Hướng dẫn

Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu; vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến đã được Tố Hữu khắc hoạ ra sao?

Gợi ý:

a) Tác giả nhớ về những kỉ niệm kháng chiến, những khung cảnh rộng lớn, những hoạt động tấp nập, sôi nổi của dân công và chiến sĩ.

– Đó là vẻ đẹp của “thế trận” rừng núi đã cùng ta đánh giặc:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng câynúi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành luỹ sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

– Đó là khung cảnh hùng tráng của bức tranh “Việt Bắc xuất quân”, đầy hào khí, chỉ mới ra quân mà như đã cầm chắc chiến tháng trong tay:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc tùng đoàn

Bước chân nứt đá muôn tàn lửa bay…

Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu đã được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ thật đẹp và đầy ấn tượng.

b) Vai trò của Việt Bắc: là chiếc nôi của cách mạng và kháng chiến, nơi nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở cho cán bộ chiến sĩ ra từ những ngày đầu của cách mạng và sau này là kháng chiến chống Pháp.

Nêu rõ nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng đại từ xung hô mình – ta trong bài thơ Việt Bắc.

Gợi ý:

a) Nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng cặp đại từ “mình” và “ta”

– Mình và ta là cách xưng hô quen thuộc trong ca dao được Tố Hữu đưa vào trong thơ một cách tự nhiên.

– Tác giả cũng đã vận dụng một cách tài tình cảm xúc dân dã, ngọt ngào, đằm thắm của ca dao dân ca trong cặp từmình – ta.

b) Chọn một trường hợp sử dụng mình – ta trong bài thơ, sau đó phân tích cách sử dụng đại từ xưng hô đó để nêu rõ nét tài hoa của Tố Hữu.

Bức tranh "Việt Bắc ra quân" là một bức tranh hùng tráng, tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta. Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để làm sáng tỏ:

Những đường Việt Bắc của ta…

… Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Dàn ý tham khảo

1. Mở bài

Việt Bắc không chỉ là khúc ca ân tình mà còn là bản tổng kết bằng thơ mười lăm năm cách mạng. Bên cạnh những đoạn thơ trữ tình ngọt ngào, ta lại gặp những khúc anh hùng ca tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta, mà tiêu biểu là bức tranh Việt Bắc ra quân (Ghi lại tám câu thơ đề bài).

2. Thân bài

Bức tranh Việt Bắc ra quân đã được Tố Hữumiêu tả thật là hoành tráng, với hào khí ngất trời của những con người mới xuất quân mà như đã cầm chắc chiến thắng trong tay.

a) Nét tả khái quát (câu 1, 2)

Tác giả tả con đường ra trận nhưng là để nói lên khí thế dũng mãnh của những người ra trận:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung.

Tưởng như mặt đất cũng đang chuyển động dưới bàn chân nhũng người chiến sĩ trong một cuộc ra quân vĩ đại từ khắp các ngả đường của căn cứ địa cách mạng.

b) Hình ảnh đoàn quân (câu 3, 4)

Hình ảnh "quân đi" rất đẹp, đẹp trong đội ngũ điệp điệp trùng trùng như một sức mạnh vô tận, đẹp trong "ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan gợi nhớ hình ảnh đầu súng trăng treo trong thơ Chính Hữu. Cái ánh sao ởđây vừa như gần gũi thân quen với mũ nan của anh, lại như rực sáng lí tưởng trên đầu mũi súng người lính. Một hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ.

c) Hình ảnh đoàn dân công (câu 5, 6)

Hai câu 5, 6 là hình ảnh những đoàn dân công phục vụ tiền tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn,

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ban ngày là của địch nhưng ban đêm là của ta. Hình ảnh những đoàn dân công đỏ đuốc đi trong đêm là đúng với hiện thực. Nhưng với ánh đuốc đỏ rực ấy cùng với muôn tàn lửa bay thì lại càng lãng mạn biết bao. Có khác gì một hội hoa đăng! Còn bước chân nát đá là bước chân của những con người đạp bằng mọi chông gai đểđi tới. Lấy ý từ câu ca dao "trông cho chân cứng đá mềm", Tố Hữu đã sáng tạo nên một hình ảnh thơ vừa quen thuộc vừa mới lạ để ngợi ca sức mạnh của những con người chiến thắng.

d) Hình ảnh đoàn xe (câu 7, 8)

Hai câu cuối là hình ảnh nhũng đoàn xe ra trận mà đèn pha bật sáng quét sạch màn sương đêm dày thăm thẳm của núi rừng Việt Bắc. Rất hiện thực mà cũng rất lãng mạn. Đằng sau cái nghĩa thực, câu thơ còn mang nghĩa bóng – nghĩa tượng trưng trong một hình ảnh lạc quan phơi phới:

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Ngày mai đã lên từ trong đêm dày thăm thẳm nhờ đèn pha bật sáng, nhờ sức con người toả sáng. Bởi họ đã cầm chắc chiến thắng trong tay ngay từ khi mới xuất quân. Câu thơ để lại nhiều dư vị, dư vang về một cảnh ra quân hoành tráng, đầy hào khí.

3. Kết bài

Chỉ tám câu thơ, Tố Hữu đã dựng nên bức tranh Việt Bắc ra quân thật đẹp. Bức tranh không chỉ làm sống dậy những ngày tháng hào hùng của quân dân ta trên căn cứ địa thần thánh, mà còn đem đến cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Nó xúng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc.

Việt Bắc cũng rất tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu và nghệ thuật biểu hiện giàu tỉnh dân tộc của thơ ông

(Sách Giáo viên văn 12, 1992).

Hãy chứng minh điều đó qua đoạn trích hai mươi câu thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tổ Hữu.

Dàn ý tham khảo

1. Mở bài

Thơ Tố Hữu dễ đến với mọi tấm lòng, không chỉ vì nội dung mà còn dogiọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc. Điều này được bộc lộ khá rõ trong phần đầu bài thơ Việt Bắc.

2. Thân bài

a) Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu trong Việt Bắc

a1. Bài thơ nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng thi sĩ lại dùng giọngcủa tình thương, lời của người yêu để trò truyện, giãi bày tâm sự. Cả bài thơ được viết theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao, dân ca, và phần đầu này cũng thế – nó là lời giãi bày tâm sự giữa người đi (người về xuôi) với người ở lại là đồng bào Việt Bắc. Mười lăm năm cách mạng thành mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng, người đi người ở thành mình – ta, ta – mình quấn quýt bên nhau trong một mối ân tình sâu nặng.

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

a2. Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết ấy tạo nên âm hưởng trữ tình sâu đậm của khúc hát ân tình cách mạng Việt Bắc, từ khúc hát dạo đầu Mình về mình có nhớ ta… đến những lời nhắn gửi, giãi bày Mình đi có nhớ những ngày… Mình về rừng núi nhớ ai… Ta đi ta nhớ những ngày – Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…, đến những nỗi nhớ da diết sâu nặng:

Nhớ gì như nhớ người yêu,

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.

Nhớ từng bản khói cùng sương,

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng,

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

b) Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc trong Việt Bắc

b1. Thể thơ:

Trong phần đầu (cũng như cả bài thơ), Tố Hữu đã sử dụng thể thơ dân tộc, đó là thể thơ lục bát. Thi sĩ đã nhuần nhuyễn thể thơ này và có những biến hoá, sáng tạo cho phù hợp với nội dung, tình ý câu thơ. Có câu tha thiết, sâu lắng như bốn câu mở đầu, có câu nhẹ nhàng thơ mộng (Nhớgì như nhớ người yêu…) lại có đoạn hùng tráng như một khúc anh hùng ca (Những đưòng Việt Bắc của ta… Đèn pha bật sáng như ngày mai lên)

b2. Kết cấu:

Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca là kết cấu mang đậm tính dân tộc. Nhờ hình thức kết cấu này mà bài thơ có thể đi suốt một trăm năm mươi câu lục bát không bị nhàn chán.

b3. Hình ảnh:

Tố Hữu có tài sử dụng hình ảnh dân tộc một cách tự nhiên và sáng tạo trong bài thơ: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; mưa nguồn suối lũ; bước chân nát đá (sáng tạo từ câu ca dao: trông cho chân cứng đá mềm). Có những hình ảnh chắt lọc từ cuộc sống thực cũng đậm tính dân tộc: miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai; hắt hiu lau xám, đậm đà lòng sonvà đặc biệt là hình ảnh đậm đà của tình giai cấp:

Thương nhau, chia củ sắn lùi,

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

b4. Ngôn ngữ:

Tính dân tộc được thể hiện rõ nhất trong cặp đại từ nhân xưng ta – mình mình – ta quấn quýt với nhau và đại từ phiến chỉ ai. Đây là một sáng tạo độc đáo và cũng là một thành công trong ngôn ngữ thơ ca của Tố Hữu.

b5. Nhạc điệu:

Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc với thể thơ lục bát nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hoá, sáng tạo, không có đơn điệu (có lúc hùng tráng như cảnh "Việt Bắc ra quân", trang nghiêm như cảnh buối họp của trung ương, chính phủ…).

3. Kết bài

Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc của Tố Hữu đã góp phần quan trọng vào thành công của bài thơ Việt Bắc, làm cho nó nhanh chóng đến với người đọc và vẫn sống mãi trong lòng nhân dân ta từkhi ra đời cho đến hôm nay.

Bài viết gợi ý: