ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự cân bình trong cuộc sống của bạn.
Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]
Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]
Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]
Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
(Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu và chỉ ra hiệu quả của 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên. (1,0 điểm)
Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chính ta hạ thấp mình? (0,5 điểm)
Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua. (1,0 điểm)
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết nghệ thuật trong hai đoạn văn sau:
(1). “Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông lên mũi cũng làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon…”.(Trích: Chí Phèo – Nam Cao)
(2). “Người mẹ tươi cười đon đả: – Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có mà ăn đấy”. (Trích:Vợ nhặt – Kim Lân)
HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Hướng dẫn chung:
- Điểm của bài thi theo thang điểm 10, phần lẻ được tính đến 0,25 điểm. Giám khảo giữ nguyên điểm lẻ, không được làm tròn điểm.
- Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải đảm bảo không làm sai lệch hướng dẫn chấm.
- Nếu thí sinh làm bài không theo cách nêu trong đáp án nhưng đúng thì vẫn cho đủ số điểm từng phần như hướng dẫn quy định.
Đáp án và thang điểm:
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I. | 1=>4 | ĐỌC HIỂU | 3.0 |
1 | Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận | 0.5 | |
2 | – 02 BPPTT được sử dụng trong đoạn văn là: + Biện pháp tu từ so sánh (tu từ từ vựng) + Biện pháp tu từ điệp cấu trúc cú pháp (tu từ cú pháp) – Tác dụng: + BPTT từ vựng: So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh). Lối so sánh hình tượng này có hiệu quả là giúp chúng ta nhận thức rõ về sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. + BPTT cú pháp: Điệp cấu trúc (bạn … chớ để/ chớ đặt/ chớ quên….. ) Tác dụng là khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời đồng thời biện pháp tu từ này còn tạo cho đoạn văn cân đối, hài hòa về âm hưởng, nhịp điệu, cấu trúc . | 0,25 0,25 | |
3 | – Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Hãy biết trân trọng những gì mình có – Bởi mỗi chúng ta là một cá thể riêng….. | 0,25 0,25 | |
4 | – Cuộc đời không phải là một đường chạy thẳng liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng băng qua. – Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó. | 0.5 0.5 | |
II | 1,2 | LÀM VĂN | 7.0 |
Câu 1 | Đoạn văn NLXH | 2.0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (kết cấu, bố cục, dung lượng …theo yêu cầu) Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích. | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Thể hiện qua câu Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. (Không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hướng để cuộc đời mình có ý nghĩa) | 0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau: c (1)Giải thích Giải thích từ ngữ/vế câu. – Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ – Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất. – Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lại rực rỡ như ý. Rút ra nghĩa của vấn đề và nội dung bàn luận: Câu nói như một lời khuyên gửi gắm thông điệp tới mọi người (nhất là các bạn trẻ): Không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hướng để cuộc đời mình có ý nghĩa. c (2). Bàn luận vấn đề – Tại sao Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ: Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại. – Tại sao Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ ảo tưởng về tương lai: Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. Tương lại phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai vì vậy không nên lãng phí thời gian và cơ hội. – Bày tỏ quan điêm của cá nhân về thái độ sống và cách sống: Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết. c(3). Bài học nhận thức và hành động – Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn. – Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho tương lai | 1.0 0,25 0,25 0,5 0,5 0,5 0,25 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu (Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt). | 0.25 | ||
e. Sáng tạo (Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận). | 0.25 | ||
Câu 2 | Bài văn NLVH | 5.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề). | |||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận | 0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận (Vận dụng tốt các thao tác lập luận; Luận điểm rõ ràng, mạch lạc…kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng). | |||
* Mở bài – Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Giới thiệu khái quát về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo; Kim Lân và truện ngắn Vợ nhặt. (Có thể lần lượt gới thiệu từng đối tượng hoặc tìm điểm chung nhất của cả hai đối tượng để giới thiệu) VD: Nam Cao và Kim Lân đều là những cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Sự gặp gỡ của hai nhà văn này là đều có những truyện ngắn giản dị nhưng ấn tượng, hấp dẫn chứa chan tinh thần nhân đạo. – Đưa vấn đề cần nghị luận: Đến với tác phẩm văn học của hai nhà văn này, ta tìm thấy ở đó có những hình tượng, chi tiết rất độc đáo. Có những chi tiết nghệ thuật đọc rồi nhớ mãi sự rung động sâu xa, sức ám ảnh lâu bền trong người đọc tiêu biểu như … (trích 2 chi tiết đã dẫn trong đề) | 0.5 | ||
* Thân bài (Sử dụng cách TTLL hợp lí để riển khai vấn đề). Học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau: *(1) Giải thích – “Chi tiết”: Là thành tố nhỏ trong một chỉnh thể – “Chi tiết nghệ thuật”: Là thành tố nhỏ (tiểu tiét) đựợc sử dụng một cách nghệ thuật, nó hòa hợp với tổng thể để tạo nên một chỉnh thể tác phẩm. => Chi tiết nghệ thuật thường chứa hàm lượng lớn về nôi dung ý nghĩa và thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật. *(2) Tiến hành cảm nhận. Về chi tiết nghệ thuật thứ nhất: “Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông lên mũi cũng làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn chào hành không biết rằng cháo hành rất ngon…”(Trích: Chí Phèo – Nam Cao). * Vị trí: Chi tiết này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí bị cảm. Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn. Bát cháo hành ấy là chi tiết nghệ thuật độc đáo mang nhiều ý nghĩa. – Tái hiện chi tiết: Chi tiết bát cháo hành gắn liền với một tình cảm đặc biệt giữa Chí Phèo và Thị Nở. Chí vốn là một con người vốn “lành | 0,25 | ||
như đất”, trải qua bao thăng trầm cuộc đời, bị bỏ rơi, bị bán đi, bị xúc phạm, bị trà đạp… để rồi trượt dài trên con dốc của sự tha hóa và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Bàn tay của bọn cường hào ác bá (mà Bá kiến là một trong số đó) và nhà tù thực dân đã không cho Chí Phèo được lương thiện. Bị xa lánh, bị hắt hủi, những cơn say triền miên, những lần rạch mặt ăn vạ,… ta cứ tưởng đời Chí sẽ trượt dài, trượt dài tận đáy của vũng bùn tội lỗi. Thế nhưng chính bát cháo hành mà Thị Nở tự tay mang đến cho anh đã khiến Chí thay đổi rất nhiều. * Ý nghĩa: – Về nội dung: + Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí + Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí được hưởng + Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí : Gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí. – Về nghệ thuật: + Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật. + Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: Tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người. Về chi tiết nghệ thuật thứ hai: “Người mẹ tươi cười đon đả: – Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có mà ăn đấy” (Trích; Vợ nhặt – Kim Lân). * Vị trí: Chi tiết này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ. Nội dung chi tiết xoay quanh món ăn mà người mẹ nghèo chuẩn bị đó là cháo cám – Đây là chi tiết đặc sắc có sức chứa lớn về ý nghĩa nội dung tư tưởng và nghệ thuật. * Tái hiện chi tiết: Cháo cám là một biểu tượng của nạn đói năm 1945 – Nạn đói ấy như một cơn cuồng phong càn quét mọi sinh linh. Cái đói đã tàn phá cuộc sống con người đến độ ghê gớm nhất, miếng ăn trở thành vấn đề sinh mệnh vì thế cháo cám đã trở thành món ăn thậm chí “khối nhà chả có mà ăn”. Bắt đầu một ngày mới thật khác bà cụ Tứ và nàng dâu đã dạy thật sớm thu dọn quét tước nhà cửa sân vườn… đặc biệt bà còn chuẩn bị một món ăn được gọi là “Chè khoán” – món ăn dù “đắng chát, nghẹn bứ” nhưng bà vẫn khen “ngon đáo để”. * Ý nghĩa: – Về nội dung: + Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa ‘tiệc” đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945. + Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ: Bà cụ Tứ gọi cháo cám là ”chè khoán”, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con -> là người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn. Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. – Về nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn. * (3). So sánh: – Giống nhau: + Đều thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở “Chí Phèo” là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người [bát cháo hành rất bình di, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật]. Ở “Vợ nhặt”, thể hiện rõ hiện thực tàn khốc của nạn đói: cám vốn là thức ăn của con vật và số phận con người cũng trở nên rẻ mạt. + Cả 2 hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp, thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn. – Khác nhau: + Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của XH thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao. + Nồi cháo cám: Biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng. – Lí giải sự giống và khác nhau đó: + Có sự giống nhau là cùng viết về đề tài số phận con người và hình tượng người nông dân. + Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của thời đại chi phối cái nhìn của mỗi nhà văn. (Nam Cao – Trước CM T8 có cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân – Sau CMT8 có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương 1ai tươi sáng). Ngoài ra còn do phong cách nghệ thuật và yêu cầu trong sáng tạo của văn chương…. | 1.0 1,0 0,75 | ||
* Kết bài. Có thể theo hướng sau: – Đánh giá, khẳng định vấn đề: Hai tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt đã chạm đến trái tim người đọc không chỉ là những trang viết có ngôn từ sắc sảo, tình huống độc đáo hoặc cốt truyện hấp dẫn…. mà một trong những lí do khiến nguời đọc cảm thấy ngấm là tác phẩm có những ” chi tiết đắt”, là điểm sáng thổi bùng lên chủ đề tác phẩm. Nam Cao đã đưa chi tiết “bát cháo hành” đầy tính nhân văn trong truyện ngắn Chí Phèo, và Kim Lân đã rất thành công khi đưa vào hình ảnh “Nồi cháo cám” vào trong tác phẩm, giữa nạn đói 1945 đang hoành hành. – Phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá riêng của người viết + Gấp lại trang sách, hình ảnh “bát cháo hành” và “nồi cháo cám” của Nam Cao và Kim Lân vẫn luôn quẩn quanh trong tâm trí người đọc. Nó thực sự ám ảnh, thực sự có sức lay động đến lạ kì. + Hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc và ý nghĩa này góp phần làn nên sức sống của 2 tác phẩm chứa nó đồng thời làm vang bóng tên tuổi của Nam Cao và Kim Lân trên văn đàn. | 0,5. | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. | 0.25 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.(Học sinh có thể bình luận, nâng cao vấn đề hợp lí, tính thuyết phục). VD: Nếu bát cháo hành là liều thuốc giải độc đối với những “con quỷ dữ” như Chí Phèo biết quay về cuộc óng lương thiện, thì nồi cháo cám chính là tấm lòng thương yêu chân thực, cảm động của người mẹ nghèo khổ đối với những đứa con trong bữa cơm ngày đói đón dâu…. | 0.25 | ||
TỔNG ĐIỂM : 10.0 |
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN , CHÍ PHÈO, VỢ NHẶT ,DẠNG ĐỀ SO SÁNH VĂN HỌC