Đề bài: Phân tích truyện cười Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày

Bài làm

I - NHỮNG KIẾN THỨC BỔ TRỢ

1. Tri thức về thể loại

Truyện cười dân gian là những tác phẩm tự sự dân gian ngắn có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, có tác dụng gây cười nhằm mục đích giải trí hoặc phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu xa.

Để hiểu về truyện cười dân gian, trước hết ta phải hiểu được cái cười, cái đáng cười, tiếng cười hài hướcvầ tiếng cười trào phúng.

- Cái cười : Ngoài ý nghĩa cái cười là biểu hiện của trạng thái tâm lí con người “Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười”, cái cười theo quan điểm mĩ học luôn mang ý nghĩa nhận thức, nghĩa là nó phát hiện ra cái đáng cười. Khi chúng ta cười một hiện tượng nào đó, nghĩa là ta đã phát hiện ra cái đáng cười tồn tại trong các sự vật, hiện tượng. Tiếng cười thể hiện sự thắng lợi của trí tuệ và những xúc cảm thẩm mĩ của con người.

- Cái đáng cười: Là cái chứa đựng mâu thuẫn trong bản thân các sự vật, hiện tượng. Mâu thuẫn tồn tại trong cái đáng cười có thể được xem xét trên hai góc độ:

+ Góc độ thứ nhất: Trong sự vật, hiện tượng tồn tại sự trái ngược giữa nội dung và hình thức, giữa hiện tượng và bản chất hoặc có thể nói gọn hơn cái đáng cười là cái trái với tự nhiên. Cái đáng cười xét ở góc độ này mang đến cho ta tiếng cười hài hước, vui vẻ, có chức năng mua vui, giải trí, cũng có thể có tác dụng giáo dục nhẹ nhàng chứ chưa mang ý nghĩa phê phán, đấu tranh xã hội.

+ Góc độ thứ hai: Cái đáng cừời chứa đựng mâu thuẫn mang ý nghĩa xã hội, nghĩa là nó chứa đựng mâu thuẫn giữa cái tốt và cái xấu, cái trung thực và cái giả dối. Điều đặc biệt ở đây là cái xấu, cái giả dối không bao giờ chịu nhận mình là xấu "cái xấu không đành phận xấu" mà luôn mượn "áo khoác của cái đẹp, cái tiến bộ" để che đậy bản chất của mình. Cái cười vang lên khi sự giả dối đó bị khám phá, phát hiện. Tiếng cười xét theo góc độ ý nghĩa xã hội này được gọi là tiếng cười trào phúng.

Căn cứ vào ý nghĩa, chức năng của cái cười và cái đáng cười nêu ở trên, truyện cười dân gian được chia thành hai loại chính là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Hai truyện được chọn đưa vào SGK Ngữ văn 10 thuộc loại thứ hai: truyện cười trào phúng.

2. Một số điểm cần lưu ý

- Nhân vật truyện cười: Trong truyện cười dân gian, nhân vật chính hầu hết là chủ thể gây cười, chứa đựng mâu thuẫn đáng cười nên thường là nhân vật tiêu cực. Điều này khác với nhân vật chính của truyện cổ tích thần kì luôn mang tính chất lí tưởng theo quan niệm của nhân dân lao động. Nhân vật trong truyện cười thường tự bộc lộ cái xấu của mình. Truyện Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày cho ta thấy rõ điều đó. Truyện cười trào phúng cũng mang những cung bậc khác nhau : tiếng cười phê phán hướng tới những thói xấu cần sửa đổi trong nội bộ quần chúng nhân dân, tiếng cười châm biếm đả kích đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Khi cảm thụ tác phẩm, cần chú ý đến các cung bậc của tiếng cười phù hợp với các đối tượng. Tiếng cười hướng vào thói hư tật xấu của nhân dân không nên gọi là “đả kích”.

- Nghệ thuật gây cười: Nghệ thuật tạo dựng mâu thuẫn, tìm các tình huống đáng cười. Kết cấu truyện cười như kết cấu của màn kịch ngắn, có kịch tính, tình huống truyện, cao trào và mở nút. Chú ý đến sự phát triển của các chi tiết để mâu thuẫn bộc lộ dần và tiến đến cao trào.

- Kết cấu ngắn gọn nên tình tiết truyện cười được chọn lọc kĩ. Các chi tiết đều có ý nghĩa cần khai thác.

- Phương pháp phóng đại, cường điệu được sử dụng triệt để.

- Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật cần được chú ý khai thác để bộc lộ tình huống và tính cách nhân vật.

- Nghệ thuật kể chuyện cười cũng rất quan trọng. Do vậy, học sinh có thể tập kể chuyện cười một cách nghệ thuật.

II - PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1. Truyện Tam đại con gà

a) Đặc điểm về nội dung

Mở đầu truyện, tình huống mâu thuẫn đã được bộc lộ, tíre là cái cười đã được mai phục : "Xưa có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt". Ở anh học trò này chứa đựng mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, sự trống rỗng, dốt nát bên trong và sự khoe mẽ, lên mặt ta đây giỏi bề ngoài.

Từ sự giới thiệu khái quát chung đó, câu chuyện đi vào những chi tiết cụ thể : anh được mời dạy trẻ vì người ta tướng anh văn hay chữ tốt thật.

Vì thực chất kém cỏi, dốt nát mà lại nhận đi làm thầy dạy chữ nên tất nhiên anh học trò dốt phải đối mặt với những tình huống khó xử. Nhân buổi dạy sách Tam thiên tự, có chữ kê là gà với nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều "Dú dỉ là con dù dì”. Yếu tố hài hước là ở chỗ : thầy đi dạy chữ mà chữ tối thiểu cũng không biết, đã thế lại giấu dốt, dạy sai một cách liều lĩnh.

Do học trò hỏi gấp nên thầy cuống, nói liều chứ thầy cũng biết mình dốt nên bảo học trò đọc khẽ, "trong lòng vẫn thấp thỏm".

Chi tiết thầy khấn thổ công nhà chủ "xem chữ ấy có phải thật là dù dì không" và được thổ công "cho cả ba đài" là chi tiết dẫn dắt hợp lí, tạo cho kịch tính trong truyện tiếp tục phát triển. Trước khi khấn thổ công, thầy còn thấp thỏm, "bảo học trò đọc khẽ". Cách xử lí của thầy có phần thận trọng vì thực chất thầy biết được sự kém cỏi của mình nhưng lại muốn che giấu : Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ". Như vậy, ở tình huống khó xử này, thầy đồ đã tự bộc lộ cái dốt của mình. Chú ý cách kể chuyện rất sinh động, chính xác. Khấn thổ công xong, "thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to".

Tình huống tiếp theo là hệ quả tất yếu của tình huống thứ nhất. Dốt chữ mà đi dạy chữ, dạy chữ sai mà cứ tương là đúng, cho học trò đọc to (mâu thuẫn tăng thêm). Chi tiết bố đứa trẻ là người lao động cuốc đất ngoài vườn cũng biết chữ kê nghĩa là gà (thế mà thầy không biết) - tăng tính hài hước. Tác phẩm tự sự dán gian không chú ý miêu tả tâm lí nhân vật nhưng truyện cười này đã dành một câu miêu tả ý nghĩ của thầy. Thầy nghĩ thầm : “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”. Chi tiết này có ý nghĩa quan trọng làm tiếng cười thêm phần thú vị, nhưng cũng để chuẩn bị cho cái đáng cười ở phần tiếp theo. Ý nghĩ ấy khắng định rằng không phái thầy nghĩ mình đúng mà thực chất là biết mình sai. Biết là sai nhưng tiếp tục giấu dốt, tìm cách chống chế cho cái dốt của mình nên càng kích thích cho tiếng cười phát triển. Quả thật là quá liều lĩnh khi ông đồ rởm nói rằng : "Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ kê, mà kẽ nghĩa là gà, nhưng tồi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam dại con gà kia". "Thế này nhé ! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà !".

Từ lời giới thiệu khái quát đầu truyện đến kết thúc truyện, anh học trò làm thầy dạy trẻ đã tự bộc lộ cái mâu thuẫn trái tự nhiên của mình. Theo lẽ tự nhiên, đi lảm nghề thày đồ là phải hay chữ thì anh ta lại dốt chữ. Nghề gì thì cổ thê kém chữ chứ chọn nghề thầy mà dốt chữ thì nực cười lắm thay ! Truyện cười đã khai thác vào vấn đề bản chất nhất của mỗi đối tượng gây cười, cỏ thể so sánh với một sô truyện cười khác như chuyện thầy lang chữa bệnh bốc thuốc nhầm làm người bệnh chết, thầy cúng không đọc đúng tên người cần cúng vì đọc nhầm sớ của nhà khác,... Các thầy hành nghề vì miếng cơm manh áo mà không có đạo đức nghề nghiệp. Mâu thuẫn khác ở đây là dốt nhưng lại giấu dốt, luôn khoe mình văn hay chữ tốt. Từ mâu thuẫn đó, anh đồ dốt đã tự đưa mình vào những tình huống bất lợi và phái tự bộc lộ mình. Anh ta càng cố che giấu thì người nghe càng nhận thấy sự dốt nát nhưng liều lĩnh, bất chấp đúng sai của anh ta.

Dây là truyện cười trào phúng mang ý nghĩa phê phán cái xấu trong nội bộ nhân dân. Ở đời, dốt làm nghề gì cũng khổ, nhưng làm nghề thầy, dạy chữ cho người mà dốt thì vỏ cùng tai hại. Vả chăng, nếu biết mình dốt thì phải học hỏi cho tiến bộ chứ chỉ lo giấu dốt, che đậy cái dốt của mình thì anh ta luôn lâm vào tình thế bất lợi và chỉ trở thành trò cười cho thiên hạ. Tuy nhiên tiếng cười ở đây không phải là tiếng cười đả kích nên vẫn làm cho người nghe cười vui vẻ và soi vào tấm gương đó đế tự răn mình. Ý nghĩa tích cực của tiếng cười dân gian là ở chỗ đó.

b) Đặc điểm về nghệ thuật

- Mâu thuẫn được bộc lộ ngay từ đầu, không gói kín để tạo bất ngờ như ở một số truyện khác. Tuy nhiên, kịch tính của truyện vẫn tăng cao bới sự dẫn dắt hợp lí, tự nhiên, sinh động, có sự tăng tiến của các chi tiết tạo được sự bất ngờ thú vị.

- Kết cấu ngắn gọn, chặt chẽ. Các chi tiết đều có ý nghĩa cần khai thác.

- Nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn. Ngôn ngữ ngưòi kể chuyện kết họp với ngôn ngữ nhân vật (có ưu tiên cho việc thể hiện ý nghĩ của thầy) : “Thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to...", "Thầy mới nghĩ thầm : Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa".

- Nghệ thuật phóng đại, cường điệu cái dốt, cái liều của nhân vật thầy đồ.

2. Truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

a) Đặc điểm về nội dung

Đây là một truyện cười rất ngắn. So với. truyện Tam đại con gà và nhiều truyện khác, truyện này ít tình tiết hon. Nó như một màn kịch rất ngắn nhưng hấp dẫn với sự xuất hiện của ba nhân vật. Mỗi chi tiết đều cần khai thác triệt để.

Mở đầu truyện là lời giới thiệu về một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi ở "làng kia". Ta gặp cách giới thiệu mang tính chất phiếm chi trong truyện cười nói chung về nhân vật (viên lí trướng), địa điểm (làng kia), thời gian (một hôm nọ). Giống như ở truyện cổ tích, tính phiếm chỉ trong truyện cười giúp tăng cường tính khái quát, ý nghĩa mà truyện phản ánh mang tính phổ biến ở nhiều vùng, nhiều đối tượng chứ không chỉ ở địa phương nào. Tên Cải, Ngô cũng là một cách nói thực chất không mang tính xác định.

Sự việc được kể rất ngắn gọn : “Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng”. Diễn biến tình tiết đã lộ ra tình huống có vấn đề, buộc người nghe phải chụ ý xem trong tình huống này thì một thầy lí nối tiếng xử kiện giỏi sẽ xử vụ kiện này thế nào.

Khi xử kiện, thầy lí cho Ngô thắng, còn Cải bị đánh mười roi. Vì đã lo lót thầy trước và được thầy nhận lễ, nên Cải bị bất ngờ, lâm vào tình thế bị động trước lời phán xét của thầy lí. Sự bất ngờ ấy thể hiện ở việc "Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm : Xin xét lại, lẽ phải về con mà !". Lời nói của Cải chứng tỏ Cải tin mình sẽ được xử thắng vì theo Cải, lẽ phải được xem xét bằng tiền. Cải đã đưa ra một "ám hiệu” là năm ngón tay, cái nhìn và lời nhắc khẽ để nhắc nhở thầy lí về hành động biện lễ của mình.

Đến đây mâu thuẫn tăng đến cao trào bởi Cải đã dường như muốn lật bài ngửa. Nếu như vậy thì thầy lí sẽ xử sự ra sao ?

Thật bất ngờ, đáp lại hành động kì quặc của Cải là hành động cũng kì quặc của thầy lí. Sự kết hợp giữa lời nói và động tác của hai nhân vật tạo nên một tín hiệu đặc biệt, một thứ "mật ngữ". Lời được phát ngôn công khai cho tất cả mọi người cùng nghe. Mật ngữ (động tác xoè ngón tay) thì chỉ hai người trong cuộc biết rõ "ý tại ngôn ngoại". Hành động kì quặc đó được “giải mã” bởi lời nói của thầy lí kèm theo hành động : "Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, nói : Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bàng hai mày !".

Giữa ngón tay - tiền - lẽ phải có mối liên hệ mật thiết. Ngón tay thể hiện số lượng tiền, tiền để đo lẽ phải. Theo cái lí của thầy lí thì lẽ phải là tiền, được đo bằng tiền. Tiền quyết định lẽ phải, tiền nhiều thì lẽ phải nhiều, tiền ít thì lẽ phải ít. Giá trị tố cáo của truyện cười chính là ở chỗ đó. Trong xã hội mà mọi thứ được đo bằng tiền thì thử hỏi công lí tồn tại ở đâu ?

Một thầy lí nổi tiếng xử kiện giỏi mà còn như vậy. Thầy ăn của đút cả hai phía, "đục nước béo cò", "đòn xóc hai đầu" mà lại trắng trợn công khai trước công đường với lời nói và hành động nực cười. Thầy lí đại diện cho những kẻ có quyền thế, "cầm cân nảy mực" trong làng hiện ra là kẻ ăn của đút trắng trợn. Nghệ thuật chơi chữ được thể hiện qua chữ phải : “Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bàng hai mày !”.

Phải là tính từ chỉ tính chất thì ở đây lại được khéo léo chuyển nghĩa sang từ chỉ số lượng, vì đằng sau lẽ phải, cái đong đếm lẽ phải là tiền “mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày !”.

Cả ba nhân vật trong truyện đều là nhân vật gây cười. Lí trưởng là đối tượng bị đả kích còn Ngô và Cải cũng là nhân vật bị phê phán. Cải và Ngô tuy là nạn nhân nhưng là những kẻ tiếp tay cho việc làm đổi thay công lí, nhập nhằng đen trắng bàng việc đút lót cửa sau.

b) Đặc điểm về nghệ thuật

Về cơ bản giống truyện Tam đại con gà nhưng ngắn gọn hơn, giàu kịch tính hơn. Tính cách nhân vật lí trưởng được giấu kín, chỉ bộc lộ ở cuối truyện, tăng tính bất ngờ.

Sự kết họp giữa hành động và ngôn ngữ nhân vật, lối chơi chữ tạo nên tình huống gây cười.

Bài viết gợi ý: