Đề thi thử, kì thi THPT Quốc gia năm 2017
Phần Nghị luận văn học
Đề bài :
Nhận định về bài thơ “Việt Bắc”, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Sức hấp dẫn mạnh nhất của thơ Tố Hữu đối với công chúng đông đảo là tính dân tộc, tính truyền thống đậm đà và nhuần nhuyễn”. Anh/Chị hãy làm rõ nhận định đó qua đoạn thơ sau:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
(Việt Bắc, Tố Hữu)
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
* Mở bài:– Giới thiệu vài nét về tác giả Tố Hữu, hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc
– Nhận định về bài thơ “Việt Bắc”, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Sức hấp dẫn mạnh nhất của thơ Tố Hữu đối với công chúng đông đảo là tính dân tộc, tính truyền thống đậm đà và nhuần nhuyễn”. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ sau:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
(Việt Bắc, Tố Hữu)
* Thân bài:
– “Việt Bắc” là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca mà cội nguồn sâu xa của nó là tình cảm quê hương đất nước, là truyền thống ân nghĩa, đạo lý thuỷ chung của dân tộc.
– Tính dân tộc thể hiện ở mọi yếu tố từ nội dung đến hình thức của sáng tác văn học. Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu trước hết được xem xét toàn diện từ sự mô tả cuộc sống và đấu tranh độc đáo của dân tộc ta, sự phác họa con người Việt Nam với truyền thống đạo đức, đặc điểm tâm lý và tái hiện phong cảnh đất nước. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, thể thơ và nhạc điệu mang đậm màu sắc dân tộc.
+ Về nội dung, dễ dàng nhận thấy trước hết là tính dân tộc biểu hiện trong sự phản ánh màu sắc dân tộc của thiên nhiên, của đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Nội dung căn bản của tính dân tộc là ở tinh thần dân tộc, tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời.
+ Về hình thức, tính dân tộc biểu hiện ở chỗ: mỗi nền văn học dân tộc có hệ thống thể loại truyền thống, có các phương tiện miêu tả, biểu hiện riêng, nhất là có ngôn ngữ dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn của dân tộc mình.
– Cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ là nỗi nhớ về Việt Bắc:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.”
+ Tác giả sử dụng điệp ngữ hai lần “ta về”. Cùng một thời điểm chia tay nhưng ở trên là hỏi người, ở dưới là giãi bày lòng mình. Cặp từ “ta”, “mình” được xưng hô như cách đối đáp giao duyên của trai gái trong ca dao, dân ca khiến cho cuộc chia tay của người cán bộ và Việt Bắc thành cuộc “giã bạn” của lứa đôi. “Ta” là người cán bộ kháng chiến, “mình” là nhân dân Việt Bắc đang lưu luyến chia tay. Câu hỏi tu từ “mình có nhớ ta” thể hiện sự lưu luyến của người đi, kẻ ở.
+ “Nhớ hoa” là nhớ thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng làm đắm say lòng người. “Nhớ người” là nhớ người dân Việt Bắc từng cưu mang, gắn bó, đồng cam cộng khổ với cán bộ cách mạng.
Bức tranh mùa đông:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
– Hoa chuối rừng đỏ như son nổi bật trên nền xanh bạt ngàn của lá. Sự “tương phản” của hai màu xanh, đỏ làm cho núi rừng bớt hoang vu, lạnh lẽo mà trở nên ấm áp hơn. Hoa chuối là bông hoa có thật chứ không mông mênh chóng tàn như những loài hoa khác.
– Vượt qua mùa đông lạnh giá, con người lên nương, lên rừng. Nghệ thuật đảo ngữ “nắng ánh” (động từ) là các luồng sáng của nắng chói lên bởi sự phản quang của lưỡi dao rừng thắt trên lưng người dân khi họ đi khai thác lâm, thổ sản. Đó là cái đẹp rất đời thường, rất giản dị của người lao động.
“Bức tranh mùa xuân:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.”
– Hoa mơ tinh khôi, thanh khiết phủ trắng cả cánh rừng, gợi cảm giác choáng ngợp trước cảnh thơ mộng. Âm điệu mạnh mẽ của hai chữ trắng rừng bộc lộ cảm giác ngỡ ngàng, hạnh phúc của con người. Một bài thơ khác, Tố Hữu cũng viết rất hay về mùa xuân của núi rừng Việt Bắc:
“Ôi sáng xuân nay xuân, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ.
Bác về nín lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”
(Xuân 41)
– Hình ảnh người lao động chuốt từng sợi giang rất nhịp nhàng, khoan thai. Động từ “chuốt” là làm cho thật nhẵn sợi giang để đan nón. Hai từ “chuốt” và “từng” gợi tả đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu thương chịu khó của người đan nón. Họ làm ra sản phẩm để phục vụ cho lao động và còn để tặng cán bộ kháng chiến.
Bức tranh mùa hạ:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.”
– Câu thơ sáu chữ xôn xao cả màu sắc lẫn âm thanh. Khi tiếng ve râm ran, cả một rừng phách như hối hả, nhanh chóng thay màu, cùng đồng loạt “đổ vàng”. Hai động từ “kêu” và “đổ” thể hiện không khí rạo rực rất đặc trưng của mùa hạ. Đổ vàng là ngả vàng hàng loạt hoặc là cây trút lá vàng. Hai câu thơ gợi nhắc ý thơ của Xuân Diệu:
“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.”
(Trích Thơ duyên)
– Hình ảnh người lao động: Cô gái đi hái măng, khơi dậy trong ta những rung động ngọt ngào, sâu lắng. Đọc câu thơ, ta nghe như có tiếng nhạc ngân nga bởi nghệ thuật gieo vần lưng (gái, hái) và điệp phụ âm đầu “m”(măng, một, mình). Cô gái say sưa lao động trong một không gian vui tươi, trong trẻo. Sự hiện diện của cô gái càng tăng thêm nét duyên dáng, trẻ trung cho bức tranh mùa hạ.
Bức tranh mùa thu:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
– Ánh trăng vàng êm dịu trải dài lên cảnh vật, gợi không khí thanh bình, yên ả. Từ “hòa bình” vừa khẳng định cuộc sống êm đềm, vừa nói đến sự thanh tĩnh của rừng khuya. Đêm trăng thu huyền ảo nơi núi rừng Việt Bắc thấp thoáng ước mơ thầm kính về cuộc sống thanh bình êm ả.
– Trên cái nền gợi cảm ấy văng vẳng “tiếng hát ân tình thủy chung” của ai đó nghe thật bâng khuâng, xao xuyến. Tiếng hát ấy chính là tấm lòng của người Việt Bắc, dù nghèo khó nhưng suốt đời thủy chung với cách mạng.
– Mỗi câu lục bát làm thành một bức tranh trong bộ tứ bình. Mỗi bức tranh có vẻ đẹp riêng hòa kết bên nhau tạo vẻ đẹp chung. Đó là sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc… Tiếng ve của mùa hè, tiếng hát của đêm thu, màu xanh của rừng già, sắc đỏ của hoa chuối, trắng tinh khôi của rừng mơ, vàng ửng của hoa phách… Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình ảnh con người hiện lên thật bình dị, thơ mộng trong công việc lao động hàng ngày.
– Nhận xét của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh hoàn toàn xác đáng. Trước hết qua đoạn thơ, trên phương diện nội dung ta thấy, phong cảnh thiên nhiên đất nước mang bản sắc Việt Nam.
+ Thiên nhiên không chỉ có vẻ đẹp tự tại, không chỉ hé mở cho những tâm hồn riêng lẻ mà gắn liền với quê hương đất nước với đời sống lao động và chiến đấu, với sinh hoạt với những vui buồn của mỗi người Việt Nam. Bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc” được xem là một trong những bức họa đẹp nhất của núi rừng con người Việt Bắc.
– Trên phương diện hình thức nghệ thuật, tính dân tộc trong nghệ thuật của thơ Tố Hữu được thể hiện ở những nét chính sau đây: ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, thể thơ đậm đà tính dân tộc.Lối cấu tứ, kết cấu giàu sắc thái ca dao,thể thơ dân tộc được vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo.
+ Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Tính dân tộc trong ngôn ngữ được thể hiện một cách đặc sắc trong đoạn thơ bức tranh tứ bình. Nhà thơ đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo cặp đại từ nhân xưng “mình”, “ta” của ca dao xưa. Ở đầu đoạn thơ, cặp đại từ “mình”, “ta” được sử dụng một cách sinh động, linh hoạt mang nhiều sắc thái ngữ nghĩa. Cách xưng hô “mình”, “ta” trong lời đối đáp vốn là cách xưng hô của những đôi bạn tình trong ca dao tình yêu.
+ Việt Bắc được viết theo thể thơ lục bát với lối kết cấu như lời đối đáp của một đôi trai gái lúc xa nhau. Lục bát là thể thơ dân tộc, nó ăn sâu bắt rễ trong nhân dân mang cốt cách thuần túy Việt Nam. Tố Hữu đã vận dụng điêu luyện sáng tạo thể thơ lục bát, mang âm điệu dịu dàng duyên dáng của ca dao dân ca. Tiếng hát, tiếng ngâm, lời ru đã chắp cánh cho thơ Tố Hữu bay đến mọi miền của đất nước. Thể thơ lục bát với những ưu thế của nó đã giúp tác giả chuyển tải được những tình cảm thiết tha của cả người đi và kẻ ở trong buổi tiễn biệt.
+ Tính dân tộc trong đoạn thơ còn thể hiện ở nhạc điệu, cách gieo vần. Âm điệu thơ của Tố Hữu có đặc trưng riêng đó là sự ngọt ngào, tha thiết. Nó mượt mà, uyển chuyển, đằm thắm như lời ru của mẹ bằng lối đối đáp ân tình. Tố Hữu rất tài tình trong việc phối hợp các âm thanh, từ ngữ, tiết tấu, vần điệu của ngôn ngữ tiếng Việt để tạo nên một ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, chứa đựng cảm xúc dân tộc.
+ Cũng trong đoạn thơ, ta bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân. Đó là hình ảnh “hoa mơ”, “hoa chuối”, “rừng xanh”, “đèo”, “trăng rọi hòa bình”,…hết sức nồng ấm và luôn ăn sâu trong tâm khảm của người Việt.
* Kết bài:
– Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.
– Có thể nói, đây là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất, tài hoa nhất thấm đẫm tinh thần dân tộc trong bài “Việt Bắc”. Nó góp phần làm cho bài thơ xứng đáng là viên ngọc sáng long lanh trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam.
Nguồn tài liệu : FB thầy Phan Thế Hoài