Một số đề đọc hiểu và cách làm hay phần 1

 

Đề 1

 

 

"... Không phải ai sinh ra cũng là thiên tài, cũng có cơ hội để trở thành một thiên tài. Không phải ai sinh ra cũng trong một gia đình giàu có, hoặc có cơ hội để trở thành giàu có.

Tôi không phải là một thiên tài, và cho đến giờ tôi cũng chưa bao giờ là một người thực sự giàu có.

Có thể trong số các bạn tốt nghiệp là ngày hôm nay sẽ có một số ít bạn trở thành những người đặc biệt nổi tiếng hoặc giàu có về sau, nhưng chắc chắn phần lớn trong số các bạn sẽ là những người có cuộc sống bình thường.

May mắn là không cần phải là một thiên tài hoặc một người đặc biệt giàu có thì mới hạnh phúc. Thậm chí trong nhiều trường hợp điều này còn ngược lại, có nghĩa là người đặc biệt nổi tiếng hoặc giàu có nhiều khi không hạnh phúc.

Lý do là, hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của bạn đối với những gì bạn làm, những gì bạn có, và những gì xung quanh bạn.

Hạnh phúc không phải là một khái niệm vật lý với những công thức thô cứng. Nó là thứ thuộc về con người, và vì thế, nó có vẻ đẹp và sự bí ẩn mà chỉ có chính bạn mới giải mã cho mình được. Nếu biết cách giải mã, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Trong bước đường sắp tới, các bạn sẽ phải luôn bám đuổi trong một cuộc cạnh tranh gay gắt về danh lợi. Nhưng hãy đừng để nó cuốn các bạn đi vĩnh viễn. Hãy biết dừng lại, dành thời gian để cảm nhận và tự vui với những gì mình có..."

 

Câu 1: đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Căn cứ vào đâu để xác định phong cách ngôn ngữ ấy.

Câu 2: Theo anh chị vì sao tác giả cho rằng: "may mắn là không cần phải là một thiên tài hoặc một người đặc biệt giàu có thì mới có hạnh phúc..."?

Câu 3: Anh chị hiểu như thế nào về câu: "hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của bạn đối với những gì bạn làm, Những gì bạn có, và những gì xung quanh bạn"

Câu 4 : thông điệp nào trong đoạn trích cậu ý nghĩa nhất đối với anh chị?

 

Bài làm

 

Câu 1

Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận

Lập luận của đoạn trích rất chặt chẽ, luận điểm rất rõ ràng. Đó chính là những dấu hiệu cho thấy đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

 

Câu 2

Tác giả cho rằng:"may mắn là không phải là một thiên tài hoặc một người đặc biệt giàu có thì mới có thể hạnh phúc". "Hạnh phúc" là tận cùng của niềm vui thích. Đây là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn có được. Nó không phụ thuộc vào tài năng hay tiền bạc. Theo như tác giả thì hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của mỗi người đối với cuộc sống. Nêu ta hài lòng với những gì mình có dẫu cho những điều ấy thật tầm thường thì đó cũng được coi là hạnh phúc. Chính vì  tất cả những điều trên mà tác giả đã đưa ra quan niệm đó.

 

Câu 3

Có người đã từng nói: "Thiên đàng do lòng mình mà ra địa ngục do lòng ta mà có". dẫu cho ta có nghèo túng hay kém cỏi nhưng thấy hài lòng với những gì mình có thì đó cũng là khi ta tìm được hạnh phúc. Nhưng nếu ta có tất cả mà chưa thấy mãn nguyện thì ta vẫn thấy mình bất hạnh. hạnh phúc hay bất hạnh không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài mà nó do chính cách nhìn của ta quyết định. Thế nên tác giả của đoạn trích mới viết" hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của bạn đối với những gì bạn làm, những gì bạn có, và những gì xung quanh bạn"

 

Câu 4

Đoạn trích dẫu có ngắn nhưng đã mang đến cho ta những thông điệp lớn. Đặc biệt trong số đó là lời nhắn nhủ: "Hãy biết dừng lại, dành thời gian để cảm nhận và tự vui với những gì mình có." Qua thông điệp ấy ta tự thấy rằng đôi lúc bản thân đã quá tham lam, cứ mải miết kiếm tìm hạnh phúc ở những chân trời xa tắt mà quên mất những điều gần gũi thân thuộc. Ta quên mất rằng chính những điều bình dị mới cho ta những niềm vui lớn. Và từ đây tác giả muốn tất cả chúng ta phải biết trân trọng những gì mình có.

 

 

Đề 2

                                                                  

 

 

Trả lời báo lao động về vấn đề cách sống của thế hệ trẻ hiện nay, Tiến sĩ Đoàn Hương nhận định, thế hệ trẻ ngày nay bị bủa vây bởi rất nhiều loại thông tin, như vậy họ sẽ cần có bộ lọc tin. Khi tin vào nhiều, những người có trí thức hoặc những người có văn hóa cao để đọc tin được thì người ta chỉ đọc những bài cần thôi. Nhưng mà những bạn trẻ mà trước có đủ văn hóa cần thiết, chưa có phông văn hóa lớn thì làm sao người ta đọc được , bạ cái gì người ta cũng nhét vào người.  Giống như ăn vậy, những người có trình độ khoa học người ta ăn uống rất khoa học, họ nghĩ đến chất này chất kia nhưng đối với những người bình thường thì chỉ ăn lấy no thôi, bạ cái gì người ta cũng chén cả, những cái bị nhiễm độc người ta vẫn ăn vì nếu thấy ngon là người ta ăn. Phải thừa nhận rằng, mạng xã hội, tin giật gân... Tất cả những điều đó tác động không hề nhỏ đến người trẻ.

 

Câu 1: anh chị hiểu cụm từ "bộ lọc tin" được nói đến trong đoạn trích như thế nào?

Câu 2. Theo đoạn trích, sự khác nhau của người có phông văn hóa cao và người không có phông văn hóa khi tiếp nhận thông tin là gì.

Câu 3.Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4. Điều anh chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?

 

Bài làm

Câu 1

Cụm từ "bộ lọc tin" có thể hiểu là văn hóa, tri thức của người tiếp nhận thông tin.

 

Trước những thông tin, văn hóa và tri thức sẽ giúp con người chỉ tiếp nhận những thông tin hữu ích cần thiết. Nó giúp con người chắt lọc thông tin, loại bỏ những thông tin vô bổ nhảm nhí.

 

Câu 2

Người có phông văn hóa, khi tiếp nhận thông tin, họ chỉ chọn những thông tin hữu ích, có giá trị và thiết thực.

Người không có phông văn hóa thì khác. Họ tiếp nhận nhiều thông tin nhất có thể. Thông tin  gây sốc hay giật gân, thậm chí rất vô bổ,  nhảm nhí vẫn được những người không có văn hóa quan tâm.

Như vậy, khi tiếp nhận thông tin, Người có văn hóa sẽ nâng cao hiểu biết, văn hóa của mình. Ngược lại, người không có văn hóa sẽ lãng phí thời gian, bỏ qua cơ hội để tự trau dồi vốn hiểu biết, vốn sống của bản thân.

 

Câu 3

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích là biện pháp so sánh.

Người viết đã so sánh việc con người Tiếp nhận thông tin với việc con người ăn uống.

 

Câu 4

Đoạn trích dẫn ngắn nhưng đã gửi tới ta một thông điệp lớn. Trước những thông tin trong cuộc sống, ta phải trang bị đầy đủ cho mình kiến thức và văn hóa cần thiết. Trong một thế giới công nghệ thông tin phát triển, ta phải tỏ ra mình là một người thông minh, khôn khéo. Trang bị kiến thức và văn hóa giúp ta tránh tự đầu độc mình bằng những thông tin vô bổ. Đồng thời, điều đó cũng giúp ta tiếp nhận những thông tin hữu ích cho bản thân để có thể dễ dàng bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.

 

Đề 3

 

Xu nịnh tức khen ngợi quá đáng hay hoang tưởng nảy sinh từ quyền lợi riêng tư, có thể được định nghĩa: "đó là cử chỉ đáng khinh bỉ. Đó là quà tặng xấu xa và chỉ là bài học của những kẻ hợm hĩnh". Kẻ nịnh nọt thường là tên ích kỷ nguy hiểm. Nó có nhét vào trí óc người ta những điều hư ảo hòng kiếm chác ân huệ hay đổi lại một sự giúp đỡ thật lòng. Đó là kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ thù. Nó vừa là tội phạm, vừa là nhân chứng: "kẻ này lừa dối người phân xử, kẻ kia lừa dối chúng ta". Một triết gia nói rằng: "trong số những con thú hoang dã thì con thú dèm pha là đáng sợ nhất, còn trong số những người trong nhà thì đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh". Kẻ nịnh nọt chỉ tìm kiếm các lợi ích riêng tư và nó sống nhờ vào những kẻ đã lắng nghe nó.

 

Những người chân chính thường ít bị lường gạt bởi sự nịnh nọt. Trong một bức thư với lời lẽ dịu dàng, Louis Veuillot kể rằng hằng ngày ông nhận được những lời tán dương của biết bao bè bạn thân sơ. Rồi, cũng hàng ngày, đứng trước tấm gương để cạo mặt, ông tự hỏi: "Ta sẽ cạo nhẵn bao nhiêu người?".

 

Câu 1. Xác định chủ đề của đoạn trích

Câu 2. Tại sao tác giả lại ví sự xu nịnh như "một thứ quà tặng xấu xa"?

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào khi tác giả nói "Những người chân chính thường ít bị lường gạt bởi sự nịnh nọt"

Câu 4.  điều gì khiến anh chị tâm đắc nhất ?

 

Bài làm

Câu 1

Đoạn trích bàn về chủ đề Sự xu nịnh. tác giả đã nêu rõ ràng luận điểm và đưa ra những dẫn chứng là lời nói của những người triết gia hay người nổi tiếng.

 

Câu 2

Sự xu nịnh chính là "một thứ quà tặng xấu xa". Đa số chúng ta đều thích nghe những lời khen ngợi hay ca tụng. Tuy nhiên, những lời nịnh bợ thường mang lại kết quả xấu. Nghe những lời khen giả dối ta có thể sẽ bị lợi dụng  hoặc sẽ ảo tưởng nhiều về bản thân. Chính vì vậy ta cần tỉnh táo để cưỡng lại sức hút của những lời nịnh bợ- thứ quà tặng xấu xa.

 

Câu 3:

Người chân chính là những người có lập trường, sáng suốt và tỉnh táo. Họ không bị lừa gạt bởi những lời nịnh bợ.

Những người chân chính sẽ có cái nhìn thấu đáo để đoán biết mục đích của người khác. Họ biết khả năng của bản thân tới đâu. Họ thông minh và đủ đứng đắn nên không thích nghe những lời nịnh bợ.

Đó là lý do vì sao người chân chính ít bị lừa gạt bởi sự xu nịnh.

 

Câu 4

Đoạn trích tuy không quá dài nhưng đã mang đến cho ta một thông điệp lớn: "không nên tin vào những lời xu nịnh". xung quanh ta luôn tồn tại những điều giả dối đáng sợ. Những lời nịnh bợ sẽ đầu độc những suy nghĩ của ta, chúng ta mắc sai lầm. Ta cần thật tỉnh táo để tránh tự đánh lừa bản thân.

 

Mời các bạn tìm đọc bài viết: Một số đề đọc hiểu và cách làm hay phần 2 nhé.

Thân!!!

NGƯỜI VIẾT: NGUYỄN MINH HÒA

Bài viết gợi ý: