SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC GIANG
| ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I NĂM 2018
MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể phát đề |
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người. Sự tương tác giả dối với người khác sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn.
Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!
(Lư Tô Vỹ, Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác,
NXB Dân trí, 2017, tr. 206-207)
Câu 1. Theo tác giả, trên thế giới có quá nhiều loại sách nào và còn thiếu loại sách nào?
Câu 2. Cũng theo tác giả, chúng ta chỉ “nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác” khi nào?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng, “biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì”?
Câu 4. Trong văn bản trên, tác giả đề cao việc “làm thế nào để đối thoại với chính mình”. Vì từ “đối thoại với chính mình” mới hiểu được mình để có cách ứng xử và hành động hợp lí.
Theo anh/chị, có thể coi đoạn văn sau (trong tác phẩm Chí phèo của Nam Cao) là lời “đối thoại với chính mình” của Chí Phèo không? Sau những lời này, Chí Phèo có thực sự “hiểu được chính mình” không?
Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng […] Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông lên cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?
Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa!
(Trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, NXB Giáo dục 2007, Tr. 150)
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.
Câu 2 (5.0 điểm)
Để hiểu được thể loại văn học kịch, SGK Ngữ văn 11 (Bộ chuẩn, NXB Giáo dục 2007, Tr. 110) cho rằng:
Tập trung chú ý vào lời thoại của các nhân vật.
Theo anh/chị, tại sao phải chú ý vào lời thoại của các nhân vật? Phân tích ý nghĩa cuộc đối thoại giữa hồn và xác trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ để trả lời câu hỏi trên.
————————– Hết ————————
Họ và tên thí sinh: …………………………………………………………. SBD …………………….…………………….
Giám thị 1 (họ tên, chữ ký): ………………………… …..….……………………………………………….
Giám thị 2 (họ tên, chữ ký): ……………………… ……………………………………..………….………
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I
| ĐỌC HIỂU | 3.0 | |
1 | Theo tác giả, trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp nhưng lại thiếu loại sách dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. | 0.5 | |
2 | – Chúng ta chỉ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác khi bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân. | 0.5 | |
3 | – Tác giả cho rằng, biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì vì phải hiểu rõ nhu cầu của bản thân mới đủ sâu sắc để hiểu được nhu cầu của người khác. Không hiểu rõ bản thân mình cần gì sẽ khó có được sự cảm thông để hiểu nhu cầu của người khác. | 1.0 | |
4 | – Đoạn văn được trích viết về những lời độc thoại nội tâm, cũng là đối thoại với chính mình của Chí Phèo. – Sau những lời ấy, Chí Phèo bắt đầu tỉnh táo, ý thức sâu sắc về những buồn tủi, cay cực trong cuộc đời mình. | 0.5
0.5 | |
II | LÀM VĂN | 7.0 | |
1 | Ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người | 2.0 | |
a. Đảm bảo thể thức của đoạn văn | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận | 0.25 | ||
c. Nội dung đoạn văn Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích ở phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách với điều kiện lập luận chặt chẽ, thuyết phục,… Dưới đây là một số gợi ý định hướng chấm bài: – Hiểu mình và hiểu người là biểu hiện cao của trí tuệ – Đó là một trong những điều kiện quan trọng giúp chúng ta biết cách ứng xử và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. – Nếu không hiểu mình, hiểu người thì mọi suy nghĩ của ta chỉ là áp đặt hoặc hời hợt; mọi vận đề gặp phải đều khó giải quyết thấu đáo,.. | 1.0 | ||
d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với những chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, pháp luật. | 0.25 | ||
d. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. | 0.25 | ||
2 | Lí do phải tập trung vào lời thoại của các nhân vật khi đọc hiểu văn học kịch và cuộc đối thoại hồn – xác trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt. | 5.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề. | 0.5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận | 0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. | |||
* Khi đọc kịch phải chú ý vào lời thoại của nhân vật vì: – Kịch được viết để diễn nên không có lời dẫn truyện. – Mọi xung đột, mâu thuẫn trong kịch được tái hiện thông qua ngôn từ và hành động. Đọc kịch bản văn học (không giống như xem diễn kịch trên sân khấu), phương tiện duy nhất để mọi biến cố, xung đột được tái hiện là lời thoại của nhân vật. | 0.5 | ||
* Vận dụng phân tích cuộc đối thoại giữa hồn và xác trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ: – Lí do dẫn tới cuộc đối thoại: từ khi nhập vào xác hàng thịt, Trương Ba gặp không ít rắc rối, bị người thân dần xa lánh, cảm thấy cô độc, chán nản. – Diễn biến cuộc đối thoại: bắt đầu bằng việc hồn Trương Ba chỉ trích, khinh bỉ xác hàng thịt nhưng càng về sau, hồn Trương Ba càng đuối lí và tỏ ra bất lực khi phải sống nhờ. – Kết thúc cuộc đối thoại: hồn Trương Ba ý thức được sâu sắc bi kịch không được là chính mình. – Ý nghĩa của cuộc đối thoại: thực chất cũng là sự đối thoại với chính mình (giữa phần tâm hồn thanh cao và những nhu cầu bản năng của cuộc sống) để từ đó, nhà văn lí giải về ý nghĩa thật sự của sự sống. | 2.5 | ||
d. Sáng tạo | 0.5 | ||
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận văn học. | |||
d. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. | 0.5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |
* LƯU Ý KHI CHẤM BÀI:
Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm một cách máy móc, linh hoạt trong việc vận dụng hướng dẫn chấm.
Với câu 2, 3 phần Đọc hiểu, thí sinh có thể diễn đạt khác với hướng dẫn chấm nhưng trả lời đúng nội dung yêu cầu thì vẫn được điểm tối đa.
Với phần Làm văn, cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, nội dung bài viết có thể không trùng với yêu cầu trong Hướng dẫn chấm nhưng lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ.
Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi phần và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
—————————- Hết —————————–