Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:
Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó là lúc phép thử còn mầu nhiệm, con tốt đỏ trong tay có thể còn phong Hậu, bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn gợi nhiều thôi thúc. Còn khi bạn đã lớn tuổi hơn, những trầy, xước đằng trước sẽ làm bạn ngần ngại, nếu bạn bị dúi xuống bùn thì rất có thể bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người khác cũng vấy bẩn lem luốc giống bạn.
Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho con người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn mớm cơm cho nó hằng ngày, chăm sóc nó quá no đủ, nó sẽ chết yểu.
(Theo Kênh 14.Vn)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2: Vì sao tác giả lại cho rằng : Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản ? (0,75 điểm)
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: khi bạn đã lớn tuổi hơn, những trầy, xước đằng trước sẽ làm bạn ngần ngại? (0,75 điểm)
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức? (1,0 điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1: (2 điểm)
Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ.
Câu 2: (5 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương từ cảnh sắc thiên nhiên qua bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Liên hệ với khổ thơ thứ 2 trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử để thấy được sự tương đồng và khác biệt trong cách cảm nhận về vẻ đẹp sông Hương của hai tác giả.
PHẦN III: HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu | Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc – hiểu | 3,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. | 0,5 điểm | |
2 | Tác giả cho rằng: “Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản” Vì: – Khi bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. – Khi vấp ngã, tuổi trẻ có thời gian hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc. | 0,75 điểm
| |
3 | Có thể hiểu: Khi lớn tuổi con người ta thích sự ổn định, ngại thay đổi, không còn nhiều nhiệt tình, thời gian của họ ngày một ít dần. Bởi vậy, khi gặp những sóng gió trong cuộc sống người ta dễ dàng buông xuôi chấp nhận. | 0,75 điểm
| |
4 | – Hs bày tỏ quan điểm của mình có thể đồng ý hoặc không đồng ý. – Lí giải hợp lí, có sức thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật. | 1,0 điểm | |
II | Làm văn | ||
1 | Nghị luận xã hội: | 2,0 điểm | |
Yêu cầu về hình thức: – Viết đúng đoạn văn khoảng 200 chữ. – Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 điểm | ||
Yêu cầu về nội dung: * Giải thích: Tuổi trẻ là gì? Tuổi trẻ là những người trẻ tuổi. Họ có đầy đủ cả những ưu điểm về thể chất lẫn tinh thần. Họ đang trong thời gian sung sức nhất, chưa nhiều trải nghiệm, nên họ muốn được thử, được dấn thân. Họ dám theo đuổi đam mê của mình và nếu như họ có khả năng, có kiên trì, họ sẽ thành công. * Bàn luận về vấn đề: – Giá trị của tuổi trẻ: + Tuổi trẻ là tuổi dám thử, dám trải nghiệm. Đây là thời gian sung sức nhất, năng động nhất bởi trong giai đoạn này, những người trẻ luôn sống trong bầu nhiệt huyết cháy bỏng. + Tuổi trẻ với đầy ước mơ hoài bão, họ có năng lực, sự sáng tạo, nếu kiên trì nhất định sẽ đạt được thành công. + Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, tiếp bước cha anh, đưa tổ quốc vươn ra thế giới. – Tuổi trẻ cần làm gì? + Xác định đúng mục tiêu, mục đích học tập. + Không ngừng nỗ lực phấn đấu. + Tự tin thể hiện mình để khẳng định bản thân. * Chứng minh: Hs lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn. * Liên hệ bản thân, rút ra bài học. | 1,5 điểm | ||
– Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. – Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu | 0,25 điểm | ||
2 | Nghị luận văn học | 5,0 điểm | |
Biết cách triển khai bài văn nghị luận phân tích kết hợp liên hệ mở rộng so sánh hình tượng nghệ thuật qua các tác phẩm khác nhau Không mắc các lỗi dùng từ, chính tả, đặt câu. | 0,5 điểm | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp sông Hương từ cảnh sắc thiên nhiên qua bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường và liên hệ so sánh với vẻ đẹp sông Hương trong khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để thấy được sự tương đồng và khác biệt của hai tác giả trong cách cảm nhận, miêu tả. | 0,5 điểm | ||
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. HS có thể sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo các yêu cầu sau: c. 1. Phân tích vẻ đẹp sông Hương xứ Huế từ cảnh sắc thiên nhiên trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. – Vẻ đẹp được phát hiện ở góc độ địa lí tự nhiên với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng được cảm nhận, miêu tả qua bút pháp kí tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường: + Khi ở rừng già: phóng khoáng, man dại. +Khi ở đồng bằng, ngoại vi thành phố Huế: mềm mại, biến ảo, trầm mặc. +Khi chảy vào thành phố: lặng tờ, cổ kính, thơ mộng, trữ tình. + Khi chảy ra biển: Lưu luyến, tình tứ. – Nghệ thuật miêu tả: Sử dụng vốn kiến thức uyên bác; tạo ra những hình ảnh so sánh độc đáo, tài hoa; câu văn giàu chất thơ, súc tích, mê đắm … c.2. Liên hệ vẻ đẹp sông Hương trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử + Sông Hương hiện lên trong tổng thể khung cảnh thiên nhiên xứ Huế: Cảnh vườn cây thôn Vĩ lúc ban mai, sông nước mây trời xứ Huế đẹp đẽ trong trẻo, thơ mộng nhưng đều mang vẻ tĩnh lặng, thấm đượm nỗi buồn sâu kín của thi nhân. + Vẻ đẹp sông Hương được cảm nhận trong kí ức giàu mơ tưởng của thi nhân vốn nặng lòng với Huế nhất là người con gái trong mộng của nhà thơ. Tóm lại : Cảnh đẹp, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. So sánh : Chỉ ra nét tương đồng và khác biệt *Nét tương đồng: – Cùng tái hiện được vẻ đẹp của sông Hương xứ Huế. Thiên nhiên khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca, văn học từ đó cảnh sắc rất riêng, rất thơ mộng của sông Hương xứ Huế đã đi vào lòng người . Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế nói chung, sông Hương nói riêng đã chiếm chỗ sâu bền nhất trong lòng các tác giả. – Cả hai đều là những cây bút tài hoa,tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú. *Nét khác biệt: – Đây thôn Vĩ Dạ: Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương sâu kín của Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc mà khởi đầu là tấm bưu thiếp do Hoàng Cúc gửi vào nên điểm nhìn cảm xúc gói trọn trong một không gian hẹp là thôn Vĩ, cái nhìn từ kí ức. Cảnh sông Hương lúc ban ngày thì êm đềm, tĩnh lặng mang nhịp điệu chậm rãi riêng của Huế, khi đêm về bỗng biến thành sông trăng huyền ảo, lãng mạn, chất chứa niềm tâm sự thầm kín cùng khát vọng da diết khắc khoải của thi nhân. – Ai đã đặt tên cho dòng sông?: Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn điểm nhìn là sông Hương, đặt trong một không gian phóng khoáng, rộng lớn hơn. Vẻ đẹp của dòng sông hiện lên ở rất nhiều góc độ từ quá khứ cho đến hiện tại, từ lịch sử, thơ văn đến địa lí, văn hóa….Vì thế nó có vẻ đẹp toàn diện hơn, hiện thực hơn bởi sông Hương chính là linh hồn của Huế, là nơi tích tụ những trầm tích văn hóa lâu đời của mảnh đất kinh thành cổ xưa. * Lí giải sự khác biệt: + Xuất phát từ đặc điểm của thể loại thơ và bút kí là khác nhau. Thơ nghiêng về cảm xúc, tâm trạng. Bút kí không chỉ đòi hỏi có cảm xúc mà ít nhiều có tính xác thực và khách quan. + Đối với Hàn Mặc Tử, Huế là nơi tác giả từng gắn bó, giờ đã trở thành kỉ niệm, ít nhiều nhà thơ cũng có ấn tượng sâu sắc về sông Hương, dễ nhận ra nét đặc điểm tiêu biểu là cái thần thái của sông Hương, tìm được mối tương đồng để gửi gắm tình cảm, cảm xúc. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người con của xứ Huế nên sông Hương đã thấm sâu vào tâm hồn máu thịt của ông. * Đánh giá được sự sáng tạo của các tác giả | 3,0 điểm | ||
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, có những kiến giải mới mẻ về hình tượng và bút pháp nghệ thuật của mỗi tác giả | 0,5 điểm | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. | 0,5 điểm | ||
ĐIỂM TOÀN BÀI: I+II= 10,0 điểm |