SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (…) TRƯỜNG THPT (…) | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN II NĂM HỌC 2017 – 2018 Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề. Ngày thi: 17/3/2018 | ||||
ĐỀ CHÍNH THỨC | |||||
(Đề thi có 02 trang ) |
I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Rễ
Rễ lầm lũi trong đất
Không phải để biết đất mấy tầng sâu
Rễ lam lũ, cực nhọc và đen đúa
Vì tầm cao trên đầu.
Khi cây chưa chạm tới mây biếc
Chưa là nơi ca hót của những loài chim
Thì dẫu phải xuyên qua bao tầng đất đá
Rễ vẫn đi tìm.
Có thể ai đó đã nghe lá hát
Đã nghe từ hoa, từ quả mùi hương
Nhưng với cây, bài ca đích thực
Là từ rễ cất lên.
(Nguyễn Minh Khiêm)
Câu 1. Chỉ ra: phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về ý nghĩa các câu thơ sau:
Rễ lam lũ, cực nhọc và đen đúa
Vì tầm cao trên đầu.
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng:
Khi cây chưa chạm tới mây biếc
Chưa là nơi ca hót của những loài chim
Thì dẫu phải xuyên qua bao tầng đất đá
Rễ vẫn đi tìm.
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm:
Nhưng với cây, bài ca đích thực
Là từ rễ cất lên.
- LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của con người.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về cảnh ngộ và số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám trong đoạn văn sau:
Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
-Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
-Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.
Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen.
Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:
– Trống gì đấy, u nhỉ?
– Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giống đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này chưa chắc đã sống qua được đâu các con ạ…
[..].
Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn bã ra, chát xít…Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.
Tràng hỏi vội trong miếng ăn:
– Việt Minh phải không?
– Ừ, sao nhà biết?
Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.
Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác.
À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.
Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.
Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2016, tr.31-32)
Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện (Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2016, tr.154) để nhận xét cái nhìn của các nhà văn về cuộc sống và con người.
———–Hết———
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ……………………………………………………………; Số báo danh: …………………
SỞ GD&ĐT (…) TRƯỜNG THPT (…) | HƯỚNG DẪN CHẤM KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2017 – 2018 , LẦN 2 Môn: NGỮ VĂN |
YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức độ điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
Phần | Câu | Ý | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
I | Đọc – hiểu | 3.0 | ||
1 | – Phương thức biểu đạt chính được sử dụng là: biểu cảm – Phong cách ngôn ngữ chính: phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. | 0.5 | ||
2 | Hai câu thơ nhấn mạnh sự vất vả lam lũ, cực nhọc của rễ để làm nên những mùa màng cây trái bội thu; thể hiện thái độ trân trọng biết ơn đối với công lao của rễ. | 0.75 | ||
3 | Đoạn thơ thể hiện khát vọng mãnh liệt, khẳng định quyết tâm của rễ muốn đưa cây vươn tới những tầm cao, cho dù có phải trải qua bao vất vả gian truân, sóng gió. Với khát vọng lớn lao ấy nên dầu phải trải qua bao tầng đất đá rắn chắc, rễ vẫn xuyên tìm. | 0.75 | ||
4 | -Nội dung lời thơ: khẳng định giá trị của rễ- yếu tố quan trọng tạo nên sự vững bền của sự sống. Đồng thời thể hiện niềm trân trọng, biết ơn với những cống hiến, hi sinh thầm lặng của rễ. Cũng như con người trong cuộc sống muốn vươn lên tỏa sáng, khẳng định mình, muốn xây dựng xã hội tiến bộ phải trải qua khó khăn, vất vả; phải có ý chí quyết tâm và tinh thần sẵn sàng cống hiến, hi sinh. -Quan điểm của cá nhân học sinh: đồng tình , không đồng tình | 0.5 0.5 | ||
II | Làm văn | |||
1 | Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của con người. | |||
Về kĩ năng: Thí sinh biết cách triển khai đoạn văn và trình bày được một đoạn văn hoàn chỉnh. Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng. Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau: | 0.25 1.75 | |||
1 | Rễ là một bộ phận của cây cối, thường ở dưới mặt đất vừa giúp cây bám đất, vừa hút dinh dưỡng nuôi cây. Rễ là biểu tượng của quá trình gian lao, vất vả để làm nên cuộc sống tốt đẹp; là ẩn dụ cho những con người nhỏ bé, âm thầm làm việc, cống hiến, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triến tốt đẹp, bền vững của xã hội. | 0.25 | ||
2 | Hi sinh là chịu mất mát, thiệt thòi lớn lao vì mục đích chung, vì cái cao đẹp. Cống hiến là đóng góp công sức, cái quý giá không màng đến lợi ích cá nhân mà làm việc hết mình vì người khác, vì một tập thể, vì sự nghiệp chung của đất nước. Sự hi sinh, cống hiến âm thầm là một lẽ sống, một lí tưởng sống đẹp, tích cực. | 0.5 | ||
3 | Sự hi sinh, cống hiến âm thầm có ý nghĩa sâu sắc: làm nền tảng để bước vào tương lai, cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Lí tưởng sống cao đẹp ấy giúp con người luôn bền gan vững chí để đạt tới ý nghĩ cao quý của đời sống. Khi trao yêu thương con người sẽ biết sống vì người khác, sẽ nhận được yêu thương. Những hi sinh cao cả, cống hiến đích thực sẽ được ghi nhận và đánh giá công bằng. | 0.75 | ||
4 | Phương châm sống cho thế hệ trẻ: biết sống vì mình, vì người khác, mở rộng trái tim mình; cần phải biết vượt qua khó khăn, gian khổ, cống hiến cho cuộc đời. Phê phán những cá nhân sống ích kỉ, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân. | 0.25 | ||
2 | Cảm nhận của anh/chị về cảnh ngộ và số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám trong đoạn văn trích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện (Chí Phèo, Nam Cao) để nhận xét cái nhìn của các nhà văn về cuộc sống và con người. | 5.0 | ||
Về kĩ năng: – Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận. – Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. | 0.5 | |||
Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau: | 4.5 | |||
1 | Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: – Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn; chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh. –Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962); đoạn trích khắc sâu cảnh ngộ và số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám. | 0.25 | ||
2 | Cảm nhận về cảnh ngộ và số phận người nông dân | 1.5 | ||
– Trước cảnh một cổ hai tròng “ Đằng thì nó bắt giống đay, đằng thì nó bắt đóng thuế”, người nông dân rơi vào thảm cảnh đói khát, bên bờ vực của cái chết. + Hình ảnh bữa cơm ngày đói đón dâu mới mà trung tâm là nồi cháo cám với miếng cám nghẹn bứ trong cổ họng của mỗi người ám ảnh người đọc; có sức mạnh tố cáo một cách sâu sắc hiện thực xã hội bấy giờ. + Âm thanh của “tiếng trống thúc thuế dồn dập” cùng hình ảnh bầy quạ “lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen” càng làm nổi bật tình cảnh bi đát, kiệt cùng, không lối thoát của con người. Cái chết bủa vây khắp nơi, trên trời, dưới đất giống như một tấm mạng nhện khổng lồ sắn sàng úp chụp lên những sinh linh bé nhỏ. + Câu nói của người mẹ mang đầy nỗi âu lo, thương xót cho số phận của những đứa con mình: Giời đất này chưa chắc đã sống qua được đâu các con ạ… à Hiện thực ngày đói thê thảm, tình cảnh khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng. – Tuy nhiên, cũng trong tình cảnh ấy, Kim Lân đã nhận ra sự chuyển biến dù rất mơ hồ trong nhận thức của những người nông dân về cách mạng. Chút ánh sáng đã hé ra trong những ngày đen tối đem lại cho con người niềm hy vọng sống mong manh. + Sự tiếc rẻ vẩn vơ cùng hình ảnh lá cờ đỏ cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của Tràng về cách mạng, tuy còn rất đỗi mơ hồ nhưng đã báo hiệu một sự thay đổi tất yếu trong tương lai. + Âm thanh của tiếng trống thúc thuế dồn dập cùng hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới được lặp lại vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng. à Đoạn trích cho thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân: Lên án xã hội thực dân phong kiến, phát xít; Cảm thông với nỗi khổ của con người; Trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; Niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện. | ||||
3 | Liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện | 1.0 | ||
– Sau khi bị Thị Nở cự tuyệt, bước chân đau khổ,tuyệt vọng, căm phẫn đã đưa Chí Phèo đến nhà Bá Kiến và cất lên tiếng nói đòi lương thiện “Tao muốn làm người lương thiện”. Tiếng nói như một khát vọng sống cháy bỏng của con người, đồng thời giống như một lời kết tội kẻ đã gây ra bi kịch của cuộc đời Chí Phèo. – Người nông dân Chí Phèo khi bừng tỉnh nhận ra kẻ thù đích thực của mình và tình cảnh không lối thoát đã vung dao giết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình sau tiếng gào thống thiết đòi lương thiện. – Nam Cao đã chọn một kết cục đau đớn, đầy bế tắc cho những người nông dân lương thiện bị đẩy đến bước đường cùng. Không thể trở về với cuộc đời lương thiện trước kia, khi mà mọi ngả đường đều bị chặn lối, họ chỉ còn biết trả thù và tự tìm cái chết. Đó là sự lựa chọ đau đớn và quyết liệt của con người trong tình cảnh khốn cùng. – Hình ảnh Chí Phèo trong vũng máu, miệng muốn nói mà không ra tiếng vô cùng ám ảnh, có sức tố cáo xã hội thực dân phong kiến một cách gay gắt. Vì vậy cũng mang giá trị nhân đạo sâu sắc. àHình ảnh Chí Phèo trong cách kết thúc cuộc đời mình cho thấy số phận bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. | ||||
4 | Nhận xét cái nhìn của các nhà văn về cuộc sống và con người | 1.5 | ||
– Giống nhau: Cái nhìn cảm thông, đầy thương xót cho cảnh ngộ và số phận người nông dân trước Cách mạng; Trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người. – Khác nhau: + Với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao khai thác tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến. Họ cũng có khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc nhưng thực tại tăm tối đã nhấn chìm họ. Nhà văn đã không tìm ra được lối thoát nào cho những con người khốn khổ ấy ngoài cái chết và sự lặp lại của những cuộc đời tương tự. + Với tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân không chỉ nhìn thấy cái cảnh đói khát bi thảm của người nông dân, thấy những ước mơ, khát vọng hạnh phúc của họ mà quan trọng hơn là nhà văn đã chỉ ra cho những con người khốn khổ ấy một lối thoát. Đi theo cách mạng sẽ là con đường mang lại ấm no, mang lại sự sống cho những người lao động nghèo khổ. – Lí giải sự khác biệt + Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử xã hội. Nam Cao viết Chí Phèo năm 1941 trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Kim Lân viết Vợ nhặt sau hòa bình lập lại 1954 khi dân tộc ta đã đi qua 2 mốc lớn của lịch sử là Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp. Ánh sáng Cách mạng giúp nhà văn thấy được hướng vận động và phát triển của lịch sử. + Do khuynh hướng văn học và phương pháp sáng tác: Tác phẩm Chí Phèo viết theo khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Nam Cao phản ánh hiện thực đen tối nhằm phê phán xã hội. Nhà văn yêu thương con người nhưng vẫn chưa nhìn thấy được lối thoát của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Tác phẩm Vợ nhặt viết theo khuynh hướng hiện thực cách mạng nên Kim Lân có thể nhìn thấy bóng tối và ánh sáng bao trùm hiện thực trước cách mạng. + Do tài năng và tính cách sáng tạo của từng nhà văn. Cùng yêu thương tin tưởng con người nhưng Nam Cao có cái nhìn tỉnh táo sắc lạnh trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Kim Lân lạị cho rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người nông dân vẫn có thể vượt lên cái chết, cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng. | 0.25 0.75 0.5 | |||
5 | Đánh giá chung | 0.25 | ||
– Cùng viết về số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám nhưng mỗi tác giả đã chọn một hướng đi riêng. Đều này cho thấy sự độc đáo trong phong cách sáng tác của họ. – Cái nhìn về người nông dân trong tác phẩm của Nam Cao và Kim Lân nói riêng, trong nền văn học hiện thực trước và sau cách mạng tháng Tám nói chung đều thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. |
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11
CHÍ PHÈO , VỢ NHẶT