ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN Môn thi: Ngữ Văn Thời gian làm bài 150 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Phần I: Đọc hiểu (4 điểm)
Mở đầu bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy viết:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
a, Trong bài thơ Ánh trăng, các hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng được nhắc lại ở một khổ thơ khác. Em hãy chép chính xác khổ thơ đó? Theo em, các hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng ở hai khổ thơ khác nhau như thế nào?
b, Bài thơ Ánh trăng gợi nhắc và củng cố thái độ sống nào ở người đọc? tìm hai câu tục ngữ có nội dung thể hiện thái độ sống đó?
c, Từ cảm nhận về truyền thống đạo lí được đúc kết trong hai câu tục ngữ trên, em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng nửa trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về tình cảm mà nhân dân ta dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giápkhi ông từ trần (Tháng 10 – 2013)
Phần II: Tạo lập văn bản (6 điểm)
“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm là khúc hát yêu thương con, khúc ca đầy khát vọng của người mẹ Tà Ôi trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.”
Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận xét trên? Từ biểu hiện của tình mẫu tử trong bài thơ em hãy nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử trong xã hội hiện nay?
HDC ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN Môn thi: Ngữ Văn Thời gian làm bài 150 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Phần I: Đọc hiểu (4 điểm)
a, (0,75 điểm)
Trong bài thơ Ánh trăng, các hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng được nhắc lại ở một khổ thơ:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
– HS chép đúng cho 0,25 điểm
– Phân biệt nét khác nhau của các hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng ở hai câu thơ:
+ khổ 1: hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng là hình ảnh của thiên nhiên trong hiện thực, là những khoảng không gian ghi dấu kỉ niệm ân tình giữa con người và vầng trăng… (0,25 điểm)
+ Khổ 5: hình ảnh: đồng, sông, bể, rừng được hiểu theo nghĩa khái quát: là kỉ niệm, là quá khứ đầy tình nghĩa giữa người và trăng (0,25 điểm)
b, (0,75 điểm)
Bài thơ Ánh trăng gợi nhắc và củng cố thái độ sống tôn trọng, biết ơn quá khứ; tôn trọng, biết ơn những kỉ niệm ở người đọc (0,25 điểm)
-Tìm hai câu tục ngữ có nội dung thể hiện thái độ sống như trên:
+“Uống nước, nhớ nguồn” (0,25)
+ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (0,25)
c, (2,5 điểm)
Đoạn văn học sinh viết phải có được những nội dung sau:
– Giới thiệu hiện tượng: khi Đại tướng ra đi cả dân tộc tiếc thương. Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc đến nhà riêng của Đại tướng để viếng, để bày tỏ lòng thành kính…Lễ tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng diễn ra trang trọng thiêng liêng, chan chứa ân tình tại thủ đô Hà Nội, tại Vũng Chùa- Đảo Yến- Quảng Bình (quê hương của Đại tướng). (1,0 điểm)
– Bàn luận về hiện tượng: Đây là hiện tượng thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Thể hiện lòng biết ơn với vị Đại tướng có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thể hiện lòng trân trọng nhân cách thanh cao, tấm lòng vì nước, thương dân của Đại tướng. (1,0 điểm)
– Bài học cho bản thân. (0,5 điểm)
Phần II: Tạo lập văn bản(6 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Yêu cầu về kiến thức:
Có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
* Phân tích bài thơ:
– Tình yêu thương của người mẹ Tà Ôi trong bài thơ gắn với công việc, hoàn cảnh cụ thể:
+ “Mẹ giã gạo”, “mẹ tỉa bắp trên núi Ka Lưi” góp phần nuôi bộ đội kháng chiến
+ “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”, “Mẹ địu em đi để giành trận cuối” là mẹ đang tham gia chiến đấu với tinh thần quyết tâm, lòng tin vào thắng lợi.
– Yêu con, mẹ luôn mong ước cho con những điều tốt đẹp, để cuộc đời con sung sướng hơn đời mẹ:
+ Mơ ước cho con khoẻ mạnh, khôn lớn để “giã gạo nuôi bộ đội”, “phát mười Ka lưi” góp phần vào kháng chiến của dân tộc.
+ Mơ ước cho con được làm người tự do.
– Tình yêu thương ấy, ước mơ tha thiết ấy có sự phát triển: yêu con → yêu bộ đội→ yêu dân làng → yêu đất nước. Đó cũng là tình cảm chung của tất cả nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến trường kì, gian khổ. Đó cũng là mơ ước, niềm tin của dân tộc Việt Nam, là ý chí chiến đấu và chiến thắng của cả dân tộc.
– Âm điêu lời ru ngọt ngào, tha thiết. Bố cục bài thơ được chia làm ba khúc, với cách lăp đi lặp lại ở đầu các khúc ru tạo nên âm điệu dìu dặt, vấn vương và hình ảnh cảm xúc có sự phát triển. Hình ảnh thơ đặc sắc…
* nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử trong xã hội hiện nay:
– Giải thích về tình mẫu tử: là tình yêu thương, sự hi sinh, sự chở che và bao dung của người mẹ đối với con của mình.
– bàn luận về tình mẫu tử:
+ là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất của con người.
+ mẹ luôn là nơi ta hướng đến, tìm về trong cả khi vui, khi buồn, khi thất vọng. Mẹ luôn bao dung ta, che chở cho ta…
+ Hạnh phúc nhất với mỗi người con là được sống trong vòng tay mẹ.
+ Tuy nhiên trong xã hội hiện nay có một số bà mẹ vì nông nổi, vì vô cảm đã bỏ rơi những đứa con mình rứt ruột sinh ra. Có những bà mẹ đã bạo hành con mình một cách tàn nhẫn…
– Bài học: hiểu sâu sắc về tình mẫu tử từ đó có những ứng xử đúng với đạo lí dân tộc, đạo lí làm người.
- Thang điểm
– 12 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
– 10 điểm: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.
-8 điểm: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, có thể có một số chỗ chưa hoàn thiện.
– 6 điểm: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
– 4 điểm: sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong cách triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi.
– 2 điểm: Bài viết quá sơ sài, có nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết cách triển khai vấn đề.
– 0 điểm: lạc đề.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm : Tuyển tập đề thi ngữ văn 10
Đề Tuyển sinh vào 10