SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ ,ĐỀ CHÍNH THỨC

KÌ THI VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN LAM SƠN NĂM HỌC 2017- 2018

Môn thi: NGỮ VĂN
(Đề dành cho thí sinh thi chuyên Văn)

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 03 tháng 6 năm 2017
(Đề thi có 01 trang, gồm 03 câu)

Câu 1: (2.0 điểm)
a. Chỉ ra và phân tích ngắn gọn ý nghĩa của trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại trong đoạn văn bản sau:
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
(Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9, tập 1,
NXB Giáo dục, 2011, tr 144)
b. Tìm và phân tích tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu thơ sau:

Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc bỗng cách mười quan san.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, SGK Ngữ văn 9, tập 1,
NXB Giáo dục, 2011, tr 147)

Câu 2: (3.0 điểm)
“Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”. (Reggie Leach)
Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
Câu 3: (5.0 điểm)
“Một trong những sứ mệnh của người nghệ sĩ là phát hiện cho được cái âm thanh kì diệu của cuộc sống vốn rất đỗi bình thường”.
Ý kiến trên giúp gì cho anh/chị khi lắng nghe những vang âm từ “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2011), từ đó rút ra thiên chức của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương.
————- HẾT ————-
Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

ĐỀ CHÍNH THỨC ,KÌ THI VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN LAM SƠN NĂM HỌC 2017- 2018

HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn thi: NGỮ VĂN
(Đề dành cho thí sinh thi chuyên Văn)
Ngày thi: 03 tháng 6 năm 2017

1 Tiếng Việt 2.0
a Trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại:
– Lời nói của bà không tuân thủ phương châm về chất trong hội thoại (nói không đúng, không chính xác sự thật tình cảnh gia đình)
– Ý nghĩa: Bà cố tình dặn cháu như vậy vì muốn con yên tâm công tác. Qua đó, ta càng hiểu thêm tấm lòng, đức hi sinh thầm lặng mà lớn lao của những người bà, người mẹ hậu phương đối với tiền tuyến lớn. 0.5

0.5
b Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ.
– Biện pháp nói quá
– Hoạn Thư bắt Kiều chép kinh ở Quan Âm các gần phòng đọc sách của Thúc Sinh. Tuy ở gần nhau trong gang tấc nhưng hai người lại trở nên xa cách gấp mười quan san. Nguyễn Du khắc họa đậm nét sự xa cách cũng như cảnh ngộ, thân phận giữa Kiều và Thúc Sinh.
2 Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”. (Reggie Leach) 3.0
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Yêu cầu cụ thể:
a 1. Giải thích: 0.5
– Ngọn lửa, ánh sáng là cách nói bóng bẩy, hình ảnh để diễn tả ý thức tự vận động, ý thức phấn đấu vươn lên, tính kiên trì, lòng đam mê, khát vọng cháy bỏng của bản thân trong công việc, trong cuộc đời mới đạt được những thành công rực rỡ.
– Bản chất của thành công trước hết phải do sự cố gắng vươn lên của chính bản thân chứ không phải do người khác đem lại cho mình. 0.25
0.25
b 2. Bình luận: 1.0
– Câu nói xác đáng cũng có thể xem như một chân lí cuộc sống. Thành công của mỗi người là kết quả của quá trình, công sức, thời gian, bản lĩnh, trí tuệ, gian nan, vất vả, thậm chí phải nếm trải nhiều thất bại mới có được.
– Song chỉ chăm chỉ, cần cù thôi chưa đủ, ta phải biến mình thành ngọn lửa – ngọn lửa của sức mạnh, niềm tin, tình yêu, sự đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ mới có thể làm bừng sáng lên ánh sáng của thành công.
– Người khác có công chỉ bảo, dẫn dắt ta trên con đường đến với thành công, song điều quan trọng, căn bản phải ở chính ta. Ta tự đốt cháy ta, nhóm lên lửa trong ta mới tỏa sáng được chính ta.
– Ai đó cho rằng thành công là do sự may mắn hay phần lớn do người khác giúp đỡ, đem lại là chưa hoàn toàn đúng. Cái chính phải dựa vào sức của mình. Những người lười biếng, ăn bám, ỷ lại thì trên con đường thành công chẳng có bước chân của họ. 0.25
c 3. Chứng minh: 0.5
– Lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh.(những người nông dân từ trong vất vả, khó khăn đã sáng tạo, tìm tòi, sáng chế ra các loại máy móc tăng năng suất, giảm khó nhọc cho người; một nhà khoa học, một bác sĩ giỏi, một nhà văn nổi tiếng, một ca sĩ, một học sinh giỏi…đều phải lao động miệt mài, đam mê, tâm huyết, ý chí phấn đấu mới có được.)
d 4. Bài học: 0.5
– Ánh sáng của thành công không phải do người khác tỏa sáng, soi chiếu mà nó được chiếu sáng từ chính ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, ý thức trách nhiệm ở trong ta.
– Lười biếng chẳng những không có thành công nào mà còn là nguyên nhân của đói nghèo, buồn chán và mọi thói xấu khác. 0.25
3
“Một trong những sứ mệnh của người nghệ sĩ là phát hiện cho được cái âm thanh kì diệu của cuộc sống vốn rất đỗi bình thường”.
Ý kiến trên giúp gì cho anh/chị khi lắng nghe những vang âm từ Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2011), từ đó rút ra thiên chức của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương. 5.0
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác giả, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, phải bám sát và làm rõ ý kiến được nêu ra ở đề bài.
Yêu cầu cụ thể:
a Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề : 0.25đ
– Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) là cây bút chuyên viết truyện và kí. Lặng lẽ Sa Pa được viết năm 1970 trong chuyến đi thực tế Lào Cai của nhà văn. Truyện ngắn này khắc họa thành công vẻ đẹp cuộc sống và con người, với tài năng và tấm lòng của người viết đã để lại những rung động qua nhiều thế hệ bạn đọc.
– Dẫn được vấn đề bàn luận.
b Giải thích vấn đề 0.75đ
* Giải thích ý kiến: 0.25
– Sứ mệnh của người nghệ sĩ: trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của người sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nhà văn.
– Âm thanh kì diệu: cái điều sâu lắng, tốt đẹp, khác lạ chỉ những người nghệ sĩ có những năng lực đặc biệt mới có thể nghe thấy được.
– Cuộc sống vốn rất đỗi bình thường: hiện thực cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai để ý.
 Ý kiến trên là hoàn toàn thuyết phục, đúng đắn vì nó bàn đến bản chất của sáng tạo nghệ thuật và thiên chức người cầm bút là phát hiện những điều kì diệu từ vang vọng cuộc đời ở ngay cái chỗ mà không ai hình dung sẽ nghe thấy.
* Giải thích vang âm từ “Lặng lẽ Sa Pa”: 0.5
– Vang âm ở đây là những âm thanh ngân vang kì diệu trong lòng, những suy nghĩ đúng đắn, những khơi gợi từ những điều tốt đẹp của cuộc sống con người. Nguyễn Thành Long đã trăn trở, lắng nghe, và gửi gắm vào thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của mình. Cái hay chính là người ta lắng nghe được cái vang âm kì diệu đó từ trong chốn lặng lẽ, rất đỗi bình thường.
– Đi tìm những vang âm trong Lặng lẽ Sa Pa cũng chính là tìm chất thơ của văn xuôi, vẻ đẹp độc đáo, sức quyến rũ đặc biệt của truyện ngắn này.
c Lắng nghe những vang âm từ “Lặng lẽ Sa Pa”: 2.75
c.1. Vang âm dịu êm của tình người. Đó là tình huống gặp gỡ bất ngờ thú vị và đầy xúc động bởi mối duyên kì ngộ của những tấm lòng nhân ái. 1.0
– Tình cảm yêu mến trân trọng mà bác lái xe dành cho anh thanh niên – nhân vật chính của câu chuyện: “Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn.”
– Tình yêu thương, quan tâm của anh thanh niên dành cho bác lái xe, cho người họa sĩ và cô kỹ sư nông nghiêp vừa quen biết…..
– Tình cảm mến phục, trân trọng, tự hào của người họa sĩ đối với anh thanh niên, đem đến khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo cho nhà nghệ sĩ: “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”.
– Tình cảm trong sáng của cô kỹ sư nông nghiệp dành cho anh thanh niên: vừa nể phục vừa yêu mến, dẫn đến một quyết tâm lựa chọn con đường tương lai háo hức.
 Cuộc gặp giữa các nhân vật nơi Sa Pa lặng lẽ mà ấm áp tình người. Dư âm ấm lòng này còn theo ta mãi. 0.25
c.2. Vang âm vút cao của khát vọng sống. 0.75
– Điểm nhấn của “âm thanh kì diệu” nơi lặng thầm này chính là vẻ đẹp lí tưởng của anh thanh niên với khát khao mãnh liệt được cống hiến. Ý thức sâu sắc về mục đích việc mình làm mang lại lợi ích cho mọi người, hạnh phúc tột cùng khi được yêu công việc gian khổ nhưng cất nó đi thì buồn đến chết mất. Nhạy cảm nỗi cô đơn thèm người nhưng không sợ cô độc bởi có tình yêu và niềm tin vào cuộc sống: có anh em đồng chí dưới kia, có biết bao người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
– Bên cạnh đó là cái khát vọng lớn lao của ông họa sĩ già đến cuối cuộc đời vẫn mong muốn đi tìm cái đẹp thật sự cho nghệ thuật. Ông đã chớp được mẫu hình cái đẹp chính là anh thanh niên. Có thể đây sẽ là bức tranh đắt nhất trong đời nghệ sĩ đi tìm.
– Đó còn là vẻ đẹp tâm hồn của cô kỹ sư nông nghiệp trẻ dám vượt qua chính mình để đi tìm một lẽ sống mới. Nỗi buồn và thoáng hoang mang do dự đã qua nhanh khi hòa vang giai điệu sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình cùng với anh thanh niên. 0.25

c.3. Vang âm xôn xao từ thiên nhiên. 0.5
– Ngay từ khi bác lái xe giới thiệu đã vào đất Sa Pa, vang âm của sự sống đã hiện lên ngân nga nhẹ nhàng qua cảnh thiên nhiên thơ mộng. Cảnh Sa Pa hiện dần, mỗi lúc một đẹp đẽ, mơ màng. Đó là một bức họa lung linh kỳ ảo: “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương…”. Đó chính là cái dư ngân xôn xao của tâm hồn con người khi trải lòng với cảnh trí tự nhiên nơi Sa Pa. Sự sống đẹp và đáng sống, đáng yêu quá.
c.4. Vang âm mê hoặc từ câu chữ . 0.5
– Mỗi câu, mỗi chữ trong tác phẩm có hình khối, đường nét, màu sắc … đậm chất hội họa. (Đoạn đầu của văn bản hay hình ảnh cuối cùng: “Ông xách cái làn, cô ôm bó hoa. Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa thêm rực rỡ”)
– Ngôn ngữ văn xuôi giàu nhịp điệu, âm thanh êm ái mang âm hưởng của một bài thơ. Truyện có sự kết hợp tự nhiên giữa tự sự, trữ tình và bình luận. Lặng lẽ Sa Pa đúng là một thứ văn xuôi có cánh, một chất nước ngọt ngào thấm trong trái táo. 0.25
0.25
d Rút ra thiên chức của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương. 1.0
– Ý kiến này bàn về thiên chức của nhà văn là đi tìm tiếng vọng của cuộc sống, nghe trong đó những giai âm rung ngân về tình yêu cuộc sống. Đó cũng là mối quan hệ đặc biệt giữa nhà văn đối với cuộc sống. Từ hiện thực tưởng như không có gì, vậy mà nghe được những điều kì diệu để người đọc đồng cảm, lắng lòng, được cảm hóa và say mê. Đó chính là phát hiện, sáng tạo xuất phát từ tấm lòng của nhà văn.
– Ý kiến này vừa gợi ý cho người sáng tác trẻ cần có tấm lòng đam mê, vừa là cánh cửa mở cho bạn đọc đi vào thế giới nghệ thuật. 0,5
0,5
e Đánh giá chung 0.25
– Giá trị tác phẩm: Những vang âm trong Lặng lẽ Sa Pa ngân lên từ vẻ đẹp hình ảnh những người lao động bình thường với những công việc thầm lặng mà họ đang đóng góp cho Tổ quốc.
– Khẳng định vị trí nhà văn: Những ngân vang ấy xuất phát từ những khám phá riêng, từ tình yêu cuộc sống, từ một cây bút tài hoa và giọng văn chân thành giàu sức gợi cảm của Nguyễn Thành Long. Chính những dư vang từ vùng đất lặng lẽ ấy đã khơi gợi trong lòng người đọc tình yêu con người, tình yêu một miền quê, tình yêu Tổ quốc.
Lưu ý chung:
1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng, không bám sát yêu cầu của đề.
5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Xem thêm tuyển tập đề thi ngữ văn khối 10 :
Tải miễn phí bộ đề tuyển sinh vào 10 môn văn của nhiều trường trên cả nước :

Bài viết gợi ý: