SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NINH BÌNH ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM
TRƯỜNG THPT HOA LƯ A MÔN: NGỮ VĂN 11
Năm học: 2015 – 2016
Thời gian làm bài: 90 phút
Ngày thi: 17/8/2015 (Đề thi gồm 2 phần, 01 trang)
Phần I: Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

CÂU THẦN CHÚ

Những đêm mơ mẹ đứng bên gốc thị
Ngước nhìn, khản giọng gọi: Thị ơi
Chợt nàng Tiên hiện về rưng lệ
Giấc mơ tàn con đợi hết cả hơi

Có những năm cây mít trở trời
Cứ nghẹn nắng không chịu làm ra quả
Mẹ giục con trèo làm cây mít giả
Nắm chuôi vồ mẹ khảo: Mít ơi!

Nhiều lần mẹ bổ bưởi hà hơi
Ðọc thần chú xua đi vị đắng
Mẹ dặn chị nhớ chừa múi lẹm
Lỡ sau này lại đẻ sinh đôi

Con biết khôn Người đã mất rồi
Dọc đường làng bây giờ là phố
Bưng bát cơm thơm đọc câu thần chú
Mẹ ơi về… dù chỉ một lần thôi.

(Nguyễn Đức Mẫn)

  1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên có đặc điểm gì? (1,0 điểm)
  2. Anh/chị hãy trình bày ngắn gọn chất dân gian hóm hỉnh được thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh của bài thơ? (0, 5 điểm)
  3. Từ “biết khôn” trong văn bản có ý nghĩa gì ? (0,5 điểm)
  4. Cảm nghĩ của anh/chị về câu thần chú của người mẹ và của người con trong văn bản? (0,5 điểm)



Phần II: Làm Văn (7, 0 điểm):
Anh/ chị hãy cảm nhận đoạn thơ sau. Từ đó nêu suy nghĩ của anh/chị về giá trị của hòa bình.

Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.

(Trích: “Chinh phụ ngâm” – Tác giả: Đặng Trần Côn

Dịch giả: Đoàn Thị Điểm)

—– HẾT—–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:…………………………………………………SBD:………………..
Gợi ý Đáp án:
1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Ba đặc trưng cơ bản : Tính Hình tượng, tính truyền cảm , tính cá thể hoá
2, Chất dân gian thể hiện ở việc sử dụng văn hoá dân gian : hình ảnh quả thị trong bài Tấm Cám, những câu thần chú đậm chất dân gian.
3. Biết khôn: Con đã khôn lớn , trưởng thành, thấu hiểu ý nghĩa câu thần chú
Biết khôn” tức là biết phân biệt thật giả, biết những câu thần chú xưa chỉ có những giá trị huyền thoại giá trị cổ tích dù đó là huyền thoại cổ tích đầy nhân hậu. “Biết khôn” tức là đã giã từ vòng tay mẹ mang trí tuệ minh mẫn, tích cóp dần những kinh nghiệm sống đối mặt với những sự thật lạnh lùng, nhiều khi tàn khốc.
Ai cũng phải biết khôn thôi. Và minh mẫn trí tuệ, và từng trải cuộc đời sẽ dạy anh rằng: Anh phải chấp nhận một trong những sự thật khốc liệt nhất: Ðó là sự mất mẹ vĩnh viễn.
4.
Gợi ý: Câu thần chú của người mẹ: vui vẻ, hóm hỉnh về quả thị, quả mít, quả bưởi. Biết bao vui hóm ngộ nghĩnh kia bây giờ đầm nước mắt khi không còn mẹ nữa. Và những câu thần chú mẹ dành cho cây quả xưa kia giờ đây con chỉ muốn dồn lại, dành cho một câu thần chú thiêng liêng nhất: mẹ ơi, hãy về với con đi!. Chúng ta biết, hẳn nhiên rồi, câu thần chú kỳ diệu kia có thực hiện, có thành sự thật nổi hay không?

Xem thêm: Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 11

Bài viết gợi ý: