Soạn bài cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác
(Cáo thật thị chúng)
I. Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Hai câu thơ đầu nói lên quy luật nào của tự nhiên? (Quy luật vận động biến đổi? Quy luật tuần hoàn? Quy luật sinh trưởng?). Nếu đảo câu thơ 2 lên vị trí câu thơ đầu thì ý thơ khác nhau như thế nào? Đảo như thế, trong những quy luật trên, quy luật nào giữ nguyên, quy luật nào bị ảnh hưởng. Vì sao?
Hai câu thơ này nói lên quy luật hóa sinh của tự nhiên. Hoa cũng như người, không thể mãi đứng yên, bất biến. Tất cả đều vận động theo một quy luật biến đổi tuần hoàn, có sinh rồi có diệt. Đó là lẽ tự nhiên của mọi vật trong trời đất.
Nếu ta đảo câu thơ 2 lên vị trí câu thơ đầu thì ý thơ sẽ thay đổi. Ở đây tác giả nhìn nhận tự nhiên theo quy luật: xuân qua rồi thì xuân sẽ tới, hoa rụng rồi sẽ có hoa tươi. Một cái nhìn hết sức lạc quan. Theo cách nhìn này thì vòng đời cứ thế mở ra, cái sau tiếp nối cái trước. Bánh xe luân hồi không ngừng chuyển động. Vong sau tươi đẹp hơn vòng trước. Nếu đảo câu 2 lên vị trí của câu đầu thì quy luật tự nhiên ở đây được nhìn nhận theo cách nhìn hoàn toàn khác: xuân tới rồi xuân qua, hoa tươi rồi hoa rụng. Cách nhìn này đi theo chiều hướng khác, một cái nhìn bi quan. Vòng luân hồi như bị khép lại.
Câu 3. Câu thơ 3 và 4.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi.
Là hai câu thơ nói lên quy luật tự nhiên của vòng đời con người theo quan niệm Phật giáo: sinh, lão, bệnh, tử. Trong khi đó, dòng thời gian cứ trôi, vô thủy vô chung, không chờ đợi ai. Thời gina là vô tận, không gian là mênh mông và cuộc sống con người chỉ như một khoảnh khắc… hai câu thơ như một tiếng thở dài nuối tiếc khe khẽ. Mặc dù sư Mãn Giác đã hiểu được hết, nắm được hết các quy luật hóa sinh trong cuộc đời nhưng vẫn không thể không tiếc nuối, xót xa trước bước đi của thời gian. Tâm trạng tiếc nuối đó bắt nguồn từ sự tha thiết đối với cuộc sống, cái mong muốn dâng hoa, cái mật cho đời mãi cuộn dâng trong lòng tác giả. Con người hiểu được, ý thức được cái ngắn ngủi nhưng quý giá của cuộc đời nên đã không sống hoài, sống phí mà sống một cách đầy ý nghĩa, sống hết kích thước cuộc sống và sẽ tìm được mùa xuân vĩnh cửu trong tâm hồn.
Câu 3. Hai câu thơ cuối có phải là tả thiên nhiên không? Câu thơ đầu khẳng định “Xuân qua, trăm hoa rụng” vậy mà hai câu cuối lại nói xuân tàn vẫn nở hoa. Như thế có mâu thuẫn không? Vì sao? Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng cành mai trong câu thơ cuối?
Hai câu thơ cuối này không đơn thuần chỉ là miêu tả thiên nhiên mà qua hai câu thơ cuối này cho ta thấy một quan niệm phật giáo hết sức minh triết được rút ra: khi con người đã giác ngộ đạo (cũng có nghĩa là đã hiểu chân lí, nắm được quy luật của cuộc đời thì có thể có được sức mạnh lớn lao, vượt lên trên lẽ hóa sinh thông thường. Như thiền sư đã đắc đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt, như cành mai kia vẫn đơm bông bất chấp xuân tàn.
Ở hai câu thơ đầu, tác giả đã khẳng định “Xuân qua, trăm hoa rụng” nhưng trong câu thơ này hình ảnh một cành mai phơi phới hiện ra bất chấp xuân tàn là một sự vô lí, vô lí nhưng lại mang một ý nghĩa triết lí sâu sắc, toát lên niềm lạc quan tươi sáng, gợi nên một sự sinh sôi bất diệt, sự sống dồi dào và tươi mới luôn có thể vượt qua được mọi hoàn cảnh để vui sống, khẳng định một niềm tin bất diệt vào tương lai. Cành mai báo hiệu mùa xuân hiện ra ở cuối bài thơ vượt qua sương giá mà nở hoa mang một ý nghĩa thâm sâu và tinh vi như cái thẳm sâu của Phật pháp vậy.
Câu 4. Qua bài kệ, anh (chị) hãy làm sáng tỏ lòng yêu đời và cái nhìn lạc quan của tác giả.
Bài thơ toát lên niềm yêu đời, lạc quan và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống của mãn giác thiền sư. Từ sự hiểu được những quy luật hóa sinh đến việc chấp nhận nó, thuận theo tự nhiên và sống lạc quan an nhiên và tự tại. Hai câu cuối khái quát nên nội dung của toàn bài. Những từ ngữ mạnh, mang nặng tính khẳng định như “chớ bảo”, “một cành mai” khiến thời thơ cô đọng. Từ việc nhìn thấy cái lẽ sinh – tử của đời người, cất lên những tiếng thở dài cho đến cái nhìn phóng khoáng, thông tuệ, tràn ngập ánh sáng của một ngày mới chứng tỏ ở Mãn Giác thiền sư đã có sự giác ngộ sâu sắc. Cành mai cuối bài hiện ra như sự tiếp nối cho vòng xoay của bánh xe luân hồi: điểm khởi đầu của bài thơ là “xuân tàn” và kết thúc là một hình ảnh đầy sức gợi – “cành mai” hiện ra thể hiện một lối tư duy, một cái nhìn mang đậm tinh thần lạc quan của tác giả.