Hình tượng người lính và Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” Nguyễn Thi
BÀI LÀM
“Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi được sáng tác trong không khí của những ngày kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng. Câu chuyện kể về những đứa con trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm có một nét tính cách riêng, nhưng đều mang vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trước tiên thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược:
Hai chị em Chiến và Việt cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát đau thương do kẻ thù gây ra. Ngay từ nhỏ , hai chị em đã chứng kiến cái chết của cha rồi sau này là cái chết của người mẹ thật tàn khốc. Tất cả điều đó đã tạc vào tâm khảm chị em Việt mối thù sâu nặng không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, lòng căm thù đã thôi thúc hai chị em có cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc.
Việt là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Việt xuất thân trong một gia đình cách mạng. Những con người trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có tính cách riêng, nhưng tất cả đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, có niềm say mê và khao khát được đánh giặc, rất tình nghĩa, rất đỗi thủy chung với gia đình, với cách mạng và Tổ quốc. Hơn nữa, Việt xuất thân trong một gia đình mang nặng thù nhà, nợ nước. Ông nội của Việt bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, bà nội bị lính quận Sơn hành hạ, đánh đập. Ba của Việt thì bị giặc chặt đầu, má Việt thì bị trái ca nông của Mỹ giết chết khi đi đấu tranh ở Mỏ Cày, thím Năm thì bị giặc bắn chết khi đi rọc lá chuối… những người thân trong gia đình của Việt lần lượt bị giặc sát hại. Những đau thương mất mát này đã sớm khơi dậy lòng căm thù giặc của Việt, đồng thời cũng sớm khơi dậy ý thức đấu tranh để trả thù nhà và góp phần vào việc đấu tranh giải phóng miền Nam của Việt.
Việt là một cậu con trai mới lớn, ngây thơ và hiếu động. . Lúc nhỏ Việt đã rất gan lì. Trước nỗi đau mất cha, cậu bé Việt không còn biết sợ hãi là gì, Việt đã đi theo má mà la “Trả đầu ba! Trả đầu ba!”, rồi khi thằng giặc liệng đầu ba vào ngực mẹ, làm máu me văng cùng đầu chị em Việt. “Đầu ba ở dưới không lượm” mà Việt “cứ nhè cái thằng liệng đầu mà đá”. Lòng căm thù giặc đã dậy lên trong lòng Việt. Càng lớn lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh giặc trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chứ chừng nào tôi mới bị”.Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý chí quyết ra đi trả thù cho ba má Việt. Và ngay sau khi vào bộ đội, tân binh Việt đã lập nên chiến công trong một trận đánh quyết liệt với quân thù. Việt đã diệt được một xe đầy Mỹ và bắn nhào một xe tăng. Việt bị thương ở hai mắt, không còn thấy được gì cả. Thế mà Việt vẫn quyết bò đi tìm đồng đội . Trong cơn mê Việt nhớ lại những gì đã xảy ra trong gia đình mình. Việt nhớ má, nhớ chú Năm, nhớ chị Chiến… tỉnh ra Việt càng cảm thấy căm thù, càng có ý thức quyết tâm chiến đấu. Nghe tiếng máy bay và tiếng xe bọc thép của địch rú lên, Việt không hề run sợ mà trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Như vậy, là Việt đã đi xa hơn khúc sông truyền thống gia đình. Việt chủ động đi tìm giặc mà đánh. Việt chính là hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ, làm nên khúc sông truyền thống gia đình.
Tuy chiến đấu rất dũng cảm nhưng trong cuộc sống thường ngày Việt vẫn còn là cậu bé ngây thơ, hồn nhiên và trẻ con: rất thương chị nhưng không biết lo toan cùng chị, chỉ biết đi chiến đấu. Đi chiến đấu mà Việt vẫn giắt sau lưng một chiếc ná thun. Khi bị thương Việt có thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng Việt cũng chưa hiểu cái chết là như thế nào: “Chết là gì nhỉ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương. Hay chết là người thật biến lên trên nóc nhà, còn người giả thì nằm lại đó? Việt chưa bao giờ nghỉ tới cái chết, mà cũng chưa nghe ai nói rõ nó ra sao”. Và Việt không hề biết sợ chết, chỉ sợ là không còn được ở chung với đồng đội và cũng không được đi bộ đội nữa . Những điều suy nghĩ của Việt về cái chết thật ngây thơ . Trước sau, trong hoàn cảnh nào Việt cũng nghĩ đến chiến đấu. Đó chính là bản chất vốn có của Việt và cũng chính là bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.
Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình Nguyễn Thi đã xây dựng khá thành công hình tượng nhân vật Việt – một nhân vật tiêu biểu cho tuổi trẻ miền Nam, tuổi trẻ của cả đất nước anh hùng. Sức mạnh của tuổi trẻ không gì ngăn nổi, hứa hẹn sẽ mở ra những khúc sông hào hùng hơn, vẻ vang hơn để đổ về biển lớn của cách mạng.
Trong tác phẩm, nhân vật Chiến hiện lên là một cô gái trẻ nhưng biết lo liệu, toan tính việc nhà chu đáo trước khi tòng quân. Chị đã trưởng thành trong khó khăn gian khổ, đảm việc nước giỏi việc nhà, dù trong bom đạn ác liệt vẫn luôn hướng ra chiến trường. Chiến đã có thể thay thế được người mẹ đã mất để lo liệu công việc gia đình, và Chiến còn có thể cầm súng để đánh lại kẻ thù nữa.Chiến đã nói với em trong đêm thu xếp việc nhà trước lúc ra trận: “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Câu nói mộc mạc, giản dị ấy vang lên như một lời thề chắc nịch thể hiện ý chí , lòng quyết tâm của thế hệ trẻ lúc bấy giờ.
Chú Năm tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân Nam bộ hiền lành chất phác, giàu cảm xúc . Cuộc đời chú Năm chứng kiến bao tội ác của thằng Tây, thằng Mỹ và bọn tay sai.Chú hay kể sự tích cho con cháu,động viên con cháu tham gia đánh giặc trả thù cho ba má, bảo vệ quê hương. Chú có cuốn sổ ghi chép chuyện gia đình. Đó còn là những trang ghi chép tội ác của kẻ thù gây ra, những chiến công của từng thành viên, như một biên niên sử. Bản thân ông cũng chính là một trang sử sống, khi gửi gắm, nhắn nhủ cho hai chị em Chiến và Việt: “chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó…”. Nhân vật đã thể hiện vẻ đẹp của tấm lòng sắt son, ý thức trách nhiệm của thế hệ đi trước.
Má của Chiến và Việt hội tụ phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Nam bộ anh hùng trong kháng chiến. Ấn tượng tác giả để lại đậm nét trong người đọc về nhân vật này là về tính gan góc từ khi còn là con gái. Má đã phải trải qua thời khắc dữ dội nhất , nỗi đau lớn nhất của người vợ đó là khi chứng kiến kẻ thù chặt đầu chồng. Nhưng má đã vượt lên đau thương để nuôi dạy đàn con khôn lớn trưởng thành. Hình ảnh người mẹ lội hết đồng này sáng bưng khác, đối mặt với họng súng quân thù để đòi đầu chồng thật cảm động. Má là hiện thân của vẻ đẹp gan góc được tôi luyện trong đấu tranh, với đức hy sinh lặng thầm, tảo tần lam lũ, đau thương chôn kín trong giọt nước mắt. Trong tâm hồn người phụ nữ ấy là tình yêu lớn lao, ý chí bất khuất kiên cường và cả tinh thần dám hy sinh, đổi mạng sống vì cách mạng.
Tác phẩm thành công khi khắc hoạ hình tượng những người nông dân Nam Bộ trong kháng chiến, những con người bình thường giản dị nhưng lại có vẻ đẹp, tầm vóc phi thường. Các nhân vật đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng thương đau của chiến tranh. Vẻ đẹp của họ kết tinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam, một phẩm chất cao quí còn để lại những tấm gương cho thế hệ sau noi theo./
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12