ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA – LẦN 2 Năm học: 2017 – 2018
Môn: NGỮ VĂN 12
Thời gian làm bài: 120 phút
I . ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa.
Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyệt đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói, “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn”. Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực.
(Trích từ cuốn “Học vấp ngã để từng bước thành công” – John C.Maxwell)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2: Nêu chủ đề chính của đoạn trích?
Câu 3: Tác giả khuyên chúng ta cần có thái độ ra sao trước thất bại?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa”? Vì sao?
LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: Người thành công luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn. Kẻ thất bại luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội.
Câu 2 (5 điểm):
Em hãy cảm nhận về cảm xúc, tâm trạng và những thay đổi của nhân vật Tràng từ khi có vợ (truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân)? Từ đó liên hệ với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở ( truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao) để thấy được chiều sâu của ngòi bút nhân đạo ở hai nhà văn?
—————————HẾT—————————-
SỞ GD&ĐT….
TRƯỜNG THPT ….
HƯỚNG DẪN CHẤM THI THỬ THPT QG LẦN 2
Môn: VĂN LỚP 12.
Năm học 2017 – 2018
.
Đọc hiểu văn bản
1,.Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích là phương thức nghị luận
2,Chủ đề chính của đoạn trích là nói về sự tất yếu của thành công và thất bại trong cuộc sống của con người
3,Tác giả khuyên “đừng sa vào vũng bùn bi quan”; “hãy thất bại một cách tích cực”
4,Học sinh viết một đoạn văn ngắn, được tự do bày tỏ quan điểm của mình và lí giải vì sao lại có quan điểm trên.
Lưu ý: – HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình hoặc không hoàn toàn đồng tình…với quan điểm của tác giả
– Yêu cầu: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, sáng tạo nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức của dân tộc
Làm văn
Câu 1
Yêu cầu về kĩ năng: – Trước hết phải đảm bảo yêu cầu nội dung và hình thức của một đoạn văn. (Lưu ý: Câu chủ đề trong đoạn văn NLXH là câu dẫn dắt và nêu được vấn đề cần nghị luận)
– Biết vận dụng phối hợp các thao tác lập luận, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thực tế chính xác, có chọn lọc.
Yêu cầu về nội dung:
* Giải thích:
– Người thành công là người đạt được mục đích mà mình đặt ra sau một quá trình nỗ lực, cố gắng.
– Kẻ thất bại là người không thực hiện được những mong muốn, dự định đã đặt ra.
– Cơ hội: hoàn cảnh thuận tiện gặp được để làm việc gì mình mong ước.
=> Câu nói khẳng định sự thành bại của mỗi người phụ thuộc vào cách người ấy đón nhận và xử thế trước những vấn đề của đời sống.
* Bàn luận:
– Thành và bại luôn song hành như một thực thể khách quan. Không ai không từng gặp thất bại, ngay cả những người thành công. (dẫn chứng)
– Sự thành bại của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào tài năng hay cơ hội mà còn ở thái độ của người đó trước những khó khăn trong cuộc sống:
+ Với những người giàu nghị lực, mỗi khó khăn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, kiểm chứng năng lực của bản thân. Và như thế, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong mỗi khó khăn để thành công (d.c)
+ Với những người bi quan, lười biếng khi gặp khó khăn thử thách vội chán nản, tự tìm thấy lí do để thoái thác công việc, từ bỏ ước mơ. Không vượt qua khó khăn càng khiến họ mất hết niềm tin để rồi chỉ thấy khó khăn, không nhận ra cơ hội. Và như thế họ sẽ luôn thất bại (d.c)
– Cuộc sống rất khắc nghiệt nhưng cũng luôn ẩn giấu nhiều cơ hội mà mọi người cần nắm bắt.
– Sự thành bại ở một giai đoạn không có ý nghĩa trong suốt cả cuộc đời. Mọi người cần có cách ứng xử trước mọi thành bại để đạt được những điều mình mong ước. Thành công chỉ có được sau quá trình học tập, tích lũy, nỗ lực, rèn luyện lâu dài.
– Phê phán thái độ sống hèn nhát, lười biếng, dễ gục ngã, mất niềm tin sau những lần thất bại.
*Bài học nhận thức và hành động: – Cần phải có niềm tin, nghị lực lớn để vượt qua những thử thách khó khăn trong cuộc sống, để luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn.
– Không ngại đối mặt với khó khăn. Coi khó khăn, thử thách như một phần tất yếu của cuộc sống.

Câu 2
a. MB: – Giới thiệu về nhà văn Kim Lân cùng tác phẩm Vợ nhặt
– Từ cái nhìn nhân đạo của Kim Lân về người nông dân trong nạn đói 1945 thông qua việc tác giả miêu tả nhân vật Tràng kể từ khi có vợ gợi ta nhớ tới tư tưởng nhân đạo mà nhà văn Nam Cao gửi gắm qua nhân vật chí Phèo kể từ khi Chí gặp Thị Nở.
– Giá trị nhân đạo mà hai nhà văn thể hiện trong hai tác phẩm tuy có nhiều điểm giống và khác nhau song đã góp phần tạo nên sự bất tử của của hai tác phẩm trong lòng người đọc.
b. TB:
* Giải thích khái niệm giá trị nhân đạo: Gía trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.
* Cảm nhận về diễn biến cảm xúc, tâm trạng và những thay đổi của nhân vật Tràng kể từ khi có vợ:
Dù đang sống trong nạn đói khủng khiếp nhưng Tràng vẫn hiện lên là người hiền lành, cởi mở, bề ngoài thô kệch vụng về nhưng ẩn chứa nhiều vẻ đẹp bên trong:
1. Tràng là người nhân hậu, luôn yêu thương người cùng cảnh ngộ:
Giữa lúc nạn đói hoành hành, vì đói người ta có thể làm những điều ti tiện để có được miếng ăn, nhưng anh sắn sàng đãi người bà xa lạ một bữa bốn bát bánh đúc.
2. Tràng rất khao khát hạnh phúc:
– Câu nói nửa đừa nửa thật “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” ẩn giấu niềm khao khát hạnh phúc gia đình
– Cử chỉ vụng về, nhưng tình cảm chân thực (Tràng mua hai hào dầu thắp sáng). -> Tràng trân trọng người vợ nhặt, trận trọng hạnh phúc của mình
– Trên đường dẫn người đàn bà về, Tràng “tự đắc”, quên hết cái đói, chỉ có tình cảm với người đàn bà đi bên.
– Lo sợ mất đi hạnh phúc ( phân tích: tâm trạng của Tràng khi ngóng mẹ về, lời nói của Tràng khi đối diện với mẹ, tâm trạng của Tràng khi được mẹ đồng ý…)
3. Có vợ, Tràng có nhiều thay đổi. Cảm nhận được hạnh phúc khiến Tràng trở nên chững chạc hơn, khôn khéo hơn, yêu cuộc sống, yêu gia đình, có ý thức xây dựng hạnh phúc và lạc quan, hi vọng vào tương lai (d.c)
* Liên hệ, so sánh với cảm xúc, tâm trạng nhân vật chí Phèo sau khi gặp Thị Nở để thấy chiều sâu của ngòi bút nhân đạo ở hai nhà văn:
1. Giống nhau:
– Cả hai nhà văn đều thể hiện tấm lòng cảm thông, thương xót cho số phận những người nông dân – nạn nhân của xã hội cũ.
– Cả hai nhà văn với trái tim nhân đạo đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn người nông dân Việt Nam ngay cả khi họ rơi vào tình cảnh khốn cùng thê thảm: Họ là những người nông dân lương thiện, khát khao sống, giàu tình yêu thương, luôn khát khao hạnh phúc, biết ước mơ…=> giá trị nhân đạo mới mẻ được hai nhà văn thể hiện sinh động mà chân thực.
Dẫn chứng: Cũng giống như Kim lân phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng ngay cả khi nhân vật đang kề cận với cái đói, cái chết, Nam Cao phát hiện ra ẩn sâu bên trong Chí phèo vẫn là một người lương thiện với những phẩm chất tốt đẹp. Khi đón nhận bát cháo hành, tình người chân thành của Thị Nở, Chí Phèo thức tỉnh, hắn cảm nhận được hạnh phúc, hắn biết yêu thương và khao khát yêu thương ( hắn cảm thấy yêu Thị Nở, thấy thị cũng có duyên…); hắn khát khao hạnh phúc –“hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”; hắn lại nhớ về ước mơ khi xưa và lại mơ ước, hắn khát khao được trở về với cuộc đời lương thiện, hắn gửi gắm ước mơ, hi vọng vào Thị Nở…
2. Khác nhau:
– Nam Cao để Chí Phèo rơi vào bi kịch tinh thần đau đớn, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Chí phải chết trên ngưỡng cửa quay về cuộc đời lương thiện. Cánh cửa cuộc đời, cánh cửa hạnh phúc và hi vọng đóng sập trước mặt Chí => Kết án xã hội và đòi quyền sống cho con người
– Kim Lân đã đưa nhân vật đến một lối thoát chắc chắn là đi theo lá cờ đỏ, theo Việt Minh đi phá kho thóc của Nhật, cách mạng sẽ giải phóng cho họ. Hạnh phúc của Tràng sẽ được bền lâu, ước mơ hi vọng của Tràng sẽ trở thành hiện thực. => Mở ra con đường giải quyết bế tắc: đi theo cách mạng
3. Lí giải sự giống và khác nhau:
– Giống nhau vì: Hai tác giả đều là những nhà văn có trái tim nhân đạo lớn; sống gắn bó với nông thôn và người nông dân; cùng viết về người nông dân trước CMT8.
– Khác nhau: + Hoàn cảnh sáng tác khác nhau (Nam Cao sáng tác Chí Phèo năm 1941, trước khi CM tới. Còn KL viết Vợ nhặt khi CMT8 đã thành công nên tác giả có khả năng và cần thiết phải chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội.
+ Do phong cách sáng tác khác nhau tạo được những nhân vật có những nét khác nhau
4. Đánh giá về tư tưởng nhân đạo mới mẻ và tài năng của hai nhà văn
c. KL: Khái quát lại vấn đề
Lưu ý: Trên đây chỉ là những gợi ý về bước làm và một số nội dung cơ bản mà bài viết cần đạt được. Người chấm cần vận dụng đáp án linh hoạt và trân trọng, đánh giá đúng những sáng tạo của HS
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11
CHÍ PHÈO , VỢ NHẶT

Bài viết gợi ý: