– Đời sống xã hội vốn phức tạp mà ở đó, cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác luôn đan xen, đấu tranh với nhau. Nếu xét toàn cục, có thể thấy xu thế thắng bao giờ cũng thuộc về phía cái đẹp, cái thiện. Chính điều này thúc đẩy xã hội phát triển để ánh sáng văn minh toả chiếu mọi nơi. Muốn cho cái đẹp, cái thiện thắng thế, từng con người trong xã hội phải có những hành động cụ thể để làm lan toả những điều tốt lành, sống tử tế – chương trình vận động của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) – chính là một trong nhũng hành động cụ thể mà chúng ta muốn thấy, muốn có đó.
– Chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái của nhiều giá trị đạo đức, do một loạt nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá phức tạp đưa đến. Không ít khẩu hiệu to tát giờ đây đã bị thờ ơ, khó có khả năng vực dậy “dân khí” hay nền “luân lí xã hội” (chữ của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh). Phải chăng, đây là lúc chúng ta nên điều chỉnh các chương trình vận động, làm sao để chúng đánh thức lưong tâm của mỗi con người, khơi dậy những “mầm thiện” còn tồn tại rụt rè hay bị che phủ, khuất lấp đâu đó. Rất có thể, Sống tử tế là một chương trình hành động sát hợp với thực tiễn, có thể thu hút được mọi người cùng tham gia, không cần nhiều lắm những phân tích lí luận cao siêu. Chẳng phải hai chữ “tử tế” rất đỗi bình dị luôn xuất hiện hằng ngày trên cửa miệng của chúng ta hay sao?
– Thế nào là sống tử tế. Chắc chắn có nhiều lời giải đáp khác nhau về vấn đề này và tất cả chúng đều có cơ sở riêng không dễ bác bỏ. Ở đây, cần chấp nhận những giải thích khác nhau, và đó cũng chính là một biểu hiện cụ thể của cái gọi là sự tử tế. Tuy vậy, chúng ta cũng nên trở lại với cách lí giải nôm na về mấy chữ này: sống tử tế là sống tốt với xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình. Sống tử tế thể hiện qua những việc tử tế, không loại trừ việc tưởng như nhỏ nhặt nhất. “Tích tiểu thành đại”, những việc tử tế nhỏ góp lại thành việc tử tế lớn, làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp.
– Ai cũng có thể có cơ hội làm được những việc tử tế nếu thường xuyên nghĩ đến nó, đến môi trường sống chung của chúng ta. Từng người, tại địa bàn sống cụ thể và ở từng tư cách, cương vị, lĩnh vực hoạt động cụ thể, sẽ có những việc làm tử tế không giống nhau. Việc tử tế đem lại niềm vui cho những người sống quanh mình và cũng đem lại niềm vui cho chính mình nữa. Đừng nghĩ rằng việc tử tế chỉ có ích với cộng đồng. Thực ra, nó cũng có ích đối với mỗi cá nhân người làm việc tử tế, thể hiện quá trình tu dưỡng, tự hoàn thiện nhân cách không ngừng của họ. Nếu tất cả mọi người đều biết làm việc tử tế và sống tử tế thì xã hội trở nên lành mạnh biết bao. Làm lan toả lối sống tử tế là con đường dẫn ta tới một xã hội văn minh, biết đề cao sự bình đẳng và biết tôn trọng các giá trị nhân văn, nhân bản.
– Trong chiến lược xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái, Sống tử tế không thể là cuộc vận động duy nhất. Dù vậy, ta không thể không chú ý đến tính đại chúng và ý nghĩa khởi đầu của nó. Không phải ngẫu nhiên phong trào Sống tử tế được hưởng ứng rộng rãi. Chuyên mục Việc tử tế của chương trình Chuyển động 24h trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang hằng ngày giới thiệu, tôn vinh, quảng bá rất nhiều việc tử tế của mọi tầng lớp nhân dân. Có thể xem đó cũng là một việc làm tử tế của một cơ quan truyền thông lớn của nhà nước.
– Trong một môi trường sống đầy rẫy những việc không tử tế thì câu chuyện thực hành sự tử tế không phải không gặp những thách thức. Tuy nhiên, tất cả đều có thể được vượt qua nếu ta còn biết nghĩ đến mọi người. Tất cả chúng ta, không ít thì nhiều, đều từng được hưởng sự tử tế hay ân huệ của cuộc đời. Lẽ nào ý thức về sự đáp đền không mảy may xuất hiện trong ta?