– Cốt truyện kịch trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt được xây dựng dưa trên một tích truyện dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, phần sáng tạo của Lưu Quang Vũ là hết sức cơ bản. Nếu trong truyện dân gian, tình huống hồn người nọ nhập vào xác người kia có thể chỉ đem lại cảm giác khôi hài và tiếng cười nhẹ nhõm, thì trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, tình huống ấy lại thấm đượm tính bi kịch, đưa đến cho độc giả và khán giả những suy nghĩ thâm trầm về bản chất phức tạp của tồn tại, về sự day trở không thôi của con người xung quanh vấn đề sống thế nào để được là mình, luôn là mình. Hoàn toàn có thể xem Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một vở bi kịch, xét theo tính cách, số phận nhân vật trung tâm, xung đột kịch cơ bản và cách giải quyết xung đột ấy.
– Đoạn trích trong SGK là một phần thuộc cảnh VII cùng toàn bộ đoạn kết của tác phẩm. Qua nó, ta thấy xung đột trung tâm của vở kịch đã phát triển tới đỉnh điểm. Cuộc đấu tranh giữa khát vọng được sống đúng mình với hoàn cảnh trớ trêu, bó buộc, khiến con người trở nên khác lạ với bản thân hay nói cách khác là bị tha hoá, đã bộc lộ tất cả tính chất quyết liệt, gay gắt của nó. Từ khi nhập vào xác hàng thịt, Hồn Trương Ba đã phải gánh chịu nhiều đau khổ – một điều hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của mọi nhân vật có liên quan, từ Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích đến vợ Trương Ba (khi các nhân vật này bàn cách sửa chữa những sai lầm do thói vô trách nhiệm của hai kẻ giữ sổ sinh, sổ tử trên thiên đình gây nên). Nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba từng được thể hiện sống động qua các cảnh trước của vở kịch đến đây được tô đậm hơn và mang tính khái quát hơn. Qua những lời Hồn Trương Ba độc thoại hay đối thoại với những người thân, ta thấy nhân vật này đã sa chân vào một mạng lưới quan hệ bùng nhùng dường như không thể gỡ thoát. Hồn Trương Ba đã không được những người trong gia đình thông cảm hết: vợ thì mệt mỏi trách móc, đòi bỏ đi; cháu nội thì tỏ thái độ thù ghét ra mặt; cô con dâu thì lướng vướng với một loạt câu hỏi khó trả lời (Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?). Rõ ràng, nhân vật đã rơi vào cái khổ của việc không được chia sẻ và thấu hiểu – cái khổ của kẻ sống cô đơn giữa nhân quần. Đáng nói hơn, Hồn Trương Ba tự thấy mình là nguyên nhân gây nên những rắc rối, xáo trộn và bất an trong gia đình, trong khi chỉ muốn đưa đến cho mọi người những điều tốt đẹp (Thầy đã làm u khổ. Có lẽ cái ngày u chôn xác thầy xuống đất, tưởng thầy đã chết hẳn, u cũng không khổ bàng bây giờ). Nỗi khổ này lớn hơn nỗi khổ trên kia do nhân vật "trót" mang trong mình bản tính vị tha và biết tự ý thức. Đặc biệt nhất, Hồn Trương Ba thấy mình bị tha hoá, nhiều khi phải thoả hiệp với những đòi hỏi của vật dục, phàm ăn, tục uống, không còn giữ được bản tính cao khiết ngày trước và con người luôn tồn tại trong tình thế mâu thuẫn "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo". Đây là nỗi khổ không làm chủ được bản thân. Nhìn chung, nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba là nỗi đau khổ thuộc phương diện tinh thần. Nó mang tính phổ quát, không chỉ của riêng một con người cá biệt (là Hồn Trương Ba) mà còn là của chung con người, một khi con người phải phân thân và sống trong hoàn cảnh không phù hợp với lí tưởng và mong ước.
– Để thể hiện một cách ấn tượng nhất nỗi đau khổ khôn cùng của Hồn Trương Ba, tác giả đã bố trí một màn đối thoại thực sự giàu tính trí tuệ, triết lí giữa hồn và xác. Nội dung những lời đối thoại nói lên cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người, thể hiện khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Lí lẽ của đôi bên đối thoại (Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt) đều có những điểm đúng đắn khó bề bác bỏ, khiến việc thắng bại không thể được giải quyết một cách chóng vánh, đơn giản, một chiều. Xây dựng cuộc đối thoại này, tác giả đã cho thấy một cái nhìn rất biện chứng về vấn đề đã đặt ra: một mặt hết sức ủng hộ khát vọng sống thanh cao của con người, mặt khác vạch rõ khía cạnh "siêu hình" của thái độ coi thường vật chất, phương tiện vật chất hay những lạc thú trần tục (xác hàng thịt đã không sai khi buồn rầu trách móc: "Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ! […] Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác"…). Bên cạnh đó, tác giả cũng bộc lộ một cảm quan hiện thực sâu sắc khi nhận thấy có nhiều trở lực đang làm nản lòng những kẻ cố vượt lên hoàn cảnh. Màn đối thoại vừa toát lên giọng điệu nghiêm trang vừa thấm đượm ý vị mỉa mai, hài hước. Những câu thể hiện sự núng thế hay đuối lí của Hồn Trương Ba luôn ẩn chứa một nụ cười (và chính những nụ cười như thế này đã làm cho Hồn Trương Ba, da hàng thịt mang thêm tính chất của một vở bi hài kịch). Phải có một bản lĩnh nghệ thuật rất cao mới viết nổi những lời thoại "đa thanh" như vậy.
– Tuy nhiên, sau những dằn vặt, đau khổ, cuối cùng Hồn Trương Ba cũng đã tìm ra lối thoát cho nghịch cảnh của mình. Tác giả đã miêu tả sự phát triển của hành động kịch rất hợp lí. Chính sức ép của những căng thẳng nội tâm và những tác động liên tục của các "sự kiện" bên ngoài (sự buồn khổ, bực bội, day dứt của vợ Trương Ba, cái Gái, chị con dâu; sự hư hỏng, biến chất của anh con trai; cái chết của cu Tị) đã khiến Hồn Trương Ba quyết gặp Đế Thích để nói lời "tối hậu". Hồn Trương Ba khăng khăng "đòi chết", không chịu nhập vào thân xác của ai nữa, trên cơ sở hiểu rõ: vấn đề không phải là sống bằng mọi giá, mà là "sống như thế nào", trong đó có thái độ tự trọng, tự khẳng định mình và biết hi sinh vì người khác. Phải nói rằng, bên cạnh màn đối thoại đã nhắc trên giữa hồn và xác, màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích cũng rất đặc sắc. Tất thảy những lí lẽ và phướng án giải quyết các rắc rối mà Đế Thích nêu lên đều bị bác bỏ một cách kiên quyết. Thế áp đảo của Hồn Trương Ba được tác giả chú ý tô đậm. Nhân vật này rõ ràng đã tự chiến thắng được mình, và do đó, có thể chủ động phê phán hay khuyên bảo chính Đế Thích! Quả là một chuyện khác thường, phi thường khi ta chứng kiến cảnh một ông tiên phải chịu đuối lí, phải thốt lên một câu mang tính chất vỡ lẽ, "giác ngộ" như "Con người dưới hạ giới các ông thật kì lạ".
– Quyết định "ra đi" của Hồn Trương Ba cho thấy nhân vật có tâm hồn cao thượng, biết đấu tranh với mình vì niềm tin vào giá trị đích thực của cuộc sống và vì tư tưởng vị tha. Cái chết của một nhân vật bi kịch như Hồn Trương Ba, vì thế, đúng là một kết thúc lạc quan! Thật khó mà ngăn nổi xúc động khi ta thấy ở đoạn kết của tác phẩm, tác giả để Trương Ba chập chờn xuất hiện giữa màu xanh cây vườn với lời nói thiết tha: "Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…".