Mục Lục
Đây là dạng đề hay được sử dụng ở các kỳ thi tuyển sinh Đại học – cao đẳng những năm gần đây. Nhưng học sinh thường lúng túng trong cách làm bài, cách so sánh. Đôi khi các em không xác định được hướng triển khai dẫn đến lạc đề, điểm không cao. Vậy khi gặp dạng đề so sánh hai đoạn thơ, chúng ta phải làm thế nào?
Cách làm Dạng đề so sánh hai đoạn thơPhần Mở bài:
– Giới thiệu 2 tác giả, 2 bài thơ (2 đoạn thơ)
-Giới thiệu vấn đề nghị luận ( nếu có )
Ví dụ :
Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người lính qua hai đoạn thơ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(“Tây Tiến”– Quang Dũng)
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
(“Việt Bắc” – Tố Hữu)
Mở bài như sau :
Thơ ca kháng chiến chống Pháp là những vần thơ có niềm cảm hứng mãnh liệt nhất về hình tượng người lính bộ đội cụ Hồ. Dưới ngòi bút của bao thi sĩ, hình tượng ấy hiện lên thật sinh động, gần gũi mà cũng rất bi tráng, hào hùng. Nằm trong số ấy có bài Việt Bắc của Tố Hữu và Tây Tiến của Quang Dũng. Cả hai bài thơ đều góp phần làm hiện lên vẻ đẹp của hình tượng người lính vừa có những nét chung gần gũi vừa có những vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn. Tất cả được Quang Dũng và Tố Hữu thể hiện sâu sắc qua hai đoạn thơ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(“Tây Tiến”– Quang Dũng)
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
(“Việt Bắc” – Tố Hữu)
Phần Thân bài:
Lần lượt phân tích các đoạn thơ theo định hướng những điểm tương đồng với nhau, làm nổi bật vấn đề nghị luận.
So sánh hai đoạn thơ:
+ Chỉ ra những điểm tương đồng của hai bài thơ, đoạn thơ ( về nội dung và nghệ thuật )
+ Chỉ ra những điểm khác biệt của mỗi bài thơ, đoạn thơ( về nội dung và nghệ thuật ).
->>Tìm ra nguyên nhân ( lí giải sự khác biệt ) và ý nghĩa.
Từ đó khẳng định những nét độc đáo, giá trị riêng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
Phần Kết bài:
– Đánh giá giá trị của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
– Những cảm nhận về phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ.
– Ở phần thân bài phải đảm bảo hai bước: phân tích từng tác phẩm trước rồi so sánh sau.
– So sánh hai bài thơ, đoạn thơ tuyệt đối không phải để khẳng định tác phẩm nào hay hơn, mà để tìm ra nét hay tương đồng và độc đáo của mỗi tác phẩm. Sự tương đồng nói lên tính phong phú, phát triển của văn học. Điểm khác biệt tô đậm phong cách riêng của mỗi nhà thơ và xu hướng sáng tác…
– Các bình diện để so sánh:
+ Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác.
+ Đề tài và nội dung tư tưởng của mỗi bài thơ, đoạn thơ.
+ Bút pháp nghệ thuật.
+ Giá trị, ý nghĩa và sức sống của mỗi bài thơ, đoạn thơ trong sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà thơ.
Đôi khi đề bài đưa sẵn những tiêu chí so sánh , ví dụ : Phân tích nét độc đáo của bức tranh phong cảnh trong hai đoạn thơ sau… Vậy thì trong bài viết, các em cần bám sát nét độc đáo của bức tranh phong cảnh. Đây chính là tiêu chí so sánh
Bài tập minh họa Dạng đề so sánh hai đoạn thơCảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
( Nguyễn Bính, Tương tư )
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
( Tố Hữu, Việt Bắc )
Gợi ý đáp án:
1. MB:
– Giới thiệu về Nguyễn Bính và bài thơ Tương tư.
– Giới thiệu về Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc.
Thân bài:
2. TB:
* Phân tích đoạn thơ trong bài Tương tư.
– Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ thành nỗi nhớ mong da diết, trĩu nặng…
– Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như nhuốm đầy nỗi tương tư.
– Nghệ thuật: Thể thơ lục bát, chất liệu ngôn từ chân quê, các biện pháp tu từ…
* Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
– Nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng cả những người cán bộ kháng chiến.
– Hiện lên trong nỗi nhớ là hình ảnh Việt Bắc thân thương…
– Nghệ thuật: thể thơ lục bát, hình ảnh gợi cảm, các phép đối…
* So sánh hai đoạn thơ.
– Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng; sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện.
– Khác biệt:
+ Đoạn thơ trong Tương tư là nỗi nhớ tình yêu đôi lứa, gắn với làng quê Bắc Bộ…
+ Đoạn thơ trong Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc…
3. KB:đánh giá chung về nét đặc sắc của hai đoạn thơ
Biểu điểm từng phần :
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm (0,5)
– Nguyễn Bính là gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới và cũng tiêu biểu cho thơ ca sau Cách mạng, với hồn thơ chân quê, có sở trường về lục bát. Tương tư là bài thơ đặc sắc của ông, thể hiện tâm trạng nhớ mong chân thực và tinh tế của chàng trai quê.
– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị. Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông, thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng đối với chiến khu và những kỉ niệm kháng chiến. (0,5)
2. Về đoạn thơ trong bài Tương tư (2,0)
– Nội dung (1,0 điểm)
+ Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ thành những nhớ mong da diết, trĩu nặng. Nỗi niềm ấy được xem như một quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, một thứ “tâm bệnh” khó chữa của người đang yêu.
+ Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư.
– Nghệ thuật (1,0 điểm)
+ Thể thơ lục bát thấm đượm phong vị ca dao.
+ Chất liệu ngôn từ chân quê với những địa danh, thành ngữ gần gũi; cách tổ chức lời thơ độc đáo; sử dụng nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ: hoán dụ, nhân hoá, đối sánh, tăng tiến, hoa trương..
3. Về đoạn thơ trong bài Việt Bắc (2,0 điểm)
– Nội dung (1,0 điểm)
+ Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hoà tình nghĩa riêng chung.
+ Hiện lên trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh Việt Bắc thân thương, với cảnh vật bình dị mà thơ mộng, với nhịp sống đơn sơ mà êm đềm, đầm ấm.
– Nghệ thuật (1,0 điểm)
+ Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn chất cổ điển và chất dân gian, nhịp điệu linh hoạt uyển chuyển, âm hưởng tha thiết, ngọt ngào.
+ Hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm; cách ví von quen thuộc mà vẫn độc đáo; cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép điệp cân xứng, khéo léo…
4. Về sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ (0,5 điểm)
– Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng; sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện.
– Khác biệt: Đoạn thơ trong bài Tương tư là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi, gắn với không gian làng quê Bắc Bộ, vừa bày tỏ vừa “lí sự” về tương tư, với cách đối sánh táo bạo…; đoạn thơ
trong bài Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc, nghiêng hẳn về bộc bạch tâm tình, với cách ví von duyên dáng…
5. KB:
Bài tập 2:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
(Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11 ).
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12)
Định hướng cách làm bài
Mở bài :
Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Xuân Diệu được đánh giá là Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Vội vàng
(in trong tập Thơ Thơ- 1938) là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng.
– Xuân Quỳnh là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Sóng (in trong tập Hoa dọc chiến hào – 1968) là tác phẩm thể hiện những tâm tình của người phụ nữ làm thơ về đề tài tình yêu.
Thân bài :
1. Cảm nhận hai đoạn thơ
a. Đoạn thơ trong bài Vội vàng
– Đoạn thơ thể hiện niềm yêu đời, khát vọng sống nồng nàn, mãnh liệt của Xuân Diệu. Ý thức được sự hữu hạn của đời người, tuổi xuân và thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại nên nhà thơ đã vội vàng, cuống quýt để tận hưởng cuộc sống trần gian với tất cả những gì đẹp nhất (sự sống mơn mởn, mây đưa và gió lượn,cánh bướm với tình yêu, …), ở mức độ cao nhất (ôm, riết, say, thâu, cắn), với trạng thái đã đầy, no nê, chếnh choáng.
– Các yếu tố nghệ thuật như: điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh, nhân hóa, nhịp điệu sôi nổi, cuồng nhiệt… tất cả góp phần thể hiện cảm xúc nồng nàn, khát vọng sống mãnh liệt của Xuân Diệu.
b. Đoạn thơ trong bài Sóng
– Đoạn thơ thể hiện khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu, được gắn bó mãi mãi với cuộc sống, hòa nhập với cuộc đời vĩnh hằng bằng tình yêu chân thành,mãnh liệt. Những con sóng tan ra không phải để biến mất giữa đại dương mà để hóa thân, để tồn tại vĩnh viễn trong những con sóng khác. Con người sẽ ra đi nhưng tình yêu vẫn còn ở lại giữa tình yêu cuộc đời. Đó cũng là cách để tình yêu trở nên bất tử.
– Thể thơ ngũ ngôn hiện đại, hình tượng sóng được sử dụng linh hoạt, sáng tạo để thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình.
2. Sự tương đồng và khác biệt
– Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ thái độ sống tích cực của hai thi sĩ trước cuộc đời: đó là tình yêu và khát vọng sống mãnh liệt. Đây là hai đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc – triết lí.
– Điểm khác biệt:
+ Sử dụng thể thơ tự do, vận dụng tối đa hiệu quả của các biện pháp nghệ thuật(điệp từ, điệp ngữ, liệt kê, nhân hóa…); đoạn thơ của Xuân Diệu diễn tả cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt của cái tôi cá nhân muốn khẳng định mình trước cuộc đời.
+ Bằng giọng điệu thủ thỉ, tâm tình đầy nữ tính, thể thơ ngũ ngôn hiện đại, hình ảnh ẩn dụ; Xuân Quỳnh thể hiện khát vọng được tan hòa cái tôi vào cái ta chung của cuộc đời để tình yêu trở thành bất tử.
Kết bài : Nhận xét về sự sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ…
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Đề thi và những bài văn hay về Sóng Xuân Quỳnh, Vội vàng,Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Việt Bắc, Dạng đề so sánh văn học