GỢI Ý LÀM BÀI
Các ý chính:
1. Giới thiệu vắn tắt về Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt
Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Kim Lân, in trong tập Con chó xấu xí. Vợ nhặt có tiền thân là truyện Xóm ngụ cư – viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Bản thảo chưa in thì bị thất lạc, sau này được tác giả viết lại.
2. Giá trị hiện thực của tác phẩm Vợ nhặt
- Bối cảnh của truyện ngắn Vợ nhặt là khung cảnh nông thôn Việt Nam vào một thời kì ngột ngạt và đen tối nhất - đó là nạn đói năm Ất Dậu 1945. Bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật buộc người nông dân phải nhổ lúa và hoa màu để trồng đay, phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Người dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lâm vào nạn đói khủng khiếp, gần hai triệu người chết đói. Hiện thực đau thương đó đã được phản ánh trong nhiều truyện của Nguyên Hồng, Tô Hoài và thơ của Văn Cao... Nhà văn Kim Lân cũng góp tiếng nói tố cáo của mình trong tác phẩm Vợ nhặt.
- Đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt là mặc dù không có một dòng nào tố cáo trực tiếp tội ác của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật, hình ảnh của chúng cũng không một lần xuất hiện, nhưng tội ác của chúng vẫn hiện lên một cách rõ nét. Khung cảnh làng quê ảm đạm, tối tăm. Những căn nhà úp súp. Những xác chết nằm cùng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của các người...
- Cuộc sống của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Tính mạng của con người lúc này thật rẻ rúng, người ta “nhặt” được vợ giống như nhặt cái rơm, cái rác ở bên đường. Thông qua tình huống truyện lấy vợ của Tràng, Kim Lân không chỉ nói lên được thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam trước Cách mạng, mà còn thể hiện được thân phận đói nghèo, bị rẻ rúng của người nông dân trong chế độ xã hội cũ (Chú ý phân tích cảnh bữa cơm đón nàng dâu mới ở nhà Tràng vào thời điểm đói kém: giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo... rồi nồi “chè khoán” nấu bằng cám). Ở phần cuối của tác phẩm, những nhân vật nghèo khó này cũng khao khát sự đổi thay về số phận. Chúng ta cũng thấy thoáng hiện lên niềm dự cảm của tác giả về tương lai, về cách mạng (qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng và những đoàn người đi phá kho thóc của Nhật).
3. Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt - Kim Lân đã viết về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng với một niềm đồng cảm, xót xa, day dứt. Nếu không có một tình cảm gắn bố thực sự với người nông dân, không trải qua những năm tháng đen tối ấy, không dễ gì viết nên được những trang sách xúc động và thấm thía đến thế. Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở chỗ, nhà văn đã phát hiện và miêu tả những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Mặc dù bị xô đẩy đến bước đường cùng, mấp mé bên cái chết, nhưng những người nông dân vẫn cưu mang, giúp đỡ nhau, chia sẻ cho nhau miếng cơm, manh áo. Hiện thực cuộc sống càng đen tối bao nhiêu (chú ý phân tích cảnh bà cụ Tứ chấp nhận cô con dâu mới trong lúc gia đình cũng đang rất khó khăn, không biết sống chết lúc nào, để làm nổi rõ tình người của họ).
- Kim Lân cũng thể hiện một sự trân trọng đối với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và mái ấm gia đình của người nông dân.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà cụ Tứ và vợ chồng Tràng vẫn luôn hướng tới một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc (cần chú ý những chi tiết diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ, thái độ của Tràng, vợ Tràng trong bữa ăn, rồi nhà cửa, sân vườn đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn ghẽ). Một cái gì mới mẻ, khác lạ đang đến với môi thành viên trong gia đình bà cụ Tứ và hé mở trước họ một niềm tin về tương lai.
4. Kết luận
Vợ nhặt là một tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân. Qua tác phẩm này, chúng ta không chỉ nhận thấy tài năng của nhà văn, sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ của ông về cuộc sống của người nông dân, mà điều quan trọng hơn đó chính là cái tâm, cái tấm lòng gắn bó thiết tha, sâu nặng của Kim Lân đối với những người lao động nghèo khó trước Cách mạng.