BÀI MINH HỌA XÂY DỰNG CHUYÊN ĐỀ DẠY HỌC
Chuyên đề: THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Bước 1: xác định vấn đề cần giải quyết trong bài học
Kĩ năng đọc hiểu thơ trung đại của Việt Nam.
Bước 2: xây dựng nội dung chủ đề bài học
Gồm các văn bản thơ: Thuật hoài ( tỏ lòng ) – Phạm Ngũ Lão; Bảo kính cảnh giới, số 43 ( cảnh nhày hè ) – Nguyễn Trãi; Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm ; Độc “Tiểu Thanh kí” – Nguyễn Du; Quốc tộ – Đỗ Pháp Thuận ; Cáo tật thị chúng – Mãn Giác ; Quy hứng – Nguyễn Trung Ngạn.
Tích hợp các bài: Thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ ; Trình bày một vấn đề.
Bước 3: xác định mục tiêu bài học
Kiến thức
– Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm thơ trung đại Việt Namn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV
– Đặc điểm cơ bản của thơ trữ tình trung đại Việt Nam.
Kĩ năng
– Huy động những tri thức về tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, ngôn ngữ (chữ Hán, chữ Nôm) … để đọc hiểu văn bản.
– Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại:
+ Nhận diện thể thơ và giải thích ý nghĩa của việc sử dụng thể thơ.
+ Nhận diện sự phá cách trong việc sử dụng thể thơ (nếu có)
+ Nhận diện đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
+ Nhận diện và phân tích ý nghĩa của hình tượng thơ.
+ Nhận diện và phân tích tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
+ Nhận diện, phân tích và đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của các bài thơ trong chủ đề (hình ảnh, chi tiết, biện pháp tu từ, vần, nhịp…).
+ Đánh giá những sáng tạo độc đáo của mỗi nhà thơ qua các bài thơ đã học.
– Đọc diễn cảm, đọc sáng tạo những đoạn thơ hay.
– Khái quát những đặc điểm của thơ trung đại qua các bài đã đọc.
– Vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để đọc những bài thơ trung đại khác của Việt Nam (không có trong SGK); nêu lên những kiến giải, suy nghĩ về các phương diện nội dung, nghệ thuật của các bài thơ được học trong chủ đề; viết đoạn văn hoặc bài văn nghị luận về những bài thơ đã học trong chủ đề; rút ra những bài học về lí tưởng sống, cách sống từ những bài thơ đã đọc và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống của bản thân.
Thái độ
– Yêu thiên nhiên, con người, yêu Tổ quốc.
– Có ý thức xác định lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp.
– Có ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong hoàn cảnh hiện tại.
Định hướng góp phần hình thành các năng lực: năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết), năng lực thẩm mĩ (cảm thụ và sáng tạo), năng lực hợp tác, năng lực tự học…
Bước 4: xác định và mô tả mức độ yêu cầu của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học
Mức độ nhận biết | Mức độ thông hiểu | Mức độ vận dụng và vận dụng cao |
Nêu những nét chính về tác giả. | Chỉ ra những biểu hiện về con người tác giả được thể hiện trong tác phẩm. | Nêu những hiểu biết thêm về tác giả qua việc đọc hiểu bài thơ. |
Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ. | Phân tích tác động của hoàn cảnh ra đời đến việc thể hiện nội dung tư tưởng của bài thơ. | Nêu những việc sẽ làm nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả. |
Chỉ ra ngôn ngữ được sử dụng để sáng tác bài thơ. | Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ. | Đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ của tác giả trong bài thơ. |
Xác định thể thơ. | Chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ. | Đánh giá tác dụng của thể thơ trong việc thể hiện nội dung bài thơ. |
Xác định nhân vật trữ tình. | – Nêu cảm xúc của nhân vật trữ tình trong từng câu/cặp câu thơ. – Khái quát bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. | Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong câu/cặp câu/bài thơ. |
Xác định hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong bài thơ. | – Phân tích những đặc điểm của hình tượng nghệ thuật thơ. – Nêu tác dụng của hình tượng nghệ thuật trong việc giúp nhà thơ thể hiện cái nhìn về cuộc sống và con người. | – Đánh giá cách xây dựng hình tượng nghệ thuật. – Nêu cảm nhận/ấn tượng riêng của bản thân về hình tượng nghệ thuật. |
Chỉ ra câu/cặp câu thơ thể hiện rõ nhất tư tưởng của nhà thơ. | – Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó. | – Nhận xét về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ. |
Bước 5: biên soạn các câu hỏi/bài tập cụ thể theo các mức độ yêu cầu đã mô tả
Với bài Tỏ lòng, có thể sử dụng các câu hỏi sau:
Mức độ nhận biết | Mức độ thông hiểu | Mức độ vận dụng và vận dụng cao |
Nêu những nét chính về tác giả Phạm Ngũ Lão. | – Phạm Ngũ Lão là người như thế nào? Người xưa nói “thi dĩ ngôn chí” – điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm? | Bài thơ giúp em hiểu thêm gì về tác giả? |
Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? | – Em hiểu thế nào là “hào khí Đông A”? Điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm? | Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì? |
Nhan đề của bài thơ là gì? | – Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó. | – Tại sao là thơ tỏ chí, nói chí, tỏ lòng nhưng “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão không hề khô khan, cứng nhắc? |
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào? | Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ. | Theo em, việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì? |
Đọc phiên âm chữ Hán để xác định thể thơ. | Dựa vào phiên âm chữ Hán, chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ. | Em thấy việc sử dụng thể thơ đó có hợp lí không? Vì sao? |
Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? | – Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình? – Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì? | Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ? |
– Câu thơ đầu mở ra hình ảnh nào? – Em ấn tượng với từ ngữ nào trong câu thơ này? | – Hình ảnh ấy hiện lên như thế nào? – Hãy cắt nghĩa, lí giải từ ngữ ấy. | Nhan đề bài thơ là Tỏ lòng, vậy câu khai đã hướng đến, mở ra nhan đề bài thơ như thế nào? |
– Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ thứ hai? – Biện pháp đó dùng để thể hiện hình tượng nào? | – Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó và nêu cách hiểu của em về nội dung của câu thứ hai. – Nguyên nhân nào thôi thúc người tráng sĩ thời Trần có được vẻ đẹp hiên ngang (ở câu 1), quân đội nhà Trần có được sức mạnh vô địch ấy (ở câu 2)? | – Nhận xét mối quan hệ nội dung giữa câu khai và câu thừa? |
– Câu thơ thứ ba gợi nhắc đến những câu da cao, câu thơ nào? – “Thân nam nhi” ở đây là ai? | – Em hiểu “chưa trả xong nợ công danh” ở đây là gì? – Câu thơ cho thấy tác giả tự ý thức về mình như thế nào? | Em đánh giá như thế nào về sự tự ý thức đó của tác giả? |
– Câu thơ cuối bài có nét đặc sắc nghệ thuật nào? – Phạm Ngũ Lão thẹn với ai? | – Vì sao Phạm Ngũ Lão thẹn với Vũ Hầu? | – Cái thẹn ấy có ý nghĩa như thế nào? |
Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong câu/cặp câu thơ nào? | – Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó? | – Em có nhận xét gì về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ? – Tại sao nói “Thuật hoài” là chân dung tinh thần của tác giả đồng thời cũng là chân dung tinh thần của thời đại nhà Trần, rực ngời hào khí Đông A? |
Với bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, số 43), có thể có những câu hỏi sau:
Mức độ nhận biết | Mức độ thông hiểu | Mức độ vận dụng và vận dụng cao |
Nêu những nét chính về tác giả Nguyễn Trãi. | Đặc điểm nào của con người Nguyễn Trãi được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm? | Em ấn tượng nhất về tác giả ở điều gì? Vì sao? |
Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? Từ tập thơ nào? | – Đặt vào hoàn cảnh sáng tác đó, theo em bài thơ sẽ thể hiện cảm nghĩ, tâm sự gì của tác giả? | Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì? |
Nhan đề của bài thơ là gì? | Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó. | Nhan đề của bài thơ giúp em hiểu thêm vẻ đẹp tâm hồn nào của Nguyễn Trãi? |
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào? | Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ. | Theo em, việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì? |
– Hãy xác định thể thơ mà Nguyễn Trãi sử dụng trong bài thơ. – Hãy xác định bố cục của bài thơ. | – Chỉ ra đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú trong bài thơ. – Bài thơ có sự phá cách nào về thể thơ? – Chỉ ra những đặc điểm về vần, nhịp, niêm, đối… trong bài thơ. – Có thể chia bài thơ theo những cách nào để phân tích? | Em thấy việc phá cách đó có ý nghĩa gì? |
Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? | – Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình? – Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì? | Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ? |
Tác giả đã sử dụng bút pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật bức tranh thiên nhiên trong bài thơ? | Chỉ ra biểu hiện của bút pháp đó qua những từ ngữ, hình ảnh… | Theo em, việc sử dụng bút pháp đó có tác dụng gì? |
Câu thơ đầu tiên kể về việc gì? | Câu thơ cho thấy điều gì về tác giả? | Em có nghĩ Nguyễn Trãi “rồi” (rỗi rãi) thật không? Vì sao? |
Trong câu 2, 3, 4, bức tranh thiên nhiên được gợi lên qua những hình ảnh, từ ngữ như thế nào? | Nêu vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đó. | Theo em, vì sao bức tranh thiên nhiên ấy hấp dẫn Nguyễn Trãi và người đọc? |
Bức tranh đời sống của con người được gợi lên qua những hình ảnh, từ ngữ nào ở hai câu 5-6? | Nêu vẻ đẹp của bức tranh đời sống ấy? | Theo em, vì sao bức tranh đời sống ấy hấp dẫn Nguyễn Trãi và người đọc? |
Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong cặp câu thơ nào? | – Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong cặp câu thơ đó? | – Em có nhận xét gì về tư tưởng ấy của tác giả được thể hiện trong bài thơ? – Em học được gì từ Nguyễn Trãi qua bài thơ? |
– Em thấy giữa hai bài Tỏ lòng và Cảnh ngày hè có những điểm chung nào về nghệ thuật và nội dung? – Điểm khác biệt của hai bài thơ về nghệ thuật và nội dung là gì? | Hãy rút ra cách đọc một bài thơ trữ tình trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV. |
Với các văn bản còn lại, GV dựa vào hệ thống câu hỏi cốt lõi để biên soạn các câu hỏi cụ thể phù hợp với từng văn bản.
Bước 6: thiết kế tiến trình dạy học
– Xác định các văn bản được dùng dạy học đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại và vấn đề trọng tâm cần đọc hiểu ở mỗi văn bản:
+ Bài Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão): tập trung tìm hiểu thể thơ và cấu trúc.
+ Bài Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi): tập trung tìm hiểu ngôn ngữ thơ.
+ Bài Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du): tập trung tìm hiểu nhân vật trữ tình và tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Ngoài những yếu tố trên, ở mỗi VB, các yếu tố còn lại vẫn được HS tìm hiểu nhưng không phải là trọng tâm của giờ học.
– Xác định các văn bản được dùng để HS luyện tập đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại: Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm; Quốc tộ – Đỗ Pháp Thuận ; Cáo tật thị chúng – Mãn Giác ; Quy hứng – Nguyễn Trung Ngạn.
Hoạt động 1. Khởi động
GV yêu cầu HS làm việc cá nhân, trả lời các câu hỏi sau:
– Kể tên những bài thơ trữ tình trung đại Việt Nam mà em đã học ở trung học cơ sở? Các bài thơ đó được viết bằng ngôn ngữ nào? Theo các thể thơ nào?
– Em thích nhất bài nào trong số các bài thơ đó? Vì sao?
Hoạt động 2. Hình thành kiến thức
(1) Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản “Tỏ lòng” (“Thuật hoài” – Phạm Ngũ Lão)
* Trước khi đọc
GV yêu cầu HS làm việc cá nhân, trả lời các câu hỏi sau:
– Nêu những nét chính về tác giả Phạm Ngũ Lão.
– Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào?
– Em hiểu thế nào là “hào khí Đông A”?
* Trong khi đọc
– Nhan đề của bài thơ là gì? Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó.
– Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào? Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?
– Đọc phiên âm chữ Hán để xác định thể thơ. Dựa vào phiên âm chữ Hán, chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ. Em thấy việc sử dụng thể thơ đó có hợp lí không? Vì sao?
– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình? Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì?
– Câu thơ đầu mở ra hình ảnh nào? Hình ảnh ấy hiện lên như thế nào? Em ấn tượng với từ ngữ nào trong câu thơ này? Hãy cắt nghĩa, lí giải từ ngữ ấy. Nhan đề bài thơ là Tỏ lòng, vậy câu khai đã hướng đến, mở ra nhan đề bài thơ như thế nào?
– Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ thứ hai? Biện pháp đó dùng để thể hiện hình tượng nào?
– Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó và nêu cách hiểu của em về nội dung của câu thứ hai. Nguyên nhân nào thôi thúc người tráng sĩ thời Trần có được vẻ đẹp hiên ngang (ở câu 1), quân đội nhà Trần có được sức mạnh vô địch ấy (ở câu 2)? Nhận xét mối quan hệ nội dung giữa câu khai và câu thừa?
– Câu thơ thứ ba gợi nhắc đến những câu da cao, câu thơ nào? “Thân nam nhi” ở đây là ai? Em hiểu “chưa trả xong nợ công danh” ở đây là gì? Câu thơ cho thấy tác giả tự ý thức về mình như thế nào? Em đánh giá như thế nào về sự tự ý thức đó của tác giả?
– Câu thơ cuối bài có nét đặc sắc nghệ thuật nào? Phạm Ngũ Lão thẹn với ai? Vì sao Phạm Ngũ Lão thẹn với Vũ Hầu? Cái thẹn ấy có ý nghĩa như thế nào?
– Phạm Ngũ Lão là người như thế nào? Người xưa nói “thi dĩ ngôn chí” – điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?
– Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong câu/cặp câu thơ nào? Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó? Em có nhận xét gì về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ?
* Sau khi đọc
– Hãy đọc diễn cảm bài thơ.
– Bài thơ giúp em hiểu thêm gì về tác giả?
– Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì?
– Tại sao là thơ tỏ chí, nói chí, tỏ lòng nhưng “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão không hề khô khan, cứng nhắc?
– Tại sao nói “Thuật hoài” là chân dung tinh thần của tác giả đồng thời cũng là chân dung tinh thần của thời đại nhà Trần, rực ngời hào khí Đông A?
(2) Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản “Cảnh ngày hè” (“Bảo kính cảnh giới, số 43” – Nguyễn Trãi)
– Cách làm tương tự như bài “Tỏ lòng”.
(3) Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản “Đọc Tiểu Thanh kí” (“Độc Tiểu Thanh kí” – Nguyễn Du)
– Cách làm tương tự như bài “Tỏ lòng”/” “Cảnh ngày hè”
(4) Hướng dẫn HS khái quát các đặc điểm thơ trung đại Việt Nam qua các bài thơ đã học
– Từ việc đọc hiểu các văn bản Tỏ lòng, Cảnh ngày hè, Đọc Tiểu Thanh kí, em hãy khái quát những đặc điểm chính về nghệ thuật và nội dung của thơ trung đại Việt Nam.
Hoạt động 3 – Luyện tập
HS tự đọc các Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quốc tộ – Đỗ Pháp Thuận, Cáo tật thị chúng – Mãn Giác (bằng việc trả lời các câu hỏi GV đề xuất) để luyện tập kĩ năng đọc hiểu thơ trung đại.
Hoạt động 4. Vận dụng (có thể làm trên lớp hoặc ở nhà)
HS thực hiện các nhiệm vụ sau:
Bài tập 1. Làm bài kiểm tra sau:
ĐỀ KIỂM TRA
Thời gian làm bài: 45 phút
Đọc văn bản và chú thích, thực hiện các yêu cầu dưới đây:
BẢO KÍNH CẢNH GIỚI (Số XXI)
Nguyễn Trãi
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn.
Xấu tốt đều thì rắp khuôn.
Lân cận nhà giàu no bữa cám(1);
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn(2).
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;
Kết mấy người khôn học nết khôn.
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.
Đen gần mực đỏ gần son.
Chú thích: (1) và (2): Hai câu này là do câu tục ngữ “ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn”. Chữ “đau răng ăn cốm” là đúng chữ câu tục ngữ. Nhưng kẻ ở gần nhà giàu mà được ăn cốm nhiều thì cũng lạ. Chúng tôi cho rằng chính là cám nói chệch đi cho hợp với vần trộm ở câu dưới mà thành cốm… mà ở gần nhà giàu được no bữa cám thì nghĩa mới thông.
(Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam
– Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội, 1976)
Câu 1. Những thông tin sau đây về bài thơ “Bảo kính cảnh giới” (XXI) đúng hay sai? Hãy đánh dấu X vào ô thích hợp.
Thông tin | Đúng | Sai |
1. Bài thơ được sáng tác vào thời kì Lý Trần. | ||
2. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm. | ||
3. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú có phá cách. | ||
4. Bài thơ sử dụng bút pháp miêu tả. | ||
5. Nhan đề bài thơ có nghĩa là “Gương báu răn mình”. |
Câu 2. Hai cặp câu thực và câu luận cùng sử dụng biện pháp tu từ gì?
- Ẩn dụ B. Hoán dụ C. Nói quá D. Đối xứng
Câu 3. Trong bài thơ, Nguyễn Trãi lấy ý/cảm hứng từ nhiều câu tục ngữ. Hãy tìm ít nhất hai câu tục ngữ có nội dung gần với những câu thơ trong bài.
Câu 4. Hãy cho biết nội dung của các câu tục ngữ mà Nguyễn Trãi lấy ý/cảm hứng có điểm gì giống nhau về mặt nội dung?
Câu 5. Qua bài thơ, nhà thơ muốn “răn mình” điều gì?
Câu 6. Bài học cho bản thân mà anh/chị rút ra từ việc đọc hiểu bài thơ “Bảo kính cảnh giới” (XXI) của Nguyễn Trãi?
Bài tập 2. Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy) nêu cảm nhận của em về bài thơ Quy hứng – Nguyễn Trung Ngạn.
Hoạt động 5. Mở rộng, sáng tạo (có thể làm ở nhà)
Bài tập 1. Chỉ ra những điểm giống và khác nhau về biểu hiện của lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện trong số những bài thơ trung đại đã học ở lớp 10.
Bài tập 2. Làm một bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú theo đề tài tự chọn.
Tài liệu sưu tầm bởi Admin
Xem thêm : Trọn bộ giáo án ngữ văn theo chủ đề dạy học
Giáo án ngữ văn 10
Giáo án ngữ văn 11
Giáo án ngữ văn 12