-
ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ PHẦN ĐỌC HIỂU:
Kiểm tra đọc hiểu và kiến thức tiếng việt: (7 điểm)
CON ĐƯỜNG
Tôi là một con đường, một con đường nhỏ thôi, nhưng cũng khá lớn tuổi rồi. Hàng ngày đi qua tôi là bao nhiêu con người với biết bao bước chân khác nhau. Tôi ôm ấp những bước chân ấy trong lòng đầy yêu mến!
Tôi có một thú vui, đó là mỗi buổi sáng thức dậy, nghe tiếng chân của các bác trong hội người cao tuổi, vừa đi bộ tập thể dục, vừa chuyện trò rôm rả, vui vẻ mà tình cảm biết bao. Lúc đó tôi thấy tâm hồn mình thư thái, dễ chịu, tôi khẽ vươn vai, lấy sức để chuẩn bị tinh thần giữ an toàn cho mọi người tới giờ đi học, đi làm. Vì đó luôn là thời khắc căng thẳng nhất trong một ngày của tôi.
Mỗi buổi chiều về, tiếng người đi chợ gọi nhau, những bước chân vui đầy no ấm, đi qua tôi, cho tôi những cảm xúc thật ấm lòng.
Buổi tối, đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy, tôi say mê ngắm những thiên thần bé nhỏ, và lắng nghe từng bước chân để kịp nâng đỡ mỗi khi có thiên thần nhỏ nào bị ngã. Những lúc đó tôi thấy mình trẻ lại vì những niềm vui. Tôi thấy tuổi già của mình vẫn còn có ích.
Còn bây giờ đêm đã về khuya. Các anh chị công nhân dọn dẹp, quét đi bụi bẩn, lá rụng và tôi trở nên sạch sẽ, thoáng mát. Tôi vươn vai ngáp dài. Chắc cũng phải ngủ một chút cho một ngày mới đầy vui vẻ sắp bắt đầu. Sáng mai, tôi sẽ lại được sống một ngày ngập tràn tình yêu và hạnh phúc!
Đọc thầm bài “Con đường” và làm bài tập:
Câu 1. (3 điểm) Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất cho các câu hỏi sau:
a) Nhân vật xưng tôi trong bài là ai?
A. Một bác đi tập thể dục buổi sáng. B. Một con đường.
C. Một cô công nhân quét dọn vệ sinh. D. Một bạn học sinh
b) Thời gian nào con đường thấy thư thái, dễ chịu?
A. Buổi sáng B. Buổi trưa
C.Buổi chiều. D. Buổi tối.
c) Khi nào con đường thấy mình trẻ lại?
A. Nghe tiếng bước chân của các bác tập thể dục.
B. Có những bước chân vui đầy no ấm của người đi chợ.
C. Đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy.
D. Có các anh chị công nhân dọn dẹp.
d) Bài văn viết theo trình tự thời gian nào?
A. Từ sáng đến trưa. B. Từ sáng đến chiều.
C. Từ sáng đến tối. D. Từ sáng đến đêm khuya.
e) “Tôi say mê ngắm những thiên thần bé nhỏ.”
Thay từ in đậm trong câu trên bằng từ nào phù hợp nhất?
A. nhìn. B. xem. C. ngắm nhìn. D. ngắm xem
g) Câu ghép sau có mấy vế câu.
“Buổi tối, đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy, tôi say mê ngắm những thiên thần bé nhỏ, và lắng nghe từng bước chân để kịp nâng đỡ mỗi khi có thiên thần nhỏ nào bị ngã.”
A. Có 1 vế câu B. Có 2 vế câu. C. có 3 vế câu. D. Có 4 vế câu.
Câu 2. (1 điểm) Điều gì làm cho con đường có những cảm xúc thật ấm lòng?
.............................................................................................................................................................................
Câu 3. (1 điểm) Thú vui của con đường là gì?
..............................................................................................................................................................................
Câu 4. (1 điểm) Nêu tác dụng của mỗi dấu phẩy trong câu ghép sau:
“Buổi tối, đám trẻ đùa nhau tung tăng chạy nhảy, tôi say mê ngắm những thiên thần bé nhỏ, và lắng nghe từng bước chân để kịp nâng đỡ mỗi khi có thiên thần nhỏ nào bị ngã.”
- Dấu phẩy thứ nhất:.....................................................................................................................
- Dấu phẩy thứ hai: ......................................................................................................................
- Dấu phẩy thứ ba: ........................................................................................................................
Câu 5. (1 điểm) Đặt 1 câu ghép có cặp quan hệ từ “Tuy ... nhưng...”.
.......................................................................................................................................
-Hết-
II. ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ PHẦN VIẾT
1. Chính tả: Nghe viết (2 điểm) - Thời gian: 20 phút
Giáo viên đọc cho học sinh Nghe viết bài : “Tà áo dài Việt Nam” (từ Áo dài phụ nữ... đến chiếc áo dài tân thời.)
Tà áo dài Việt Nam Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải. Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời. Theo Trần Ngọc Thêm |
2. Tập làm văn: (8 điểm) - Thời gian: 40 phút
Đề: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.
...HẾT...
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, GHI ĐIỂM
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ CUỐI NĂM - Năm học 2018-2019
PHẦN ĐỌC HIỂU KHỐI 5
Đọc hiểu, trả lời câu hỏi: (7 điểm)
Câu 1. (3 điểm)
a. (0,5 điểm). Khoanh vào B
b. (0,5 điểm). Khoanh vào A
c. (0,5 điểm). Khoanh vào C
d. (0,5 điểm). Khoanh vào D
e. (0,5điểm). Khoanh vào C
g. (0,5 điểm). Khoanh vào A
Câu 2. (1 điểm).
Đáp án: Mỗi buổi chiều về, tiếng người đi chợ gọi nhau, những bước chân vui đầy no ấm, đi qua tôi.
Câu 3. (1 điểm).
Đáp án: Mỗi buổi sáng thức dậy, nghe tiếng chân của các bác trong hội người cao tuổi, vừa đi bộ tập thể dục, vừa chuyện trò rôm rả, vui vẻ mà tình cảm biết bao.
Câu 4. (1 điểm). Tác dụng của mỗi dấu phẩy trong câu ghép:
- Dấu phẩy thứ nhất: ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
- Dấu phẩy thứ hai: ngăn cách các vế trong câu ghép.
- Dấu phẩy thứ ba: ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
Câu 5. HS đặt câu đúng theo yêu cầu được 1 điểm.
Gợi ý phần tập làm văn: Em hãy tả con vật mà em yêu thích:
Trong tất cả các con vật trong nhà em, em yêu thích nhất là chú gà trống. Chú gà trống đã trở thành một người bạn thân thiết của gia đình em không biết từ bao giờ.
Bố em nói, chú gà này thuộc giống gà Đông Tảo, chú to, béo, nặng tầm bốn đến năm cân, em ôm vào lòng không xuể. Cái đầu chú to bằng cái bát ăn cơm, nối giữa đầu và thân là chiếc cổ dài kiêu hãnh. Trên đỉnh đầu chú nở rộ bông hoa đỏ chót, rực rỡ, đó là cái mào của chú đấy, cái mào lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, khiến người ta liên tưởng đến một loài hoa cùng tên là hoa mào gà. Đôi mắt chú sáng quắc, tròn xoe, đen long lanh như hai hột cườm, lúc nào cũng như ngấn nước. Cái mỏ nhỏ, vàng sậm nhưng đầy sắc bén, mỗi khi mổ thóc đều phát ra tiếng kêu "bộp bộp" nghe rất vui tai. Chú có hai chân vàng ươm, thẳng tắp với những ngón chân xòe ra, nhất là chiếc cựa sắc nhọn là vũ khí để săn mồi, chiến đấu với kẻ thù.
Nhắc đến gà trống không thể không nhắc đến bộ lông rực rỡ của chú. Chú khoác trên mình tấm áo óng á, mượt mà với sự hòa trộn giữa các màu chàm, vàng, nâu, đỏ khiến chú nổi bật hẳn trên sân. Khi tấm áo ấy khoe sắc dưới những tia nắng mặt trời chói chang, nó càng thêm rực rỡ, như được dát vàng dát bạc. Chú gà bước đi đầy oai dũng, mỗi lần bước là chiếc đuôi dài, xòe rộng, lấp lánh lại tung tẩy, rung lên theo từng nhịp bước chân, trông chú kiêu sa như một bá tước vậy. Cứ vào mỗi buổi sáng sớm, khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ say nồng, chú gà nhà em đã oai vệ bước lên đống rơm trước sân, rướn cao cổ rồi từ từ cất tiếng gáy to "Ò ó o o" vang xa khắp xóm làng, đánh thức mọi người bắt đầu một ngày mới. Sau khi cất tiếng gáy xong, chú lại vỗ mạnh đôi cánh to, dày như đầy tự hào, kiêu hãnh về thành quả của mình rồi bước đi oai phong tìm mồi cho bữa sáng của mình.
Chú đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức quen thuộc, một người bạn thân thiết của gia đình em và của cả xóm làng xung quanh. Bên cạnh đó, chú như một người vệ sĩ bảo vệ mùa màng, bắt sâu, bắt giun cho cây trồng ở vườn. Ngày ngày chú đi lon ton trong sân, nhặt những hạt thóc rơi vãi, có khi lại vỗ cánh lộp bộp để xua đuổi những chú chim bồ câu đang tranh giành phần ăn của mình. Sự hiện diện của chú gà đã trở nên quen thuộc với gia đình em.
Em rất yêu quý chú gà trống nhà em. Chú đã trở thành một phần trong nếp sống của gia đình em. Dù đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ có thể quên chú gà trống yêu quý ấy.