ÔN LUYỆN DẠNG ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 

ĐỀ 1: Anh/ chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi qua câu chuyện sau :

"Một cậu bé nhìn thấy cái kén cùa con bướm. Một hôm cái kén hở ra một cái khe nhỏ, cậu bé ngồi và lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ khi nó gắng sức để chui qua khe hở ấy. Nhưng có vẻ nó không đạt được gì cả.

Do đó cậu bé quyết định giúp con bướm bằng cách cắt khe hở cho to hẳn ra. Con bướm chui ra được ngay nhưng cơ thể nó bị phồng rộp và bé xíu, cánh của nó co lại. Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm, hi vọng rồi cái cánh sẽ đủ lớn để đỡ được cơ thể nó. Những chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Thực tế, con bướm đó sẽ phải bỏ ra suốt cả cuộc đời nó chỉ để bò trườn với cơ thể sưng phồng. Nó không bao giờ bay được."

(Hạt giống tâm hồn, First New, NXB TP HCM, Tr 123)

 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI :

 

I. Tìm hiểu đề:

- Dạng đề: Nghị luận xã hội từ một câu chuyện.

- Luận điểm:

+ Những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cơ hội cho con người tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định bản thân và tự hoàn thiện mình. ( ý chính)

+ Lòng tốt nếu không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng (ý phụ).

– Yêu cầu thao tác lập luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…

– Phạm vi tư liệu: Thực tế xã hội.

 

II. Lập dàn ý:

1. Mở bài:

- Giới thiệu câu chuyện.

2. Thân bài:

2.1 : Tóm tắt câu chuyện

- Câu chuyện đặt ra hai vấn đề:

+ Những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cơ hội cho con người tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định bản thân và tự hoàn thiện mình (ý chính).

+ Lòng tốt nếu không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng (ý phụ).

2.2. Bàn luận:

a. Tại sao những khó khăn thử thách trong cuộc sống là những cơ hội cho con người vươn lên?

– Khó khăn thử thách buộc con người phái phấn đấu không ngừng; khó khăn thử thách rèn cho con người có bản lĩnh,ý chí; khó khăn nhiều khi là động lực khích lệ con người hành động… Khi vượt qua thử thách, con người sẽ trưởng thành hơn (dẫn chứng).

– Nếu không có khó khăn thử thách, con người sẽ ỷ lại, không có môi trường để rèn luyện, phấn đấu, không có động lực để vươn lên… (dẫn chứng).

b. Tại sao lòng tốt không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng?

– Lòng tốt rất cần trong cuộc sống…

– Những lòng tốt phải thể hiện đúng cách, đúng chỗ, đúng lúc, hợp hoàn cảnh thì mới có tác dụng… (dẫn chứng).

2.3- Bài học nhận thức và hành động:

– Mối quan hệ giữa khó khăn và sự trợ giúp…

– Liên hệ bản thân.

3. Kết bài:

- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm (câu chuyện).

 

-----------------------------------------------

ĐỀ 2: Có ý kiến cho rằng: "Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác". Nhưng Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola, Bryan Dion lại khẳng định: "Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ mải đắm chìm trong quá khứ hay ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình."

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào trước những lời khuyên ấy.

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI :

 

1.Mở bài:

Nêu hai ý kiến cần nghị luận

2. Thân bài:

2.1- Giải thích ý kiến:

- Quá khứ: là cái đã qua, là thời gian đã qua.

- Hiện tại: là cái đang xảy ra, là thời gian đang sống.

- Tương lai: là cái chưa tới, có thể xảy ra, là thời gian sắp tới, sẽ tới.

- Bắn: ẩn dụ, chỉ thái độ, cách đối xử của con người với quá khứ, tương lai.

- Cuộc sống trôi qua kẽ tay: để cuộc sống trôi qua phí hoài, vô ích, thái độ thờ ơ với cuộc sống.

- Ý kiến thứ nhất: Bằng cách nói hình ảnh: bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác, cách dùng hình ảnh mang ý nghĩa tăng tiến: súng lục- đại bác, người nói muốn khẳng định: Cách đối xử của mỗi người với quá khứ như thế nào thì tương lai họ nhận được sẽ như thế, thậm chí còn tồi tệ hơn thế. Câu nói đề nghị một lối sống, một thái độ sống: trân trọng quá khứ, biết ơn quá khứ.

- Ý kiến thứ hai: Bằng cách nói nhấn mạnh, phủ định để khẳng định: chớ để…chỉ bằng cách… sống trọn vẹn từng ngày, người nói muốn đề nghị một lối sống: trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại, sống hết mình trong hiện tại.

- Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng kì thực là sự bổ sung ý nghĩa cho nhau, cùng hướng con người tới một lối sống, một thái độ sống tích cực, đúng đắn: sống là phải biết trân trọng quá khứ, biết ơn nguồn cội. Song đồng thời phải biết đón nhận hiện tại, sống hết mình cho hiện tại và biết vun đắp cho tương lai.

2. 2- Bàn luận:

a. Phân tích - chứng minh:

- Tại sao sống là phải biết trân trọng quá khứ?

+ Quá khứ là truyền thống, là lịch sử, là nguồn cội, tổ tiên, là văn hoá, văn minh xưa… Quá khứ là những gì đã xảy ra, trôi qua, không bao giờ lấy lại được. Do đó, con người phải biết trân trọng quá khứ, nguồn cội…, trân trọng chính mình.

+ Vì phải có quá khứ mới có hiện tại và tương lai, với quá khứ người ta xây dựng hiện tại và tương lai.

+ Quá khứ chính là tấm gương soi để con người tự nhận thức và rút ra những bài học kinh nghiệm quí báu cho mình.

+ Nếu con người quay lưng, “bắn vào quá khứ”, con người sẽ trở thành những kẻ vô ơn, bạc nghĩa. Họ sẽ bị tương lai đáp trả hậu quả tương xứng.

Một số ví dụ cụ thể có thể tham khảo:

Nếu cha mẹ không kính trọng ông bà, quay lưng lại truyền thống, nguồn cội… thì khó mà dạy nổi con cháu; sau này họ cũng dễ bị con cháu khinh thường.

Đối với một quốc gia dân tộc, trong quá trình hội nhập văn hoá, nếu không biết giữ gìn bản sắc, sẽ dễ bị diệt vong.

vv…

- Tại sao phải biết trân trọng hiện tại, sống hết mình cho hiện tại?

+ Vì hiện tại là cái đang hiện hữu, con người xây đắp những thứ quan trọng nhất trong hiện tại: những giá trị vật chất, những giá trị tinh thần…

+ Hiện tại hôm nay cũng sẽ trở thành quá khứ ngày mai. Đời người là hữu hạn. Vì thế, nếu con người lãng quên hiện tại, tất yếu họ sẽ luôn phải nuối tiếc những gì đã trôi qua, không đạt được.

+ Quá khứ dù đẹp đẽ, thiêng liêng, cũng là cái đã qua. Tương lai dù hấp dẫn nhưng nếu ta không thực hiện hôm nay thì cũng chỉ là mơ ước. Bởi vậy, mỗi người cần biết sống thực sự, ngay trong hiện tại.

b. Bình luận (Mở rộng):

- Trân trọng quá khứ là như thế nào?

- Trân trọng hiện tại, sống hết mình trong hiện tại là ra sao?

- Nêu một số lối sống, thái độ sống chưa hợp lí:

+ Hoặc quá đề cao quá khứ mà coi nhẹ hiện tại.

+ Hoặc chạy theo chủ nghĩa hiện sinh, thực dụng mà lãng quên quá khứ.

2.3- Bài học nhận thức, hành động của bản thân.

3. Kết bài:

Khẳng định sự dung hòa của hai ý kiến.

Bài viết gợi ý: