Soạn bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
I. Yêu cầu của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
1. Phỏng vấn
Phỏng vấn là phương thức hỏi đáp trong hội thoại nhằm thu nhận thông tin trực tiếp từ một đối tượng. Ví dụ : phỏng vấn người vừa đạt huy chương vàng trong một kì thể thao nào, phỏng vấn một chuyên gia chống virut… Phỏng vấn có thể tiền hành bằng nhiều hình thức như phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn bằng phiếu câu hỏi, phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn qua thư điện tử… trong đó hình thức thường gặp nhất là phỏng vấn trực tiếp. Trong phỏng vấn, năng lực tư duy và diễn đạt (đặc biệt là khả năng trình bày miệng) của những người tham gia cũng như năng lực ứng xử trong văn hóa giao tiếp được bộc lộ rõ.
Hình thức phỏng vấn đang được sử dụng khá phổ biến trên báo chí và trong đời sống xã hội. Đối với học sinh, việc tham gia vào các cuộc phỏng vấn, trả lời phỏng vấn thường gặp ở nhà trường. Điều này góp phần rèn luyện khả năng quan sát, phân tích, thái độ chủ động, tự tin cũng như các kĩ năng giao tiếp.
2. Yêu cầu của phỏng vấn
a. Đối với người phỏng vấn
Với mục đích khai thác, thu nhận thông tin, người phỏng vấn cần chuẩn bị chu đáo cho cuộc phỏng vấn.
- Trước khi phỏng vấn : cần xác định rõ mục đích phỏng vấn ; có sự hiểu biết nhất định về nội dung và đối tượng phỏng vấn, từ đó xây dựng đề cương phỏng vấn với các câu hỏi thích hợp.
- Trong khi phỏng vấn : cần có thái độ tôn trọng người phỏng vấn và tôn trọng các quy tắc giao tiếp. Cần đặc câu hỏi một cách dễ hiểu để người được phỏng vấn nắm bắt ý đồ phỏng vấn, tránh đặt vấn đề quá phức tạp hoặc chung chung, tránh những câu hỏi thiếu tê nhị hoặc xúc phạm đến người được phỏng vấn. Cần lắng nghe, ghi chép, suy nghĩ về các câu trả lời để phát triển mạch phỏng vấn hiệu quả nhằm khai thác thông tin một cách tối đa. Cần xem phỏng vấn là một cuộc trò chuyện, không nên làm bầu không khí phỏng vấn trang nghiêm, kém thân mật.
- Sau phỏng vấn : cần sử dụng một cách trung thực những thông tin thu nhận được, sau khi có sự đồng ý của người được phỏng vấn để đăng tin, công bố bài phỏng vấn (trong phỏng vấn báo chí) hoặc để làm căn cứ nhận xét, đánh giá về người được phỏng vấn (trong phỏng vấn tuyển chọn, sát hạch). Bài phỏng vấn thường được trình bày theo hình thức hỏi đáp trực tiếp, hoặc có thể theo lối tường thuật.
b. Đối với người được phỏng vấn
Là người cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm, sự hiểu biết của mình trước một vấn đề, người được phỏng vấn cần chuẩn bị chu đáo những kiến thức, kĩ năng liên quan đến vấn đề phỏng vấn, đồng thời có trách nhiệm đối với thông tin mà mình cung cấp.
Người được phỏng vấn có thể trả lời hoặc không trả lời câu hỏi, tuy nhiên nên có thái độ cởi mở, hợp tác trong đối thoại, có sự tự tin và khả năng phản xạ nhanh trước các tình huống đặt ra, đồng thời tránh trả lời lan man, dài dòng, xa rời trọng tâm.
II. Luyện tập
Bài tập 1. Cần quan sát hoặc đọc kĩ nội dung cuộc phỏng vấn để đưa ra nhận xét chính xác nhất. Nên thảo luận theo từng nhóm để lấy ý kiến đa số.
Bài tập 2. Cần nêu ra nhược điểm nào có tính chất phổ biến, dễ thông cảm và có thể sửa chữa được để cho thấy mình là người trung thực nhưng không làm trở ngại công việc của mình.
Bài tập 3. Chuẩn bịc các câu hỏi xoay quanh chủ đề về đọc sách, xem phim, thưởng thức văn nghệ… trong đó chu ý không nên sa vào các chi tiết vụn vặt. Mở đầu bản câu hỏi phải có lời chào và kết thúc phải có lời cảm ơn, các câu hỏi đi từ dễ đến khó.
Việc trả lời các câu hỏi cũng cần tính chất đầy đủ và dí dỏm, phù hợp với sự cảm thụ của lứa tuổi với vấn đề được hỏi.