Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ. Qua đó nhận xét về tấm lòng của người mẹ nông dân nghèo.
Hướng dẫn
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm…
– Giá trị nhân bản của tác phẩm sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu thiên truyện thiếu vắng nhân vật bà cụ Tứ. Tiếp xúc với nhân vật này, thấu hiểu diễn biến tâm lí của bà cụ, người đọc sẽ dễ dàng trân trọng trước tấm lòng cao quý của người mẹ nông dân nghèo.
Thân bài:
Khái quát về nhân vật bà cụ Tứ:
Nhân vật này làm sáng lên tư tưởng của Kim Lân trong thiên truyện.
Phân tích diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ
Khi Tràng reo lên như một đứa trẻ vồn vã khác thường lúc bà lọng khọng từ ngoài ngõ đi vào, bà phấp phỏng có cái gì đó bất thường đang chờ đợi bà.
Đến giữa sân bà lão sững lại, bà ngạc nhiên hơn khi thấy trong nhà có một người đàn bà. Kim Lân đã rất tinh tế khi diễn tả tâm trạng của bà cụ bằng ngôn ngữ độc thoại: “Quái! Sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ? Người đàn bà nào kia sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Sự ngạc nhiên của bà còn bộc lộ qua bước chân lập cập. Bà còn ngạc nhiên hơn khi người đàn bà này chào mình bằng u.
Khi nghe Tràng phân trần, cắt nghĩa, bà đã hiểu, “bà lão cúi đầu nín lặng” – một sự im lặng chất chứa bao ý nghĩ. “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu là cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà cụ nghĩ “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…” Bà cụ khóc “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” đó là dong nước mắt của tình thương.Vốn đã trải đời, vốn đã hiểu hết những cơ cực, những cay đắng, những khó khăn trong thân phận người dân dưới ách đô hộ của Pháp, Nhật, bà đủ để hình dung những gì chờ con bà trước mặt. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không”. Ý nghĩ ấy gợi cho người đọc nỗi xót xa.
=> Ngòi bút miêu tả của Kim Lân thật tinh tế khi khám phá chiều sâu tâm lí của nhân vật.
Nếu như khi nhận rõ gia cảnh nhà Tràng người đàn bà xa lạ còn đủ sức nén một tiếng thở dài thì bà cụ khi thấu hiểu cơ sự của con đã không sao giấu nổi nỗi ngao ngán của mình “Bà lão khẽ thở dài, ngẩng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà”. Từ chỗ thương xót đứa con trai, bà đã chuyển sang thương người đàn bà này. Người mẹ nghèo nhân hậu giàu lòng vị tha cũng rất mực nhạy cảm ấy đã thấu hiểu ngay cảnh ngộ của người đàn bà xa lạ bỗng nhiên trở thành vợ của con trai mình. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật một lần nữa lại được phát huy, diễn tả chân thật những suy nghĩ âm thầm của người mẹ: “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”.
Câu chuyện đến đây đã lên tới đỉnh điểm. Tất cả các nhân vật đều sống trong tâm trạng căng thẳng. Người đọc thì chờ đợi tiếng nói phán quyết của người mẹ.
Sau khi khẽ đằng hắng một tiếng, bà lão ôn tồn nói với các con: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…” Nghe lời ấy, “Tràng thở đánh phào, ngực nhẹ hẳn đi”. Lời nói ấy cũng trả lại danh dự là nàng dâu cho người đàn bà “vợ nhặt”.
– Người ta thường bảo người già hay cả nghĩ, bà cụ Tứ cũng vậy, bà vẫn không hết lo lắng. Bà từ tốn dặn nàng dâu: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông trời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.
=> Như vậy tâm trạng bà cụ Tứ là lẫn lộn buồn vui lo lắng – nhưng niềm vui của người mẹ nghèo khổ trong cảnh ngộ này thật tội nghiệp. Nó trở nên héo hắt vì không sao thoát ra khỏi nỗi ám ảnh xót thương.
Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ tới ông lão, nghĩ tới đứa con gái út, nghĩ tới cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Nhưng nổi bật trong tâm trạng của cụ là tấm lòng xót thương, buồn tủi: “Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót”. Cũng như biết bao bà mẹ nhân từ khác, bà rất mong dâu con mình hoà thuận: “Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy”. Bà cụ Tứ nghẹn lời không nói được nữa, “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Bà lão tủi: “Người ta dựng vợ gả chồng lúc…còn mình thì..”. Bà cũng tủi bởi trong hoàn cảnh này người ta mới lấy đến con mình mà con mình mới có được và cũng bởi nghèo quá chẳng có tiền làm mấy mâm mời bà con.
=> Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, Kim Lân đã miêu tả thành công các nhân vật với những tâm trạng khác nhau, mỗi người một vẻ. Người đàn bà thì tủi hổ, Tràng thì phởn phơ, bà cụ Tứ thì vừa ai oán, vừa xót thương vừa lo lắng cho cảnh ngộ của các con mình.
Đúng với ý đồ của Kim Lân, không muốn dìm người đọc trong cái buồn cái khổ cái đói nên nhân vật của ông “không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống dù trong tình huống bi thảm đến đâu dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng tới ánh sáng, tin vào tương lai”. Tâm trạng của bà cụ Tứ diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp. Sự xuất hiện của nàng dâu mới đã đem đến cho gia đình này không khí đầm ấm chưa bao giờ có. Trong không khí ấy, bà cụ Tứ trông nhẹ nhõm tươi tỉnh khác hẳn ngày thường: “Cái mặt bủng beo, u ám ngày thường của bà rạng rỡ hẳn lên”. Cùng với nàng dâu, bà xăm xắn quét tước nhà cửa dọn dẹp sân vườn sạch sẽ.
Ý thức về bổn phận và trách nhiệm nảy sinh ở tất cả các thành viên trong gia đình: “Hình như ai nấy cũng có ý thức rằng: thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Người mẹ từng trải và nhân hậu ấy đã tìm mọi cách để nhem nhóm niềm vui, niềm hi vọng cho dâu con. “Bà cụ nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau” dù bữa cơm đón nàng dâu chỉ lùm lùm rau chuối thái rối, đĩa muối trắng, niêu cháo lõng bõng mỗi người mới đc lưng lưng 2 bát đã hết nhẵn…
Tấm lòng của bà mẹ nghèo:
– Thương con trai, thương con dâu, nghĩ tới bổn phận làm mẹ , bà vừa buồn vừa tủi cực lại vừa lo lắng. Nhưng nổi lên ở bà là tình thương, là đức tính nhân hậu, vị tha. Bà là hình ảnh tiểu biểu cho phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
– Đối với Tràng và người vợ nhặt, bà như một chỗ dựa tinh thần vững chắc khơi gợi niềm tin, đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Trong tình cảnh quay quắt của cái đói, cái nghèo thì niềm tin, hi vọng của cụ chính là sức sống kì diệu của người lao động. Họ biết dựa vào nhau, biết đùm bọc, chở che cùng nhau vượt qua bước khó khăn.
– Hình ảnh người mẹ nghèo chính là một thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân. Người mẹ ấy đã đển lại niềm cảm thông niềm xúc động trong lòng người đọc.
Người thực hiện: LÊ MINH HẠNH

Bài viết gợi ý: