Đề thi thử nghiệm, kì thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử kì thi THPT Quốc gia môn văn có đáp án, tổng hợp tài liệu ôn thi dành cho học sinh lớp 12
PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa. Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn.
Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.
Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.
Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?
Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! Nhưng chắc chắn không bao giờ là quá muộn – và thời gian là người bạn tốt nhất của bạn, của tất cả mọi người.
Hãy làm việc say mê như thể bạn không còn cơ hội để làm lại một lần nữa.
Hãy yêu chân thành và trọn vẹn như thễ bạn chưa từng đau khổ vì tình yêu.
Bạn hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó, như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những phút giây tuyệt vọng. Như thể bạn vừa khám phá được ý nghĩa thật sự của tình yêu, và hơn hết là điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc.

(Hạt giống tâm hồn)

  1. Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0.5 điểm)
  2. Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong đoạn văn: “Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này”? (0,5 điểm)
  3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình”.

(1,0 điểm)

  1. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)

PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)
Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến ” Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”
Câu 2: Nghị luận văn học (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng : Đoạn văn sau trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) đã thể hiện khá trọn vẹn sự trỗi dậy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Từ cảm nhận về đoạn trích anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau ! Nếu có lắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mát ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Đáp án :
Phần đọc hiểu:
1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận. PCNN: Chính luận. 0,5
2 Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc: Đừng đợi…. mới
Sử dụng câu hỏi tu từ: Tại sao không….?
Hiệu quả: Nhấn mạnh đến sự cần thiết và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tạo ra và tận hưởng hạnh phúc ở mọi thời điểm trong cuộc đời 0,5
3 Hạnh phúc hay không là do quan niệm của mỗi người cũng như cách sống cách tạo dựng nắm bắt hạnh phúc trong từng hoàn cảnh từng thời điểm. Hạnh phúc là do mình tạo ra. 1,0
4 Tuỳ vào cảm nhận của mỗi học sinh để trình bày thông điệp mà bản thân cho là tâm đắc: cách tạo nên hạnh phúc, sự trân trọng và nắm giữ hạnh phúc, đón nhận cuộc sống và hạnh phúc từ những điều bình dị… Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 5-7 câu. 1,0
II: PHẦN LÀM VĂN:
1 1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận XH.
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Khuyến khích những bài viết sáng tạo
2. Yêu cầu về kiến thức:
1 – Giới thiệu vấn đề nghị luận: 0,25
2 a. Giải thích:
+ Hạnh phúc là gì?Hạnh phúc là niềm vui của con người khi đạt được mục đích lí tưởng của cuộc sống và thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống.
+ Phép màu là gì? Là những cách thức phương pháp bất ngờ do một thế lực siêu nhiên nào đó giúp con người tạo ra niềm vui hạnh phúc.
+ Ý cả câu: Hạnh phúc do chính ta tạo ra ở mọi thời điểm và hoàn cảnh trong cuộc sống.
+ b. Phân tích, bàn luận, chứng minh:
+ Cuộc sống luôn có những niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Đó là sự tồn tại hai mặt của cuộc đời thường bởi những cặp phạm trù tương ứng và con người phải đối mặt với những điều ấy trong quá trình tạo ra hạnh phúc cho đời mình.
+ Con người ta ai cũng phải có lí tưởng và mục đích khát vọng của cuộc đời. Khi đạt được những điều ấy chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và có động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó là hạnh phúc.
+ Cá nhân phải tận dụng mọi cơ hội mọi thời điểm để làm việc và thực hiện mục tiêu khát vọng của mình. Khi gặp khó khăn không hề nản chí, gặp nghịch cảnh không hề do dự, luôn chủ động trong mọi tình huống, không ỷ nại trông chờ lệ thuộc vào ai hay thế lực nào. Có như thế hạnh phúc mới có ý nghĩa có giá trị.
+ Phát huy tác dụng của tập thể và tận dụng cơ hội để tạo ra hạnh phúc.
+ Lấy một số dẫn chứng về những tấm gương biết tạo ra hạnh phúc cho mình vượt lên nghịch cảnh để trở thành người Hạnh phúc: Nick Vujiccic. 0,5
3 Bài học nhận thức:
+ Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hạnh phúc của cuộc đời mình.Không nên lệ thuộc và ỷ nại trông chờ vào hoàn cảnh hay người khác.
+ Cần tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể xã hội để tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc. 0,25
Câu 2 :
2 1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một vấn đề văn học.
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
1 Nêu được vấn đề cần nghị luận: Sự trỗi dậy sức sống tiềm tàng và những diễn biến tâm lí phức tạp của Mị trong đoạn văn. 0,25
2 1. Giới thiệu tác giả tác phẩm và đoạn trích
– Cảm nhận chung: Những diễn biến tâm lí của Mị khi sức sống tiềm tàng trỗi dậy. Tất cả đều được nhà văn miêu tả một cách tài tình khéo léo, được cảm nhận một cách tinh tế từ đó khiến người đọc thương cảm xót xa.
2. Giới thiệu về nhân vật Mị và cuộc sống của Mị khi làm dâu trong nhà thống lí Pá Tra.
+ Cô gái có nhan sắc và phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng được hưởng tình yêu hạnh phúc.
+ Mị bị bắt về làm dâu nhà Pá Tra vì món nợ truyền kiếp và bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần.
+ Sự trỗi dậy sức sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân bởi sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan, nó biểu hiện ra thành những suy nghĩ nhận thức và hành động.
3. Diễn biến tâm lí của Mị được miêu tả cụ thể và tài tình trong đọan văn.
+ Sự trơ trọi của Mị trong nhà Pá Tra khiến cô nhận ra sự cô đơn và đáng thương của mình. Lần đầu tiên sau bao nhiêu tháng ngày chìm trong vô thức Mị mới ý thức được điều ấy.
+ Mị bước vào căn buồng quen thuộc để đối mặt với thực tại và cay đắng nhận thấy cuộc sống vô nghĩa của mình.
+ Mị nhận thức rõ ràng về cuộc hôn nhân bế tắc và sự tàn ác của cha con nhà thống lí Pá Tra và sự bất công vô nhân đạo của xã hội.
+ Mị ý thức về tuổi thanh xuân của mình và khao khát được đi chơi, Mị muốn được sống với tuổi trẻ và khát vọng được hạnh phúc như bao người.
+ Ý định ăn lá ngón trở lại, Mị muốn chấm dứt cuộc sống vô nghĩa tù đầy này.
+ Tiếng sáo của tình yêu tuổi trẻ lại thôi thúc Mị, dìu hồn Mị theo những đám chơi. Khát vọng sống mãnh liệt được đẩy lên đén cao độ bởi sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng.
4. Bình luận:
+ Sức sống tiềm tàng trong Mị chưa bao giờ tắt hẳn nó như đám than vạc lửa vùi sâu trong lớp tro tàn chỉ cần một ngọn gió thổi tới cũng bùng lên thành lửa cháy. Đó cũng là sức mạnh cách mạng tiềm ẩn để sau này Mị cùng với A Phủ được A Châu giác ngộ đã trở thành du kích quay lại giải phóng buôn làng.
+ Nhà văn Tô Hoài đã miêu tả chi tiết đầy đủ những biểu hiện của sự trỗi dậy sức sống tiềm tàng trong Mị, thể hiện niềm cảm thông sâu sắc và sự thấu hiểu của nhà văn với người dân lao động nghèo vùng núi cao. 0,5
Đánh giá chung:
+ Đoạn văn thể hiện biệt tài miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của Tô Hoài, góp phần hoàn thiện giá trị nhân đạo và bức tranh tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến trên rẻo núi cao.
+ Vợ Chồng A Phủ là tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, thể hiện quan điểm cách nhìn của nhà văn về người nông dân và sức mạnh cách mạng tiềm ẩn của họ. 0,5
Xem thêm :Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn theo cấu trúc mới :
Xem thêm : Tổng hợp những đề thi về bài Vợ chồng A phủ- Tô Hoài :

Bài viết gợi ý: