Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Văn.
Bộ Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn theo cấu trúc mới, đề 80.
PHẦN 1: ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản thực hiện các yêu cầu
Tôi có đọc bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc ở công ti Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều trả lời không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales ?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết, nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”
Chi tiết này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi đó cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng vai một người khác.” Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự tự tin. Và tôi cho rằng, họ thành công là vì họ tự tin.
Có thể bạn sẽ nói: “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp. Còn tôi, tôi đâu có gì để mà tự tin” Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có trong mình những giá trị nhất định.
(Theo Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
Câu 1: Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính ?.
Câu 2: Xác định vấn đề chính mà văn bản đề cập.
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng: Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình ?
Câu 4: Rút ra thông điệp cho bản thân.
PHẦN 2: LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1: 2.0 điểm
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Lòng tự tin
Câu 2: 5.0 điểm
Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) trong đêm tình mùa xuân.
PHẦN 1: ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2: Bàn về lòng tự tin (0.75 điểm)
Câu 3: Lòng tự tin xuất phát từ bên trong, từ sự hiểu mình: Biết ưu thế, sở trường… bản thân sẽ phát huy để thành công trong công việc, cuộc sống; biết mình có những hạn chế, khuyết điểm sẽ có hướng khắc phục để trở thành người hoàn thiện, sống có ích (0.75 điểm)
Câu 4: HS chỉ ra thông điệp sống ý nghĩa nhất đối với bản thân một cách ngắn gọn, thuyết phục (1.0 điểm)
PHẦN 2: LÀM VĂN
Câu 1: 2.0 điểm
1. Về kĩ năng
– HS biết triển khai vấn đề trong một đoạn văn ngắn, dung lượng khoảng 200 chữ
– Đảm bảo các bước nghị luận: giải thích vấn đề, bàn luận vấn đề, rút ra bài học nhận thức và hành động.
2. Về kiến thức
Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích vấn đề
– Tự tin: tin vào bản thân 0.25
2 Bàn luận vấn đề
– Lòng tự tin là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Khi có lòng tự tin con người dễ gặt hái thành công trong cuộc sống
– Biểu hiện của lòng tự tin: luôn tin tưởng vào bản thân, chủ động trước mọi tình huống, không lấy làm hổ thẹn trước những khuyết điểm của bản thân, nỗ lực khắc phục điểm yếu để trở thành người hoàn thiện
– Mở rộng: Tự tin không đồng nghĩa với tự cao, tự đại
– Phê phán những người sống tự ti, không nhận thấy giá trị của bản thân 1.25
3 Bài học nhận thức, hành động
– Luôn lạc quan, vui vẻ, tự tin rằng mình có những giá trị sẵn có
– Phấn đấu, nỗ lực không ngừng trước những khó khăn, thất bại để luôn tự tin trong cuộc sống 0.5
Câu 2: 5.0 điểm
Về kĩ năng
– Đảm bảo bố cục văn bản, có kĩ năng nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
– Trình bày sạch, ít sai sót về chính tả, dùng từ, câu
– Hành văn trôi chảy, mạch lạc, viết đúng hướng, khuyến khích bài viết có tính sáng tạo
Về kiến thức
1 Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật 0. 5 điểm
2 Khái quát cảnh ngộ tủi nhục, đau khổ của Mị từ khi bị bắt làm dâu gạt nợ 0. 5 điểm
3 Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân
* Dưới tác động của tiếng sáo, hơi rượu: Tâm hồn Mị đã được đánh thức sau bao năm câm lặng, lầm lũi:
– Nghe tiếng sáo gọi bạn yêu, Mị thấy lòng thiết tha bổi hổi, nhẩm thầm lời bài hát
– Hơi rượu cay nồng đưa Mị trở về quá khứ đẹp đẽ. Mị thấy lòng phơi phới trở lại, thấy mình còn trẻ, muốn đi chơi. Tâm trạng vui sướng ấy vừa xuất hiện thì nỗi buồn tủi cũng đến theo: “Mị và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Nghĩ đến Mị chỉ muốn chết ngay
– Tiếng sáo vẫn lửng lơ bay ngoài đường khiến Mị phút chốc quên đi cảnh ngộ của mình và Mị chuẩn bị đi chơi: xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc…
* Khi bị A Sử trói vào cột nhà:
– Lòng Mị vẫn đi theo những đám chơi, cuộc chơi, lòng vẫn nồng nàn tha thiết nhớ
– Những lằn dây trói thít vào thịt da đau nhức, trong đau đớn, ê chề Mị thấy mình không bằng con ngựa
– Đến sáng Mị bừng tỉnh, cựa quậy xem mình còn sống hay chết. Tâm trạng ấy thể hiện ý thức của Mị về sự sống. 3.0 điểm
4 Đánh giá chung
– Diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mừa xuân của Mị được nhà văn khéo léo thể hiện bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tự nhiên, ngôn ngữ biểu cảm, đặc biệt ;là nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật…Tất cả đã làm nổi bật vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị
– Qua đó cũng cho thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn: lên án giai cấp thống trị miền núi đè nén, áp bức con người; phát hiện, trân trọng và khẳng định sức sống mãnh liệt của người lao động… 0.5 điểm
5 Kết bài
– Tóm lược nội dung đã phân tích
– Cảm nghĩ, liên hệ 0.5 điểm.
Đề sưu tầm.
Xem thêm tuyển tập đề thi thử THPT Quốc gia môn văn soan theo cấu trúc mới, bám sát chương trình của Bộ :