I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
- Khi chuyển từ đoạn này sang đoạn khác trong một văn bản, cần sử dụng các phương tiện liên kết để thể hiện quan hệ ý nghĩa của chúng.
- Có thể sử dụng các phương tiện liên kết chủ yếu sau đây để thể hiện quan hệ giữa các đoạn văn :
+ Dùng từ ngữ chỉ quan hệ : liệt kê, đối lập, tương phản, thay thế (các đại từ và từ ngữ có tác dụng thay thế khác), tổng kết, khái quát sự việc.
+ Dùng câu nối.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Tác dụng của việc liên kết các đoạn văn trong văn bản
a) Hai đoạn văn này có mối liên hệ, đều liên quan đến trường làng Mĩ Lí. Nhưng người đọc không thấy rõ mối liên hệ đó. Người đọc không hiểu vì sao đang nói về sân trường ở thời hiện tại lại đột ngột chuyển sang việc đi qua làng Hoà An ghé vào trường một lần.
b) - Việc thêm cụm từ trước đó mấy hôm làm rõ về mặt thời gian tôi ghé lại nhà trường một lần. Như vậy lần ấy và lần này ngôi trường được nhân vật ngầm so sánh. Lần trước ngôi trường xa lạ với tôi, còn lần này, ngôi trường là nơi tôi đến để học.
- Sau khi thêm cụm từ trước đó mấy hôm vào, hai đoạn văn kết nối với nhau liền mạch.
- Liên kết đoạn làm cho hai đoạn văn liền mạch, thông suốt, tạo cho người đọc thấy được sự mạch lạc, chặt chẽ giữa các đoạn văn trong văn bản.
2. Cách liên kết các đoạn văn trong văn bản
a) Dùng từ ngữ để liên kết các đoạn văn
- Hai đoạn văn trên liệt kê hai khâu của quá trình lĩnh hội và cảm thụ văn học. Đó là tìm hiểu và cảm thụ.
Từ ngữ liên kết hai đoạn văn trên là từ ngữ chỉ quan hệ liệt kê : bắt đầu là (đoạn 1), sau... là... (đoạn 2).
Các phương tiện liên kết có quan hệ liệt kê : một là, hai là,... trước hết, tiếp theo, sau cùng,... đầu tiên, tiếp đó, sau nữa,... thứ nhất, thứ hai, thứ ba,... một mặt, mặt khác, sau nữa,...
- Quan hệ ý nghĩa giữa hai đoạn văn đều liên quan đến trường Mĩ Lí. Nhưng hai lần có sự trái ngược nhau trong tình cảm của nhân vật “tôi”. Lần trước chỉ thấy trường cao ráo và sạch hơn các nhà. Lần này thấy vừa xinh xắn, vừa oai nghiêm. Lòng lo sợ vẩn vơ.
Từ ngữ liên kết hai đoạn văn là : nhưng lần này lại khác.
Các phương tiện liên kết có ý nghĩa tương phản : nhưng, trái lại, ngược lại, tuy nhiên, tuy vậy, thế mà,..
- Từ đó thuộc từ loại đại từ. Trước đó là trước lúc nhân vật tôi lần đầu tiên cắp sách tới trường.
Các đại từ được dùng làm phương tiện liên kết đoạn : từ đó, trước đó, sau đó, từ ấy,...
– Hai đoạn văn trên đều đề cập đến một nội dung là cách viết. Từ ngữ liên kết hai đoạn văn đó là nói tóm lại.
Những từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết có ý nghĩa tổng kết, khái quát sự việc : tóm lại, nhìn chung, nói khái quát, tổng kết lại, tóm gọn lại,...
b) Dùng cầu nối để liên kết các đoạn văn
Câu liên kết giữa hai đoạn văn là : Ái dà, lại còn chuyện đi học nữa cơ đấy !
Câu này có tác dụng liên kết vì nó nối liền với nội dung đi học của cu Tí mà mẹ đã nhắc ở đoạn trên (đi học bên anh Thận).
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. a) Từ ngữ liên kết : nói như vậy. Từ ngữ này chỉ mối quan hệ thay thế. Nó thay cho cầu Giảng văn rõ ràng là khó ở đoạn trên.
b) Từ ngữ liên kết : thế mà. Từ ngữ này chỉ mối quan hệ đối lập, tương phản.
c) Từ ngữ liên kết giữa đoạn 1 với đoạn 2 là cũng cần. Từ ngữ này chỉ mối quan hệ liệt kê. Trong đoạn 1 đã có từ cần nhớ.
Từ ngữ liên kết giữa đoạn 2 với đoạn 3 là tuy nhiên. Từ ngữ này chỉ quan hệ trái ngược. Các cây bút xuất sắc khác xuất hiện, nhưng chưa có ai kế thừa Nguyễn Công Hoan.
2. a) Có thể chọn : từ ấy, từ đó.
b) Có thể chọn : nói tóm lại. Cũng có thể chọn : nhìn chung, như vậy.
c) Có thể chọn : tuy nhiên. Cũng có thể chọn : nhưng, song.
d) Có thể chọn : Thật khó trả lời. Cũng có thể chọn : Đi bộ đội hay đi học. Tuy vậy, câu này đã có ở cuối đoạn nên sẽ có sự trùng lặp.
3. Chú ý các loại phương tiện liên kết đoạn văn đã học : liệt kê, tương phản, thay thế, khái quát.