Đề thi Đánh giá năng lực giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Vĩnh Phúc
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CÁC MÔN KHXH CẤP THPT NĂM HỌC 2015-2016; ĐỀ THI PHẦN NĂNG LỰC
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian giao đề)
PHẦN NHẬN THỨC CHUNG (2,0 điểm)
Đồng chí cho biết xu hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của hoc sinh theo định hướng phát triển năng lực người học hiện nay là gì? Việc đánh giá kết quả học tập dựa trên năng lực người học có tác dụng gì đối với hoạt động dạy học? Trong công tác giảng dạy, đồng chí đã thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh như thế nào?

PHẦN CHUYÊN MÔN(8,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
-Sao sớm thế?
Chiếc lá vàng giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non”.
(Theo Những câu chuyện ngụ ngôn chọn lọc- NXB Thanh niên-2003)
Suy nghĩ của đồng chí về ý nghĩa được gợi ra từ câu chuyện trên?

Câu 2: (6,0 điểm)
Nhà phê bình văn học Nga Biê-lin-xki cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả chỉ để miêu tả; nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc câu trả lời những câu hỏi đó”.
( Lý luận văn học– NXB Giáo dục -1993)
Bằng hiểu biết về văn học, đồng chí hãy bình luận ý kiến trên.
PHẦN NHẬN THỨC CHUNG (2,0 điểm) Các đồng chí có thể trả lời được các ý chính sau:
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học hiện nay theo xu hướng tiếp cận năng lực người học.
– Các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ, đa dạng trong suốt quá trình học tập.
– Việc lựa chọn câu hỏi và tiêu chí đánh giá không được có tính chất đánh đố, yêu cầu học sinh nỗ lực tối đa để vượt qua kỳ kiểm tra, kỳ thi. Lựa chọn câu hỏi và tiêu chí đánh giá được nêu công khai, rõ ràng, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu vấn đề, sáng tạo, biết vận dụng.
– Nhấn mạnh sự cạnh tranh và sự hợp tác, nỗ lực tư duy, tranh biện khi học bài, làm bài.
– Quan tâm đến mục tiêu cuối cùng của việc giảng dạy và phương pháp học tập, phương pháp rèn luyện của học sinh. Khen che kịp thời và công bằng, khách quan..
– Giáo viên đánh giá nhưng cần khuyến khích tự đánh giá của học sinh. Nhiều đối tượng cùng phối hợp đánh giá nhận xét học sinh.
– Đánh giá đạo đức của học sinh một cách toàn diện, chú trọng đến năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân.
– Đánh giá toàn diện, các tiêu chí đặt ra liên quan đến kiến thức, kỹ năng và thái độ và gắn với mục tiêu đã công bố từ trước.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học hiện nay có tác dụng với hoạt động dạy học:
– Giáo viên dạy học theo tình huống, hành động trải nghiệm nhiều hơn thụ động ghi chép, thuộc lòng.
– Giáo viên sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý, phát huy khả năng tự học cho học sinh.
– Người dạy chú trọng đánh giá năng lực của người học tư duy sáng tạo, vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, với các phương pháp: quan sát, phỏng vấn, hội thảo, hồ sơ học tập, bài tập lớn, đánh giá thực hành, học sinh tự học và tự đánh giá lẫn nhau…
– Giáo viên càn tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu mới trong giáo dục.Nhà trường và các lãnh đạo tạo điều liện và giúp giáo viên thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp gắn với thực tế trường lớp và học sinh; thực hành kiểm tra. đánh giá học sinh theo năng lực..
– Giáo viên có thể điều chỉnh , tinh giản nội dung kiến thức bài học hoặc lựa chọn các phương pháp phù hợp với đối tượng nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh và hiểu được vấn đề trong mối tương quan liên môn học.
Trong công tác giảng dạy, (tôi) đã thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh:
– Trên cơ sở điều kiện vật chất nhà trường còn khó khăn; học sinh đầu vào thấp; học lệch môn và môn Ngữ văn rất mơ hồ và diễn đạt, chữ viết nhiều lỗi; hiểu biết liên môn thấp; và thuận lợi trong quá trình giảng dạy (tự kể về bản thân và nhà trường, trình độ, năng lực, học sinh và nhà trường)
– Mạnh dạn thực hành tổ chức dạy học, thiết kế giáo án thực theo hướng phát huy năng lực học sinh trong các lớp khá. Điều tiết, tinh giản nội dung bài học hợp lý và đánh giá nhẹ hơn trong các lớp học sinh bình thường.
– Thực hành kiểm tra qua những đề bài phù hợp và linh hoạt; cố gắng chọn đề mới, không có trong tài liệu. Coi thi nghiêm túc và đánh giá công bằng khách quan sát với trình độ năng lực; không cho điểm quá cao hoặc quá thấp; giúp đỡ học sinh trong giờ trả bài nhận ra và sửa chữa kịp thời các lỗi.
– Giáo viên vượt lên khó khăn và mặc cảm về môn học và học sinh, truyền cảm hứng, đam mê học tập, khám phá tri thức cho học sinh; linh hoạt các hình thức kiểm tra chuyên cần, thường xuyên và định kỳ; động viên học trò học tập và làm bài tập, tập viết đoạn và bài luận, làm giảm bớt áp lực kiểm tra, thi cử giúp các em bớt sợ, bớt ngại viết văn học văn.

PHẦN CHUYÊN MÔN(8,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)
Nhận thức đề
– Câu chuyện ngắn gọn về một sự việc bình thường nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân sinh. Chuyện chiếc là vàng tự rụng, chào và cười với gốc khi nhìn về những chồi non trên cành làm gốc cây ngạc nhiên.
– Ý nghĩa câu chuyện lá vàng tự rời cành gợi ra quan niệm về sống và tồn tại như thế nào; cách sống và cách làm người như thế nào trong cuộc đời nhiều phức tạp hiện nay của chúng ta.
– Người viết bày tỏ cách hiểu đúng thông điệp của chiếc lá vàng: sống hết mình, cho và nhận xứng đáng, có trước có sau và đó là niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi người.

  1. Nội dung chủ yếu

+ Giải thích ý nghĩa câu chuyện: Chiếc lá vàng đã sống hết cuộc đời vẻ vang và khó nhọc, tự bứt khỏi cành, tự kết thúc sự sống một cách thanh thản và tự nguyện, xứng đáng và tự hào không chút nuối tiếc hay ưu lo như một ẩn dụ đẹp về đời người. Sau những năm tháng sống hết mình, cháy hết mình, sống cho và nhận trọn vẹn, người ta chấp nhận và tự nguyện ra đi về với đất mẹ.
Trước sự ngạc nhiên của gốc, “chiếc lá giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non” như lời chào từ biệt thể hiện sự biết ơn. Nụ cười hạnh phúc khi chiếc lá đã sống xứng đáng và làm tròn bổn phận trách nhiệm chuyển giao cho chồi biếc. Tự nguyện và vinh quang, chiếc lá gửi lại yêu thương và niềm tin vào lộc non, trông cậy vào lớp trẻ đầy sức sống sẽ tiếp tục quy luật sinh tồn của tự nhiên và cũng là của con người. Kết thúc trọn vẹn để bắt đầu sự sống mới tốt đẹp và phát triển.
+ Phân tích và bình luận:
-Sống và tồn tại của chiếc lá như quy luật tất yếu của tạo hóa và suy rộng ra là của con người. Nếu chiếc lá tồn tại trên cành cả cuộc đời đến khi rụng xuống, bình dị lặng lẽ kết thúc một quá trình sống. Chiếc lá không để lại dấu ấn gì, không băn khoăn, không lo lắng. Sống bình lặng và kết thúc như thế chỉ là sự tồn tại.
– “chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc”. Chiếc lá tự biết, tự nguyện kết thúc sự sống khi cần thiết.Quan niệm sống như thế khác với sự tồn tại. Chiếc lá đã sống hết mình và làm chủ cuộc sống của mình vớiquan điểm rõ ràng: sống là cho và nhận, biết mình biết người, biết cống hiến và hưởng thụ, biết lo lắng và day dứt để phấn đấu thực hiện hoài bão và kiến tạo tương lai; sống xứng đáng không hổ thẹn với những ngày đã sống. Câu chuyện nêu thông điệp về cách sống và cách làm người, giúp mỗi người nhận thức đầy đủ về sống và tồn tại. Chiếc lá rời cành để những chồi non xanh tươi mọc ra mãi như quy luật sinh tồn và phát triển, kết thúc này lại là sự bắt đầu mới khác.
– “Chiếc lá giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non” như một lời biết ơn tri ân với gốc cây, với cội nguồn và quá khứ. Hàng động cười và chỉ vào những lộc non mang nhiều ý nghĩa. Nụ cười hạnh phúc, bằng lòng với cuộc đời của lá để tự nguyện bình tâm đón nhận sự kết thúc, đón nhận cái chết. Chiếc lá đã tròn bổn phận và xứng đáng được đi về với đất mẹ yêu thương. Khi đã trả món nợ đời, khi đã sống hết mình, sống làm nhiều việc thiện việc nghĩa, khi hoàn tất dự định tương lai, con người cũng cảm nhận được cái chết thật là sự khởi đầu cho một sự sống mới đẹp hơn. Họ “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” với nụ cười viên mãn.
– Chiếc lá chỉ vào những lộc non như gửi gắm tất cả yêu thương và tin tưởng vào thế hệ tiếp theo, thế hệ trẻ. Sống còn là sự tin tưởng và chuyển giao. Quy luật tạo hóa của thiên nhiên và của con người tuần hoàn, bất biến khẳng định chân lí tất yếu. Cái kết thúc khi sống trọn vẹn và hết mình, trách nhiệm và có ích lại là sự khởi đầu cho một quá trình sống tuyệt vời tiếp theo.
– Câu chuyện chiếc lá vàng đặt vấn đề lớn về văn hóa sống, gợi nhiều suy ngẫm về việc sống hiện nay. Mỗi người cần biết sống sao cho ra sống, sống xứng đáng với những gì đang sống; sống để không hổ thẹn với những ngày đã sống; sống tự chủ có trước có sau, vì mình và vì mọi người, vì hôm nay và vì ngày mai.
– Phê phán những cá nhân có quan niệm sống vị kỉ, sống ươn hèn và hưởng thụ, sống như sự tồn tại không cần biết ngày mai, không băn khoăn day dứt; sợ chết và hoài nghi, bi quan và hoang tưởng, sống thừa.
(Phân tích chọn lọc một số dẫn chứng để thuyết phục các luận điểm)

Câu 2: (6,0 điểm)

  1. Nhận thức đề

– Đề bài có tính bao quát vấn đề lý luận văn học: chức năng và giá trị của tác phẩm nghệ thuật tùy thuộc vào quan điểm sáng tác và tài năng của người nghệ sĩ chân chính. Ý kiến của Biê-lin-xki đặt ra yêu cầu sống còn của tác phẩm văn học làtư tưởng, tình cảm, là cái tài cái tâm của người cẩm bút.

  1. Nội dung cần đạt

+ Giải thích nhận định của Biê-lin-xki
– Tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng chỉ tồn tại mãi cùng thời gian là tác phẩm nghệ thuật chân chính, đích thực.Đó là tiếng nói tình cảm và lí trí của con người, là tiếng thét, là giọt nước mắt, tiếng kêu ai oán, là những câu hỏi, câu trả lời ,… quyện vào cuộc sống và con người, quyện lấy thiên nhiên hồn thiêng sông núi.
– Văn học là tấm gương diệu kì phản ánh hiện thực và thời đại. “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”. Tác phẩm văn chương vừa tái hiện cuộc sống, giúp người đọc nhận thức cuộc sống muôn màu, hiểu cuộc sống, có thái độ đúng và những quan niệm sống đúng, sống đẹp; hiểu cái đẹp và cái cao cả. Văn học đích thực miêu tả không chỉ là sự miêu tả, sao chép như chụp lại nguyên xi hiện thực, không tái hiện cuộc sống một cách đơn điệu, khô cứng hay tô vẽ lòe loẹt.
– Văn chương chỉ tồn tại lâu bền trong lòng độc giả khi nó phán ánh được những vấn đề lớn lao của thời đại, nêu được những giá trị tư tưởng lớn lao, động tới chỗ cao sâu nhất trong tâm tư con người. (“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả,…”). Ngoài miêu tả cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật cần thể hiện đúng những giá trị đích thực của nó. Tác phẩm văn học chân chính hướng đến và chia sẻ, đồng cảmvới những khổ đau hay ca tụng hân hoan những niềm vui lạc quan và hạnh phúc con người;nó đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi lớn của cuộc sống con người.
– Theo nhà phê bình Nga Bi-ê-lin-xki, người nghệ sĩ chân chính, trước hết cần biết cảm thông sâu sắc với số phận của con người, biết xúc động trước những kiếp đời lầm than, đau khổ; biết nêu lên những giá trị nhân sinh, biết căm thù cái xấu, cái ác và trân trọng cái đẹp, cái cao thượng. Và bằng việc miêu tả hiện thực cuộc sống, nhà văn thể hiện được những điều đó trên trang viết của mình. Khi đó, những “tiếng thét”, ”lời ca tụng”, “câu hỏi, câu trả lời” sẽ trở thành những con chữ không còn nằm yên trên trang giấy, nó sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn người đọc, khiến cho họ phải cùng suy nghĩ, trăn trở và day dứt với nhà văn, cùng nhà văn đến một mục đích duy nhất của văn chương, là hướng con người tới cái Chân,Thiện, Mĩ.
Người nghệ sĩ chân chính dám đối mặt với hiện thực, đương đầu với điều phi lý, bất công để đem công bằng, hạnh phúc về cho nhân loại.
+ Phân tích, bình luận ý kiến
– Văn chương trước hết là cuộc đời, văn học luôn phản ánh cuộc đời qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Mặt khác nhà văn không thể thoát ly, mơ tưởng lãng mạn, trái lại, người cầm bút chân chính cần có thái độ rõ ràng chân thực khi miêu tả những sự thật của đời sống xung quanh. Nam Cao đã viết “ Văn chương không cần những người thợ khéo tay…”, và khẳng định “sống rồi hãy viết”. Nhà văn có trách nhiệm, yêu nghề, yêu bạn đọc thường quan tâm thể hiện cho được những vấn đề lớn của cuộc sống: tình thương, sự bắc ái, công bình và giúp người gần người hơn.
(Chọn và phân tích một số tác phẩmnêu số phận và bi kịch của con người trong sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…tùy theo sở trường và hiểu biết mỗi người)
– Văn học chính là tiếng nói tâm hồn tri âm tri kỷ. Nhà văn trước hết rung cảm và xúc động trước cảnh huống, trước một sự thật hoặc một phần sự thật để từ đó ghi lại, làm sống lại trong độc giả những cảm xúc và trải nghiệm đó. Bằng tài năng và tâm huyết, các tác giả nổi tiếng luôn nêu lên và lý giải những chiều sâu, những uẩn khúc thầm kín mà vẻ vang của tâm hồn con người trong những éo le của cuộc đời. Bên trong giữa những dòng chữlà cả máu và mồ hôi, nước mắt người nghệ sĩ. Tiếng khóc than của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Gia Thiều thương mãi những người tài sắc bị vùi dập hay tiếng lòng cụ Nguyễn Khuyến, cụ Tú Xương xót xa cảnh hàn nho lỡ vận. Tiếng nói của Thơ mới nước ta đầu thế kỷ XX như cây đàn muôn điệu; tiếng kêu xé ruột bao kiếp người ngựa nghèo khổ của người dân nghèo bị bần cùng đến tuyệt lộ trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng; tiếng cười cay đắng mỉa mai kiếp người trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan; những tiếng hát tranh đấu đòi quyền tự do, chống thực dân đế quốc trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu,…
– Văn học không chỉ phản ánh hiện thực,phản ánh những đau khổ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp, những niềm vui hạnh phúc của cuộc sống, của con người. Nhiều tác phẩm trứ danh viết về tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, ca ngợi cuộc sống và tình yêu, ca ngợi cái đẹp lý tưởng, cái đẹp cuộc sống và tâm hồn con người. Cái đẹp vang bóng một thời trong sáng tác của Nguyễn Tuân; bài ca sông Hương núi Ngự đẹp như bài thơ trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường; cuộc sống như thiên đường trong thi phẩmVội vàngcủa Xuân Diệu; tình yêu đep trong thơ Xuân Quỳnh, thơ Pus-kin, thơ Ta-go; những thông điệp nhân sinh trong kịch của Lưu Quang Vũ, trong sáng tác của Lỗ Tấn hay những bài ca tuyệt đẹp ca ngợi con người trong Ông già và biển cả của Hê- ming -uêhay Số phận con người của Sô-lô-khốp…
– Văn chương chỉ sống mãi được khi nó đặt ra và trả lời những câu hỏi của con người.Nếu sáng tác đó, dù có được viết thận trọng và tinh diệu đến đâu,nhưng không để lại trong lòng người đọc những day dứt, ám ảnh thì nó cũng sẽ chết, người ta đọc rồi quên ngay.Văn chương chỉ thực sự là văn chương, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó phản ánh hiện thực thông qua bầu cảm xúc nồng nàn mãnh liệt của nhà văn, khi mỗi tác phẩmđặt ramột vấn đề để người đọc phải day day dứt, trăn trở. Tiếng kêu đòi lương thiện của Chí Phèo (tác phẩm cùng tên -Nam Cao), tiếng khóc của cái Tí van xin đừng bán nó (Tắt đèn- Ngô Tất Tố), tấm lòng của Lão Hạc (Lão Hạc- Nam Cao)làm xúc động nhiều thế hệ người đọc…Văn học thực hiện sứ mệnh cao cả góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, trong sáng hơn, giúp người gần người hơn. Văn học phải là “ thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để “ tố cáo và thay đổi thế giới giả dối và tàn ác”. Trong mỗi tác phẩm tốt là một thế giới mới với những tư tưởng tiến bộ, với những con người xứng đáng và thân thiện.Nhà văn trước hết là người ham mê sáng tạo và có tâm có tầm để hoàn thành những nhiệm vụ cao cả của nhà văn, góp phần làm cho thế giới ngày càng mới hơn, đẹp hơn và thân thiện hơn.
– Nghệ thuật chân chính, theo nhà phê bình Nga, rất cần cái hay cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật chẳng những có tư tưởng, tình cảm sâu sắc mà còn cần chuyển tải thông tin về cuộc sống và cái đẹp qua hệ thống ngôn từ nghệ thuật và các phương thức biểu đạt chọn lọc hiệu quả. Sự hoàn thiện về nội dung và sự sáng tạo mới mẻ về hình thức nghệ thuật sẽ làm cho tác phẩm văn chương thêm cuốn hút và không bao giờ chết trong lòng người đọc.

-Hết-

Nguyễn Văn Lự – THPT Vĩnh Yên.

Xem thêm :Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn

Bài viết gợi ý: