Đề bài: Phân tích bài thơ Đàn Ghi Ta của Lor-Ca của Thanh Thảo.
Bài làm
Được chú ý trên thi đàn từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thơ Thanh Thảo chứa đựng nhiêu suy tư nghiêm túc về thế hệ mình, về quyền tự vệ chính đáng của dân tộc. Cái tôi công dân nhiệt huyết tự biểu lộ qua những câu hỏi mang chiều sâu nhận thức đã tránh cho thơ ông sự ồn ào dễ dãi. Từ khi đất nước hoà bình rồi đổi mới, Thanh Thảo vẫn giữ nguyên được niềm say mê với thơ và vẫn là tác giả được bạn đọc chờ đợi. Có thể nhận ra hai đối tượng thấm mĩ mà ông tha thiết nhất : đó là những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do, thanh cao, bất khuất và những cái đẹp lặng thầm bé nhỏ mà xiết bao kì diệu - cái đẹp giản dị như Tự nhiên, vô tư như Tự nhiên : "những giọt sương lặn vào cỏ - qua nắng gắt, qua bão tố - vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh - vẫn long lanh bình thản trước vầng dương" (Bùng nổ của mùa xuân). Nhưng Thanh Thảo còn tha thiết hơn với việc kiếm tìm những khả năng biểu đạt mới mẻ, hiệu quả hơn cho thơ. Trong xu hướng vận động tích cực, mạnh mẽ của cả nền văn học Việt Nam từ sau năm 1975, Thanh Thảo thuộc số những người có nhiều nỗ lực thể nghiệm cách tân thơ táo bạo, đầy tâm huyết. Năm 1985, ông cho xuất bản tập Khối vuông ru bích và nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng. Tên tập thơ không chỉ thể hiện một quan niệm về tính đa chiều của cuộc sống mà còn là cách hình dung của tác giả về cấu trúc thơ: một mô hình mở, khước từ mọi khuôn mẫu ổn định, quen thuộc để giải phóng cảm xúc và tưởng tượng (trong trò chơi ru bích, người chơi tự do xoay chuyển các ô màu để thử nghiệm những phương án mà mình chọn, cuối cùng tìm ra được cơ chế vận hành thống nhất của chúng). Đàn ghi ta của Lor-ca là một thi phẩm thành công, kết tinh nhiều nỗ lực tìm tòi sáng tạo của thơ Thanh Thảo theo hướng hiện đại hoá. Bài thơ mượn cây, đàn, đúng hơn, tiếng đàn, để diễn tả nhân cách cao đẹp cùng số phận oan khuất của người nghệ sĩ Tây Ban Nha tài hoa đã khiến ông ngưỡng mộ và xúc động sâu sắc. Lor-ca được tôn vinh là "con hoạ mi" của thơ ca Tây Ban Nha thế kỉ XX. Thơ ông rất giàu chất nhạc dân gian vùng An-đa-lu-xi-a và chắc chắn tình yêu âm nhạc đã xui khiến thi nhân làm người du ca tự nguyện đổ hát lên cùng cây đàn những vẻ đẹp thơ của cuộc đời. Thanh Thảo đã cố gắng khắc hoạ hình tượng Lor-ca thi sĩ - ca sĩ trong một bài thơ vừa dồi dào nhạc tính, vừa có dáng dấp một ca khúc, không chỉ có hình ảnh cây đàn mà còn cả những lời thơ mô phỏng cách đệm đàn, hình ảnh, và âm thanh tiếng đàn ghi ta (tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh, li-la li-la li-la).
Việc khai thác các đặc tính của những loại hình nghệ thuật khác để làm giàu thêm khả năng thơ đã được biết đến từ lâu nhưng khi điều này trở thành ý thức tự giác về bút pháp thì nhất định nó phải được dẫn đường bởi một quan niệm sáng tạo mới mẻ : hình thức phải mang tính nội dung, hình thức phải là một nội dung của sự sáng tạo. Ngoài dáng dấp ca khúc và ít nhiều cả lối diễn tấu ghi ta, nhà thơ Việt Nam còn đưa vào nhiều chi tiết, hình ảnh, ý thơ của chính Lor-ca để mở ra một trường nghĩa "liên văn bản" rộng rãi (ví dụ những câu trong bài Ghi nhớ : "Khi nào tôi chết - hãy vùi xác tôi cùng cây đàn - dưới lớp cát", hình ảnh "trái chanh vàng nho nhỏ" và lời để nghị "Hãy ném trái chanh nho nhỏ ấy - vào gió" trong bài Than thở về cái chết). Với Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo đã tạo ra hình thức "lai ghép" thơ - nhạc thật độc đáo.
Sự đồng cảm sâu sắc giữa người làm thơ và đối tượng cảm xúc thể hiện đầu tiên ở khả năng hoà nhập. Chỉ qua mấy nét chấm phá ban đầu, bài thơ ngay lập tức gợi được hình tượng Lor-ca trên cái "nền" đặc trưng của văn hoá Tây Ban Nha :
những tiếng đàn bọt nước Tây Ban Nha
áo choàng đỏ gắt li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn.
Trật tự từ và hình ảnh không kết hợp theo nguyên tắc tả thực rành rõ của lô gích lí tính thông thường mà như ngẫu hứng, như phi lí. Tính bất thường này có thể đưa đến nhiều cách "diễn dịch" khác nhau nhưng chắc chắn sẽ có một ấn tượng chung về hình tượng người nghệ sĩ cô đơn mà kiêu hãnh trên con đường thăm thẳm của tự do và cái đẹp. Hành trình ấy đối lập với bạo lực và xiềng xích cũng như "tiếng đàn bọt nước" (tượng trưng cho cái bé nhỏ / phù du hay giản dị mát lành) đối lập với "áo choàng đỏ gắt" (tượng trưng cho tai họa / chết chóc). Trong tương quan đối lập này, số phận người nghệ sĩ thật mong manh :
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du.
Giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời Lor-ca được tái hiên thật ngắn gọn và đặc sắc : tiếng hát "nghêu ngao" - tiếng hát vô tư, vô hại lại đưa đến hậu quả tàn khốc : "áo choàng bê bết đỏ". Sự bất công này, tội ác nàỵ nằm ngoài cái đẹp, không bao giờ thuộc về cái đẹp nên làm sao Lor-ca hiểu ? Phản ứng của chàng ("kinh hoàng", "đi như người mộng du") là nỗi xót xa ngàn đời trước tình thế không thể tự vệ của những nghệ sĩ như chàng khi "bị điệu về bãi bắn". Nhịp điệu đứt gãy của những câu thơ này làm bùng nổ cảm xúc ở người đọc, nó nén một tiếng kêu bi phẫn không sao cất thành lời chính vì cái vẻ "mộng du" kia.
Vẫn lối kết hợp từ phóng túng mà cô đúc, Thanh Thảo dành cho độc giả một biên độ thênh thang của liên tưởng, tưởng tượng : Tây Ban Nha (không có định ngữ "áo choàng đỏ gắt") có cùng ý nghĩa với "Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt" ở trên hay là một Tây Ban Nha thân yêu mà Lor-ca cất lời ca ngợi ? Chiếc "áo choàng bê bết đỏ" là nỗi "kinh hoàng" của Lor-ca hay của cả dân tộc chàng đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu ?
Thanh Thảo đã từng viết : "Lor-ca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói, một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lor-ca siêu thực một cách tự nhiên, và hiện thực một cách tự nhiên". Với Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo đã nỗ lực làm cuộc kiếm tìm nhịp điệu quyến rũ của những giấc mơ, những xúc cảm hân hoan và đau đớn, buồn phiền và dịu dàng mà chàng thi sĩ Tây Ban Nha kí thác vào những bài ca sâu thẳm "thật sâu, sâu hơn nhiều so với tất cả các giếng sâu và mọi vùng biển bao quanh thế giới, sâu hơn nhiều so với con tim hiện tại tạo ra nó và so với tiếng hát nó hát lên, là vì nó hầu như vô tận (Lor-ca) . Đây là những vần thơ Lor-ca từng viết về cây đàn ghi ta :
Cây đàn ghi ta
cất tiếng thở than.
Những cốc rượu ban mai
sóng sánh đổ tràn.
Cây đàn ghi ta
bắt đầu lời ai oán.
Dỗ nó nín đi
phỏng có ích gì
Chẳng thể nào
làm cây đàn im tiếng.
Nó van vỉ
như dòng nước sâu thổn thức
như gió thở dài
trên đỉnh tuyết lạnh băng.
Nó khóc cho những chuyện xa xăm.
Khóc cho cát miền Nam khô khan nóng cháy
kêu đòi cành trà bạch đoá trinh nguyên.
Khóc cho mũi tên bay không tới đích,
khóc buổi chiều hôm dài mãi chẳng hình minh,
khóc cho con chim non vừa gục chết,
mới đậu trên cành giây phút đầu tiên,
Ơi ghi ta!
Trái tim ngươi tử thương
dưới năm đầu kiếm sắc.
Tâm hồn Lor-ca xao động đầy tràn mộng mị và linh cảm. Nhưng làm thế nào để diễn giải nó ? Chắc chắn, cũng chỉ có thể tìm đến thứ ngôn từ mộng mị, đầy tràn linh cảm như thế, như bài thơ của Thanh Thảo.
Đàn ghi ta, với Lor-ca, có lẽ không chỉ là một nhạc cụ thân thiết, là tình yêu thi sĩ dành cho âm nhạc, mà còn là định mộĩih : "khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn". Hơn cả định mệnh, nhà thơ Việt Nam Thanh Thảo cảm nhận nó là tâm hồn, là linh hồn của thi sĩ Lor-ca. Nó chính là sự bất diệt ("những tiếng đàn bọt nước", "đi lang thang về miền đơn độc").
Miêu tả âm thanh, ở dạng đơn giản, là sự mô phỏng. Ở một mức cao hơn, là sự mô phỏng bằng hình dung về những tính chất. Ví dụ : "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nứa vời" (Truyện Kiều), những hình dung dù rất đẹp, vẫn nhằm "minh họa", "mô phỏng" cho cái "trong" "đục" của âm thanh. Nhưng cẩm nhận của Thanh Thảo đã nghiêng về cảm nhận của giấc mơ, không cần một sự tương đương trong hiện thực, nó đầy dư ba và sức gợi liên tưởng:
- những tiếng đàn bọt nước
- tiếng ghi ta nâu bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Những điệp khúc tạo hình âm nhạc bằng chính nhịp điệu, và bằng hình ảnh (bọt nước, tròn bọt nước vỡ tan, ròng ròng, máu chảy) bằng màu sắc (nâu, xanh biết mấy), bằng liên tưởng (Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt, bầu trời cô gái ấy,...). Sự kết hợp ngẫu hứng các từ ngữ thường thấy trong lối thơ tượng trưng cũng là sự kết hợp của kiểu tư duy âm nhạc. Đặc biệt, với "tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy", âm nhạc đã thành thân phận. Nó là tiếng van vỉ than khóc của "trái tim tử thương" trong thơ Lor-ca, nó chính là định mệnh nghiệt ngã của người nghệ sĩ yêu tự do và cái đẹp - người chiến sĩ kiên cường đã chết dưới tay phát xít. Thanh Thảo đã tượng trưng hoá âm thanh :
không ai chôn cất tiếng đàn.
Tiếng đàn trở thành linh hồn, hơn thế, thành cả thân thể, thành một sinh thể, một thân phận... (Câu thơ làm ta liên tưởng đến câu thơ Nguyễn Du thác lời Thuý Kiều nói về lẽ tử sinh : "Thác là thể phách, còn là tinh anh"). Bọn phát xít có thể giết Lor-ca nhưng làm sao giết được tiếng thơ, tiếng đàn người nghệ sĩ ấy để lại trong lòng dân chúng ? "Không ai chôn cất tiếng đàn" vì đó là điều không thể. Kẻ thù muốn xoá tên tuổi Lor-ca như đã hèn hạ vùi xác ông trong một nấm mồ vô danh nào đó nhưng chúng làm sao chôn được tiếng đàn mãi còn "thở than", "ai oán", "van vỉ" và "khóc" cùng con tim những người dân Tây Ban Nha bị tước đoạt tự do, bị đẩy vào loạn li binh lửa! Sau khi Lor-ca bị thủ tiêu, có nguồn tin nói rằng bọn phát xít đã bí mật quăng xác ông xuống giếng. Câu thơ này ít nhiều gợi lại chi tiết đó. Điều quan trọng mà Thanh Thảo khẳng định ở đây chính là chân lí về sự bất tử : có thể giết chết con người nhưng không thể tiêu diệt được khát vọng sống của con người. Khát vọng ấy Lor-ca đã "phổ" vào tiếng đàn và giờ đây nó vẫn đang lên tiếng, đang sinh sôi mãnh liệt bằng sức sống tự nhiên không gì chặn nổi : "tiếng đàn như cỏ mọc hoang". Có bao nhiêu lần Thanh Thảo đã dùng "cỏ" tượng trưng cho sự bất khuất, cho sức sống trường tồn (Dấu chân qua trảng cỏ, cỏ vẫn mọc,...). "Cỏ hoang" là thứ vô danh, chẳng chút cao sang quý phái nhưng khả năng sinh tồn thì thật phi thường. So sánh tiếng đàn Lor-ca với "cỏ mọc hoang" là một so sánh lạ nhưng hợp lí, nhất quán trong bút pháp tạo hình tượng trưng hoá của bài thơ.
Hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng - long lanh trong đáy giếng" tuy có thấp thoáng gợi lại cái chết oan khuất của Lor-ca nhưng ấn tượng nổi bật vẫn là một vẻ đẹp cao khiết, rạng ngời. Phép tỉnh lược (bỏ bớt từ) làm cho mối liên kết giữa các hình ảnh trở nên linh động, biến ảo và trường liên tưởng của người đọc được kích thích mạnh. "Giọt nước mắt" của ai ? Lor-ca ? Nhân dân Tây Ban Nha ? Hay Thanh Thảo ? "Giọt nước mắt" như "vầng trăng" hay "giọt nước mắt" là "vầng trăng" ? Hay cả hai ? Lô gích ngữ pháp có vẻ bị phá vỡ nhưng ấn tượng về nỗi đau và vẻ đẹp mà hình ảnh thơ chuyển tải thì rất tự nhiên, sâu sắc. Thêm nữa, hoàn toàn có thể coi hình ảnh "giọt nước mắt vầng ưãng" như một ẩn dụ tượng trưng rất giàu sức gợi cảm của huyền thoại : giọt nước mắt hoá ra vầng trăng, giọt nước mắt là cái đẹp thiên nhiên vĩnh cửu, là tình yêu,... Nhiều bạn đọc Việt Nam hẳn sẽ nhớ lại những giọt nước mắt có khả năng giải oan, tái sinh tình yêu và cái đẹp như vậy (chẳng hạn : Giọt nước mắt trong các truyền thuyết Trương Chi, Mị Châu - Trọng Thuỷ). Từ kí ức văn hoá và từ cuộc đời Lor-ca, Thanh Thảo tạo dựng một huyền thoại khác :
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc.
"Đường chỉ tay đã đứt", định mệnh nghiệt ngã đã cắt ngang sự sống của Lor-ca, chàng trở về với tự nhiên, về với thế giới vĩnh hằng trong dáng vẻ nghệ sĩ của mình. Trong thế giới siêu thoát ấy, cây ghi ta của chàng thành con thuyền đẹp và huyền bí. Nó phải là "chiếc ghi ta màu bạc". Người Việt chúng ta hay nói đến sự tẩy rửa, và "nước" hoặc "sông" gắn với sự tẩy rửa này bởi qua cái chết, Lor-ca tìm một sự bình yên. Nhưng phía sau chàng là những gì chàng đã thương yêu, khao khát. Giã từ thế nào đây'?
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...
Giây phút cuối cùng thi sĩ chỉ hiện diện duy nhất bằng trái tim - cũng là lá bùa, là định mệnh - đã trở thành chàng Đan-kô, để âm thanh vang nhịp đập con tim mãi đầy hương thơm với điệp khúc "li - la li - la..." (li la còn là tên một loài hoa xứ Tây Ban Nha). Giấc mơ "tiếng đàn bọt nước", giấc mơ âm thanh "li - la li - la li - la" vừa ngân vang nhạc vừa đọng hương siêu thực.
Bài thơ còn vẽ lên hình ảnh một hành trình nghệ sĩ : "đi lang thang vể miền đơn độc - với vầng trăng chếnh choáng - trên yên ngựa mỏi mòn" ; người thi sĩ - chiến sĩ hát nghêu ngao "bị điêu về bãi bắn", "đi như người mộng du", nhưng linh hồn chàng - tiếng ghi ta ấy - thì hoá màu sắc, thanh âm, máu chảy,...Theo bước chân lãng tử, theo câu thơ lãng tử, người đọc chứng kiến một sự sống Lor-ca, cái chết Lor-ca và sự bất diệt Lor-ca. Đó là huyền thoại về một con người, một nghệ sĩ, một chiến sĩ, về một xứ sở và về chính nghệ thuât, âm nhạc, thi ca,...
Bài thơ đem đến một âm hưởng lạ bởi cấu trúc trùng điệp, gợi cảm và một không gian lạ. Không gian lạ được tạo dựng không phải chỉ là hình ảnh Lor-ca với Tây Ban Nha, nơi màu áo choàng đỏ gắt của các võ sĩ đấu bò tót đã là nét văn hoá không thể thiếu, mà còn là những liên tưởng thơ mang tính siêu thực : "những tiếng đàn bọt nước", "vầng trăng chếnh choáng", "tiếng ghi ta nâu", "tiếng ghi ta xanh biết mấy", "bầu trời cô gái" Di-gan, "tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy",...
Thanh Thảo chưa đi đến sự phi lí huyền hoặc, bài thơ vẫn còn những câu thơ nhiều lí tính : " tiếng đàn như cỏ mọc hoang". Câu thơ này làm nhớ một câu thơ của Chế Lan Viên : " cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên". Cũng chạm đến cái hoang đường, nhưng cái hoang đường, mộng mị ở Thanh Thảo còn bị níu giữ bởi ngôn từ tuyến tính khi thêm một từ "như" chặn ngang sự tự do và làm giới hạn liên tưởng thơ.
Dù vậy, về cơ bản trong toàn bộ bài thơ, ngôn ngữ đã nhập vào những giấc mơ, những cơn mộng, nhập vào âm nhạc,... Giữa nhiều bài thơ "tỉnh rụi, tỉnh khô, tỉnh như sáo..." của tập Khối vuông ru bích, Đàn ghi ta của Lor-ca là một khúc nhạc đẫm chất trữ tình, chếnh choáng ánh sáng, hương thơm. Cảm giác "tan chảy" trong sự sống tưởng tượng, có lẽ là cảm giác đẹp nhất khi đọc thi phẩm này. Nó cũng là cảm giác mà nhiều bài thơ của Lor-ca đem lại, dù chỉ là qua bản dịch. "Tan chảy" nghĩa là hoá thân, đồng nhập, là chỉ có thể thấu hết bằng im lặng - như chính Lor-ca định nghĩa :
Đó là một im lặng uốn lượn,
một im lặng
nơi lướt qua những thung lũng và những vọng âm
một im lặng uốn cong những vầng trán
xuống mãi tận mặt đất.
(Im lặng, trong tập Thơ Lor-ca,
bản dịch của Diễm Châu, nguồn : tienve.org)