YÊU CẦU
Trên cơ sở hiểu và biết cách bình giảng một bài thơ trữ tình, cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn giàu nữ tính, luôn khao khát chân thành, luôn nồng hậu tươi trẻ và dám bày tỏ khát vọng của mình trong tình yêu.
Đồng thời, qua âm hưởng, giọng điệu, hình ảnh và kết cấu thấy được đôi nét sức hấp dẫn của bài thơ này: dễ dàng, hồn nhiên tưởng chừng như không có dụng công gì, nhưng vẫn biểu đạt được những ý sâu sắc.
Suy cho cùng, vẻ đẹp nội dung và hình thức của bài thơ luôn gắn liền với những tìm tòi phát hiện của Xuân Quỳnh về hình tượng Sóng. Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người phụ nữ đang yêu, nói cách khác Sóng là tình yêu. Trong thứ tình cảm này của nhân loại, nhà thơ phát hiện có sự sôi nổi mãnh liệt, có những bí ẩn, những nỗi khát vọng cháy bỏng, có sự bao la vô tận, lẫn niềm tin mãnh liệt... biểu hiện theo những cung bậc và trạng thái khác nhau.
BÀI LÀM
Mùa hè năm 1988, do một tai nạn giao thông, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã đột ngột từ giã chúng ta về cõi vô cùng. Chị ra đi ở tuổi chưa đầy 50, khi tài năng đang nở rộ, khi sức sáng tạo đang dồi dào, để lại trong lòng độc giả bao niềm thương xót khôn nguôi. Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Trong sự nghiệp sáng tác của chị, thơ tình là mảng đặc sắc nhất, có giá trị nhất. Ở mảng này, bài thơ Sóng là một trong những tác phẩm thành công nổi bật.
Đọc bài thơ này, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn phụ nữ luôn trung thành, nồng hậu và dám bày tỏ khát vọng của mình trong tình yêu. Ở đây, nhà thơ mượn hình tượng “sóng” để diễn tả tình cảm về mặt kết cấu, ta thấy hình tượng “sóng” bao trùm cả bài thơ. Và gắn liền với hình tượng “sóng” là hình tượng “em”. “Sóng” và “Em” tựa hồ hai “nhân vật hỗ trợ nhau, cùng khắc họa những trạng thái xúc động, những khao khát mãnh liệt của tác giả. Ở bài này, Xuân Quỳnh còn tạo được một âm hưởng nhịp nhàng, dào dạt nhờ vận dụng tài tình lối thơ 5 chữ, với những dòng thơ không ngắt nhịp, cùng với sự trở đi trở lại của hình tượng “sóng”. Có phần bởi lẽ bài thơ vừa mô phỏng được nhịp điệu dạt dào của sóng biển, vừa diễn tả được những trạng thái tinh tế của tình yêu.
Trước hết, tình yêu là một trạng thái tâm lí khác thường, giống như con sóng ngoài biển “vừa dữ dội” lại “vừa dịu êm”, “vừa ồn ào” lại “vừa lặng lẽ”. Tình yêu mãnh liệt không chịu nổi không gian chật hẹp, cũng như con sóng, nó phải “tìm ra tận bế”. Tình yêu muôn thuở của nhân loại vẫn thế, cũng như sóng nước từ ngàn xưa đến nay vẫn chẳng hề thay đổi.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Tình yêu vốn hàm chứa biết bao điều bí ẩn. Đến với tình yêu, trái tim tuổi trẻ nhiều khi không tuân theo một qui tắc rạch ròi. Do đó, không thể giải thích được tình yêu bằng lí lẽ thông thường. Tuy vậy, tâm lí chung của nhiều người, khi yêu vẫn muốn tìm hiểu và giải thích: Vì sao ta yêu nhau? Yêu nhau từ bao giờ? Từ ngày nào, giờ nào? Nhưng cũng như sóng biển và gió trời vậy thôi, làm sao có thể cắt nghĩa được:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau,
Qua việc tư vấn lòng mình, tự tìm lời giải đáp cho câu hỏi về ngọn nguồn tình yêu, bằng sự thành thật, hồn nhiên của mình, Xuân Quỳnh đã biểu hiện được qui luật sâu xa, muôn thuở của tình yêu nam nữ. Điều này, trước đây, nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định như một chân lí vĩnh hằng
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Yêu đương bao giờ cũng đi kèm với nhớ thương. Yêu là chuyện tương tự (nhớ nhau). Nhớ da diết, nhớ không gì nguôi được. Ở đây, nỗi nhớ của người phụ nữ đang yêu được diễn tả một cách chân thành, sâu đậm gây ấn tượng khó quên. Đoạn thơ sau đây:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
thể hiện tâm tình xao xuyến, trăn trở, nồng nhiệt, say mê. Con sóng tình yêu nổi lên dào dạt, triền miên, mãnh liệt trong mọi thời gian và bao trùm cả không gian rộng lớn, hiện diện ở cả tầng sâu, lẫn bề rộng. Vì nhớ thương da diết nên em - tác giả, luôn tỉnh, thức, thức cả trong mơ tựa hồ như con sóng biển triền miên, dào dạt không bao giờ chịu yên một chỗ.
Trước Xuân Quỳnh đã có không ít tác giả nữ viết về tình yêu lứa đôi, nhưng dường như chưa có ai dám bày tỏ tình yêu của mình một cách trực tiếp, mạnh bạo. Ở giới mày râu, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng hình ảnh “sóng tình” để đặc tả thái độ nồng nàn, đắm đuối đến mức có thể vượt qua giới hạn cần thiết của Kim Trọng đối với Thúy Kiều:
Sóng tình dường đã tiêu tiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Mấy trăm năm sau, trong bài thơ Biển nổi tiếng, Xuân Diệu cũng diễn tả tình yêu của người con trai đối với người con gái mãnh liệt, thiết tha bằng hình tượng con sóng vồ vập, đắm say:
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hộn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Dẫu tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.
Thật khó có cách diễn đạt nào hay hơn, khó có tình yêu nào nồng nhiệt, đắm say hơn. Nhưng dẫu sao, đây cũng là tình yêu từ phía nam giới - từ những người từ ngàn xưa mặc nhiên được xã hội cho phép luôn đóng vai trò chủ động trong quan hệ nam nữ. Nói điều này để khẳng định giá trị mới mẻ của bài thơ Sóng. Dám nói thật lòng mình, dám vượt lên trên những định kiến khe khắt tồn tại hàng ngàn năm, chứng tỏ không những nữ thị sĩ có niềm tin vững chắc vào cuộc đời, mà còn có niềm tự tin sâu sắc ở chính mình.
Tình yêu của Xuân Quỳnh thể hiện qua bài Sóng là tình yêu hiến dâng trọn vẹn, mãnh liệt và thủy chung tuyệt đối. Tình yêu này đã được thể hiện trong kho tàng văn học dân gian và không ít trong các tác phẩm văn học viết của dân tộc. Như vậy, quan niệm về tình yêu của tác giả bài Sóng có gốc rễ từ những quan niệm truyền thống của dân tộc. Những điều đó tạo lên sự hấp dẫn của tác phẩm này.
Trong suốt cả bài thơ, nhưng rõ nhất là ở đoạn thơ của Xuân Quỳnh vừa trích dẫn trên đây; nhịp thơ và nhịp sóng, đến đoạn thơ này dường như mãnh liệt hơn, nồng nhiệt hơn. Qua nỗi nhớ, tình yêu dường như đạt tới cao trào. Lối điện tử, điệp cầu khiến cho lời thơ có âm hưởng náo nức biểu hiện tình cảm hăm hở say đắm:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam.
Bài thơ Sóng được sáng tác khi Xuân Quỳnh còn khá trẻ, chưa phải kinh qua những cay đắng trong tình yêu, chưa chịu nhiều bất hạnh như về sau này. Vì thế, trong bài thơ này, tình yêu được biểu hiện một cách thật hồn nhiên chân thật, thẳng thắn và đặc biệt phơi phới một niềm tin. Nhà thơ tin chắc chắn ở hạnh phúc, ở tương lai. Bởi vậy, mặc dù là người rất nhạy cảm với sự chảy trội của thời gian, nhưng thời gian vẫn chưa làm cho nhà thơ lo âu, mà ngược lại khiến Xuân Quỳnh thêm tin tưởng. Niềm tin này chỉ có thể có được một tâm hồn trẻ trung, hồn nhiên:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Từ niềm tin vào tình yêu, coi tình yêu là lẽ sống cao đẹp là hạnh phúc lớn lao, nhà thơ mong muốn tình yêu trở thành vô biên, vĩnh viễn và khao khát được sống hết mình cho tình cảm ấy:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Sóng là một bài thơ tình yêu trong sáng, sôi nổi và chân thực, tình yêu ấy được phát biểu thẳng thắn từ phía người phụ nữ. Điều đó góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ Sóng, khiến cho người đọc thêm yêu cuộc đời và thêm tin tưởng ở con người.