ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ÔN THI THPTQG
NĂM HỌC 2017 – 2018
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(…)U23 Việt Nam hôm nay đã ở rất gần đỉnh vinh quang, và những giá trị bóng đá Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung đạt được gấp nhiều lần ấy.
(…) Trên tất cả, nhờ U23 Việt Nam, chúng ta được sống trong những ngày vui, được khóc cười và run lên bởi niềm hạnh phúc mang tên Tổ quốc. Nhờ U23 Việt Nam, chúng ta “sáng mắt” hơn giá trị của sự đoàn kết, tạo thành sức mạnh to lớn thế nào. Và nhờ U23 Việt Nam, chúng ta cũng thấy rõ mình yêu Tổ quốc đến nhường nào, điều ngày thường chúng ta ít để ý và chẳng mấy có dịp để cảm nhận rõ…
Thế nên, dù hôm nay Uzbekistan là người chiến thắng thì Việt Nam ta ơi, vẫn cứ thật hãnh diện, tự hào. Họ là những người hùng đã viết nên trang sử mới cho bóng đá Việt Nam, cho chiến công lẫy lừng.
(…)U23 Việt Nam bay cao ở sân chơi châu lục là giá trị mạnh mẽ nhất gửi đến những nhà chiến lược, có trách nhiệm với sứ mệnh, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Rõ ràng tinh thần quật cường chúng ta không thiếu, thể lực chưa đủ mạnh thì đã mạnh lên nhiều. Nhưng nếu ở đất nước mà thiếu đi sự đồng lòng chung tay bồi đắp nuôi dưỡng thế hệ, thì ở đó chiến công nếu có được cũng chỉ là nhất thời, là ăn may và là…. cái tát vào sự thật.
Cảm ơn U23 Việt Nam, cảm ơn “người ngoại quốc” HLV Park Hang Seo, cho chúng tôi thấy mình yêu Tổ quốc đến nhường nào! Nhưng chúng ta cũng đừng quên tự vấn bản thân, mình đã làm gì cho tình yêu ấy, sau những hò reo, hô hào cuồng say cùng trái bóng?
Đừng quên lời hứa, dù thắng hay thua thì chúng ta vẫn luôn sát cánh cùng sắc đỏ! Một khi tất cả đều đồng lòng đúng như câu kết này, Việt Nam chúng ta không chỉ rực rỡ về bóng đá!
(Trích U23 Việt Nam: Cảm ơn đã cho chúng tôi biết mình yêu Tổ quốc nhường nào!
Lâm Hoàng – VietNamnet.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao U23 Việt Nam bay cao ở sân chơi châu lục là giá trị mạnh mẽ nhất gửi đến những nhà chiến lược, có trách nhiệm với sứ mệnh, thay đổi cách nghĩ, cách làm?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về kiến: Nhưng chúng ta cũng đừng quên tự vấn bản thân, mình đã làm gì cho tình yêu ấy, sau những hò reo, hô hào cuồng say cùng trái bóng?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Một khi tất cả đều đồng lòng, Việt Nam chúng ta không chỉ rực rỡ về bóng đá! Vì sao?
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Ngữ Văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét quan niệm của hai nhà văn về sức sống của con người.
……………………………………..
HDC THI KHẢO SÁT THPT QG – LẦN 2
NĂM HỌC 2017 – 2018
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt của đoạn trích: Nghị luận, biểu cảm | 0,5 | |
2 | Theo tác giả, chiến thắng của U23 là giá trị mạnh mẽ nhất gửi đến những nhà chiến lược, có trách nhiệm với sứ mệnh, thay đổi cách nghĩ, cách làm vì: chúng ta có tinh thần quật cường, thể lực đã được cải thiện nhưng nếu thiếu sự đồng lòng chung tay bồi đắp nuôi dưỡng thế hệ trẻ thì những chiến công đó không bền vững. | 0,75 | |
3 | Có thể hiểu ý kiến: Nhưng chúng ta cũng đừng quên tự vấn bản thân, mình đã làm gì cho tình yêu ấy, sau những hò reo, hô hào cuồng say cùng trái bóng: – Tự vấn bản thân: tự hỏi chính mình, đã làm gì: những việc làm cụ thể – Ý cả câu: Mỗi cá nhân cần có ý thức và tinh thần trách nhiệm với tình yêu tổ quốc bằng những việc làm cụ thể và hữu ích. | 0,75 | |
4 | – Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng và có lí giải hợp lí Có thể đưa ra ý kiến đồng tình và lí giải: + Có sự đồng lòng, mọi người thành một khối thống nhất, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần, đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống. + Có sự đồng lòng sẽ tạo ra sức mạnh to lớn. Sức mạnh ấy là sự tổng hợp tài năng, tinh hoa, trí tuệ của mỗi cá nhân để giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng. + Có sự đồng lòng mọi người đều phải đoàn kết khi tất cả cùng nhìn về một hướng, biết đặt lợi ích chung lên cao nhất. Do đó, đoàn kết chính là chiếc chìa khóa vàng để dẫn đến mọi thành công. | 1,0 | |
II | LÀM VĂN | 7,0 | |
| 1 | Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. | 2,0 |
| a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành | 0,25 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh lựa chọn các thap tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các nội dung sau: – Lòng yêu nước là sự biểu hiện mối quan hệ tình cảm tích cực của mỗi công dân với đất nước. Đây là tình cảm thiêng liêng, cao quý mang tính truyền thống của người Việt Nam. – Lòng yêu nước biểu hiện phong phú trên nhiều phương diện: khi đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước thể hiện ở lòng căm thù giặc, ý chí kiên cường chống ngoại xâm, ý thức về chủ quyền dân tộc…; khi đất nước hòa bình, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa, những giá trị tinh thần của dân tộc, thể hiện ý thức tự tôn dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực… – Trách nhiệm của thế hệ trẻ là ra sức học tập và không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm để sẵn sàng làm con người có ích cho xã hội và sẵn sàng xả thân vì tổ quốc trong những hoàn cảnh thử thách của lịch sử. Bên cạnh đó chúng ta cần phải phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình, vì cái lợi của cá nhân mà bất chấp tất cả, không nghĩ tới người khác, không nghĩ tới cộng đồng. | 0,25 0,25 0,5 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt | 0,25 | ||
e. Sáng tạo Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận | 0,25 | ||
2 | Cảm nhận của anh/chị về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Ngữ Văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét quan niệm của hai nhà văn về sức sống của con người. | 5,0 | |
| a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề. | 0,25 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Liên hệ với nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam để bàn về sức sống của con người. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. * Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. * Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các nội dung sau: – Khái quát lại cuộc đời Mị từ trước và sau khi về làm dâu trừ nợ nhà thống lí PáTra + Trước khi làm dâu gạt nợ, Mị là một cô gái hầu như tập trung được những vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ miền núi: Mị vừa đẹp người, vừa đẹp nết, cần cù, đảm đang, hiếu thảo, giàu đức hi sinh vị tha, ham sống, yêu đời và rất mực tài hoa. + Khi về làm con dâu cho nhà thống li, dưới mấy tầng áp bức của cường quyền, thần quyền, những hủ tục phong kiến nơi miền núi, Mị gần như tê liệt hết về sức sống, Mị trở thành con người cam phận sống cuộc sống “thân phận con rùa”, “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. – Sức sống tiềm tàng của Mị + Khi mùa xuân đến . Mùa xuân về trên rẻo cao, đặc biệt là đêm tình mùa xuân với tiếng sáo, tiếng khèn của trai làng gọi bạn tình có ý nghĩa như một hoàn cảnh điển hình làm cho sức sống tiềm tàng trong con người Mị trỗi dậy một cách mãnh liệt. . Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Với những tác động của ngoại cảnh và men rượu, Mị đã thoát khỏi tâm trạng dửng dưng bấy lâu để trở thành con người thức tỉnh, vươn tới những ý nghĩ và khát vọng đẹp đẽ. Chú ý phân tích diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân: “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng” -> lòng Mị đang phơi phới sống về những ngày trước. Mị thấy “trong lòng đột nhiên vui sướng… Mị trẻ lắm… Mị muốn đi chơi” -> Ý thức về bản thân trỗi dậy, Mị phẫn uất mãnh liệt và thấm thía nỗi tủi nhục của mình, Mị muốn chết -> trong khi đó, tiếng sáo, biểu tượng của khát vọng tự do và tình yêu tuổi trẻ “đang rập rờn” trong đầu Mị -> Mị khêu to ngọn đèn cho sáng như thể khêu ngọn lửa của lòng ham sống, của sự khát khao -> Hành động: “Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa” chuẩn bị đi chơi ngày Tết. Nhưng giữa lúc lòng ham sống trong Mị trỗi dậy thì cũng là lúc Mị bị vùi dập một cách khắc nghiệt, lạnh lùng. A Sử, chồng Mị thản nhiên “trói đứng Mị vào cột nhà” -> “Như không đang biết mình đang sợ bị trói… Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”, quên mọi đau đớn về thể xác, “Mị đã vùng dậy bước đi”. + Khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói . Bên cạnh bếp lửa, nhìn thấy A Phủ bị trói đứng một cách thảm khốc, mấy đêm đầu Mị vẫn thản nhiên vì chuyện đánh người, trói nguời ở nhà Pá Tra xảy ra như cơm bữa. Vả chăng, Mị cũng chỉ là một nạn nhân bất lực. Nhưng trông thấy hai hàng nước mắt “lấp lánh” bò xuống hai hõm má đã “xám đen lại của A Phủ”, Mị càng thương mình, càng thương người. Tình thương, niềm đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ ấy đã lấn át nỗi sợ và cái chết, nó đã dẫn đến hành động táo bạo: cắt dây trói giải thoát cho A Phủ, cùng nhau trốn khỏi Hồng Ngài. . Đây là hành động tuy tự phát nhưng là kết quả của một quá trình, nó minh chứng sức sống tiềm tàng, âm ỉ không ngừng trong con người Mị. Nó là một bước ngoặt trong tính cách và cuộc đời Mị. * Liên hệ với nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam để nhận xét quan niệm của hai nhà văn về sức sống của con người. – Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một cô bé nhà nghèo, sớm phải lo toan vất vả. Cuộc sống của Liên và những người dân nơi phố huyện chìm đắm trong không gian tù túng, ngột ngạt, đơn điệu và đầy bóng tối. Vì tuổi thơ từng sống ở Hà Nội nên Liên ý thức rất rõ cuộc sống hiện tại. Nhưng bằng tất cả sức sống của một tâm hồn trẻ thơ tươi sáng, Liên đã không chịu “khuất phục” cái bóng tối dày đặc, ánh mắt em luôn thiết tha kiếm tìm những nguồn sáng. Ánh sáng rực rỡ của con tàu mang hình ảnh chứa đựng khát vọng về tương lai, đánh thức sức sống mãnh liệt của tâm hồn Liên. – Cả Thạch Lam và Tô Hoài không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người lao động trong xã hội cũ mà còn trân trọng và ngợi ca sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của con người dù phải sống trong hoàn cảnh nào. Đây chính là chiều sâu nhân đạo của tác phẩm. Nhưng Thạch Lam với cảm quan lãng mạn chưa cho phép nhà văn đi xa hơn trong việc tìm thấy con đường giải thoát thực sự cho người lao động. Còn Tô Hoài vốn am hiểu phong phú sâu sắc về đời sống của những người nông dân vùng cao và viết chân thực về cuộc đời của họ. Không khí của cuộc cách mạng trên mảnh đất Tây Bắc đã khiến nhà văn phản ánh được sức sống mãnh liệt của họ và quá trình tự đấu tranh đến với cách mạng để thay đổi cuộc sống của mình. | 0,5 0,25 1,0 0,75 1,0 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt | 0,25 | ||
e. Sáng tạo Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận | 0,5 | ||
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10 ĐIỂM |
…………………………………..