Đọc đoạn “Trích Bắt sấu rừng U Minh Hạ” – Sơn Nam rồi trả lời câu hỏi:
Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng. Thực tế hay là chiêm bao? Người thì đứng há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn vái lâm râm, e nay mai xóm này bị trừng phạt của quỷ thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông, nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ hỏi han rối rít.
Ðại khái Tư Hoạch trình bày :
– Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi , chặt ra khúc chừng ba tấc.
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng, ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sau khi bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm Hên xách cây mác nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Ðuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.

(Trích Bắt sấu rừng U Minh Hạ – Sơn Nam)

Câu 1:Nêu nội dung chính của đoạn trích trên?Nêu chủ đề của văn bản?

Câu 2: Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn trích trên.

Câu 3: Đoạn trích sử dụng phương thức biểu đạt nào?

Câu 4: Đoạn văn sau đây được viết theo phong cách ngôn ngữ nào:

Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi , chặt ra khúc chừng ba tấc.

Câu 5: Từ đoạn văn, anh/ chị hãy nêu cảm nhận của mình về nhân vật Năm Hên ( đoạn văn không quá 10 dòng)

ĐÁP ÁN

Câu 1: Đoạn văn trên miêu tả cảnh đàn sấu rừng U Minh Hạ bị người bắt sấu trói lại,đưa về và thái độ của dân trong xóm trước cảnh tượng đó.

Chủ đề: Hình ảnh thiên nhiên U Minh bí ẩn, dữ dội và hình ảnh con người Việt Nam nơi này hiền lành, chân chất mà dũng cảm, tài trí.
Câu 2: Biện pháp tu từ:
– So sánh: “Sấu… đen ngòm như khúc cây khô dài”

“Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được”
Tác dụng: miêu tả sinh động hình ảnh sấu rừng U Minh.
– Liệt kê: Người thì…, người khác…., vài người…
Tác dụng: miêu tả những thái độ khác nhau của mọi người, nhấn mạnh tính li kì của câu chuyện.
Câu 3: tự sự
Câu 4: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Câu 5: học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí , sau đây là một số gợi ý

+Một con người mưu trí, dũng cảm, chân chất mộc mạc

+Người dày dạn kinh nghiệm

+ HS có thể bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ, yêu mến ,tự hào đối với nhân vật Năm Hên

(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn

Bài viết gợi ý: