Những đề thi và bài văn hay phân tích bài Đàn ghi ta của lor ca. Hình tượng nhân vật Lor ca, Cảm nhận về bài thơ. Tuyển tập tài liệu ôn thi THPT Quốc gia .
Đề bài :Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…

  1. Lập dàn ý :

I/ Mở bài : Giới thiệu Thanh Thảo dẫn vào bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”. Nêu vấn đề : Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu là đoạn thơ sau : ( chép đoạn thơ vào)
II/ Thân bài :
1/ Khái quát về bài thơ, đoạn thơ :
Giới thiệu vài nét về Lor-ca…
-Nêu hoàn cảnh sáng tác, nội dung, bố cục vị trí đoạn thơ ở đề bài.
2/ Phân tích nội dung, nghệ thuật đoạn thơ :
a/ Bốn câu thơ đầu là suy ngẫm của nhà thơ Thanh Thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Lor-ca. Trích thơ, phân tích các ý:
– “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” là lời di chúc của Lor-ca
– “Không ai chôn cất tiếng đàn….mọc hoang” là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài, xót tiếc cho hành trình cách tân dang dở của Lor-ca và nghệ thuật Tây Ban Nha
– “Giọt nước mắt….đáy giếng”là cái chết không thể tiêu diệt được tâm hồn và sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca
b/ Những câu thơ còn lại tiếp tục là những suy tư của nhà thơ Thanh Thảo về cái chết, cuộc giã từ của Lor-ca. Trích thơ, phân tích các ý:
– Đường chỉ tay bé nhỏ, dòng sông rộng mênh mang, hay là phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì vô cùng. Lor-ca đi vào cõi khác với hình ảnh: “Lor-ca bơi sang ngang – trên chiếc ghi ta màu bạc”.
– Các hành động ném lá bùa, ném trái tim vào xoáy nước, vào cõi lặng yên đều mang nghĩa tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát, chia tay thực sự vời những ràng buộc và hệ luỵ trần gian…
c/ Nghệ thuật :
– Bút pháp vừa tả thực, vừa tượng trưng
– Chuỗi âm “li-la li-la li-la” kết thúc bài thơ gợi lên tiếng vang của chùm hợp âm vĩ thanh, sau khi phần chính của bản nhạc đã được diễn tấu xong, hoặc khi ca khúc đã dừng lời.
III/ Kết bài : Kết luận chung về hình tượng Lor-ca, cảm nghĩ về bài thơ,
B. Bài văn tham khảo
Mở bài:
Thanh Thảo là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Sau 1975, nhất là trong thời kỳ đổi mới văn học, ông có nhiều nỗ lực trong cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm qua hình thức thơ tự do, hiện đại bằng những hình ảnh và ngôn từ mới mẻ. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một tiêu biểu mà nổi bật là mười ba dòng thơ cuối trong bài thơ:
“dẫn chứng thơ 13 dòng thơ”
Thân bài :
Phần khái quát
– Khái quát
Lor-ca không chỉ là một nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia thiên tài mà còn là nhà chống phát xít kiên cường. Ông bị sát hại năm 1936. Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nhân cách và nghĩa khí dù số phận có thể ngang trái. Trong mạch cảm hứng ấy, trường hợp Lor-ca được xem là thành công hơn cả, mà ngay mười hai dòng đầu của bài thơ cũng đã rất đặc sắ
Bài thơ lấy cảm hứng từ những giây phút bi phẫn trong cuộc đời của Lor-ca và câu nói “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Ghi nhớ – Lor-ca) để sáng tác bài thơ này. Bài thơ in trong tập “Khối vuông Ru-bích”(1985). Bài thơ diễn tả hình ảnh Lor-ca và tâm trạng của nhà thơ Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha. Bài thơ gồm hai phần với sáu khổ thơ và một câu kết. Đoạn thơ trên là hai khổ cuối của bài thơ.
Phân tích cụ thể đoạn thơ :
Lorca đã hi sinh nhưng những kẻ thất bại lại chính là bè lũ phát xít. Bởi chúng chỉ có thể hủy diệt được thân xác của Lorca nhưng không thể hủy diệt được sức sống của anh đang bung nở giữa bản hòa tấu trầm hùng mang âm hưởng của những tiếng Ghi-ta nồng nàn vi diệu. Với thủ pháp nghệ thuật so sánh và liên tưởng, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian sinh tồn đầy sức sống mãnh liệt.
không ai chôn cất tiếng đàn
……………………………..
long lanh trong đáy giếng
Để hiểu những câu thơ trên, cần căn cứ vào lời di chúc của Lor-ca “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Di chúc của Lorca không người thực hiện (nỗi xót xa của Thanh Thảo). Không ai hiểu, không ai tri âm với Lorca. Lorca muốn sau khi mình qua đời, sự sáng tạo cũng chấm dứt thì hãy chôn nghệ thuật của mình đi để kẻ hậu sinh khỏi bị cái bóng của mình ngăn cản. Đó là đạo đức của một vĩ nhân-sẵn sàng hy sinh dang vọng cá nhân để cộng đồng phát triển.
Dựa vào cứ liệu ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã viết lên khổ thơ trên.Tất cả những hình ảnh trong khổ thơ đều có tính tượng trưng, đa nghĩa. “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài, là nỗi xót tiếc cho hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Bởi lẽ, nhà cách tân Lor-ca đã chết,nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường, vắng bóng người định hướng, nghệ thuật thành thứ “cỏ mọc hoang“. Hình ảnh so sánh “cỏ mọc hoang “gợi sức sống mãnh liệt và hoang dại của nghệ thuật chân chính như loài cỏ mọc hoang không gì có thể ngăn nổi chúng. Bởi có gì nhiều bằng cỏ? Có gì xanh bằng cỏ? Có gì mãnh liệt bằng cỏ trên mặt đất bao la? Đây chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của nghệ thuật. Dù Lor-ca hi sinh nhưng sản phẩm tinh thần mà ông để lại đó chính là tâm hồn mình, nghệ thuật của mình. Những bài ca tranh đấu của Lorca vẫn đồng hành cùng thời gian và đi cùng năm tháng thăng trầm của lịch sử và nó mãi mãi được hát vang trong lòng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Tác phẩm nghệ thuật là con đẻ của người nghệ sỹ nhưng khi nghệ sỹ đã trao nó cho công chúng thì sự sống chết mất còn là do sức sống của chính tác phẩm quyết định. Nhiều khi trái tim nghệ sỹ đã ngừng đập nhưng nghệ thuật của họ vẫn tồn tại có khi vĩnh hằng (chỉ riêng nghệ thuật có thể đứng ngoài cái chết – Sê đư rin).
Tuy nhiên, đỉnh điểm của lời ca ngợi vẫn là hai câu thơ:
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Câu thơ viết theo lối sắp đặt- bị lược bỏ những quan hệ từ làm cho bạn đọc tha hồ liên tưởng, sáng tạo cùng tác giả. Nước mắt biểu tượng cho tình thương, cho sự tri âm. Vầng trăng biểu tượng cho nghệ thuật (của Lorca). Hai câu thơ khẳng định quân thù dù quẳng xác Lorca xuống giếng để phi tang nhưng tình yêu và cái đẹp trong thơ Lorca đã kết thành thứ ánh sáng kì ảo vĩnh hằng trong tâm hồn các thế hệ sau. Không chỉ bất tử, tiếng đàn của chàng ca sĩ hát rong còn mang vẻ đẹp của giọt nước mắt vầng trăng. Một hình ảnh mang nhiều liên tưởng gợi nhiều thi vị. Phải chăng đó chính là vẻ đẹp của nghệ thuật được kết tinh từ những giọt mồ hôi, từ máu và nước mắt của sự lao động nghệ thuật chân chính qua bao thời gian công sức đã nhào nặn thành viên ngọc lấp lánh mang hình hài của giọt nước mắt vầng trăng tinh khiết. Hay đó chính là vẻ đẹp của cuộc đời Lorca đã hóa thân thành viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa đời. Bất ngờ thay, nơi đáy giếng tối tăm và lạnh lẽo, nơi mà bọn phát xít ngỡ tưởng đã vùi lấp được linh hồn và thể xác của người công dân Lorca, lại là nơi tỏa sáng tâm hồn anh. Hình ảnh thơ đẹp và buồn được viết theo lối tượng trưng nhằm bày nỗi xót thương cái chết của một thiên tài và nỗi xót tiếc hành trình cách tân nghệ thuật dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Lời thơ bộc lộ niềm trân trọng và niềm tin bất tử, bất diệt vào tiếng đàn Lor-ca.
Những câu thơ còn lại tiếp tục là những suy tư của nhà thơ Thanh Thảo về cái chết, cuộc giã từ của Lor-ca:
đường chỉ tay đã đứt
……………………………
li-la li-la li-la…
Đường chỉ tay đã đứt như biểu tượng cho thái độ chấp nhận định mệnh như một quy luật phũ phàng. Định mệnh hữu hạn đặt dấu chấm hết cho số phận một con người. Dòng sông rộng vô cùng là biểu tượng cho dòng sông số phận cũng là ranh giới giữa cuộc sống và cái chết, dòng sông vô hạn của thực tại và hư vô. Chiếc ghi ta màu bạc là biểu tượng cho cái đẹp của nghệ thuật. Nó trở thành con thuyền chở Lorca sang ngang đi vào cõi siêu sinh bất tử. Màu bạc của đàn ghi ta hư ảo một màu huyền thoại nhưng cũng có thể thấy sắc bạc ấy như sáng lên, ánh lên long lanh, lấp lánh của khát vọng tự do, những cách tân nghệ thuật mà Lor-ca một thời theo đuổi. Chàng nghệ sĩ ấy đã bỏ lại cuộc đời, ném lại tình yêu và số phận mình vào xoáy nước của cuộc đời đầy máu và nước mắt để ra đi. Ở giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa thực tại và siêu thoát, Lor-ca đã giã từ cuộc đời. Tác giả đã thể hiện Lor-ca với hai hành động: ném lá bùa cô gái Di-gan ném trái tim mình. Hai hành động này đã mở ra những cảm nghĩ về Lor-ca từ rất nhiều bình diện. Lor-ca đã hiện diện bằng trái tim đầy tình thương yêu nhưng mặt khác ta cũng thấy Lor-ca không còn nuối tiếc cái lá bùa hộ mệnh vào xoáy nước. Hành động ấy còn mang ý nghĩa tượng trưng: Lor-ca đã biểu hiện thái độ hoàn toàn chủ động trước cái chết. Lor-ca không chỉ thắng được bọn phát xít mà còn chiến thắng cả định mệnh.
Chuỗi âm thanh kết thúc bài thơ li-la li-la li-la là sự giao thoa giữa thanh âm và thi ảnh. Nó không chỉ gợi một cú vê ghi ta vang vọng sau khi lời ca đã ngừng mà còn gợi hoa Tử đinh hương- loài hoa có màu tím ngắt được người phương Tây ưa chuộng. Chuỗi âm thanh liên tiếp gợi hình ảnh những đoá hoa Tử đinh hương với những bông nở liên tiếp. Đó là hoa của Thanh Thảo, hoa của người đời dâng trước tượng đài Lorca, hay đó là những đoá hoa thể hiện sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ hay là những đoá hoa thể hiện sự sống bất diệt của nghệ thuật Lorca.
Kết bài : Tóm lại, đoạn thơ đã thể hiện khá rõ nét kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, mãnh liệt và phóng túng trong cảm xúc, âm điệu thơ luôn biến hoá, hình tượng thơ “mờ nhoè” trộn lẫn giữa thực và mộng (nhuốm màu sắc siêu thực) tạo thành một cấu trúc có tính mời gọi trái tim độc giả. Qua đó, nhà thơ khẳng định sự bất tử trong tiếng đàn nghệ thuật của Lor-ca, đồng thời thể hiện niềm ngưỡng mộ và đồng cảm sâu sắc, là nỗi đau vô hạn trước số phận bi thảm của nhà thơ .
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm tuyển tập đề thi và những bài văn hay về tác phẩm Đàn ghi ta của lor ca: Đàn ghi ta của lor ca

Bài viết gợi ý: