Đề bài: “ Nghệ thuật và thi ca có quan hệ mật thiết với sự thật, nhưng sự thật này không cùng một bản chất với sự thật mà khoa học khao khát vươn tới…”(Todorov – Văn chương lâm nguy)
Bài làm
Từ trước đến nay, nhắc đến văn học là người ta nghĩ ngay đến cái đẹp, cái thẩm mĩ nhưng ít ai nghĩ đến sự hiện hữu của hiện thực góp mặt tạo nên cái bản chất sâu xa của văn học nghệ thuật. Thử hỏi cái gì đã làm nên sức sống lâu dài, sự tồn tại vĩnh hằng bất diệt của văn học nếu văn học chỉ có phản ánh cái đẹp, cái thẩm mĩ mà xa rời đời sống, xa rời hiện thực?. Vì thế có ý kiến nhận định rất đúng rằng: “ Nghệ thuật và thi ca có mối quan hệ mật thiết với sự thật, nhưng sự thật này không cùng một bản chất với sự thật mà khoa học khao khát vươn tới…”.
Đúng vậy, nghệ thuật và thi ca (văn chương) luôn có xu hướng phản ánh mọi thứ ngoc ngách trong cuộc sống của con người. Cái đích hướng tới của nghệ thuật văn chương là vấn đề con người, vấn đề sự thật. Dù có viết về cái gì đi chăng nữa thì văn học vẫn xoay quanh con người. Còn cái đích hướng tới của khoa học là phản ánh mọi sự vật, hiện tượng sao cho thật khách quan. Như thế chẳng hóa văn chương nghệ thuật với khoa học là một cặp bài trùng cùng một mục tiêu hướng tới sự thật. Đó là một sự thật không thể chối cãi.
Có quan niệm cho rằng khoa học thì thực hiện theo nguyên tắc phản ánh còn nghệ thuật thì thực hiện theo nguyên tắc sáng tạo, thiết nghĩ chẳng có cơ sở nào. Sự khác biệt của khoa học và nghệ thuật là ở nội dung và hình thức tương ứng với nội dung đó, chứ không khác biệt ở nguyên tắc phản ánh và sáng tạo. Không có sáng tạo thì không có cả nghệ thuật và khoa học đích thực, và không có nguyên tắc phản ánh thì chẳng những không có khoa học đích thực, mà nghệ thuật cũng sẽ rơi vào bịa đặt, viển vông thậm chí là xuyên tạc.
Như vậy, ý kiến trên cần chúng ta phải đi tìm lý giải sự khác biệt về “sự thuật” trong văn chương nghệ thuật với “sự thật” trong khoa học khác nhau ở chỗ nào.
Cái chân lý mà được mọi người thừa nhận là: khoa học gắn liền với sự phản ánh hiện thực khách quan bên ngoài ý muốn chủ quan của con người. Còn nghệ thuật văn chương cũng phản ánh hiện thực khách quan nhưng mang yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ. Hay nói cách khác, nếu khoa học quan tâm đến các : “kinh nghiệm sự thật” ghi nhận các sự vật, hiện tượng hoặc tạo ra các sự vật hiện tượng như là khách thể, chẳng hạn như : ôxy đối với sự sống, phản ứng hóa học, đấu tranh giai cấp đối với sự tiến hóa của nhân loại… thì văn học khám phá các khía cạch trong “kinh nghiệm quan hệ”, tức phản ánh các quan hệ qua lại của thế giới hiện thực mà trước hết là các quan hệ của xã hội loài người. Đó là sự khách biệt cơ bản nhất giữa “tính chân thật” của khoa học và văn học. Tuy vậy, đã có thời trước đổi mới, trong giới văn học nghệ thuật cho rằng văn học phải phản ánh hiện thực một cách chân thân nhất, làm sao miêu tả càng nhiều chi tiết, càng nhiều sự kiện đời sống chân thật càng tốt. Họ khuyếch đại nhiệm vụ của văn học là phải đặt vấn đề hiện thực lên hàng đầu mà coi nhẹ sự tìm tòi thể hiện trong tư tưởng, đẩy yếu tố chủ quan xuống hàng thứ yếu và cho rằng cách vẽ cách viết tượng trưng phúng dụ thì bị coi là “không rõ ràng”, lai căng, “tư sản”… Chính vì vậy mà làm cho văn học nước ta trở nên nghèo nàn. Đó là điểm khác so với văn học và khoa học.
Văn học và khoa học cùng hướng tới là phản ánh sự thật, phản ánh hiện thực, thế nhưng văn học lại có cách nhìn khác, cách nhìn đặc biệt so với khoa học. Nếu văn học chỉ có phản ánh sự thật, mô tả sự thật sao cho thật giống với hiện thực bên ngoài thì văn học chẳng khác gì là cái bóng của nghệ thuật, chỉ là cái mô phỏng, sao chép hiện thực dưới ống kính quay chậm của nhà văn. Vì thế, nhà văn phản ánh sự thật bằng cách lấy hiện thực bên ngoài giống như một cái phương tiện để viết, kết hợp với tư tưởng chủ quan của mình bên trong mà tạo nên “những đứa con tinh thần” của mình.
Nếu khoa học phản ánh sự thật, phản ánh hiện thực một cách khái quát, trìu tượng hóa bằng các khái niệm, các thuật ngữ khoa học thì văn học lại phản ánh sự thật trên cơ sở của những tình huống cụ thể, những hành động cụ thể, những nhân vật cụ thể, những hình tượng cụ thể… trong tác phẩm văn chương. Ví như sự xung đột giai cấp giữa địa chủ và người tá điền mà nhà thơ Đức Bêsơ trong tập Thơ của tôi, tình yêu của tôi đã có sự phân biệt sâu sắc: “ Xung đột văn học không phải ở chỗ hai người hoàn toàn đối lập nhau về ban r chất chống đối nhau. Chẳng hạn tên địa chủ với người tá điền mang những quan niệm khác nhau về hành động đấu tranh chống lại nhau trên các cơ sở các quan niệm khác nhau ấy. Đó không phải là xung đột trong ý nghĩa đích thực của văn học. Văn học chỉ tìm thấy sự xung đột tích cực của nó khi nào người tá điền bị tên địa chủ lừa gạt, ý thức được sự lừa gạt đó, tỉnh ngộ và tìm cách trở lại làm mình, tức trở lại làm người tá điền có danh dự”. Như vậy, một điều ta có thể rút ra là sự khác biệt của nhà xã hội học khoa học nghiên cứu về sự đối lập giữa các lực lượng xã hội với nhà văn phản ánh hiện thực rằng: sự xung đột giữa người địa chủ với tên tá điền với những quan niệm đấu tranh khác nhau là cái mà nhà nghiên cứu xã hội quan tâm. Còn trong văn học, cái mà văn học chú ý đến là tái hiện bản chất xã hội như những tính cách, cá tính. Chính vì thế mà văn học có khả năng làm sống lại cuộc sống của hiện thực với những số phận của con người. Chẳng thế mà đọc “Những người khốn khổ” ta như dựng lại được diện mạo của nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu của thế kỷ XIX. Hay như những nhân vật Paven Corsaghin, Chị Sứ, chị Út Tịch…
Cũng cần phải nói thêm rằng, chúng ta nên hiểu yếu tố chủ quan trong văn học nghệ thuật chẳng quan cũng bị chi phối bởi yếu tố khách quan bên ngoài xã hội tác động vào. Từ đó, ảnh đến đến quan điểm nghệ thuật, tư tưởng thẩm mĩ cũng như cách nhìn của nhà văn đối với hiện thực. Đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ta như thấy tận mắt hình ảnh của người nông dân bị tha hóa và lưu manh hóa. Chí Phèo như đang khật khững bước thẳng vào trang sách chứ không hề có sự kỳ công tạo dựng của nhà văn. Tính hiện thực của tác phẩm nằm ở chỗ cũng phản ánh sự xung đột giai cấp nông dân với địa chủ của thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Cái kết thúc truyện Chí đâm chết Bá Kiến và tự sát là một kết thúc gây nhiều ám ảnh cũng như sự day dứt với người đọc. Thông qua kết thúc nó cũng phản ánh hiện thực bế tắc bất lực của người nông dân trong xã hội thời bấy giờ. Các tác phẩm hiện thực trước cách mạng tháng 8 đều có một kết cục bi quan, các nhân vật không tránh khỏi cái lưỡi hái của tử thần trước sự xô bồ, tuyệt vọng của cuộc sống. Ấy thế mà có người lại cho rằng cái kết thúc truyện Chí Phèo là thể hiện cái nhìn chủ quan có phần bi quan của Nam Cao. Tôi cho rằng không thể kết luận như vậy. Việc kết thúc truyện như vậy là một cái phổ biết của các tác phẩm hiện thực trước cách mạng bởi nó phản ánh đúng cái xã hội thời bấy giờ. Cái thứ hai là do thời đại tác động đến cái nhìn của nhà văn, không thể nói Nam Cao bị che khuất tầm nhìn lý tưởng của Chủ nghĩa Mác LêNin, nói đến tư tưởng đó là nhiệm vụ của các nhà chính trị, những nhà cách mạng, nhà văn không có nghĩa vụ phải đi theo con tư tưởng Mác để mà tạo ra một kết cục mới, xa rời thực tế… Đó là yếu tố chủ quan bị chi phối bởi hoàn cảnh thực tế.
Hơn nữa cũng cần phải nói đến là phẩm chất của văn học. Tác phẩm văn học nào cũng có tính hiện thực nhưngkhông phải đều có tính chân thật. Chỉ có những tác phẩm phản ánh đúng đắn bản chất hay một vài bản chất của hiện thực – nghĩa là có các giá trị và tác dụng nhận thức – thì mới có tính chân thật. Tính chân thật và giá trị nhận thức to lớn của Truyện Kiều là ở chỗ nó đã vạch ra bản chất chà đạp quyền sống của con người trong chế độ phong kiến.
Cuối cùng văn học với hiện thực, với sự thật được thể hiện bằng nhiều cách thức và khuynh hướng khác nhau. Trong đó, khuynh hướng lãng mạn trong văn học cũng là một cách phản ánh hiện thực, phản ánh sự thật của đời sống. Đó là sự bất lực của con người trước hoàn cảnh, buộc họ phải quay lưng với cuộc sống. Thiết nghĩ đó cũng là yếu tố chủ quan bị chi phối bởi hiện thực khách quan.
Như vậy, có thể nói rằng văn học với hiện thực cuộc sống, với sự thật cuộc đời là cách đích mà văn học hướng đến. Mọi lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có văn học luôn luôn xoay quanh vấn đề đời sống của con người. Dù viết về cái gì, viết bằng cách nào đều phục vụ cho đời sống. Mọi nghệ thuật xa rời đời sống, xa rời hiện thực đều trở nên phi nghệ thuật và bị đào thải. Đó là chân lý không thể chối cãi mà điều này đucợ thể hiện rõ trong tác phẩm “Vĩnh biệt cửu trùng đài” của Nguyễn Huy Tưởng và “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Xem thêm : Bộ đề ôn thi học sinh giỏi môn văn

Bài viết gợi ý: