Bài làm

Dường như sứ mệnh của thơ ca muôn đời là bộc bạch tình yêu ,tình đời hay những rung cảm của thi sĩ hướng tới cuộc sống và con người . Mỗi một bài thơ là mỗi một tiếng lòng, là dịp mà cái tôi của người nghệ sĩ được thổ lộ chân thực nhất trước cuộc đời này. Khi nói tới cuộc hội ngộ của những cái  tôi trong thi ca , người ta không thể không nhắc đến phong trào Thơ Mới , và những cái tên đã làm nên một linh hồn cho cả “một thời đại trong thi ca”. Dưới ngòi bút phê bình sắc sảo của mình, Hoài Thanh có viết rằng: ” Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu, càng đi sâu, càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta say trong trường tình cũng Lưu Trọng Lư, ta điên cùng Hàn Mặc Tử, ta say trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta đắm say cùng Xuân Diệu…” – một loạt những cái tôi ấy đã viết lên một dấu ấn thực đậm nét trong phong trào Thơ Mới . Và nếu Nguyễn Bính được xem là “quen nhất” với hồn thơ dân dã mộc mạc, một Xuân Diệu được coi là “mới nhất” với khát vọng tình yêu cháy bỏng thì Hàn Mặc Tử lại đến với cuộc đời bằng tiếng thơ “lạ nhất” cùng với “một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng”. Bởi lẽ diện mạo thơ của Hàn Mặc Tử  hết sức phức tạp đầy bí ẩn, với những vần thơ điên loạn, thế nhưng đó là tiếng lòng của một con người yêu cuộc sống và gửi tới đời một tình yêu đầy da diết và đau đớn. Và Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như vậy, không còn là những câu thơ đầy ma mị mà là những vần thơ trong trẻo diễn tả một tiếng thơ yêu tha thiết cuộc đời và trân trọng vẻ đẹp cuộc đời dù xa xôi mờ ảo là những gì ta cảm nhận được ở bài thơ này. Ngay tại khổ đầu tiên của bài thơ, người đọc đã có dịp được lắng nghe những tâm sự của một cái tôi hướng tới cuộc đời với sự chân thành nhất.

” Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau , nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Xoay quanh vấn đề hoàn cảnh ra đời của bài thơ này , có một số ý kiến đã cho rằng, Hàn Mặc Tử viết bài thơ này để tặng Hoàng Cúc, bài thơ có liên quan đến một kỉ niệm riêng tư, mối tình đầu đơn phương thầm kín của nhà thơ với một người con gái xứ Huế -Hoàng Cúc. Khi nghe tin thi sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, Hoàng Cúc có gửi Hàn Mặc Tử một bức tranh sông nước kèm theo đôi lời hỏi thăm chúc nhà thơ sớm bình phục. Từ sự xúc động đó, thi sĩ đã sáng tác riêng bài thơ này để tặng riêng cho người con gái ấy. Và cũng chính bởi lí do đó mà có nhiều ý kiến tranh luận về chủ đề của bài thơ này là viết về tình yêu hay tình quê? Thực chất Đây thôn Vĩ Dạ là sự đan cài của hai tình cảm lớn, một tình yêu đầy đau đớn và một tình yêu với cuộc đời và cái đích đến cuối cùng của nó vẫn là cuộc đời tươi đẹp.

Thôn Vĩ hay chính là khao khát hướng về cuộc đời dẫu lượng thời gian ở lại nơi đây đang dần trôi đi:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”

Chủ thể trong câu hỏi này chình là tiếng lòng của nhà thơ, vừa hỏi vừa nhắc nhở rồi lại như một lời mời mọc. Những sắc thái ấy quyện vào nhau mang đến cho câu thơ một giọng điệu khác thường khó tả. Đó là câu hỏi mà thi sĩ tự vấn lòng mình. Bởi lẽ thôn Vĩ không chỉ đẹp mà nơi ấy còn có người con gái ông yêu và cũng bởi vì khi viết bài thơ này Hàn Mặc Tử đã phát bênh, ông sống cách li với mọi người trong tâm trạng mặc cảm đau đớn. Và sự tự vấn ấy tựa như sự phân thân để bộc lộ cảm xúc xót xa, một tình yêu lớn hướng đến cuộc đời đời.

Trong tình yêu và sự trân trọng mà nhà thơ dành cho cuộc sống , Hàn Mặc Tử đã khắc họa lên bức tranh thôn Vĩ đẹp mộc mạc, dung dị và rất nên thơ:

“Nhìn nắng hàng cau , nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Thi sĩ không phải tả hàng cau mà tả nắng, mượn cau để tả nắng nhưng không tả sắc màu của nắng mà chỉ gợi , chỉ phác họa. Âý vậy mà người đọc vẫn có thể cảm nhận được màu sắc của ánh nắng nơi thôn Vĩ . ” Nắng hàng cau” là nắng từ trên cao , lấp lánh, lóe sáng trên những tàu cau đẫm sương đêm. Lá cây như được hồi sinh trong thứ nắng tinh khiết ấy. “Nắng mới lên” là thứ nắng ban mai trong treo và ấm áp. Chỉ một nét vẽ đơn giản , vậy mà Hàn Mặc Tử đã làm sáng bừng một khu vườn thôn Vĩ Dạ với sắc nắng tinh khôi và trong lành.

Và khu vườn ấy không chỉ có sắc nắng thanh khiết nó còn có sắc xanh mơn mởn đầy nhựa sống. Tiếng “quá” vang lên tựa như một lời tán dương reo hò trước khung cảnh đẹp thôn quê ấy. Từ “mướt” gợi lên một cái gì đó đầy tươi trẻ, óng à và đầy sức sống.  Và chỉ với một phép so sánh ” như ngọc” khu vườn nơi thôn Vĩ lại càng tỏa sáng hơn nữa, một khu vườn có màu sắc, và có cả ánh sáng lấp lánh. 

Diện mạo của khu vườn Thôn Vĩ Dạ không chỉ đẹp bởi sắc nắng, của lá cây tươi xanh mà còn có thấp thoáng bóng người. Thấp thoáng sau lá trúc mảnh mai thon thả là một khuôn mặt chữ điền. Khuôn mặt ấy không lộ ra mà được che ngang sau lá trúc, đầy kín đạo. Sự xuất hiện của khuôn mặt làm cho thiên nhiên nơi đây càng thêm sinh động.

Mỗi một câu thơ trong khổ đầu của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đều  gợi lên vẻ đẹp chân quê, mộc mạc mà đầy nên thơ trữ tình của thôn Vĩ. Mỗi một khung cảnh với những đường nét thanh nhẹ, mềm mại , sắc màu tươi tắn hài hòa đã làm nên một bức họa thôn Vĩ độc đáo. Thôn Vĩ hay chính là biểu tượng cho vẻ đẹp cuộc đời và mang chở một nỗi khát khao hướng về của thi nhân. Khổ thơ này đã bộc lộ một đặc điểm trong thơ Hàn Mặc Tử đó là một cái tôi đau đớn , luôn hướng về cuộc đời bằng ánh mắt thiết tha và tình cảm mãnh liệt.

Còn nhớ nhà văn Nga V.Bêlinxiki từng viết rằng : ” Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Chính mạch nguồn của cuộc sống là cái nôi cho sáng tạo của người nghệ sĩ và cũng là nơi để người nghệ sĩ trở về sau một hành trình dài sáng tạo và để thơ phải là thơ, phải là tiếng lòng của người nghệ sĩ trải lòng với cuộc đời chứ không phải chỉ nghệ thuật mới làm nên một vần thơ đẹp.Đến với thơ và đời bằng một thứ tình yêu mãnh liệt , tha thiết và cũng đầy đau đớn, Hàn Mặc Tử đã làm cho tiếng thơ của ông sống mãi trong lòng người và thời gian. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong số những minh chứng cho sức sống của thơ Hàn Mặc Tử.

Bài viết gợi ý: