- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không?Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta từng nói đến việc làm sao trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ “công dân toàn cầu” rất dễ làm cho những ai đó lầm tưởng về một siêu nhân trong những khía cạnh nào đấy.Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: ta chỉ là một sinh linh bé nhỏ này làm sao ta có thể yêu thương và che chở cho cả thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một mơ ước hão huyền không?Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lý. Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh thì bạn yêu thương cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù nhỏ bé đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình yêu thương ấy sẽ ngập tràn thế gian này.
Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ta nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh. Và thói đạo đức giả đang lan rộng trên thế gian chúng ta đang sống.
Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỉ, những vô cảm, và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trên thế gian này. Đấy là tiếng kêu khần thiết đầy tình thương yêu và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trên thế gian này.
(Trích Cần một ngày hòa giải để yêu thươngtheo http:/?www.tuanvietnam,net ngày 7/9/2010)
Câu 1. (0,5 điểm) Theo văn bản, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là gì?
Câu 2.(1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 3.(0,5 điểm). Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”?
Câu 4.(1,0 điểm) Anh(chị) thử đưa ra một định nghĩa khác về “công dân toàn cầu”?
- LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, theo anh (chị) thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”? Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình?
Câu 2 (5,0 điểm) Từ cảm nhận về cái “tôi ” trong bài thơ (Sóng – Xuân Quỳnh), Ngữ văn 12, tập một, XB Giáo Dục Việt Nam, 2016, anh(chị) hãy bình luận ý kiến: “Đó là cái tôi giàu khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt, đồng thời cũng là một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người”. Từ đó, liên hệ với cái “tôi” trong bài thơ Vội vàng( Xuân Diệu, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2016) để nhận xét nét đặc sắc về cái “tôi” của hai nhà thơ qua hai thi phẩm.
III. HƯỚNG DẪN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I. ĐỌC HIỂU | 1 | Theo văn bản, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là biết yêu thương và luôn tìm cách cải biến thế gian này. | 0,5 |
2 | Học sinh có thể chỉ ra và nêu tác dụng của một trong các phép tu từ sau: – Phép so sánh: Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu một ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Tác dụng: Khiến cho câu văn giàu cảm xúc, hình ảnh, tạo sự gần gũi, thân mật khi đề cập đến một vấn đề thoạt nghe rất cao siêu: tình yêu thế gian, yêu nhân loại. – Phép điệp cấu trúc câu: Có bao giờ…Khi bạn yêu… Tác dụng: Liên kết và nhấn mạnh ý nghĩa, tác dụng của tình yêu thương tạo nên giọng điệu nghị luận đầy nhiệt huyết. – Sử dụng câu hỏi tu từ: Có bao giờ…? Tác dụng: tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lí trí của người đọc, góp phần làm nổi bật vấn đề, tăng sức thuyết phục cho lập luận. | 1,0 | |
3 | Bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu“, văn bản sử dụng thao tác lập luận bác bỏ: Từ việc nêu ý kiến cho rằng yêu thương nhân loại là một ước mơ hay nhân cách hão huyền, rằng mỗi người chỉ cần một sinh linh nhỏ bé làm sao có thể yêu thương và che chở cả thế giới rộng lớn, sau đó đưa ra lí lẽ để lật lại vấn đề. Điều này khiến cho lập luận trở nên thuyết phục, sắc bén, hấp dẫn. | 0,5 | |
4 | Thí sinh có thể nêu một trong các định nghĩa dưới đây: – “Công dân toàn cầu” là những người sống, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. – “Công dân toàn cầu” là công dân có kiến thức nền tảng về các vấn đề văn hóa nhân loại, có thể giao lưu học tập, làm việc tại bất cứ quốc gia nào, có thể hòa nhập với công dân trên toàn thế giới, có năng lực giải quyết các vấn đề chung của nhân loại: bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, đẩy lùi dịch bệnh… – “Công dân toàn cầu” là người coi những vấn đề của nhân loại là vấn đề của dân tộc mình, cá nhân mình và biết suy nghĩ và hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. .. | 1,0 | |
II. LÀM VĂN | 1 2 | Theo anh(chị) thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”? Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình? | |
– Xác định đúng vấn đề nghị luận: Những việc thế hệ trẻ Việt Nam cần làm để trở thành công dân toàn cầu. | 0,25 | ||
Triển khai vấn đề nghị luận: thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau: – Giải thích: “Công dân toàn cầu” là gì? – Bàn luận: Để trở thành công dân toàn cầu con người cần phải làm gì? + Xây dựng nền tảng tri thức phổ thông cơ bản, vững chắc. + Có những hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới; có những kĩ năng thiết yếu như kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tự học, sáng tạo…trong đó năng lực ngoại ngữ , năng lực sử dụng công nghệ thông tin là cự kì quan trọng. + Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức mang tính cốt lõi: lòng tự trọng, tự tôn mang tính yêu nước, tinh thần trách nhiệm… (Dùng lí lẽ và dẫn chứng để trình bày quan điểm một cách sáng tạo, thuyết phục) – Bài học nhận thức và hành động: ” Công dân toàn cầu” có thể hòa nhập vào thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình. Đây là một thách thức lớn đối với giới trẻ trong xu hướng hội nhập quốc tế. + Phê phán những người vì chưa hiểu đúng khái niệm” công dân toàn cầu ” đánh mất bản sắc dân tộc, coi thường những giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông. | 0,25 0,75 0,25 | ||
– Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng yêu cầu cách viết một đoạn văn độ dài khoảng 200 chữ. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp Tiếng Việt. – Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. | 0,25 0,25 | ||
Nội dung cần đạt: 1. Mở bài: – Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh. – Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. “Sóng” là bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh. – Trích dẫn ý kiến. 2. Thân bài: * Giải thích ý kiến: – “Cái tôi” là cái bản ngã, là tâm trạng, cảm xúc, là thế giới hồn riêng của nhà thơ trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi, ta có thể thấy được những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng… của nhà thơ trước cuộc đời. – ” Khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt”: là những mong muốn, khát khao trong cuộc sống và tình yêu được đẩy lên cao độ, nồng nàn, biểu hiện của một con người trẻ trung, say mê, đầy sức sống. – ” Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người“: Là cái “tôi “tinh tế trong cảm nhận, giàu trăn trở, suy tư khi nhận ra sự ngắn ngủi của tình yêu và sự mong manh của đời người. => Cả hai ý đều đúng và bổ sung cho nhau, hoàn thiện ý nghĩa khái quát: Thơ Xuân Quỳnh tiêu biểu cho tiếng nói tâm tư, tình cảm của giới mình. * Cảm nhận về cái “tôi “trong bài thơ”Sóng”: – Cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt: + Cái tôi khát vọng được sống đúng với cá tính của mình, được thấu hiểu và được yêu thương nên đã dẫn thân vào hành trình gian truân tìm kiếm hạnh phúc: ” Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. + Cái tôi còn khát vọng khám phá bản chất, nguồn gốc của tình yêu, để rồi nhận ra rằng tình yêu là bí ẩn, thiêng liêng không thể nào lí giải được” Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. + Cái “tôi” mang nỗi nhớ nồng nàn da diết, nỗi nhớ ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà len lỏi cả vào trong tiềm thức, vào cả những giấc mơ” Lòng em nhớ đến anh/ cả trong mơ còn thức/ Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/Nơi nào em cũng nghĩ/ hướng về anh một phương”. + Cái tôi khát vọng tin tưởng tình yêu chung thủy sẽ vượt qua những biến động của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời để đến được bến bờ hạnh phúc:” cuộc đời tuy dài thế/ năm tháng vẫn đi qua/ như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa”. Đó cũng chính là một nét đẹp của cái tôi trữ tình hay chính nhà thơ. – Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người: + Bằng sự chiêm nghiệm của một trái tim đa cảm và sự từng trải, nhà thơ đã sớm nhận ra nghịch lý: đời người là ngắn ngủi so với thời gian vô thủy, vô chung. Khát vọng tình yêu là vô cùng mà kiếp sống của mỗi người là hữu hạn. + Cái” tôi” tìm cách hóa giải nghịch lí nỗi day dứt ấy bằng khát vọng hóa thân vào sóng, hòa nhập vào biển lớn tình yêu để mãi mãi được yêu thương và dâng hiến, để tình yêu vượt qua sự hữu hạn của phận người:”Làm sao được tan ra/ thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ”. – Về nghệ thuật thể hiện: + Cái tôi trong bài thơ Sóng được thể hiện bằng thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết; riêng khổ 5 là khổ thơ duy nhất trong bài gồm 6 câu thơ như một sự phá cách để thể hiện một trái tim yêu tha thiết, nồng nàn. – Ngôn ngữ bình dị với thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ, so sánh các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; cặp hình tượng “sóng” và “em” vừa sóng đôi, vừa bổ sung hòa quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của cái tôi thi sĩ. – Bình luận, đánh giá ý kiến: + Hai ý trên đều đúng, cả hai đều đề cập đến những đặc điểm khác nhau của cái tôi Xuân Quỳnh trong bài thơ “Sóng”. Ý thứ nhất nhấn mạnh đến khát vọng sống, khát vọng yêu; Ý thứ hai khẳng định sự nhạy cảm, nỗi day dứt về giới hạn tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người. + Hai ý tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự toàn diện về cái “ tôi” của thi sĩ. Giúp cho người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ. * Liên hệ với cái “tôi” trong bài thơ” vội vàng” của Xuân Diệu: – Ở phong trào Thơ mới, ý thức về cái tôi cá nhân trở nên hết sức mạnh mẽ, đó là sự bung nở của mỗi hồn thơ, mỗi một cảm xúc mãnh liệt, một phong cách riêng biệt. – Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới có một cái “tôi” vô cùng độc đáo: + Bài thơ “Vội vàng” thể hiện một cái tôi yêu đời, đắm say, rạo rực, một cái tôi nhiệt huyết, tích cực, giàu khát vọng muốn “tắt nắng” để màu hoa không tàn, muốn “buộc gió” để “hương đừng bay đi”. + Cái “tôi” – nhà thơ nhận ra cuộc sống hết sức tươi đẹp và hạnh phúc” hoa đồng nội xanh rì”, ” lá cành tơ phơ phất”, là “khúc tình si của yến anh”. + Xuân Diệu là người luôn lo sợ về sự chảy trôi của thời gian, về tuổi tác vì theo nhà thơ” Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già /. ..nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. + Cái “tôi” khát vọng tận hưởng những giây phút đẹp nhất của đời người. Cái “tôi”vội vàng sống, vội vàng yêu… – Xuân Diệu có những cách tân mới về hình thức nghệ thuật( thể thơ, sử dụng dấu chấm câu, chất liệu, hình ảnh thơ…) bộc lộ cái “tôi “ độc đáo. * Nét đặc sắc về cái “tôi” của hai nhà thơ qua hai thi phẩm: – Cả hai bài thơ đều bộc lộ được cái “tôi”cá nhân khát vọng mãnh liệt cháy bỏng trước cuộc sống và tình yêu. Đây chính là một khát vọng rất nhân văn đáng trân trọng. – Cái” tôi” trong bài thơ “Sóng” là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Cái “ tôi” hòa vào cái ta chung của cuộc đời để tình yêu trở thành bất tử. Còn trong “Vội vàng” thì thể hiện một quan niệm sống: sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ không còn. 3. Kết bài: – Khẳng định lại tầm quan trọng của cái “tôi” trong bài “Sóng” của xuân Quỳnh nói riêng và thơ ca hiện đại nói chung. – Rút ra những bài học cho bản thân, gửi đến thông điệp cuộc sống từ vấn đề. | 0,5 0,5 0,75 0,5 0,5 0,25 0,75 0,25 0,5 | ||
– Sáng tạo: Bài viết cảm thụ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có sự sáng tạo về nội dung, dùng từ… | 0,25 | ||
– Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần; Đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ. | 0,25 | ||
Tổng điểm: | 10 |
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11,SÓNG XUÂN QUỲNH,
VỘI VÀNG