sống mưu sinh cũng đều tan biến hết.
(Trang vắn nghệ Chủ nhật – VOV2 – Đài TNVN)
Câu 1: Tìm các vấn đề chính được đề cập trong đoạn trích trên.
Câu 2: Phân tích cấu trúc ngữ pháp (theo cấu truc Chủ – Vị) trong câu văn sau: Bố mùa trong năm thì mùa thu êm ái, nhẹ nhàng nhất.
Câu 3: Đoạn trích trên đem lại cho anh (chị) ấn tượng gì về mùa thu?
Câu 4: Viết đoạn văn vơi chủ đề: Mùa thu trong tôi.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI CHI TIÊT
Câu 1: Đoạn trích được triển khai thành hai đoạn văn, mỗi đoạn văn triển khai một ý cụ thể về nét đẹp của mùa thu so với những mùa khác trong năm. Đoạn 1 miêu tả vẻ đẹp của nắng, đoạn 2 miêu tả gió mùa thu cũng là điều đặc biệt so với các mùa khác.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo được hai ý trong hai đoạn văn kể trên.
Câu 2: Học sinh chỉ ra các thành phần chính của câu bằng cách liệt kê như sau (có thể triển khai dưới dạng sơ đồ – gạch chân ở từ và chú thích ở dựới):
Bố mùa trong năm thì mùa thu: chủ ngữ (trong đó bộ phận Bốn mùa trong năm thì là khởi ngữ của câu) êm ái, nhẹ nhàng nhất: vị ngữ
Câu 3: Học sinh có thể trình bày theo những cảm nhận của riêng mình, dưới đây là một gợi ý:
Mùa thu trong đoạn trích được tái hiện dưới một góc nhìn tinh tế, sâu sắc về nắng và gió mùa thu. Khác với những mùa khác trong năm, nắng và gió mùa thu mang những vẻ đẹp riêng, để lại cho mỗi người những cảm nhận riêng, vẻ đẹp của nắng được tái hiện là Không chói chang gay gắt như mùa hè, không yếu ớt le lói như mùa đông, không ấm ướt run rẩy như mùa xuân, nắng thu vàng rực rỡ. Nắng nhuộm vàng cả cây cối để lá vàng xao xác gió bay bay. Đó là vẻ đẹp dịu nhẹ của nắng thu: Dịu dàng thế nắng thu. Và cũng mơ màng thế nắng thu. Từ lúc bình minh cho tới khi hoàng hôn buông xuống, cả ngày chỉ có nắng vàng. Còn gió mùa thu cũng nhẹ nhàng, hoang hoải, khiến con người không khỏi trùng lòng xuống mà cảm nhận. Đó là vẻ đẹp Không vồ vập hồ hởi như gió hạ; không tái tê, buốt giá như gió đông; cũng không nồng nàn phồn thực như gió xuân. Gió thu nhè nhẹ, thoang thoảng, như có, như không. Những vẻ đẹp ấy làm lòng người trở nên xao xuyến.
Giáo viên lỉnh hoạt cho điểm
Câu 4: Với chủ đề đã cho, học sinh viết đoạn văn theo yêu cầu với một phương thức xây dựng đoạn văn nhất định, đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức viết đoạn. Đoạn văn cần đảm bảo nội dung trong sáng, thể hiện cái nhìn tự nhiên, tránh sáo rỗng, giáo điều.
Nguyễn Thế Hưng
Xem thêm: Bộ đề đọc hiểu môn văn