SOẠN BÀI TẬP ĐỌC PHÂN XỬ TÀI TÌNH
A. KĨ NĂNG ĐỌC DIỄN CẢM
Âm điệu chung của toàn bài là âm điệu của người kể chuyện: Đọc rõ ràng, trôi chảy, ngừng nghỉ đúng chỗ các dấu câu. Luôn thay đổi giọng đọc phù hợp với nội dung lời nói của từng nhân vật trong truyện nhằm bộc lộ tính cách của từng nhân vật.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG BÀI
1- Phân đoạn: Chia làm 3 đoạn để luyện đọc.
- Đoạn 1: Từ đầu đến... “Bà này lấy trộm”.
- Đoạn 2: Tiếp đoạn 1 cho đến... “cúi đầu nhận tội”.
- Đoạn 3: Phần còn lại của câu chuyện.
2- Nội dung bài:
Câu 1: Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc gì?
Trả lời: Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử về một tấm vải. Người nào cũng tự nhận tấm vải đó là của mình nên không ai chịu nhường cho ai. Người này tố cáo người kia là kẻ trộm.
Câu 2: Quan án đã dùng những biện pháp nào để tìm ra người lấy cắp vải? Vì sao cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp?
Trả lời: Quan án đã dùng các biện pháp sau để tìm ra người lấy cắp vải.
+ Cho đòi người làm chứng (nhưng không có người làm chứng).
+ Cho lính về nhà của hai người để điều tra (nhưng không tìm được chứng cứ).
+ Sai lính xé tấm vải làm đôi đưa cho mỗi người một nửa. Tức thì có một người bật khóc. Quan bèn sai lính đưa toàn bộ tấm vải cho người vừa khóc, và thét lính trói người đàn bà kia lại.
- Quan cho rằng kẻ không khóc chính là kẻ ăn cắp vải. Vì khi tấm vải xé ra, người có tấm vải đích thực mới ấm ức, tiếc công lao của mình vất vả lắm mới có được tấm vải nên người ta khóc. Còn kẻ không làm ra tấm vải thì dửng dưng trước việc tấm vải bị xé đôi. Vì thế mà quan thét lính trói người đàn bà không khóc lại. Người đàn bà đó chính là kẻ ăn cắp.
Câu 3: Kể lại cách quan án tìm kẻ lấy trộm tiền nhà chùa.Trả lời: Khi nghe sư cụ nhờ quan án tìm ra kẻ lấy trộm tiền của nhà chùa, quan án yêu cầu sư cụ tập trung toàn bộ sư vãi, kẻ ăn người ở trong chùa, giao cho mỗi người cầm nắm thóc và nói: “Đức Phật rt thiêng. Ai gian, Phật sẽ làm cho thóc trong tay của mỗi người nảy mầm. Như vậy ngay, gian sẽ rõ”. Có một chú tiểu mới chạy được mấy vòng đã hé bàn tay cầm thóc ra xem. Quan án lập tức cho bắt chú tiểu đó. Chú tiểu kia đành nhận tội. Vì những kẻ có tật bao giờ cũng hay giật mình.
Câu 4: Vì sao quan án dùng cách trên? Chọn ý trả lời đúng.
a) Vì tin là thóc trong tay kẻ gian sẽ nảy mầm.
b) Vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt.
c) Vì cần có thời gian để thu thập chứng cứ.
Trả lời: Chọn ý (b): Vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt.